Đắk Lắk là một vùng đất cao nguyên. Đa số dân cư là người Việt di cư đến từ đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ. Dấu ấn về sự có mặt của họ được ghi nhận bằng sự xuất hiện ngôi đình của Lạc Giao năm 1928 ở giữa thị xã Buôn Ma Thuột. Quá trình lịch sử giao lưu giữa cộng đồng cư dân của người Việt tha hương với các tộc người khác trên vùng đất mới và cả giữa các bộ phận dân cư Việt đã dẫn đến sự xuất hiện những sắc thái văn hóa độc đáo. Tục thờ Mẫu ở đây biểu hiện khá rõ nhận xét này.
Trong số gần 20 đền, điện ở Đắk Lắk (không kể tới những điện nhỏ tại gia) riêng thành phố Buôn Ma Thuột chiếm tới một nửa. Mặc dù một số đền mang danh thờ các nhân vật như: Đức Thánh Trần, Ông Bảy Bảo Hà… thì trong hậu cung, bàn thờ Đức Thánh Mẫu (hoặc Tam Tòa Thánh Mẫu) đều được đặt nơi trang trọng nhất. Điều này cho thấy, tục thờ Mẫu ở cao nguyên là một hiện tượng văn hóa tinh thần của đa số người Việt ở đây, nó phản ánh tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân lao động. Câu ca “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” được lưu truyền ở vùng đồng bằng Bắc Bộ vẫn nguyên vẹn trong tâm linh của những người Việt di cư. Họ mang theo nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của làng xã mình đến quê mới. Cuộc sống cộng đồng nơi đây giữa những người Việt ở miền Trung, miền Nam, rồi của những người bản địa cộng với tâm lý của những người tha hương đã tạo nên một sắc thái mới của vùng cao nguyên. Đến với các đền thờ Mẫu ở đây, ta sẽ bắt gặp những truyền thuyết, huyền thoại về Mẫu đã bị pha trộn, rồi những bài chầu văn, những điệu múa dân gian như: múa mồi, múa quạt, múa kiếm, múa đao, múa hèo, có thể không còn đúng như xưa ở làng quê cũ.
Nhân vật được người dân ở đây lập thờ và coi là Mẫu, chính là công chúa Liễu Hạnh – một trong Tứ Bất Tử của người Việt Nam – người được coi là có quyền uy cao cả nhất trong tất cả các Mẫu được thờ dưới các dạng hóa thân: Mẫu Thiên, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn. Với đền thờ của người Huế thì thờ đích danh Đức Vân Hương Thánh Mẫu. Khi làn sóng di cư từ phía Bắc đến sau 1954, thì bắt đầu xuất hiện những điện thờ Mẫu nhỏ tại gia. Những chủ nhân của các điện thờ này có thể mang theo được huyền thoại về Mẫu bằng văn tự, song cũng chỉ có thể bằng trí nhớ, rồi họ tự sáng tác ra lời cho các giá văn của các vị Thánh khi nhập đồng.
Qua khảo sát một số giá văn chầu thì thấy sự tích về cuộc đời công chúa Liễu Hạnh cũng giống như sự tích được lưu truyền ở phía Bắc là: Công chúa vốn là tiên nữ do đánh rơi chén ngọc nên bị đầy xuống trần gian, đầu thai vào nhà họ Lê, năm 18 tuổi lấy chồng, năm 21 tuổi thì chết, sau đó nhớ gia đình thì hiện về thăm bố mẹ, chồng con… Nhưng những câu chuyện truyền miệng thì lại còn lẫn lộn các truyền thuyết về Thiên Y A Na, về sự giáng hiện của Mẫu tại vườn dưa, sự hóa thân vào khúc gỗ trôi sông… Lại có người lý giải rằng: Việt Nam chỉ có một Mẫu duy nhất là Mẫu Liễu, nhưng khi Ngài giáng hiện ở Nam Định gọi là Mẫu Phủ Dầy, khi giáng hiện ở miền Trung là Thiên Y A Na, khi giáng hiện ở miền Nam là Bà Chúa Ngọc, khi giáng hiện ở vùng rừng núi là Bà Chúa Thượng Ngàn… Như thế ta thấy sự đan xen văn hóa ở đây đã làm nên một diện mạo văn hóa riêng biệt của Tây Nguyên.
Chúng ta cùng xét một truyền thuyết về Mẫu được viết thành văn, đó là cuốn Vân Hương Thánh Mẫu, có ở Hồ Bình điện, thành phố Buôn Ma Thuột, tiếc rằng văn bản không còn rõ tác giả, ngày tháng xuất bản, nhà xuất bản. Nhưng chúng tôi được biết, còn một cuốn sách thứ hai vẫn nguyên vẹn nhưng đã lưu lạc về tận Nha Trang. Qua khảo sát cuốn sách này thì thấy soạn giả dựa vào truyện Vãn Cát thần nữ của Đoàn Thị Điểm được soạn lại sự tích về Đức Thánh Mẫu với tư tưởng đậm màu sắc Phật giáo. Sau mấy trang viết về các bài kinh là trang đầu của sự tích với dòng chữ: “Nam mô Vân Hương Thánh Mẫu – Tam vị đại từ tôn”, ta mới thấy rõ nét hơn giáo lý đạo Phật đã tác động vào nhân sinh quan, thế giới quan cũng như vào các chuẩn mực đạo đức và thẩm mỹ của người Việt ở đây sâu sắc như thế nào. Cũng giống như Phật Mẫu Man Nương, Phật Bà Ỷ Lan, Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong truyền thuyết này vừa mang tính cách thần linh vừa mang tính cách đạo Phật. Điều này giúp ta định vị được sự vận động của truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh không chỉ xét trên phương diện thời gian mà còn cả không gian và đặc điểm cư dân của từng khu vực. Những nét mới của truyền thuyết là:
Lần giáng sinh đầu tiên, Ngài hoàn toàn không phải do đánh vỡ chén ngọc (như Đoàn Thị Điểm chép), lại càng không phải vì ương bướng với vua cha như dân gian lưu truyền, mà Ngài xuống trần là phụng mệnh của vua cha (Ngọc Hoàng) đầu thai vào một gia đình mà cả hai vợ chồng đều ăn ở hiền lành, phúc đức, đã nhiều tuổi mà vẫn chưa có con nối dõi. Người chồng tên Phạm Thái Ông, hiệu là Huyền Viên, húy là Đức Chánh. Người vợ là Phạm Thái Bà, hiệu là Thuần Nhất. Hai vợ chồng lập đàn chay cầu trời, khấn Phật, đức Ngọc Hoàng Thượng Đế động lòng cho Tiên chúa xuống đầu thai. Giờ Dần, niên hiệu Thiệu Bình nguyên niên, triều vua Lê Thái Tông Hoàng đế (1434), Phạm Thái Bà sinh một người con gái xinh đẹp đặt tên là Tiên Nga. Năm 10 tuổi, đức Tiên chúa đã có trí thông minh khác người:
Đủ điều ngôn, hạnh, công, dung
So xem cốt cách khác người trần gian
Ở đây có điểm giống với truyền thuyết về Thiên Y A Na là cha mẹ hiền lành, phúc đức; điểm khác là đức Tiên chúa đầu thai, không giáng hiện tại vườn dưa, không làm con nuôi…
Lần giáng này, đức Tiên chúa hoàn toàn không dính dáng gì đến chuyện chồng con, Ngài ở vậy phụng thờ cha mẹ:
Mặc ai mối điệp tin ong
Mặc ai lá thắm chỉ hồng bận duyên
Năm 29 tuổi cha mất, hai năm sau người mẹ cũng qua đời, đức Tiên chúa rất buồn rầu, biếng ăn, biếng ngủ. Có người đến khuyên can, đức Tiên chúa lại lo canh củi, vá may. Ở đây ta chỉ thấy một cô thôn nữ hiền lành, đức độ, có một cuộc sống hết sức bình thường, chứ chưa thấy một biểu hiện gì khác. Chỉ đến chi tiết đức Tiên chúa nằm mơ thấy bà Tam Tinh công chúa, con gái vua Động Đình hứa sẽ giúp vàng bạc châu báu, thì ta hiểu rõ hơn cái logic của câu chuyện tiếp sau, đức Tiên chúa chỉ là người trần bình thường không thể có của cải để làm phước cho thiên hạ. Những năm cuối đời, đức Tiên chúa làm ăn phát đạt, nhưng giàu bao nhiêu Ngài lại trợ cấp cho dân nghèo, dựng chùa lập miếu, sửa sang từ đường, bố thí cho dân bốn phương… Ngày mùng Hai giờ Dần, tháng Ba, năm Quý Tỵ, niên hiệu Hồng Đức thứ 4, triều vua Lê Thánh Tông (1473), đủ hạn 40 năm, tự nhiên có một đám mây ngũ sắc hạ xuống giữa sân, đã có loan xa trực sẵn, khi đó đức Tiên chúa ngự lên, đám mây từ từ bay về thiên cung, nên không có mồ mả. Như vậy, sau cuộc đời trần thế, Ngài đã trở về cõi vĩnh hằng, sống mãi trong đời sống tâm linh, dân dã của trần gian – một mô típ phổ biến trong truyền thuyết dân gian của nhiều dân tộc ở Việt Nam. Ở nét mới này, chúng tôi cho rằng, soạn giả là một người theo đạo Phật, hoặc chí ít cũng sùng bái đạo này, vì thế truyền thuyết mang đậm dấu ấn về đạo đức nhà Phật, nghĩa là Mẫu Liễu có nguồn gốc bậc Chúa Tiên, phụng mệnh vua cha đi giúp người hiền, không xây dựng gia đình, chuyên làm phước cứu chúng sinh, rồi trở về cõi vĩnh hằng. Rõ ràng, ở đây ta gặp một Liễu Hạnh hoàn toàn khác nhân vật của Đoàn Thị Điểm, càng không giống nhân vật của Nguyễn Đổng Chi, mà là một nhân vật đời thường được nhào nặn theo khuôn mẫu nhà Phật: một người khởi nguyên từ kiếp trước đã có lòng từ bi, hỷ xả, đức độ vô cùng, và như vậy, ta thấy thêm được một cách hiểu của người dân cao nguyên về đức Thánh Mẫu thiêng liêng của mình.
Ở lần giáng trần thứ hai (1557 – 1577) được lý giải rất logic và thỏa đáng, vì mãi suy nghĩ nhỏ cảnh trần gian, thương người nghèo khổ nên trong một buổi chầu Ngọc Hoàng, công chúa Quỳnh Hoa sơ ý đánh vỡ chén ngọc. Mặc dù rất thương con nhưng luật lệ thiên đình thật nghiêm khắc, nên công chúa bị vua cha đày xuống trần gian. Ngài đầu thai vào gia đình họ Lê, chồng là Lê Thái Ông, hiệu Đức Chánh, vợ là Lê Thị Tư, hiệu là Phúc Thuần. Ngài sinh vào ngày Giáp Dần, giờ Dần, tháng 3, mùng 3, năm Đinh Tỵ, niên hiệu Lê Thiên Hựu nguyên niên, triều vua Lê Anh Tông (1577). Ông bà đặt tên con là Thắng, hiệu là Giáng Tiên. Lần này, Giáng Tiên một hai không chịu lấy chồng, chỉ muốn thanh tu cho khỏi lụy trần, nhưng do cha mẹ đôi ba lần khuyên giải, nên tự nghĩ cũng đành tạm kết duyên cho tròn quả kiếp, bất đắc dĩ vâng lời cho đẹp lòng song thân…
Duyên cùng Đào Lang, sinh một người con trai, đặt tên là Trần Nhâm (?) mặt vuông tai lớn, miệng rộng trán cao. Khi Giáng Tiên 21 tuổi, tự nhiên không bệnh mà mất vào ngày 3, giờ Dần, tháng 3 năm Đinh Sửu (1577), mộ chôn ở cây đa bổng làng An Thái (triều vua Gia Long thứ 4 đổi thành xã Tiên Hương). Trở về trời, Giáng Tiên đến chầu Ngọc Hoàng, công chúa rất buồn rầu, được quần tiên tâu bày cùng Thượng Đế nên Ngọc Hoàng sắc phong cho Liễu Hạnh công chúa, cho phép trác giáng phi thường, tiêu diêu tự thích, khỏi nỗi u sầu, thọ giới Phật tử, tu luyện tại chùa Thiên Minh (Lạng Sơn). Năm Đinh Dậu, hiệu Quang Hưng thứ 20, triều vua Lê Thái Tôn (1597), có vịnh thơ với Phùng Thị Giảng, Lý Tú Tài, Ngô Cử Nhân… Một lần nữa ta lại thấy rõ ràng truyền thuyết mang nặng tư tưởng Phật giáo, chẳng lẽ một công chúa Liễu Hạnh của dân gian lại dễ quy y đầu Phật như vậy sao? Phần này soạn giả đã lý giải là có ba vị sứ giả của Đức Thế Tôn lập kế thu phép của công chúa Liễu Hạnh, rồi khuyên công chúa tìm đến cửa từ bi tu luyện trong một thời gian vì công chúa còn thiếu tấm lòng từ bi. Khi nào Phật quả đã viên thành sẽ trả lại phép. Đạo đức nhà Phật đã cảm hóa công chúa đã hai lần giáng sinh xuống trần, sống cuộc sống của một con người bình thường, có yêu, có ghét, giận hờn, mang tình cảm của người trần thế, khi trở lại thiên đình, mắc tội bị đày, công chúa đã phản ứng lại. Câu chuyện diễn ra như ta thấy là Phật giáo đã thắng thế, Liễu Hạnh công chúa đã trở thành một Phật tử của nhà Phật – một người có tấm lòng nhân hậu, chuyên làm phúc cứu người.
Lần giáng sinh thứ ba, chúa Liễu không giáng sinh mà giáng hiện tại Sòng Sơn, tỉnh Thanh Hóa (1609 – 1610), lấy chồng là Mai Sinh (kiếp sau của Đào Lang), sinh một con là Mai Cổn, năm Kỷ Dậu, tháng hai trọng xuân, niên hiệu Hoàng Định thập niên, triều vua Lê Kính Tôn (1609), mất vào hạ tuần tháng chạp, năm Canh Tuất (1610).
Ngọc Hoàng Thượng Đế cho nhị vị tiên nương (một là em dâu tên Thụy Hoa công chúa; một là cháu tên Quế Hoa công chúa) cùng với công chúa Liễu Hạnh xuống trần giáng phúc cứu dân. Liễu Hạnh cùng hai vị tiên nương hiển Thánh từ đó; câu chuyện lại được tiếp tục như nhiều chuyện đánh nhau với quân của nhà vua, chuyện đốt phá đền, sửa sang lại đền đẹp hơn trước, v.v… Mẫu Liễu Hạnh đều được sắc phong các danh hiệu “Mạ Vàng công chúa”, “Thượng đẳng tối linh thần”, càng chứng tỏ câu chuyện về Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã ăn sâu vào trong tiềm thức của dân chúng cả nước và đương nhiên được triều đình phong kiến công nhận và phong tặng. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là việc coi Mẫu Liễu Hạnh là loại Thượng đẳng thần trong các vị thần cao nhất của nước Việt Nam. Mẫu Liễu phải qua một kỳ thi Thần Thượng đẳng do nhà vua chủ trì tại điện Kiền Trung, sau hai lần thi Mẫu Liễu đã thắng bách thần, được vua khen ngợi phong cho: “Thượng thượng thượng đẳng tối linh vi bách thần chỉ thủ”. Cảm tạ nhà vua, công chúa Liễu Hạnh đã tặng lại một bức hoành thư đề bốn chữ đại tự “Thánh thọ vô cương”, phía dưới là 6 chữ nhỏ “Tiên chúa Mạ Vàng kính tạ”. Sau này, Lê Hiển Tông nhớ tới công đức của Tiên chúa “hộ quốc binh nhung” giúp quận công Phan Văn Phái tiễu trừ giặc Xiêm, vua phong “Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương”. Như vậy, ta thấy dưới chế độ quân chủ phong kiến, nho giáo được đề cao, giữa vương quyền và thần quyền không có sự mâu thuẫn dữ dội, nhưng đức Tiên chúa muốn thắng bách thần bắt buộc phải qua thi cử và trở thành vị thần cao nhất vì đã đỗ “trạng nguyên”. Như thế có thể nói, công chúa Liễu Hạnh của sáng tạo dân gian đã thực sự hòa nhập vào đời sống của các bậc sĩ phu quân tử, chiếm ngôi đầu bảng trong khoa thi bách thần, một ngôi mà dưới chế độ quân chủ không dành cho phụ nữ.
Mặc dù truyền thuyết về đức Thánh Mẫu đã trải qua một hành trình dài về thời gian và cả không gian nhưng việc thờ Mẫu và cả những hóa thân của Mẫu đã thấm nhuần một tình yêu quê hương đất nước, hiện thân cho một chủ nghĩa yêu nước đã được linh thiêng hóa, nó vẫn được bảo tồn và giữ gìn trong đời sống tinh thần của cư dân Việt ở cao nguyên, tạo nên một niềm tin mãnh liệt, một sức sống dẻo dai đối với Mẹ Việt Nam. Vì vậy, sự dung hội giữa tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Phật của cư dân phía Bắc đã bị mờ nhạt, mà thay vào đó chỉ duy nhất thờ Đức Thánh Mẫu hoặc Đức Thánh Trần. Các chùa ở đây không có ban thờ Mẫu và ngược lại, các đền thờ Mẫu không thờ Phật. Riêng các đền thờ Đức Thánh Trần đều có thờ Phật trong hậu cung như đền: Lạc Thiện, Báo Lộc, Vạn Kiếp thờ Phật ở một gian nhỏ riêng biệt. Nhưng mặc dù mang danh là thờ Đức Thánh Mẫu hoặc Đệ Thiên Thánh Mẫu (được coi là Mẫu Liễu) và Mẫu Thượng Ngàn (được coi là Mẫu Âu Cơ, như ở đền Vạn Kiếp)… Như vậy, người dân ở đây coi Đức Thánh Mẫu như một bậc tối linh của đạo Tứ Phủ, cũng như các Phật tử tôn sùng Thích Ca (đạo Phật) và các tín đồ sùng đức Chúa Jesus (đạo Thiên Chúa).
Cách bài trí thờ tự của các đền ở đây không có sự thống nhất, bởi vì các đền ở đây đa số là đền tư. Đền công duy nhất được gọi là đền Việt Nam Thánh Mẫu hay là đền tỉnh hội là nơi thờ vọng Phú Dầy thì cách thờ tự đơn giản: trong hậu cung thờ Mẫu Liễu, tượng được tạc to gần bằng người thật, mặc áo đỏ, váy xanh. Bên phải, bên trái của cung ngoài thờ Đức Thánh Trần, Bà Chúa Sơn Lâm. Còn các đền thờ khác thì cũng tuân theo thứ bậc của các vị thần trong Tứ Phủ: Tam tòa Thánh Mẫu được đặt trong hậu cung, bàn thờ cao nhất; tiếp ra phía ngoài là Đức Vua Cha Ngọc Hoàng (đền Báo Lộc) hoặc Đức Vua Cha Rất Hải (điện Hộ Bình), rồi đến Ngũ vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu Bà, Tứ Phủ Quan Hoàng (ở đây chủ yếu là thờ Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười); sau đó là Tứ Phủ Thánh Cô, Tứ Phủ Thánh Cậu.
Việc thờ Mẫu Thượng Ngàn được cư dân ở đây rất quan tâm, người ta không chỉ tạc tượng Mẫu mà còn thiết kế các động sơn trang trang nghiêm, có tính chất thẩm mỹ cao. Mẫu Thượng Ngàn ở đây được quan niệm như một hóa thân của Mẫu Liễu Hạnh, nhưng đền nào đã có tượng thờ riêng cho mẫu thì hóa thân này chỉ cần Bà Chúa Sơn Lâm là đủ. Riêng đền Vạn Kiếp, động Sơn Trang được thiết kế theo phương pháp bonsai của người Hoa, nghĩa là cung có núi rừng, cây cỏ và người. Điều đặc biệt ở đây là Mẫu Thượng Ngàn được coi là Mẫu Âu Cơ, nên tích chuyện Âu Cơ và Lạc Long Quân sinh trăm trứng, thành 100 người con, 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên núi, đã được thể hiện ở động sơn trang này. Hoặc đền Bảo Lộc thể hiện động sơn trang đơn giản hơn, với hình ảnh 12 cô gái mặc áo dài các màu chầu xung quanh Mẫu Thượng Ngàn.
Không mất đi cái đặc tính riêng biệt của nghệ thuật chầu văn. Khi hầu tới hàng Cô, Cậu thì người cung văn có thể chuyển làn điệu thành các điệu hò Huế nghe thật vui tai.
Ở loại hầu này, trình tự hầu khác biệt hẳn loại hầu cá nhân. Trước hết là hầu hai Quan Lớn Thượng Thiên (ông Đệ Nhất, ông Đệ Nhị – hai ông này được coi là con của Mẫu, thường gọi là Cậu Tài, Cậu Quý); sau đó là hầu Ngũ vị Thánh Bà Thượng Thiên với các tên: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, được phân biệt bằng năm màu áo khác nhau. Mỗi tượng trưng cho tư duy nguyên thủy về nguồn gốc cấu thành vũ trụ, tức là thế giới được hình thành từ năm yếu tố cơ bản đó (phảng phất như Ngũ Hành Nương Nương bên cạnh bà Thiên Hậu hoặc Mẫu Thiên trong các chùa của người Hoa). Ở đây, Ngũ vị Thánh Bà được coi là Chầu của Mẫu Thượng Thiên.
Sau Ngũ vị Thánh Bà là giá hầu Chúa Thượng Ngàn, gọi là hầu Chúa nhưng thực ra chỉ là hầu những vị Thánh dưới Chúa. Ở giá này có bốn con đồng trong trang phục của bốn đức Chầu Thượng Ngàn (mặc váy, đội khăn) và ba con đồng khác trong trang phục của ba ông Quận (ông Nhất – ông Bảy – ông Chín Thượng Ngàn đóng khố, đeo gùi, tay cầm xà gạc).
Sau giá hầu Chúa Thượng Ngàn là giá hầu Mẫu Thoải, đây là giá hầu chính của cả buổi hầu. Mẫu Thoải cũng được coi là Mẹ và vua cha Bát Hải Động Đình được coi là Cha cai quản dưới nước. Các bà Đệ Tứ, Đệ Tam, ông Hoàng Mười… được coi là con. Các con đồng sắm các vai này, mỗi người nhận lãnh một nhiệm vụ: Bà Đệ Tứ Khâm Sai được coi là lớn nhất cai quản chung, ăn mặc thật lộng lẫy, luôn giữ vẻ mặt trang nghiêm; Bà Đệ Tam Thoải cung công chúa (nếu không có người đóng thì thôi); Quan Đệ Ngũ Long Vương áo xanh, tay cầm song kiếm là Quan Tuần; Quan Đệ Tam Thoải Phủ, mặc áo trắng, tay cầm song chùy, chuyên bắt người có căn mạng; Quan Hoàng Mười, áo vàng, tay cầm hèo hoa, là Quan Khâm Sai chuyên bắt lính; ông Quận Ba Nội Điện Thoải Cung chuyên nhận đồ của trần gian đưa về Thủy cung; Cô Ba Thoải chuyên chèo đò đưa các vị Thánh đi.
Cuối cùng là giá hầu của Thập nhị Triều Cô và Thập nhị Triều Cậu, cung văn có thể chuyển làn điệu chầu văn thành hò Huế.
Theo trình tự hầu này thì người cung văn phải hát liên tục, thường thì có từ một đến hai người thay nhau hát. Giai đoạn nghỉ là lúc các con đồng đi thay quần áo để hầu giá khác.
Bên cạnh những tín đồ theo Thiên Chúa giáo, những Phật tử theo Phật giáo, là một tầng lớp đông đảo những con nhang của các bản đền lấy việc thờ Mẫu (Mẹ) và thờ Đức Thánh Trần (Cha) là chính yếu. Trong quá trình cùng tồn tại, đã được người Việt ở cao nguyên biến đổi trên cơ sở những yếu tố văn hóa bản địa (Nữ Thần Lúa) và chịu ảnh hưởng của nhau đã tạo ra những yếu tố đặc thù của tín ngưỡng dân gian của người Việt ở cao nguyên. Đây là một biểu hiện của tiếp biến văn hóa (acculturation) của văn hóa cư dân Việt ở cao nguyên. Vì vậy, chúng tôi có một số nhận xét:
- Đền ở đây chủ yếu do tư nhân xây dựng nên, hoặc của một nhóm người. Sau này, mặc dù các ngôi đền đều cha truyền con nối trông coi, nhưng nó đã trở thành nơi để khách thập phương đến lễ bái vào các dịp lễ hội. Trong đó, các con nhang có cả người theo Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Các đền được xây dựng ở đây đều mang dáng dấp hình ảnh quê hương cũ, ví dụ: đền Bắc Lệ, chủ nhân người ở Lạng Sơn nên đã xây đền thờ vọng này, hoặc đền Hộ Bình của người Huế…
- Việc bài trí thờ tự ở các ngôi đền được thực hiện theo ý đồ của chủ nhân ngôi đền đó. Có đền bài trí theo phong cách cư dân đồng bằng Bắc Bộ, cá biệt có đền như Vạn Kiếp thì thờ Mẫu Âu Cơ, Vua Hùng, Ngọc Hoàng, Đức Thánh Trần… sắp xếp không theo một trật tự nhất định, mà theo chủ quan của người xây dựng đền.
- Sau năm 1975, tất cả các đền thờ ở đây đều mở thêm bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng có nơi đã sáng tác lời văn ca ngợi công đức của Người.
- Việc hầu bóng ở các đền là nghi lễ chính để chứng minh sự tồn tại của các đền. Mỗi buổi hầu bóng, ngoài các con đồng, cung văn, còn có rất nhiều con nhang của đền đến dự. Với một niềm thành kính thực sự, họ cầu nguyện các vị Thánh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Họ nhận lộc của Thánh ban cho dù là một trái mận, trái chuối, bông hoa… nhưng khi ra về, họ cảm thấy sảng khoái, tin tưởng ở cuộc đời hơn, lẽ tất nhiên tâm hồn họ sẽ luôn hướng thiện.
Gạt bỏ những gì là mê tín dị đoan, thì tục thờ Mẫu ở cao nguyên là một nếp sinh hoạt văn hóa được bảo lưu và giữ gìn từ trong truyền thống của dân cư đất Việt khi tới một vùng đất mới. Ngoài những vấn đề giải quyết về tâm linh, tục thờ Mẫu ở cao nguyên còn là một nhu cầu văn hóa. Nhu cầu này ngày càng được chắt lọc và phát triển theo một hướng mới, gắn liền với các nhân vật lịch sử của dân tộc. Nhìn chung, các đền thờ Mẫu ngày nay không giới hạn theo kiểu cũ, mà dần được mở rộng hòa nhập vào xu hướng chung nhằm thỏa mãn đời sống tâm linh của các tầng lớp trong xã hội. Đó là một biểu hiện rộng hơn, hoặc có thể được coi là sự tiếp cận với nhu cầu cuộc sống, làm phong phú thêm cho nền văn hóa của cư dân Việt ở cao nguyên, một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.