ĐẠO MẪU, THÂN PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM CỔ TRUYỀN

ĐẠO MẪU, THÂN PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM CỔ TRUYỀN

Các vị Thánh trong Đạo Mẫu có cả nữ thần và nam thần, có cả Bà đồng và Ông đồng, nhưng trước nhất phải khẳng định rằng, Đạo Mẫu trước hết gắn liền với đời sống tâm linh của phụ nữ, nó thuộc phạm trù giới tính.

Hiện tại có nhiều định nghĩa về giới, tuy nhiên trong phạm vi vấn đề mà chúng ta đang quan tâm, tôi chọn quan niệm về giới như là một hệ thống văn hóa tương thích với giới tính. Trong trường hợp này, Đạo Mẫu và Lên đồng được nhìn nhận như là hệ thống văn hóa gắn liền với giới tính nữ.

Tôn thờ Nữ thần như là sự nhân thần hóa tôn thờ tự nhiên

Trong hệ thống thần thoại và tín ngưỡng của người nguyên thủy thì các hiện tượng tự nhiên như trời, đất, nước, mây, mưa, sấm, chớp, cây cối, các con vật… đều mang sức mạnh vô hình, vừa bảo vệ con người, nhưng cũng đe dọa sự sinh tồn của con người, nên thường trở thành đối tượng tôn thờ. Các dân tộc ở Tây Nguyên, do trình độ phát triển xã hội còn thấp, các lực lượng tự nhiên ấy đều tồn tại dưới dạng các Yang (hồn, thần), như thần núi, thần sông, thần đất, thần rừng, thần cây. Còn với các dân tộc đã phát triển tới trình độ cao, thì các lực lượng siêu nhiên mang dạng tự nhiên đó đã dần được nhân thần hóa. Trong khung cảnh của xã hội nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng nhiệt đới gió mùa, mà ở đó vai trò của người phụ nữ được đề cao, thì việc nhân thần hóa tự nhiên dưới dạng nữ thần (nữ tính) là phổ biến. Đó là nữ thần mặt trời, nữ thần mây, mưa, sấm, chớp, nữ thần Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ…

Xét về bản chất, tự nhiên và tính nữ có những điểm chung cơ bản. Đó là: Sản sinh, bảo trì và che chở. Do vậy việc chuyển hóa từ cái vô tính thành cái hữu tính, từ cái tự nhiên thành cái nhân bản mang nữ tính là điều tất yếu và hợp quy luật.

Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ chứa đựng những quan niệm vũ trụ luận nguyên sơ. Mẫu là lực lượng siêu nhiên, sáng tạo và cai quản các miền khác nhau của vũ trụ: Trời, đất, nước, núi rừng. Thánh Mẫu là nhất thể, nhưng phân thân thành Tam vị Thánh Mẫu hay Tứ vị Thánh Mẫu (Tam phủ, Tứ phủ) để cai quản các miền khác nhau của vũ trụ, thậm chí còn được biểu tượng hóa thành các màu sắc trong Ngũ hành – Ngũ sắc. Các thánh Mẫu và các vị thần trong Đạo Mẫu đã mang hình thức nhân thần, có nam, có nữ, nhưng nữ là chính và là vị thần chủ – Thánh Mẫu. Hơn thế nữa, các nhân thần này có lai lịch, gốc tích khá rõ ràng, phần nhiều được lịch sử hóa thành các nhân vật có công lao trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Đó là quy luật tích hợp văn hóa, mà ở đó cái trục ý thức hệ là chủ nghĩa yêu nước, một bản sắc nổi bật của dân tộc Việt Nam. Do vậy, trên một phương diện nào đó, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa, nữ tính hóa.

Đạo Mẫu và vai trò của phụ nữ trong nền thương nghiệp truyền thống

Thương nghiệp truyền thống của Việt Nam cơ bản là thương nghiệp chợ quê, buôn đầu chợ bán cuối chợ, trong đó vai trò của người phụ nữ chiếm vị trí hàng đầu. Tú Xương vào đầu thế kỷ XX đã mô tả thân phận của người vợ tần tảo của mình bằng những vần thơ sinh động và xen lẫn chút chua chát:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”

Mom sông ở đây là các bến chợ ven sông, tất cả hàng hóa trên đôi quang gánh đè nặng đôi vai người phụ nữ, bày ra dọn vào…

Hàng ngày với mớ hàng xén với đủ mặt hàng. Lớn hơn cũng là các chuyến buôn hàng trên xe đò dọc đường hay chuyến đò dọc xuôi ngược dòng sông. Ví dụ các chuyến đò dọc sông Mã, mang hàng thủy hải sản, muối, vải vóc, quần áo, nhu yếu phẩm từ miền xuôi ngược lên vùng núi và mang đồ lâm sản từ miền núi về miền xuôi, theo kiểu “tôm mang lên đưa xuống, cá chuồn ngược lên”. Cũng từ các chuyến đò dọc như vậy, mà con buôn chủ yếu là phụ nữ, một mặt đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa, mặt khác, về phương diện văn hóa, đây là môi trường ra đời các điệu hò sông Mã, một hình thức hát đối đáp giữa gái buôn với trai đò.

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các tuyến đường buôn bán từ Hà Nội ngược lên Lạng Sơn, Đồng Đăng bằng đường bộ, và sau này cả đường sắt nữa, trao đổi hàng hóa với Trung Quốc. Một tuyến đường khác từ Hà Nội ngược lên Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai bằng đường bộ, đường sông và đường sắt. Tất nhiên phải kể tới con đường huyết mạch từ Hà Nội xuôi về nam qua Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Đó là các con đường buôn bán đường dài, mà ở đó lực lượng chính vẫn là phụ nữ. Và không có gì đáng ngạc nhiên, khi ven các con đường buôn bán như vậy mọc lên không biết bao nhiêu là đền phủ của Đạo Mẫu, nơi mà các thương lái nữ giỏi đi buôn thường ghé vào cầu cúng Thánh Mẫu phù hộ cho họ buôn bán được may mắn. Đây cũng là con đường mà các đoàn hành hương của các ông đồng, bà đồng, các con nhang đệ tử đi lễ Mẫu, Lên đồng vào các dịp xuân thu nhị kỳ. Như vậy, có thể nói con đường thương nghiệp vươn tới đâu thì đền phủ thờ Mẫu, các nghi lễ Lên đồng vươn tới đó.

Triết lý nhân sinh của Đạo Mẫu và Lên đồng là cầu mong sức khỏe, may mắn và tài lộc. Những người là con nhang đệ tử, những người ra đồng, ngoài nhu cầu sức khỏe, cũng muốn tìm sự may mắn, phát tài, hưởng lộc trong buôn bán. Họ không tiếc tiền của để đi lễ, đi hành hương, bỏ tiền của ra chi cho các cuộc Lên đồng, vì họ tin rằng họ sẽ được Thánh Mẫu phù hộ. Một lần, đi dự lễ hội Bình Đà (Hà Tây) cùng một học giả người Nhật Bản, thấy các gia đình trong làng tự bỏ tiền làm các cây pháo bông trị giá khoảng chục triệu đồng để dâng cúng thần linh, nhà học giả Nhật Bản kinh ngạc vì theo họ người nông dân rất nghèo, tại sao họ lại có thể bỏ ngần ấy tiền để cúng tiến trong lễ hội. Với người dân, câu hỏi ấy thật đơn giản, và họ tin rằng, với tấm lòng của họ, thần linh sẽ phù hộ để họ được nhiều lần hơn thế!

Có thể nói, trong xã hội cổ truyền, đặc biệt là trong cơ chế kinh tế thị trường mang tính nguyên sơ sau đổi mới thì Đạo Mẫu – Lên đồng đã thực sự trở thành tín ngưỡng của tầng lớp thương nhân. Hiện tại chưa có cuộc điều tra về các tín đồ Đạo Mẫu là thương nhân, nhưng bằng các kết quả quan sát thì số lượng thương nhân là tín đồ Đạo Mẫu chiếm tuyệt đại đa số.

Tôi đã từng nhiều lần tham dự các buổi Lên đồng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong nhiều trường hợp, tôi biết khá rõ gốc tích, nghề nghiệp của các Bà đồng, Ông đồng là những người kinh doanh buôn bán. Trong chiếu đồng họ ban phát lộc một cách rộng rãi, không chút đắn đo, so kè, khiến người ngồi tham dự như tôi cũng được nhận lộc bằng tiền bạc, vật phẩm không phải là ít. Nhưng tôi cũng đã tự hỏi, nếu ngày mai họ ngồi trước quầy bán hàng, tôi đến mua hàng, chắc chắn họ sẽ là con người khác, hai bên sẽ ngả giá, so đo từng đồng! Vậy cái gì khiến họ trở thành hai con người như vậy? Phải chăng đó là niềm tin và sự phù hộ độ trì của Thánh Mẫu.

Một trong những điểm nổi bật của đời sống tín ngưỡng Việt Nam sau đổi mới, đó là sự trỗi dậy, sự “thanh xuân hóa”, “trẻ hóa” của Đạo Mẫu. Không chỉ ở các đền phủ thờ Thánh Mẫu, mà ở các điện Mẫu trong chùa, trong các nơi có phối thờ Thánh Mẫu, thì chúng ta đều thấy xu hướng Mẫu hóa các tín ngưỡng, tôn giáo khác. Có thể đưa ra mấy trường hợp minh chứng cho nhận định trên.

Ở Lạng Sơn, tại động Nhị Thanh, vốn là đền thờ Tam giáo (Phật, Đạo, Nho), do Ngô Thì Sĩ xây dựng theo mô hình Tam giáo Trung Hoa từ khi Ông làm quan ở đây (thế kỷ XVIII). Tuy nhiên, đến nay, tuy vẫn mang tên là đền thờ Tam giáo, nhưng thực chất đã và đang bị “Mẫu hóa”, với tư cách là tín ngưỡng dân gian, dấu tích Nho giáo và Phật giáo trở nên mờ nhạt. Thậm chí, người ta còn dựng lên một điện thờ Đạo Mẫu ngay cạnh đó, lúc nào người đến cúng lễ cũng nhộn nhịp.

Trong các ngôi chùa ở Bắc Bộ vốn xưa kia vẫn có điện thờ Mẫu, theo mô thức “tiền Phật hậu Mẫu”. Nay, trong ngôi chùa thờ Phật đó, điện Mẫu đang được tu sửa khang trang, to đẹp hơn. Chẳng hạn, trước đền Bà Tấm thờ Ỷ Lan Nguyên phi có ngôi chùa cổ, tương truyền xây từ thời Nhà Lý, đã bị phá hoại thời hợp tác xã thập kỷ 60. Sau đổi mới khôi phục lại một phần, lúc đầu điện Mẫu khá khiêm tốn, chỉ là một ban thờ ở một gian nhỏ đầu hồi. Nay ngôi điện Mẫu đã xây dựng riêng sau chùa, quy mô thậm chí còn to đẹp hơn cả chùa nữa.

Tại làng Cảnh Dương dưới chân đèo Ngang có tục thờ cá Ông (cá Voi). Khác với các làng ven biển phía nam chỉ thờ cá Ông, ở Cảnh Dương có lăng thờ cá Ông và cả cá Bà. Đặc biệt, tại lăng cá Bà, ngoài nơi để cốt cá Bà, còn có một số ngôi mộ chôn cất hài cốt cá voi con, do ngư dân mang về từ ngoài biển, với những cái tên: Cá Cô, Cá Cậu, Cá Ông Hoàng, Cá Quan Lớn, một hệ thống thần linh mang đậm chất Đạo Mẫu. Nói cách khác, tục thờ Cá Ông ở đây đã bị “Mẫu hóa”.

Một trường hợp điển hình hơn là Đền Bà Chúa Kho ở thôn Cô Mễ, thành phố Bắc Ninh. Theo truyền thuyết, đền Bà Chúa Kho thờ một nữ thần có công trong việc cung cấp lương thực cho quân Nhà Lý chống giặc Tống xâm lược (thế kỷ XII). Trong đền, mặc dù Bà Chúa Kho là thần chủ, nhưng vẫn nằm trong hệ thống điện thần chung của Đạo Mẫu Tam phủ với Tam tòa Thánh Mẫu, các Quan, Chầu, Ông Hoàng, Cô, Cậu. Đây là hiện tượng “Mẫu hóa” như bao ngôi đền thờ nữ thần khác. Gần đây, với những tư liệu thực địa, chúng tôi đã tìm ra cội nguồn của Bà Chúa Kho, đó chính là hiện tượng thờ Mẹ Lúa nguyên thủy vốn là ngôi đền thờ của làng cổ Mễ. Sau thời kỳ đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, đền Bà Chúa Kho bỗng nhiên sôi động hẳn lên, khách các nơi đổ về, chủ yếu là giới thương nhân ở các đô thị lớn về vay tiền, vàng của Bà, chí ít cũng xin lộc rơi lộc vãi, biến Bà từ bà chủ kho lúa, nay thành chủ kho tiền. Khách đến lễ quanh năm, nhưng tập trung hơn cả vào tháng Giêng, tháng đến xin, vay tiền Bà về làm ăn và tháng Chạp cuối năm, đến trả và lễ tạ Bà. Vào những dịp như vậy, mỗi ngày nơi đây đón tiếp hàng chục ngàn du khách hành hương, chủ yếu là giới thương nhân, trong đó phụ nữ chiếm số đông hơn cả. Hiện tượng này, chúng ta còn thấy ở nhiều ngôi đền khác, như Phủ Dầy ở Nam Định và đền Bà Chúa Xứ ở An Giang.

Như vậy, sự trỗi dậy của tục thờ Mẫu trong khung cảnh của nền kinh tế thị trường giao thời đã là một hệ quả tất yếu, thể hiện vai trò của người phụ nữ trong nền thương nghiệp truyền thống, được phản ánh trên bình diện đời sống tâm linh

Chỉ hàng ngày vào buổi chiều, các bà trong Hội Chư bà có thể đến lễ chùa và gặp gỡ nhau. Trong phạm vi hội như vậy, họ còn tham gia vào việc thăm hỏi khi ốm đau, đặc biệt Hội Chư bà đọc kinh cầu siêu cho người hấp hối và cùng đối cầu kiều tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cạnh chùa. Câu ngạn ngữ Việt Nam “trẻ vui nhà, già vui chùa” chính là nói lên nguyện vọng tha thiết của đời sống tinh thần của phụ nữ.

Bà C. năm nay đã ngoài 50 tuổi, sinh sống trong một ngôi làng ở huyện Hải Hậu, Nam Định. Bà là vợ của một cán bộ cấp tỉnh đã về hưu. Bà đã ngoài 50, kinh tế gia đình không đến nỗi eo hẹp. Tuy nhiên, phụ nữ vào tuổi mãn kinh, tính tình cũng hơi khác thường, dễ cáu gắt, thường hay va chạm với chồng, con, xóm giềng. Làng của bà có ngôi chùa và Hội Chư bà, mà nơi gặp gỡ chính là ngôi chùa đó. Thường cứ tuổi này, các bà sắm bộ áo dài nâu, tham gia Hội Chư bà, rằm mồng một hàng tháng lên chùa cầu kinh, niệm Phật, gặp gỡ nhau trò chuyện, tổ chức các cuộc thăm viếng người ốm đau, cầu kinh cho người quá cố.

Lúc đầu khi đề đạt nguyện vọng này với gia đình, nhất là với chồng, mọi người có phần do dự, nhất là ông chồng. Vì tư cách là cán bộ về hưu, lại là Đảng viên Cộng sản, ông sợ mang tiếng với mọi người vì cho vợ đi chùa, mà theo quan niệm cổ hủ xa xưa là theo tôn giáo, mê tín dị đoan. Tuy nhiên, cũng nể vợ thiết tha tham gia Hội Chư bà, ông đành ưng ý. Sau một năm đi chùa, tính tình bà có nhiều thay đổi, tâm tính cân bằng hơn, đỡ cáu gắt khi gặp tình thế không hài lòng, điều ăn tiếng nói với bố mẹ, chồng con hòa nhã, phải phép hơn, bà quan tâm đến đời sống mọi người xung quanh láng giềng và khi cần bà sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ. Ông chồng bà theo dõi rất sát sao sự thay đổi tâm tính này của bà và mừng là không khí tâm linh nơi chùa chiền đã cảm hóa bà nhiều, làm bà trở nên hoàn thiện hơn.

Theo gương bà, ông cũng không còn thờ ơ, nghi kỵ với đời sống tâm linh nơi thôn quê, ông tham gia vào Hội các cụ cao tuổi chăm lo các di tích đền miếu, lễ hội và tìm ở đó sự an ủi tâm linh khi về già.

Ảo ảnh, có cần cho con người không?

Có người nói, việc đồng bóng chỉ là cuộc sống với các “ảo ảnh”, cứ coi nhận xét đó có phần đúng, thì cái ảo ảnh do đồng bóng tạo ra có cần thiết cho con người không?

Đúng là Lên đồng là sự tái hiện lại cuộc sống của các thần linh trên thân xác các bà đồng và ông đồng, một sự tái hiện mà so với cuộc sống của đời người thì cũng chỉ là chốc lát, thoáng qua. Tuy nhiên, cái ảo ảnh thoáng qua trong chốc lát ấy lại cần thiết với một số người, trong đó chủ yếu là phụ nữ. Vậy sự cần thiết đó thể hiện trên các phương diện nào?

Như chúng tôi đã nói ở chương trên, những người có căn số ra trình đồng không phải là những người mắc một thứ bệnh lý mà chẳng qua là do sự đồn nén nào đó tạo nên sự rối loạn tâm thần và từ đó dẫn đến những lệch chuẩn trong hành vi. Trong quá trình lên đồng, tức là quá trình biến đổi ý thức, con người dễ bị rơi vào trạng thái tự ám thị về sự tồn tại của các thần linh. Chính trong cái môi trường tự biến đổi ý thức và tự ám thị đó, cái vô thức tiềm ẩn trong con người được đánh thức, giải phóng cho các kìm nén được giải tỏa, tạo cho con người trở lại thăng bằng hơn, khắc phục những lệch chuẩn trong hành vi và tái hòa nhập cộng đồng. Điều đó giải thích một hiện tượng mang tính toàn cầu là các thầy Shaman (thầy đồng) trước khi ra đồng thường hay bị ốm đau, điên loạn, nhưng khi ra đồng, trở thành thầy Shaman rồi thì lại trở lại bình thường. Hoặc là thành thầy đồng rồi mà không thường xuyên ngồi đồng (mỗi năm 2-3 lần) thì dễ bị trở lại trạng thái khủng hoảng tâm sinh lý ban đầu.

Chính điều này khiến người ta khẳng định việc Lên đồng là một giải pháp trị liệu tích cực, giúp con người khắc phục bệnh tật và tái hòa nhập cộng đồng. Đó là khía cạnh tâm sinh lý của hiện tượng đồng bóng.

Trong xã hội cổ truyền và chừng nào cả xã hội đương đại, sự bất bình đẳng giữa nam và nữ luôn là vấn đề đặt ra đối với người phụ nữ. Sự bất bình đẳng đó diễn ra trong phạm vi gia đình và ngoài xã hội, trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần, kể cả đời sống tâm linh. Tất nhiên, khi xã hội thay đổi thì vị thế của người phụ nữ trong xã hội cũng thay đổi theo.

Trong nhiều công trình nghiên cứu trước tới nay, vẫn có một cách nhìn nhận mà tôi cho là sai lệch và cực đoan là trong xã hội cổ truyền, người phụ nữ bị gạt ra ngoài đời sống tín ngưỡng tôn giáo nơi làng xã. Điều đó chỉ đúng trong một số trường hợp, như hệ thống tôn thờ thần linh gắn với Nho giáo như thờ Thành hoàng, thờ Tổ tiên trong gia tộc và dòng họ hay thờ các vị vua chúa, anh hùng dân tộc (trừ trường hợp thờ Đức Thánh Trần). Còn lại, như trên đã nói, nơi chùa thờ Phật hay trong các đền thờ Mẫu, thì ở đó vai trò lại thuộc về giới nữ.

Nếu đứng từ góc độ tâm sinh lý và rối loạn tâm thần theo kiểu “cơ đày” thì động cơ “ra đồng” chủ yếu là bị ép buộc, đẩy người phụ nữ đến vai trò đồng bóng, thì ngược lại, khi đã trở thành Bà đồng, Ông đồng rồi, thì họ lại có một động cơ xã hội khác thậm chí níu kéo họ khiến họ không thể rời xa thứ tín ngưỡng này. Chẳng thế mà dân gian có câu: “Thứ nhất ngồi đồng, thứ nhì lấy chồng quan.” Mặt khác, hiện tại có không ít các Bà đồng mặc dù chẳng bị căn quả gì mà chỉ là do ý thích nào đó mà mở phủ ra đồng để chơi, khiến người ta đã đặt cho loại đồng này là “đồng đua,” tức loại đua chen, đua đòi! Vậy cái gì đã lôi cuốn họ?

Quan sát một cuộc Lên đồng, chúng ta thấy đó là quá trình nhập hồn nhiều lần của thần linh Tứ phủ vào thân xác các Bà đồng, Ông đồng. Trong trạng thái tự kỷ ám thị về sự tồn tại của các thần linh, mà ở đây thần linh lại nhập hồn vào chính bản thân mình, thì đây thực sự là cuộc chuyển đổi thân phận, mà thân phận ở đây không phải là của người trần mắt thịt mà là thân phận của các thần linh, từ vai trò của Thánh Mẫu linh thiêng, đến các Quan Lớn, các vị Chầu, ông Hoàng, Cô, Cậu với dáng vóc, ăn mặc, đi đứng, nói năng cao sang theo kiểu cung đình, trước người trần (ít nhất là những người ngồi dự) chỉ biết bám báo, vâng dạ không dám trái lời. Đối với những người nhập đồng, tức trạng thái tự ám thị cao, thì họ coi đó là trạng thái thăng hoa, huy hoàng, tự nhập thân vào vai trò của thần thánh. Chính trạng thái đó đã góp phần giải tỏa nhiều ức chế, tạo ra các khoái cảm thực sự. Điều đó giải thích vì sao, trong tất cả các trường hợp từ nam nữ, già trẻ sau khi cởi áo hầu đứng lên chào khách, họ đều tỏ ra mạnh khỏe, phấn chấn, tươi vui, mặc dù cuộc Lên đồng có khi kéo dài 4-5 giờ đồng hồ, diễn ra trong khung cảnh chật chội, oi bức.

Trạng thái chuyển đổi thân phận đó nhiều khi không chỉ là thân phận của các ông Hoàng bà Chúa, mà có trường hợp là thân phận của các con người trong mối quan hệ cụ thể của gia đình hay cộng đồng. Vào những năm 1976-1977, tôi khảo sát Lên đồng ở thành phố Hồ Chí Minh, chính tôi đã được quan sát tận mắt hiện tượng chuyển đổi thân phận giữa vợ và chồng của bà Đồng M. trong cuộc Lên đồng ở đền Gò Nổi.

Trong suốt buổi Lên đồng, nhất là vào các giá Quan và giá Chầu, tôi thấy bà tỏ ra rất uy nghiêm, thậm chí hách dịch với một người đàn ông tham dự buổi hầu. Mượn cớ phát lộc, bà gọi người đàn ông đó đến quỳ trước mặt, thay vì không ban lộc ngay, mà bà còn phán xét, căn vặn ông đủ thứ, còn ông thì quỳ trước mặt Bà, một điều hai điều vâng dạ trước dáng vẻ cao ngạo của Bà. Tôi đem điều băn khoăn này hỏi người ngồi cạnh, thì họ cho biết, người đàn ông quỳ trước mặt Bà đồng chính là chồng của bà ta. Họ còn rỉ tai tôi nói thêm, trong đời sống thường ngày, ông tỏ ra gia trưởng, thậm chí hách dịch với vợ. Có lẽ đây là dịp bà mượn cớ mình đang là Quan là Chầu mà “trả thù” ông chồng kia chăng?

Trong một cuộc Lên đồng khác, tôi đã được tự thân trải nghiệm tham gia vào cuộc chuyển đổi thân phận này. Tôi tham dự cuộc lên đồng của bà đồng H. tại đền Ông Cồn, đối diện với bến Nhà Rồng thành phố Hồ Chí Minh. Bà là người trạc tuổi khoảng trên dưới 35, xinh đẹp, duyên dáng, múa dẻo. Hôm đó tôi tham dự với tư cách là người chụp ảnh. Khi bà hầu tới giá Cô, hình như Cô Cam Đường thì phải, vì trang phục của giá Cô giống như trang phục của các cô gái Quan họ thời xưa. Lúc cô đang múa thì đột nhiên cô dừng lại, rút bông hoa hồng cắm trong lọ hoa đặt trước gương thờ. Cô cầm bông hoa hồng, vẫy tôi lại gần. Tôi đang bỡ ngỡ không hiểu điều gì đang diễn ra thì mọi người ngồi dự thúc giục: “Cô gọi anh đấy, lại đi!” Tôi bỏ máy ảnh, rụt rè đến trước chiếu hầu, lễ phép quỳ xuống dơ tay nhận hoa Cô sắp ban. Nhưng oái oăm thay, cứ mỗi lần cô lại gần, định trao hoa, thì lại thôi, khiến không khí buổi hầu trở nên nhộn nhịp, rất vui vẻ, mọi người thích thú trước việc Cô ban hoa nhưng theo kiểu trêu cợt tôi như vậy! Việc cho hoa rồi lại không như vậy kéo dài gần 30 phút, khiến đôi gối tôi đang quỳ đau nhói, có lúc như muốn khuỵ xuống. Cuối cùng thì rồi Cô cũng trao hoa, trước lời khen của cử tọa rằng tôi có phước được cô yêu mến ban tặng bông hoa hồng. Đây không rõ có phải là một tình huống chuyển đổi thân phận trong lên đồng hay không?

Kết thúc buổi hầu, dài cũng khoảng 5-6 giờ, ngắn cũng khoảng 2-3 giờ, cuối cùng thân phận ai cũng trả về cho người đó như nó vốn tồn tại. Mấy giờ đồng hồ so với cả cuộc đời, đó chỉ là khoảnh khắc, nhưng đó là khoảnh khắc huy hoàng, khoảnh khắc chuyển đổi thân phận, khoảnh khắc phá đi cái trật tự cũ để xác lập cái trật tự mới, có nét gì đó tương tự như các lễ hội Carnival ở châu Âu. Như vậy, người phụ nữ Việt Nam không xác lập được vai trò của họ trong đời sống hiện thực thì họ có thể ký thác khát vọng đó trong đời sống tâm linh, ảo ảnh nhưng lại cần thiết cho con người.