CHÙA LINH SƠN
ĐÀ LẠT
Sơn sắc đạm tùy nhân nhập viện;
Tùng thanh tĩnh thính khách đàm thiền.
Đôi câu đối ở trước tiền đường đã tả được cái cảnh thanh tịnh của ngôi chùa trên ngọn đồi vắng vẻ.
Từ khu Hòa Bình đi theo con đường Nguyễn Văn Trỗi về hướng Bắc, sẽ thấy ngay trước mắt ngôi chùa và ngọn tháp ẩn hiện dưới những cây thông già. Khuôn viên chùa rộng khoảng bốn hécta, chung quanh nổi bật lên màu xanh của các cây trà và cà phê tươi tốt. Mặt tiền chùa hướng về phía Tây Nam và nhìn về phía thành phố, cách xa độ 700m.
Từ cổng tam quan đi vào trong sân chùa, hai bên có những cây thông, bạch đàn và sao cao vút quanh năm đứng rì rào trước gió.
Ở bên trái sân chùa có những hồ kiểng với những đàn cá vàng bơi lội hoặc lững lờ mặt nước như muốn nghe kinh. Lại có những tảng đá hình dạng kỳ lạ, lấy từ núi xa về, được sắp xếp một cách khéo léo bên hồ kiểng, cạnh khóm hoa, tạo thành những cụm giả sơn trông rất lạ mắt.
Chùa được xây từ năm 1936, đến năm 1940 mới hoàn thành, theo lối kiến trúc Á Đông với các bờ mái thoai thoải xuôi. Trên nóc chùa có hai con rồng chầu mặt nguyệt nổi bật lên nền trời xanh mây trắng.
Bên phải tiền đường là gác chuông, bên trái là giá trống. Chuông đúc năm 1950, nặng 4 tạ, cao 1,8m. Chuông có tiếng rất thanh nên ngân dài và lan tỏa ra khắp một vùng trong thành phố.
Bên gác chuông là bảo tháp thờ Phật cao 14m, ba tầng mái ngói, xây theo hình bát giác, trên đỉnh tháp có đóa sen chớm nở. Tháp trông cũng nguy nga và có một vẻ đẹp riêng biệt.
Lối vào tiền đường đã được lát bê tông. Có mười hai bậc thềm dẫn vào chính điện, hai bên có hai con rồng uốn khúc chạy dài xuống.
Trên những dãy cột trước tiền đường, hai cột giữa có đôi câu đối:
“Lâm Viên tại xứ tác kỳ viên, thái tử thụ, trưởng giả kim, đương niệm hiện thành, cổ kim như thị;
Đà Lạt bổn lai chân cực lạc, thất trùng lâu, bát đức thủy, duy tâm nhược ngộ, bỉ thử hà phân.”
Trong chùa bài trí rất trang nhã nhưng tôn nghiêm. Chính giữa chính điện thờ một tượng Phật Thích Ca bằng đồng đúc vào năm 1952. Lễ khánh thành pho tượng được đặt dưới sự chứng minh của Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, khi ấy là Hội chủ Giáo hội Tăng già Trung phần Việt Nam.
Bên phải có bàn thờ các Thánh tử đạo. Bên trái có bàn thờ hậu công đức và hương linh.
Phía trái chùa là tổ đường gồm năm gian: ở giữa đặt bàn thờ Tổ, hai bên là phương trượng và tăng phòng. Phía trước tổ đường là nhà khách và phòng phát hành kinh tượng.
Giữa tổ đường và nhà khách có một khoảng sân rộng; ở đây có bày nhiều chậu kiểng trồng các loại hoa địa lan, phong lan, cúc, thược dược… Có cả một hòn non bộ và đẹp nhất là hai cây tùng, lá xanh bốn mùa, xa trông như hai ngọn tháp cao vút.
Sau tổ đường là trai phòng rồi tiếp tới tăng đường. Cạnh phòng phát hành kinh tượng là một tòa nhà ba tầng: tầng trên là nơi nghỉ của Hòa thượng Viện chủ và phòng khách dành cho chư tôn túc; tầng giữa là văn phòng của Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng; tầng trệt là chỗ nghỉ của các sa di.
Phía dưới tăng đường là nhà trù dài 24m, rộng 16m, gồm năm phòng: phòng ăn, phòng kho, phòng ngủ của các tịnh nhân, phòng chứa đồ nông cụ và phòng chế biến trà. Trà Linh Sơn nổi tiếng là thơm ngon tinh khiết.
Về phía Đông chùa khoảng 50m là dãy giảng đường có 800 chỗ ngồi. Nơi đây, Đại hội Văn hóa Giáo dục Phật giáo toàn quốc kỳ III (từ ngày 18-6-1970 đến ngày 21-6-1970) đã về họp với trên 300 đại biểu. Bên cạnh đó có Trường trung học Bồ Đề, nay là Trường phổ thông cấp II Nguyễn Du.
Bên kia đồi về phía Nam chùa, độ 100m, là Ký nhi viện và Chẩn y viện – hoạt động trước năm 1975. Nhìn về phía Tây chùa, chừng 20m, là nhà vãng sanh và tịnh đường để cốt những người quá vãng.
Chùa Linh Sơn là một thắng cảnh của thành phố Đà Lạt. Du khách trong nước và nước ngoài đến Đà Lạt thường tới chiêm bái và tham quan chùa, nhất là mùa xuân thì tấp nập như trẩy hội.