Đền Hạ Lôi, hay còn gọi là đền Hai Bà Trưng, thuộc thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Đền thờ hai vị liệt nữ – anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị – những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán vào năm 40-43 (sau Công nguyên), giành lại nền độc lập, tự chủ cho dân tộc.
Hội đền Hạ Lôi được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm, tương truyền đây là ngày Hai Bà mở tiệc khao quân. Theo bia khắc năm 1899, đền được sửa lại vào năm ấy. Dân trong vùng đến dự hội rất đông. Hội có lệ cúng bánh dày và những trò vui cổ truyền như: đấu cờ, đấu vật, chơi đu,… rất sôi nổi.
Đền Hạ Lôi có ba cỗ kiệu: hai cỗ kiệu rước thánh vị Hai Bà sơn son thiếp vàng, kiệu thứ ba rước ông Thi Sách, được sơn đen tuyền.
Sáng mùng 6 tháng Giêng, sau khi tế ba tuần rượu, chiêng trống nổi 3 hồi 9 tiếng, sửa soạn cuộc “rước kiệu hội đồng”. Dẫn đầu đám rước là hàng cờ hội. Ba kiệu xuất phát từ sân đình, theo thứ tự: kiệu ông Thi Sách, kiệu bà Trưng Trắc, kiệu bà Trưng Nhị. Kiệu ông Thi Sách do 32 chàng trai khiêng, kèm theo với 32 người dự bị. Họ đều mặc đồng phục nghi lễ: áo dài đen, quần trắng, thắt lưng màu ra ngoài, buộc múi bên sườn trái, đầu chít khăn lượt. Kiệu Hai Bà do 32 cô gái khiêng, với đồng phục: áo dài tứ thân nâu, váy đen, hai vạt thắt lưng màu buộc ra sau, đầu chít khăn màu.
Đám rước đi chầm chậm trong tiếng trống, chiêng, âm nhạc rộn rã. Qua cửa tam quan, tới đường cái làng gọi là đường Trống Quân, kiệu ông Thi Sách dừng lại để kiệu Hai Bà lên trước. Tục này gọi là “giao kiệu”, một hành động lễ nghĩa theo phong tục “nội gia huynh đệ, ngoại quốc quân thần” (trong nhà là anh em, ra ngoài việc nước là vua tôi). Đám rước đi theo đường Trống Quân tới đường cái, rồi tiến thẳng về đình để “hội đồng” với bốn vị thành hoàng Đô, Hồ, Bạch, Hạc và thánh Cốt Tung. Trong khi rước, hai tốp thanh niên nam nữ vừa múa, vừa hát bài ca rất khổ, tương truyền có từ thời đó.
Trong thời gian lễ hội còn có các lễ tế dâng hương cầu phúc của các đoàn tế xã, phường ở thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, diễn ra trong tất cả các ngày lễ hội.
Song song với phần Lễ diễn ra ở trong đền là phần Hội diễn ra bên ngoài khu vui chơi với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, hấp dẫn, đặc biệt là môn đấu vật, thể hiện tinh thần thượng võ.