Tục thờ Ngũ Hành Nương Nương – Bà Ngũ Hành
Trong xã hội cổ truyền Việt Nam, do tác động của các nhân tố tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hóa, nên trong tâm thức dân gian người ta thường đồng nhất bản thể vũ trụ với tính nữ. Trước khi người Việt tiếp nhận ảnh hưởng phụ quyền của Trung Hoa, dân gian vẫn đồng nhất trời với tính nữ – Bà Trời – Ông Trăng mà lấy “Bà Trời”, như câu hát đồng dao của trẻ nhỏ. Rồi các quan niệm Tứ Pháp gắn với các hiện tượng thời tiết cũng được biểu trưng bằng các nữ thần: Pháp Vân (Thần Mây), Pháp Vũ (Thần Mưa), Pháp Lôi (Thần Sấm), Pháp Điện (Thần Chớp), có nơi có cả Pháp Phong (Thần Gió). Các hiện tượng mang tính bản thể tạo nên vũ trụ, muôn vật là Ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ cũng đồng nhất với nữ tính – Ngũ Hành Nương Nương (Bà Ngũ Hành).
Rõ ràng, ngũ hành là một quan niệm mang tính vũ trụ luận của triết học cổ đại Trung Hoa, nó không chỉ quy chiếu về 5 yếu tố chính của vũ trụ, tự nhiên, mà nó còn gắn với quan niệm ngũ sắc, ngũ vị, ngũ âm, ngũ quan…, sự liên quan và chuyển đổi, tương tác giữa các nhân tố kể trên. Từ quan niệm gốc rễ này mà từ nam Dương Tử (Trung Quốc) đến nước ta đã phổ biến quan niệm đồng nhất ngũ hành với việc thờ cúng 5 vị thần mang tính nữ: Ngũ Hành Nương Nương. Thờ cúng Ngũ hành ở nước ta đều có thể quan sát thấy ở cả Bắc, Trung và Nam, tuy nhiên, mức độ phổ biến hóa cao vẫn là duyên hải Trung Bộ và Nam Bộ, còn ở Bắc Bộ thì thấy ở một vài nơi, như Phố Hiến, ven Hà Nội.
Ở miền Trung, Ngũ Hành thường thờ ở miếu, gọi là miếu Ngũ Hành. Theo hồi cố của các bậc già cả, xưa kia gần như làng nào cũng có miếu Ngũ Hành, nay mất đi nhiều, chỉ còn một số nơi còn giữ được, như miếu Ngũ Hành Nam Ô (Đà Nẵng), miếu Ngũ Hành Cẩm Nam (Hội An), miếu Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), miếu Ngũ Hành Tịnh Thủy (Tam Kỳ)… Còn lại đa phần phối thờ Ngũ Hành với Thiên Y A Na, như trường hợp phối thờ Ngũ Hành với Thiên Y A Na ở miếu Đại Điền (Núi Chúa) ở ngoại ô Nha Trang, Cổ Lũy (Quảng Ngãi), Khuê Trung (Đà Nẵng)…
Dân gian thường gọi gộp chung là Bà Ngũ Hành hay gọi tách riêng từng Bà: Bà Kim, Bà Mộc, Bà Hỏa, Bà Thủy, Bà Thổ. Trong các sắc phong hay bài vị thờ thì đề tước hiệu: Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi. Miếu Tịnh Thủy thờ ngũ hành với tước hiệu “Ngũ hành cổ nương thần nữ”, còn ở Quảng Ngãi thì phổ biến tên gọi chung là “Ngũ hành thượng giới”.
Rất ít nơi còn thấy dạng thờ linh tượng Ngũ Hành, như ở miếu thờ Bà Chúa Ngọc ở Đại Điền (Nha Trang) hay miếu Ngũ Hành Cẩm Nam (Hội An). Ở Cẩm Nam, có năm tượng Bà Ngũ Hành đặt trong khung kính, màu y phục mỗi Bà tương hợp với sắc màu của năm hành: Đen, đỏ, xanh, trắng, vàng. Tuy nhiên, thay vì hành Thủy là màu đen theo quan niệm người Trung Hoa quen dùng nước giếng (nhìn xuống giếng thấy nước màu đen), thì ở Việt Nam do dùng nước sông, suối màu trắng, nên Bà Thủy mặc áo trắng. Ở núi Đại Điền (Nha Trang), tuy thờ thần chủ là Thiên Y A Na – Chúa Ngọc, nhưng phối thờ Ngũ Hành ở dạng linh tượng – tượng năm Bà mặc trang phục mang sắc ngũ hành.
Một số nơi thờ Bà Ngũ Hành dưới dạng ngẫu tượng – bài vị. Thí dụ ở miếu Khuê Trung (Đà Nẵng) thờ Thiên Y A Na ở hậu cung, còn phía ngoài thì thờ 5 bài vị Ngũ Hành với các tước hiệu: Kim Đức Thánh Phi Tặng Chiếu Hiển Hiệu Ứng Trung Đẳng Thần, Mộc Đức Thánh Phi Tặng Thanh Tú Khởi Trực Trung Đẳng Thần, Thủy Đức Thánh Phi Tôn Thần Gia Tăng Ôn Hậu Quang Trung, Hỏa Đức Thánh Phi Tôn Thần Gia Tặng Ôn Hậu Quang Trung Đẳng Thần, Thổ Đức Thánh Phi Tặng Hoằng Đại Hậu Trung Đẳng Thần. Phần lớn các trường hợp chúng ta nhận biết được việc phối thờ Ngũ Hành với các vị thần khác tại các lăng, miếu là thông qua các sắc phong còn lưu lại, qua xưng danh thần vào dịp cúng tế, thậm chí chỉ qua trí nhớ của các bậc cao niên.
Ngũ Hành trong quan niệm dân gian liên quan tới mọi mặt của đời sống con người, không kể người làm những nghề nghiệp khác nhau, như ngư nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp, buôn bán…
Không kể cư dân sống ở ven biển, dọc sông hay vùng đất bán sơn địa. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, những lăng miếu thờ hay phối thờ Bà Ngũ Hành thường tập trung ở ven biển, các lạch, cửa sông, vốn là nơi từ xa xưa, dù làm nghề đánh bắt cá hay trồng trọt, buôn bán ven đô thị thì cũng đều quy tụ ở những nơi này. Đặc biệt các làng làm nghề cá ven biển, nghề thủ công (làm muối, làm đường, làm gốm…). Người ta thờ Bà Ngũ Hành và cầu mong Bà phù hộ độ trì trong việc làm ăn, cầu sức khỏe, cầu may mắn, tránh rủi ro, hoạn nạn.
Người Việt ở Trung Bộ và Nam Bộ thờ cúng Ngũ Hành Thần Nữ, tuy nhiên trong tâm thức của họ, cổ khi 5 (ngũ) Bà lại hợp nhất trong một – Bà Ngũ Hành, theo kiểu tam vị nhất thể. Thực tế ở Trung và Nam Bộ, ngoài Bà Ngũ Hành ra, còn có hai Thần Nữ được thờ riêng, đó là Bà Thủy hay Thủy Long Thần Nữ và Bà Hỏa. Trong chừng mực nào đó, việc thờ cúng tách riêng hai bà Thủy, Hỏa còn phổ biến hơn việc thờ phụng chung Bà Ngũ Hành.
Cũng có những quan niệm khác nhau về mối quan hệ giữa Bà Ngũ Hành với Bà Thủy Long và Bà Hỏa. Có người cho rằng, vốn Bà Thủy Long và Bà Hỏa là từ Ngũ Hành Thần Nữ mà tách riêng ra, vì Thủy, Hỏa là hai nhân tố quan trọng liên quan đến đời sống, đặc biệt là tai họa đối với con người theo kiểu “Thủy Hỏa đạo tặc”. Tuy nhiên, lại có quan niệm khác cho rằng Bà Ngũ Hành và Bà Thủy Long, Bà Hỏa là những hình thức tín ngưỡng riêng biệt, trong đó, Bà Thủy Long và Bà Hỏa xuất phát từ quan niệm thuần túy bản địa, thờ cúng hai lực lượng luôn đe dọa con người, còn Bà Ngũ Hành có xuất xứ ngoại lai, tín ngưỡng mang tính vũ trụ luận nguyên sơ.
Bà Thủy Long còn có nhiều tên gọi khác, như: Thủy Long Hà Bá, Long Vương Thần Nữ, dân gian gọi tắt là Bà Thủy, Bà Thủy Tề… Trong quan niệm dân gian, Bà là Nữ thần giếng, Thần sông rạch, Thần cù lao, Thần hải đảo, tức vị thần cai quản vùng sông nước. Cũng có quan niệm cho rằng Bà là hóa thân của Thiên Y A Na. Vị thần này thể hiện tính lưỡng diện: một mặt, Bà là nơi ngư dân gửi gắm sự bảo trợ của mình trong mỗi chuyến đi biển đầy thách thức và may rủi, mặt khác, nếu làm điều gì xúc phạm tới Bà, như thả các vật dụng xuống “Thủy cung”, cứu người đã bị Bà “dìm chết” để trừng phạt, không làm các nghi lễ chuộc vong, thì Bà lại trở thành vị ác thần đáng sợ.
Nguyễn Xuân Hương trong bài viết về thờ Mẫu ở xứ Quảng đã có sự liên tưởng giữa thờ Bà Thủy Long Hà Bá với thờ Bà Ma Nha hay Ma Da. Trong quan niệm dân gian của người dân xứ Quảng, Ma Nha hay Ma Da là một loại ma chuyên dìm người chết, nhất là những người thuộc “dòng” chết trôi, còn người Việt ở vùng Nguồn Sơn, Quảng Bình, ở Huế cũng rất sợ loại ma này và thường gọi là Ma Rà. Có thể loại ma gắn với sông nước này có liên quan tới loại Ma Lai chuyên hại người, thường phổ biến ở miền núi Trường Sơn và Tây Nguyên.
Nếu thờ Bà Thủy Long khá phổ biến ở cư dân ven sông, biển thì việc thờ phụng Bà Hỏa ít phổ biến hơn. Đây là vị thần mà cư dân lập miếu thờ để phòng tránh hỏa hoạn, do vậy, thường ở những nơi đã từng xảy ra hỏa hoạn lớn thì dân ở đó lập miếu thờ. Chẳng hạn, làng biển Phú Lộc (Đà Nẵng) bị hỏa hoạn lớn cách đây khoảng 200 năm, sau đó lập miếu thờ Bà Hỏa. Làng Nam Ô (Đà Nẵng), một làng gần chợ bị hỏa hoạn cháy trụi, người dân tin rằng bà Phương Chào, một hóa thân của Thiên Y A Na, trừng phạt, nên đã lập miếu thờ Bà Hỏa che chở. Hàng năm, vào dịp lễ kỳ yên đầu năm, dân ở đây rước vía bà và cầu mong Bà phù trợ.