Chùa Thập Tháp: Di Tích Hơn 300 Năm Gắn Với Lịch Sử Phật Giáo Bình Định

CHÙA THẬP THÁP

An Nhơn có núi Mò O,
Có chùa Thập Tháp, có đò Trương Thi.

Chùa Thập Tháp nằm ở phía bắc thành Đồ Bàn, nay thuộc địa phận thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn 27km về phía tây bắc. Chùa được xây dựng trên một gò tương đối rộng hình mai rùa, có chu vi gần 1km, gọi là gò Thập Tháp. Tên gọi này bắt nguồn từ chỗ nơi đây xưa kia có mười ngọn tháp do người Chăm xây để “yểm hậu” cho thành Vijaya của vương triều Chămpa.

Theo các nguồn sử liệu, vào đời chúa Nguyễn Phúc Tần (năm 1665) có một nhà sư Trung Quốc, họ Tạ, húy Nguyên Thiều, hiệu Hoán Bích và Thọ Tôn, người Triều Châu (tỉnh Quảng Đông) thuộc dòng thiền Lâm Tế, nhận y bát của tổ đời thứ 32, đã đến đất Đàng Trong. Ban đầu, nhà sư cho dựng một thảo am (lều cỏ) để truyền đạo. Mười tám năm sau, tức năm Quý Hợi, niên hiệu Chính Hòa thứ tư nhà Lê (1683), ngài đã lấy gạch từ các tháp Chàm bị đổ, xây nên một ngôi chùa khang trang. Đến năm Tân Mùi, niên hiệu Chính Hòa thứ 12 (1691), chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho chùa biển ngạch đề “Thập Tháp Di Đà tự”. Vào năm Kỷ Tỵ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1749), chùa được trùng tu trên quy mô lớn. Do nằm kề cận thành Hoàng Đế nên chùa chịu nhiều ảnh hưởng của bao cơn binh lửa, chứng kiến những trận đánh quyết liệt giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Chiến tranh kết thúc, chùa Thập Tháp đã được nhiều đời trụ trì tu sửa lại, đặc biệt đến đời Hòa thượng Minh Lý (1836 – 1889) đã trùng tu chùa với quy mô lớn, kéo dài trong nhiều năm. Hòa thượng Vạn Thành (1865 – 1905) đã thuê đúc một quả chuông lớn đường kính 0,7m, cao 1,5m, nặng 835kg. Năm 1924, ngôi phương trượng và tam quan được xây dựng lại. Đến đời Hòa thượng Huệ Chiếu (1898 – 1965) và Kế Châu (1921 – 1985), chùa tiếp tục được tu bổ.

Chùa Thập Tháp được bao quanh bằng lớp tường thành. Tam quan với hai trụ cao và to, trên đỉnh đắp tượng sư tử, hai mặt trong ngoài có để đôi câu đối. Qua khỏi tam quan, ta thấy chùa có kiến trúc chữ Khẩu (口), bao gồm bốn khu vực:

Khu chính điện: đồ sộ, kết cấu bằng gỗ là chủ yếu, 5 gian, có hành lang bao bọc dài 30m, rộng 20m, gồm ba gian giữa là điện thờ (Đại Hùng Bảo Điện) và hai gian phụ hai bên là phòng chúng tăng. Khám thờ chính trong nội điện cao gần 5m, mặt khám chạm lưỡng long tranh châu, thờ Tam Thế Phật đều đúc bằng đồng cao gần 2m. Khám bên phải thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát làm bằng đất nung sơn thếp vàng, cao 0,9m.

Khu phương trượng: xây bằng gạch, lợp ngói âm dương, dàn mái nhiều lớp cao thấp. Đặc biệt, bộ sườn gỗ và dàn khám thờ có kỹ thuật chạm trổ lắp ráp rất đẹp. Phương trượng chia làm ba gian, gian giữa là án thờ Hòa thượng Phước Huệ (1869 – 1945), đời thứ 40 của dòng thiền Lâm Tế.

Khu Đông đường (bên trái) và Tây đường (bên phải) đối xứng nhau. Đông đường là nơi tiếp khách và chỗ ở của tăng chúng. Tây đường có lối kiến trúc giống phương trượng, mái lợp ngói âm dương, là nơi thờ phụng sơ tổ khai sơn là Nguyên Thiều cùng các chư vị kế thừa và Phật tử quá cố.

Trong chùa đến nay vẫn còn giữ được nhiều di vật quý: câu liễn sơn thếp cao 2,5m ghi bài ngự đề của chúa Nguyễn Phúc Chu, đạo hiệu Từ Đế Đạo Nhân, cúng cho chùa vào năm Tân Tỵ (1701) hiện treo ở chính điện; một tấm hoành sơn thếp kích thước 0,9 x 5m đề “Thập Tháp Di Đà tự” do Hòa thượng Mật Hoằng, trụ trì chùa Thiên Mụ, phụng tạo vào năm Minh Mệnh thứ 1 (1820), hiện treo ở trước chính điện. Đặc biệt, trong chùa còn lưu trữ được nhiều tạng kinh khắc gỗ và in giấy; số tạng kinh gỗ có tới trên 1.500 bảng, còn kinh giấy bao gồm 389 bộ.

Cổng tam quan chùa có câu đối mô tả cảnh chùa:
Nguyệt hạ bất xao kim tỏa đoạn;
Sơn tuyền chỉ nhậm bạch vân phong.

Hòa thượng Kế Châu dịch:
Trời xanh bát ngát mây vươn núi;
Hồ biếc êm đềm nước đọng trăng.

Tây đường của chùa cũng có câu đối:
Thập Tháp trùng tu, bất ý huỳnh vân không nhiễu kỷ;
Tổ đình tái chấn, khởi tri minh nguyệt cánh khuy song.

Tạm dịch:
Thập Tháp trùng tu, đâu biết mây vàng giăng khắp chốn;
Tổ đình tái chấn, có hay trăng sáng ở bên thềm.

Thập Tháp Di Đà tự đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử với những bước ngoặt lớn lao của đất nước và dân tộc. Ngày nay, du khách đứng trước tam quan, bên hồ sen rực rỡ sắc màu, mùi trầm hương lan tỏa trong không gian, vẳng nghe tiếng chuông chùa ngân vang làm lòng người dâng trào bao cảm xúc. Con đường dẫn vào chùa đã bao năm là bờ bắc thành Vijaya cổ xưa. Xa xa, tháp Cánh Tiên sừng sững vươn lên trời cao lồng lộng là di tích còn lại của vương triều Chămpa thời cực thịnh. Đến nay, trải qua lịch sử trên 300 năm, với 15 vị hòa thượng trụ trì thuộc 9 đời, từ ngôi thảo am đơn sơ đến Thập Tháp Di Đà tự đã trở thành một công trình kiến trúc Phật giáo có quy mô hoành tráng, một di tích văn hóa có giá trị lớn lao về nhiều phương diện. Lịch sử của chùa Thập Tháp chính là lịch sử quá trình phát triển Phật giáo ở Đàng Trong nói chung và Bình Định nói riêng. Chính vì vậy, năm 1990, chùa Thập Tháp đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.