Chùa Thiên Mụ – Danh Lam Cổ Tự Hơn 400 Năm Ở Xứ Huế

CHÙA THIÊN MỤ

Chùa Thiên Mụ là một đại danh lam và là ngôi chùa cổ nhất ở Huế. Tính đến nay (1999), chùa đã có lịch sử dài hơn 400 năm. Chùa tọa lạc trên một ngọn đồi cao, phía tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế chừng 6km.

Từ lâu, ngọn đồi này đã mang tên là đồi Hà Khê. Vào thời Lê – Mạc, đồi nằm ở phía nam xã Giang Đạm, huyện Kim Trà, tức xã An Ninh, huyện Hương Trà về sau. Phía tây ngọn đồi, sông Hương từ ngã Long Hồ chảy về, tạo thành một vịnh rất rộng, cho nên cảnh trí đồi Hà Khê là nơi “sơn triều thủy tụ” tuyệt đẹp. Đồi lại giống như đầu rồng ngoảnh nhìn về nơi núi mẹ phát tích; khoa phong thủy gọi đây là thế đất “long hồi cố tổ”, một thế đất cực kỳ quan trọng trong việc các chúa Nguyễn định đô ở Phú Xuân, tức Kinh thành Huế sau này.

Cuốn sách xưa nhất nhắc đến chùa Thiên Mụ là Ô Châu cận lục của Tiến sĩ Dương Văn An (1513 – ?), chức Tiền Lại khoa Đô Cấp sự trung, nhuận chính vào đời Mạc Cảnh Lịch (năm 1555). Sách viết:
Thiên Mụ tự – Kim Trà huyện, Giang Đạm xã chi nam. Thượng cư sơn lĩnh, hạ chẩm giang lưu, siêu trần thể chi tam thiên. Cận thiên biên chi chí xích. Khách hữu tản bộ đăng lâm, bất tự tri kỳ phát thiện tâm tiêu tục quảng thành phương trượng chi cảnh trí dã.
(Chùa Thiên Mụ ở phía nam xã Giang Đạm, huyện Kim Trà, trên đỉnh núi, dưới gối dòng sông, tưởng như gang tấc với trời cao, vượt hẳn ba nghìn thế giới. Khách đến dạo chơi thưởng lãm, bất giác lòng lành phát khởi, bụi trần tan sạch, đúng là cảnh non Bồng nước Nhược vậy).

Như thế, có lẽ từ khi Đại Việt tiếp nhận hai châu Ô, Rí do Chămpa dâng nạp trong lễ cưới Huyền Trân Công chúa (năm 1306), tại vùng đồi này đã có một nơi thờ tự do người Chămpa để lại. Nhưng về sau, trên phế tích tín ngưỡng ấy, người Đại Việt đã dựng nên ngôi chùa mới.

Chùa ban đầu mang tính dân lập, có lẽ thờ Phật theo quan niệm bình dân, tên chùa được gọi theo tiếng dân gian là chùa Thiên Mỗ hay chùa Thiên Mộ. Chùa Thiên Mụ thời sơ khai tọa lạc ở đâu? Theo câu văn của Dương Văn An: “Thượng cư sơn lĩnh, hạ chẩm giang lưu” (trên dựa đỉnh núi, dưới gối dòng sông), ta có thể ước đoán ngôi chùa ban đầu nằm ngang với vị trí bốn trụ biểu hiện nay, lưng chùa dựa vào sườn núi, nóc chùa vươn cao tựa như cảnh điện Hòn Chén hiện nay. Ở giai đoạn đầu lịch sử, chùa Thiên Mụ chưa được vua chúa để ý đến; trong danh sách các chùa có quan Tự chính mà sách Ô Châu cận lục kể tên như: chùa Kính Thiên, chùa Kim Linh, chùa Kim Quang, chùa Khánh Từ, chùa Dã Độ, chùa Tư Khách, vẫn chưa thấy nhắc đến chùa Thiên Mụ.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng nhận tước Đoan Quốc công và lĩnh trách nhiệm vào trấn thủ cõi Thuận Hóa, từ Ái Tử (Quảng Trị) đến núi Hải Vân. Bốn mươi ba năm sau, năm Tân Sửu (1601), ông cho dựng lại chùa Thiên Mụ để làm nơi tụ linh khí, củng cố long mạch cho vùng Thuận Hóa và mở rộng cõi Nam Hà. Cùng với việc dựng chùa, Nguyễn Hoàng cho lan truyền huyền thoại về cụ bà mặc quần xanh áo đỏ ngồi trên đỉnh đồi Hà Khê, phán rằng sẽ có chân chúa đến sửa chùa, tụ linh khí để phát triển Thuận Hóa, Nam Hà. Xét ra, huyền thoại này mang đậm tính tâm lý chiến, nhằm tạo uy thế linh thiêng cho thế lực chính trị của ông, hơn là phản ánh cội nguồn lịch sử chùa Thiên Mụ.

Năm Ất Tỵ (1665), chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu chùa khang trang hơn. Ba mươi năm sau, năm Ất Hợi (1695), dưới đời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), Thạch Liêm Hòa thượng đã mô tả chùa Thiên Mụ:
“Đêm rằm, trời mưa, ra đến chùa Thiên Mụ. Chùa này tức vương phủ ngày xưa (?). Chung quanh trồng nhiều cây cổ thụ, quay mặt ra bờ sông; trước chùa, ngư phủ, tiều phu tấp nập sớm chiều qua lại. Trong chùa, cột kèo chạm trổ tinh xảo…”

Tuy nhiên, phải đợi đến năm Vĩnh Thịnh thứ 10, đời vua Dụ Tông nhà Lê (năm Giáp Ngọ – 1714), tức mười tám năm sau khi Thạch Liêm Hòa thượng về nước, chùa Thiên Mụ mới được kiến thiết thành đại thắng cảnh, đại tùng lâm, chính thức mang tên Thiên Mụ thiền tự. Về lần trùng kiến này, sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn chép:
“Năm thứ 10, Giáp Ngọ, sửa lại chùa Thiên Mụ rất rộng đẹp, qua một năm mới xong, chúa tự làm bài minh khắc chuông, chúa tự xưng là Đại Việt quốc vương, ở vườn Côn Gia (?) trong chùa một tháng, sai người đem vàng sang phủ Chiết Giang (Trung Quốc) mua kinh Đại Tạng cùng Luật và Luận hơn nghìn bộ đem về để ở trong chùa.”

Lê Quý Đôn chép có phần chưa hẳn đúng: như vườn Tì Da, ông lại ghi là vườn Côn Gia, có lẽ theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên?
Sách Đại Nam nhất thống chí chép về chùa Thiên Mụ:
“Năm Canh Dần thứ 19 (1710), Hiển Tông đúc chuông lớn; năm Giáp Ngọ thứ 23 (1714) sửa chữa lại chùa… Năm Ất Mùi thứ 24 (1715), chúa thượng thân làm bài văn bia khắc đá dựng trước chùa. Bờ sông thì dựng đài câu, chúa thường thân đến chơi, xem phong cảnh.”

Xét các dòng lạc khoản khắc ở chuông và bia đá hiện còn ở chùa Thiên Mụ, ta thấy sách Đại Nam nhất thống chí đã chép đúng.
Việc Nguyễn Phúc Chu cho đúc một quả chuông lớn, nặng (3.285 cân xưa) và trình bày rất mỹ thuật để “nhập vu ngự kiến Thiên Mụ thiền tự, vĩnh viễn cung phụng Tam bảo” trước khi sửa lại ngôi chùa thành đại sơn môn đến bốn năm thì hiện không có sách nào nói rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, cứ theo dòng lạc khoản khắc trên chuông có chữ “tứ nguyệt đản nhật”, người ta có thể ước đoán đây là để kỷ niệm ngày Đại lễ Phật đản được tổ chức rất long trọng tại chùa Thiên Mụ vào ngày mồng 8 tháng Tư năm Canh Dần (1710) ấy.
Một tư liệu có giá trị chính xác về việc trùng tu chùa Thiên Mụ thành “rất rộng và đẹp” vào năm Giáp Ngọ (1714) là tấm bia cẩm thạch rất lớn, khắc chính lời văn do Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu thảo ra. Tấm bia này hiện còn trưng bày tại chùa Thiên Mụ và là một trong những cổ tích xưa nhất của chùa.
Lời văn trong tấm bia này trình bày rất rõ nguyên nhân sửa chữa lại chùa Thiên Mụ và cách thức triển khai công trình trùng tu. Minh Vương viết:
“Nghi quyên bạch bích, bất tích hoàng kim. Đản quốc lệ truyền lai thổ mộc công, quân vô chi nhi khủng lao bất tỉ kỳ chu, dân trợ chi nhi bất nhật đản diên tuế nguyệt” (Quyên góp ngọc ngà, chẳng tiếc vàng bạc; hễ luật nước đã truyền, công việc xây dựng lâu đài cung điện do quân lính đảm trách, chẳng sợ lao nhọc; đến cùng lực, toàn dân giúp sức, chẳng sợ năm tháng kéo dài).
Để thực hiện công trình kiến trúc lớn lao ấy, Minh Vương Nguyễn Phúc Chu đã điều động cả một lớp quan chức văn võ cao cấp như các quan Cần chính (những vị quan giữ trọng trách lớn nhất trong phủ chúa), các vị Chưởng cơ, Đại Chưởng cơ, Vĩnh chưởng, Giám miện cùng nhau phụ lực chọn quân lính; rồi chọn số ít trong nhiều, chọn người giỏi trong số ít ấy để thi công.
Toàn thể công trường trùng tu chùa Thiên Mụ với bao nhiêu phân bộ thợ thuyền, quân lính đông đảo đã được đặt dưới quyền quản đốc của Chưởng cơ Tống Đức Đại. Sự thưởng phạt đối với thợ thuyền và quân lính đều căn cứ vào năng suất làm việc. Tuy đã tận công tận lực, nhưng công trình cũng kéo dài đến một năm tròn mới hoàn thành. Trong bài văn bia này, Minh Vương còn miêu tả quang cảnh chùa Thiên Mụ sau khi hoàn tất:
“Từ cửa núi đi vào có điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, Đại Hùng bảo điện, nhà thuyết pháp, lầu tàng kinh. Hai bên là lầu chuông và lầu trống; rồi điện Thập Vương, nhà Vân Thủy, nhà ăn, nhà tọa thiền; rồi điện Đại Bi, điện Dược Sư, nhà ở của chư tăng, nhà trọ cho khách, không dưới vài mươi sở. Bên sau là vườn Tỳ Da, trong vườn có nhà phương trượng và các chỗ, cũng không dưới vài chục sở. Tất cả đều sáng chói rực rỡ, khiến cho người xem phải kinh ngạc sợ hãi, thật là một tòa quang minh trong thế giới toàn sắc vàng rực rỡ vậy.”
Sau khi Nguyễn Phúc Chu mất, các chúa từ Nguyễn Phúc Thụ (trị vì: 1725-1738) đến Nguyễn Phúc Thuần (trị vì: 1765-1777) đều không xây dựng gì thêm ở chùa Thiên Mụ. Chỉ có một việc là sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát (trị vì: 1738-1765) xưng vương, ông đã truy tôn bảy đời chúa trước lên vương hiệu và chạm bài vị, đem thờ ở chùa Thiên Mụ như một nơi từ đường của dòng họ.
Nguyễn Phúc Thuần thất trận và bỏ chạy khỏi Kinh thành vào ngày 29 tháng Chạp năm Giáp Ngọ (1775), thì Tết năm Ất Mùi (1776), quân Trịnh tràn vào chiếm Phú Xuân. Chùa Thiên Mụ không có người trụ trì, chăm sóc, trở thành nơi hoang phế:
“Phạm cung cựu đối tà dương…”
và sau một thời gian ngắn nữa thì đến cảnh:
“Nguyễn gia thất thế bài không tại Tăng xá thiên gian ngõa bán linh”,
nghĩa là “bài vị bảy đời của họ Nguyễn vẫn còn tàn tạ, lạnh lẽo nằm lại đây; nghìn gian nhà chư tăng thì ngói đã sụt mất hết một nửa”.
Đến khoảng mười năm sau, quân Trịnh bị quân Tây Sơn đánh bại (năm Bính Ngọ – 1786), chùa Thiên Mụ lâm vào giai đoạn hoang tàn tột độ: nhà cửa sập nát, nền chùa bị san phẳng để đắp đàn tế; ngày hạ chí, vua ngự ra tế thần Xã Tắc, chỉ còn một tòa Phật đường thì biến thành chỗ hành tại để vua ngự. Tất cả đều đổ nát, chỉ còn lại tấm bia đá đứng sừng sững bên đường.
Phan Huy Ích (1750-1822), người chứng kiến thời suy tàn của chùa Thiên Mụ vào thế kỷ XVIII, chỉ nhắc đến tấm bia (nay vẫn còn), mà không nhắc đến cái chuông lớn (nay cũng còn). Giai đoạn suy tàn của chùa Thiên Mụ có thể kể từ năm 1725 cho đến năm Ất Hợi (1815), khi vua Gia Long cho tái thiết.
Năm Ất Hợi (1815), vua Gia Long cho trùng tu chùa Thiên Mụ theo lời đề nghị của ông Đặng Đức Siêu, người từng biết cảnh chùa thời chúa Nguyễn. Lần tái thiết này, tòa Phật đường cũ được chọn làm chính điện, đổi tên theo đúng thuật ngữ Phật giáo là Đại Hùng bảo điện. Mặt trước điện Đại Hùng (phía đông và phía tây) đúng vào vị trí ngang hai cửa ra vào bên hông hiện nay; hơi chếch ra phía ngoài là hai dãy điện Thập Vương, kế đến hai Lôi Gia hiện vẫn còn ở vị trí cũ. Trước mặt có tam quan chùa xây kiểu lầu; bên trái có chung lâu, bên phải có cổ lâu. Nhà để chuông lớn và bia lớn thời chúa Nguyễn chỉ còn được trình bày như hai nhà bảo tàng cổ vật bên ngoài thành chùa. Phần ngoài chùa như hiện nay chỉ hình thành từ thời Thiệu Trị trở về sau.
Sau điện Đại Hùng là điện Di Lặc, sau điện Di Lặc là điện Quan Âm, tất cả được kiến trúc theo kiểu chữ Nhất (一), tức là một trục thẳng từ trước ra sau. Sau điện Di Lặc, nhưng quay mặt về hướng đông, là Tàng Kinh lâu – thư viện của chùa, chứa các kinh sách Phật. Hai bên điện Đại Hùng còn có hai dãy nhà bếp, gọi là Trù khố.
Đến đời vua Minh Mệnh (trị vì: 1820-1840), tuy không kiến thiết thêm tại chùa Thiên Mụ, nhưng trong 21 năm trị vì, vua đã cho mở năm lần đại trai đàn ở ngôi quốc tự này. Các năm Minh Mệnh thứ 1 (1820), thứ 6 (1825), thứ 16 (1835), thứ 18 (1837) và thứ 19 (1838) là những dịp tổ chức đại trai đàn lớn tại chùa. Đặc biệt, kỳ Đại trai đàn năm Ất Mùi (1835), vua đích thân ngự giá lên dự lễ và làm nhiều bài thơ, sai quan đại thần đem dán tại điện Phật và các đàn thủy lục.
Sau khi vua Minh Mệnh mất, vua Thiệu Trị lên nối ngôi. Trong 13 đời vua Nguyễn (không kể các vua bị phế truất), Thiệu Trị là người trị vì ngắn nhất, chỉ 7 năm (1841-1847), nhưng ông đã kiến thiết chùa Thiên Mụ thành cảnh đẹp có giá trị kiến trúc và văn hóa Phật giáo lâu dài, đặc biệt là việc xây ngôi Vô Lượng tháp ở phần ngoài chùa. Ngọn tháp này ban đầu mang tên Từ Nhân tháp, nhưng chỉ một năm sau, vua sắc chỉ đổi tên thành Phước Duyên bảo tháp. Tháp có bảy tầng, hiện còn nguyên vẹn, tuy năm Duy Tân thứ 2 (1908) có trùng tu do trận bão năm Giáp Thìn (1904) làm hư hại; và năm 1959 được tu bổ thêm. Lần trùng tu vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) diễn ra như sau.