Lễ động thổ sau ngày mùng 3 Tết

Lễ động thổ sau ngày mùng 3 Tết

Động thổ nghĩa là động đến đất. Vậy lễ động thổ nghĩa là động tới đất, và trong khi động thổ đất phải có lễ cúng Thổ Thần để trình xin bắt đầu động thổ cho một năm mới.
Nguồn gốc lễ động thổ bắt đầu từ xa xưa. Nghi thức của lễ động thổ là: đào một ao, ở giữa có một nền tròn; trên nền tròn có nắm bệ, trên mỗi bệ đều có lễ Tam Sinh gồm bò, dê, lợn. Lễ phục của các vị chủ tế và bồi tế đều màu vàng.
Xưa kia, tại Việt Nam lễ này cũng được tổ chức từ triều đình tới nhân dân, nhưng về sau lễ này chỉ còn tồn tại trong dân chúng. Còn tại triều đình, Thần Đất đã được tế trong dịp tế Nam Giao.
Hàng năm, sau ngày mùng ba Tết, tại các làng có làm lễ động thổ để cho dân làng có thể đào bới, cuốc xới được. Thực ra, ngày làm lễ động thổ không nhất định là ngày nào, nhưng để giúp dân chúng tiện việc làm ăn, nhiều làng thường cử hành lễ này sau ba ngày Tết. Các bậc kỳ lão và quan viên được cử làm chủ tế và bồi tế để cúng Thần Đất. Lễ vật cũng gồm hương đăng, trầu rượu, y phục và kim ngân đồ mã.
Trong buổi lễ, ông chủ tế với áo thụng xanh cuốc mấy nhát xuống đất để lấy một cục đất đặt lên bàn thờ, tường trình với Thổ Thần xin cho dân làng được động thổ. Sau buổi lễ động thổ này, dân làng mới được động tới đất. Ai cuốc xới trước lễ động thổ thì bị dân làng bắt vạ. Trong ba ngày Tết, nếu không may có ai mệnh chung, tang gia phải quàn lại trong nhà, đợi lễ động thổ xong mới được đào huyệt để an táng cho người đã khuất.

Lễ bồi hoàn địa mạch

Theo quan niệm của người xưa, khi một gia đình nào đó đào đất, lấp ao, khơi rãnh, xây tường không may làm tổn thương đến Long mạch, thì những người sống trong gia đình đó dễ gặp tai họa, vận rủi, điềm xấu… Do đó, gia chủ phải làm lễ bồi hoàn địa mạch để giải trừ tai họa, vận xấu.
Để tránh được tai họa, gia chủ phải lấy nước ở ba con sông, hòa với năm loại đất lính để nặn Thần Quy (Thần Rùa), cho chỉ năm màu vào thân rùa. Sau đó, chọn các ngày Thiên Xá, Thiên Nguyên, Địa Nguyên, Cường Nhật, Trùng Mậu, Trùng Kỷ rồi tìm nơi đào đất tạo thành hố, bày lễ hoa quả ứng với Ngũ hành (năm màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, đen (hoặc tím), cùng lễ mặn ứng với Ngũ hành, hoa năm màu, hướng, vàng mã…) khẩn cầu theo bài văn khấn bồi hoàn địa mạch.