Tôn thờ Mẫu thần và nghi thức Múa bóng

NGHI LỄ VÀ LỄ HỘI THỜ MẪU Ở NAM BỘ

Như chúng tôi đã nói ở phần tổng luận, trên địa bàn Nam Bộ hình thành nên hai lớp văn hóa tín ngưỡng thờ Nữ thần và Mẫu thần mang tính bản địa và lớp thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ mới từ miền Bắc du nhập trong vòng gần một thế kỷ nay. Từ đây hình thành những hình thức nghi lễ và lễ hội ít nhiều có sự khác biệt, đó là tín ngưỡng thờ Mẫu thần bản địa với hình thức Múa bóng và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ với nghi lễ Lên đồng.

I – Tôn thờ Mẫu thần và nghi thức Múa bóng

Người Nam Bộ có nhiều cách gọi Múa bóng, như Bóng rỗi, Hát bóng rỗi, Múa bóng rỗi… tất cả đều để chỉ một nghi thức trong các dịp cúng các Nữ thần, Mẫu thần ở các đền miếu, mà ở đó các Bà bóng là những người giữ vai trò quan trọng nhất. Vậy Múa bóng là gì? So với nghi lễ Lên đồng (Hầu Bóng) của đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ có gì giống và khác nhau?

Lên đồng và Múa bóng đều là múa thiêng, hát thờ, gắn với nghi lễ cầu cúng thần linh, mà thần linh ở đây là các Nữ thần, Mẫu thần, Thánh Mẫu. Tuy nhiên, sự khác nhau cơ bản giữa Lên đồng và Múa bóng rỗi là Lên đồng là múa của thần linh, thần linh Tứ phủ nhập hồn vào ông đồng, bà đồng để múa, phán truyền, ban phát lộc, là sự tái sinh của thần linh trong thân xác của các ông đồng, bà đồng; còn Múa bóng là múa, hát của người trần để ca tụng, dâng cúng thần linh. Tất nhiên, các ông đồng, bà đồng để có thể nhập hồn thần linh vào thân xác mình thì phải tự đưa mình vào trạng thái ngây ngất (Ecstasy), còn Múa bóng thì người múa hát có trạng thái ngây ngất ấy không? Đó là một câu hỏi cần trả lời.

Như những gì chúng tôi quan sát được, khi Bà bóng mở đầu cuộc Múa bóng thì bao giờ cũng phải rỗi chào mời để thỉnh các nữ thần đang ở nơi xa xôi nào đó về đền miếu thờ mình để thưởng lãm Múa bóng, hát rỗi và nhận lễ vật dâng cúng. Trạng thái tâm lý của Bà bóng khá bình thường, chỉ cần họ có trí nhớ các bài rỗi và trình diễn mà thôi. Tuy nhiên, sau đó, đến các điệu múa dâng mâm vàng, đặc biệt là các trò diễn tạp kỹ khá khéo léo, nhiều khi nguy hiểm nữa, thì đòi hỏi Bà bóng phải có tập luyện, kỹ năng, kinh nghiệm và có chút thăng hoa, nhập định nào đó.

II – Ai là Bà bóng?

Cái tên Bà bóng là để chỉ những người chuyên múa hát trong nghi lễ Múa bóng, thể hiện rõ giới tính nữ. Tuy nhiên, là Bà bóng thì không nhất thiết phải là nữ giới, mà còn có cả nam giới. Tuy nhiên, những nam giới này thường không mang giới tính nam bình thường, mà phần nhiều nam ái nữ. Thí dụ, trong số 54 nghệ nhân múa hát bóng rỗi đăng ký tham gia liên hoan nghệ thuật Bóng rỗi của Nam Bộ ở tỉnh Tiền Giang năm 2007, thì chỉ có 4 người là nữ thật sự, còn lại đều là nam ái nữ. Họ đều được gọi là Bà bóng, ăn mặc, trang điểm, điệu bộ như nữ giới. Như vậy, so với Lên đồng của đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, hiện tượng đồng cô, nam ái nữ trong Múa bóng Nam Bộ thể hiện một cách rõ rệt hơn.

Đã có nhiều người đặt câu hỏi tại sao liên quan tới tục thờ Mẫu, các Ông đồng, Bà bóng lại thể hiện tính lưỡng giới, mà thường là nam ái nữ hơn là nữ ái nam. Có thể bước đầu lý giải vấn đề này từ hai khía cạnh. Thứ nhất, dù là Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ hay tín ngưỡng thờ Mẫu thần thì đều lấy vị thần chủ và hệ thống thần linh là nữ thần, một hình thức tín ngưỡng thu hút sự tin thờ và tham gia của phụ nữ. Do vậy, các ông đồng, Bà bóng với tư cách là người trung gian giao tiếp giữa người trần và thần linh mang tính nữ, thì phải là nữ hoặc là nam nhưng phải ái nữ. Mặt khác, những người ái nam ái nữ, tức thuộc giới thứ ba, không thuộc nam tính hẳn hay nữ tính hẳn, họ nhạy cảm, “nhẹ vía” và như vậy, theo quan niệm dân gian, họ dễ nhập hồn của thần linh, làm người trung gian giữa thần linh và người trần.

Các Ông đồng và Bà bóng thường có một đặc tính chung là trước khi trở thành người của thần thánh thì họ thường mắc phải các rối loạn tâm sinh lý, sự rối loạn tâm thần, thậm chí ốm đau chữa thuốc không khỏi, mà theo quan niệm dân gian là họ có bị Thánh “chấm”. Chỉ sau khi ra hầu Thánh, trở thành Ông, Bà đồng, Bà bóng thì mới khỏi.

Bà bóng ở đây có hai loại, một loại gọi là Bóng vu vi, tức là loại Bà bóng có căn với việc thờ các nữ thần Ngũ Hành Nương Nương, họ không cần phải học hành bài bản, phần lớn đi lễ nhiều rồi bắt chước làm theo. Họ nghĩ rằng khi múa hát chầu thì tự ứng lên. Họ có thể kết hợp Múa bóng với xem bói, lên đồng. Loại thứ hai là Bóng tuồng, họ học nghề bóng rỗi và coi đó là kế sinh nhai. Vì có học nên việc hát múa của họ đúng nhịp, đúng nhạc. Từ múa hát bóng rỗi, họ chuyển dần sang cách trình diễn mang tính kỹ xảo, tạp kỹ, thường đi biểu diễn cho công chúng trong các dịp lễ hội cúng Bà tại các miếu ở thôn ấp.

  • Út S. là bà bóng hiện ở ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, năm 2008 là 36 tuổi. Út S. sinh ra ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành. Từ nhỏ, Út S. đã múa hát giỏi, nên lúc 6-7 tuổi đã theo Bà Bóng B. về ở cùng tại ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, Cai Lậy để học nghề. Năm Út S. 19 tuổi, Bà Bóng B. qua đời, Út S. vẫn sống ở nhà bà và lo việc thờ cúng thầy Bóng của mình. Út S. là nam giới, nhưng nay ăn mặc, đi đứng, dáng điệu như nữ giới. Út S. là bà bóng thuộc loại trẻ, nhưng tay nghề khá cao, được nhiều nơi mời đi cúng miếu, cúng trang tại gia.

  • Bà Bóng TM là một bóng nam ái nữ, nên trong chứng minh thư, tên lót là “thị,” chứ không phải là “văn.” Bà sinh năm 1947, tại Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè. Cha Bà vừa chơi nhạc lễ, vừa múa hát bóng rỗi. Bóng thầy của Bà là Bóng Thủ (Nguyễn Thị Thủ), một bà bóng nổi tiếng cả vùng. Bà thuộc loại bóng có căn, có những khiếm khuyết cơ thể, có những biểu hiện tâm lý khác thường, có tài múa hát, nên cha Bà cho Bà đi học. Bà học xong, được thầy pháp và thầy bóng cấp sắc.

  • Cô Bóng L. là người ở vùng Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. L. là bà bóng mang nữ tính thực sự, chứ không phải là nam ái nữ như Út S. hay Bà Bóng TM. Bà bóng L. kể rằng, khi mới sinh ra, cô rất yếu ớt, hay ốm đau, mãi khi 7-8 tuổi cô mới biết nói, biết đi lại. Cô hay đi lang thang, có lúc như bị tâm thần. Khi đi lại được, cô hay dùng mâm để múa và theo các Bà bóng đi cúng miếu thờ Bà. Cô thuộc loại bóng độ, tức được thần linh độ mạng nhập vào. Nay, cô đã có chồng, sinh được hai con gái, làm nghề buôn trái cây. Sau khi đã có chồng con, khi cô đi múa, thường chồng và các con đi theo. Cô xinh đẹp, khi múa rất yểu điệu, động tác múa mang tính sáng tạo, không gò vào quy chuẩn nào. Mắt cô nhìn xa vời, như không chăm chú vào cái gì, không nhìn thấy ai. Những lúc như vậy, cô có cảm giác dường như mọi người cùng múa với mình.

  • Ông Bóng Năm L., người xã Phước Tân, Gò Công Đông, năm nay 70 tuổi, là bóng nam, tuy đôi lúc có nét gì hơi ái nữ. Ông có vợ con. Ông vừa múa bóng, vừa hát rỗi, diễn Chập Địa Nàng. Nay ông thường đi hát với cô cháu gái, khi thì ở quê, khi thì được người ta mời lên thành phố.

  • Có một bóng nam ái nữ, tên là Lê Ngọc V., vốn xưa đi học ở trường trung học sư phạm, về làm giáo viên dạy tiểu học. Từ khi trở thành Bà bóng, đi lễ ở nhiều nơi, thì bà bóng cũng không đi dạy học nữa.

Để trở thành bà bóng, thường là mỗi người phải có một Bà bóng thầy, đó là người đưa dẫn, truyền dạy thông qua các nghi lễ múa bóng và cũng là người công nhận cho các học trò. Thí dụ các Bà bóng TM, Bóng Út S., Bà bóng V. nêu trên đều là học trò của bà Bóng Rảy Thủ, một bà bóng nổi tiếng của vùng Tiền Giang, tạo nên một thứ múa bóng có phong cách chung cùng ảnh hưởng của một Bà bóng thầy. Tôi đã trực tiếp xem một số tấm bằng sắc cấp cho mỗi bà bóng, sau khi được một Bà bóng thầy và một thầy pháp làm lễ công nhận.

Cũng từ lúc này, trong nhà Bà bóng có lập bàn thờ. Xin lấy thí dụ bàn thờ bà bóng Út S. ở ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy. Tại gian chính ngôi nhà, có 3 bàn thờ. Phía tay phải là bàn thờ Cửu huyền thất tổ, theo giải thích của gia đình thì đó là bàn thờ của Bà bóng Bảy Thủ, thầy của Bà bóng S. (?) Giữa là bàn thờ Tổ nghề múa bóng, trên đó bày rất nhiều tượng và ảnh của các vị thần: Phật Bà Quan Âm, Phật Diêu Trì, Cửu Thiên Huyền Nữ, bà La Sát, Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Ngọc, Mẹ Đất, Chư Ông Ngũ vị…, tức là tập hợp các vị nữ thần được thờ ở các đền miếu Nam Bộ. Bàn thờ bên trái ghi chữ Thiên nhiên chủ định, phía dưới có ảnh Bà bóng Bảy Thủ, tức Bà bóng thầy của bóng Út S. Người ta giải thích với tôi rằng đây là bàn thờ của Bà bóng Út S. Trên bàn thờ có giữ hai tấm sắc bằng vải, một của bà bóng Bảy Thủ, một của Bà bóng Út S.

Các Bà bóng (cả nam và nữ, nam ái nữ) là một lớp người trong xã hội nông thôn miền Nam, có loại được gọi là có căn mạng (bóng rỗi vu vi, bóng độ), vừa múa hát bóng rỗi vừa kết hợp với lên đồng xem bói toán. Còn một loại khác là bóng tuồng, mang tính chuyên nghiệp hơn, họ có năng lực múa hát, được học hành tử tế. Lý do dễ để trở thành bà bóng cũng khác nhau, do những khuyết tật về tâm sinh lý, do trạng thái thần kinh không ổn định, do ảnh hưởng từ người khác… Trong lớp Bà bóng như vậy, thì nổi lên các bà bóng giỏi, cao tay, trở thành thầy bóng, hướng dẫn, đào tạo nhiều bà bóng khác trong vùng. Lớp người này sống trong cộng đồng thôn ấp và được mọi người cần đến nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh, nhất là trong các dịp nghi lễ, lễ hội, tuy nhiên cũng bị thành kiến, mang tiếng là “mê tín dị đoan”. Nhất là sau giải phóng, nhiều nơi đã xóa bỏ các sinh hoạt cúng lễ và múa hát bóng rỗi, nên nhiều Bà bóng giải nghệ.

Múa bóng rỗi khi nào và ở đâu?

Ai cũng biết là diễn xướng Bóng rỗi gắn liền với việc thờ phụng nữ thần ở các đền/miếu/cung, đặc biệt là những nơi thờ Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Ngũ Hành Nương Nương (Bà Ngũ Hành), thậm chí cả ở các cung miếu thờ Thiên Hậu của người Hoa. Ngoài những đền miếu của cộng đồng thôn ấp hay một số đền miếu từ lâu đã trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cả một vùng, như Bà Chúa Xứ Núi Sam, Gò Tháp, Linh Sơn…, nghi thức múa hát bóng rỗi còn diễn ra trong các trang thờ ở gia đình. Tuy không phải là tất cả, nhưng nhiều gia đình của người Việt ở Nam Bộ có lập trang thờ các nữ thần, nhất là Bà Chúa Xứ ở trong nhà của mình, kết hợp hay riêng biệt với bàn thờ tổ tiên, cứ hai ba năm một lần, nhân có công việc nào đấy, người ta mời Bà bóng về nhà cúng trang thờ Bà. Những dịp đó, tuy chỉ trong phạm vi gia đình, nhưng bà con láng giềng thân thiết trong thôn ấp cũng đến dự, và vì vậy những dịp cúng trang đó cũng ít nhiều mang tính sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng.

Tuy mỗi vị thần linh có những ngày vía (ngày sinh, ngày hóa) khác nhau, nhưng có lẽ tập trung hơn cả là vào mùa xuân, nhất là tháng 3 và vào dịp cuối năm, nhằm dịp mùa thu, theo tâm thức truyền thống lễ hội “xuân thu nhị kỳ.” Với Bà Chúa Xứ là ngày 23 tháng 3 âm lịch và mồng 9 tháng 9 âm lịch, trùng với ngày sinh và mất của Thiên Hậu. Miếu Bà Ngũ Hành, nơi thường xuyên diễn ra múa bóng, thì ngày vía là 16-18 tháng 10 âm lịch. Ngày vía của Linh Sơn Thánh Mẫu – Bà Đen là ngày 5 tháng 5 âm lịch. Những dịp lễ tiết như vậy các Bà bóng thường rất bận rộn, được nhiều đền miếu thỉnh mời, bởi vì trong nghi lễ cúng Bà mà không có múa Bóng thì nghi lễ mất vẻ uy nghiêm, trang trọng. Hơn thế nữa, ngoài phần hát chầu mời, dâng mâm vàng mà Bà bóng đảm nhiệm trong nghi lễ, thì các tiết mục bóng rỗi mang tính tạp kỹ, các vở diễn Chặp Địa Nàng sẽ thu hút đông đảo quần chúng đến xem, tạo nên không khí đông vui, náo nhiệt của lễ hội.

Diễn xướng hát rỗi, múa bóng

Diễn xướng múa Bóng là một loại diễn xướng tổng hợp, trong đó các yếu tố tín ngưỡng kết hợp nhuần nhuyễn với các hình thức nghệ thuật: Âm nhạc, hát, múa, sân khấu, mỹ thuật, tạp kỹ. Đây thực sự là một hình thức sân khấu tâm linh. Tham gia nghi lễ bóng rỗi ít nhất có một bà bóng kiêm cô đồng và một nhạc công. Cũng có trường hợp Cô đồng và Bà bóng riêng. Với tư cách là một Cô đồng, lúc đầu Bà bóng tạo cảm giác không bình thường bằng cách hay ngáp dài, ợ, vươn vai, bứt tóc, rồi cô tỏ ra đã nhập hồn thần linh, phán truyền cầu phúc cho dân làng tránh mọi rủi ro, dịch bệnh. Đây cũng là lúc Bà bóng tạo niềm tin với mọi người bằng cách trùm khăn đỏ, đoán các thứ cất trong hộp, nếu đoán đúng thì các nghi lễ tiếp sau mới được tiến hành.

Dàn nhạc tối thiểu của một nghi lễ múa hát bóng có đàn kìm (nhị), giữ vai trò chủ đạo, trình bày các khúc rao, gian tấu, chuyển hơi. Trống lệnh do người hát đảm nhiệm nhằm tô điểm hoặc đỡ cho giọng hát. Người hát sử dụng dùi, gõ lên tang hay mặt trống. Phách có vai trò giữ nhịp. Ngoài ra, trong những trường hợp nhất định người ta còn dùng thêm đàn ghi-ta phím lõm, trống cơm, kèn thau,… Một buổi múa hát bóng ở lễ cúng trang gia đình thường chỉ có Bà bóng vừa hát vừa gõ trống lệnh và nghệ nhân chơi đàn kìm (nhị).

Có thể phân chia một nghi lễ múa hát bóng rỗi hoàn chỉnh theo trình tự sau:

  • Khâu chuẩn bị cho một nghi lễ múa bóng rỗi gồm nhiều thứ, chuẩn bị lễ vật, các đạo cụ, đặc biệt là việc làm mâm vàng, mâm bạc để dâng Thánh thần và coi đây cũng là một phẩm chất, khả năng của Bà bóng. Dù được gọi là mâm vàng, mâm bạc hay mâm ngũ sắc thì cơ bản giống nhau về cấu tạo, chỉ khác về màu sắc giấy dán bên ngoài. Cấu trúc mâm vàng thường có hai loại, loại thấp 3 tầng và loại cao 5 tầng. Các tầng đều có cửa quay ra 4 hướng. Hình dáng mâm vàng giống hình ngôi tháp Chăm, nơi thờ các vị thần Chăm, đặc biệt là Thánh Mẫu Pô Inư Nưgar.

Cùng một cấu trúc, nhưng giấy phất ngoài có nhiều loại khác nhau. Mâm vàng phất bằng giấy trang kim màu vàng, dùng để dâng các nữ thần, nhất là Bà Chúa Xứ, Chúa Tiên, Chúa Ngọc, Cửu Thiên Huyền Nữ… Mâm bạc được coi là đồ lễ của đàn ông dâng lên các nam thần, như Quan Ông, Cậu, Đại Đế… Mâm ngũ sắc, phất bằng giấy màu xanh, đỏ, trắng, đen. Năm màu tượng trưng cho Ngũ sắc, Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Việc làm mâm vàng được coi như sự khéo tay, năng lực và chuẩn mực nào đó như là quyền năng của các Bà bóng, nên từ lâu người ta truyền tụng về năng lực làm mâm vàng của các Bà bóng.

Có lẽ từ đây cũng đã ra đời nghệ thuật cắt giấy ở các địa phương có tục múa bóng rỗi. Trong lần liên hoan múa bóng rỗi năm 2005 tổ chức ở Tiền Giang, đã có gần 50 Bà bóng tham gia cuộc thi làm mâm vàng, cuối cùng Ban tổ chức đã chấm và trao giải.

Trong một lễ Kỳ yên ở miếu Bà, mở đầu bao giờ cũng phải là đội tiên đồng ngọc nữ gồm 9 người, là những nữ và nam đồng tính, trong trang phục tiên đồng, múa trước miếu theo nhạc đệm. Tiếp sau là nghi thức dâng các tuần hương, hoa và trà. Sau các nghi thức dâng lễ, Bà bóng bắt đầu hát rỗi (hát chào mời).

  • Hát Rỗi (hát chào mời)

Trước khi rỗi chào mời, Bà bóng thắp hương lễ Thánh, cầu Thánh phù hộ cho cộng đồng được hưởng mưa thuận gió hòa, an khang, sung túc. Khi rỗi, Bà bóng đứng trước ban thờ, một tay cầm trống lệnh gỗ nhịp cho lời hát. Cũng có thể bà bóng giữ phách luôn, cũng có thể có bà bóng khác giữ phách.

Hát rỗi thực chất là điệu hát chào mời dâng lên Thánh Bà. Họ quan niệm rằng, thần linh thường ở một nơi hư vô nào đó, luôn luôn bị cuốn hút bởi những lời mời chào, do vậy, muốn vị Thánh thần nào đó về nơi mà họ đang làm lễ dâng cúng thì Bà bóng phải cất lời hát chào mời. Giọng điệu bài hát chào mời rất tha thiết, nhằm chuyển tải những cầu khẩn của nhân gian đến với Thánh Bà, mong mỏi sự hiện diện của Bà.

Các bài hát rỗi chầu mời được trình bày theo cách hát thơ, có đệm nhạc theo (trống, phách, nhị). Người ta nói với tôi rằng, các bài rỗi này vừa mang tính cố định, vừa mang tính ứng tác của nghệ nhân khi hát. Tuy nhiên, càng ngày, các bài rỗi chào mời thường được cố định hóa dần. Trong phong cách hát thơ này, vai trò của các hư từ (i, á, ơ, ư) ở cuối câu, nối nhịp từ câu trước sang câu sau có vai trò rất quan trọng. Một bài rỗi như vậy thường kéo dài từ 30-40 phút và cũng giống như nhiều hình thức diễn xướng dân gian khác, tính lặp về nội dung và vần điệu là đặc trưng nổi trội.

Lê Hải Đăng, khi phân tích điệu hát chào mời của Bà bóng ở TP. Hồ Chí Minh, có đưa ra các bài bản như Chầu ông, Chầu Bà, Chầu Cô, Chầu Cậu, Chầu Chiến sĩ. Về cấu trúc bài bản, các bài chầu này thường bao gồm các đoạn nhạc rao (dạo), với chức năng tạo không khí, định giọng và chỉnh âm. Tính ngẫu hứng trong nhạc và hát rao thể hiện khá rõ. Lý kết làm chức năng kết bài, trong chầu mời, nhiều bài lý gắn với các tôn: Lý bóng, lý bóng rỗi, lý giọng bổng. Một đặc điểm khác của lý kết là lý kết đũ tức là một thủ pháp diễn xướng diễn ra đồng thời giữa giọng hát, nhạc và phách.

Như trên đã nói, lối rỗi chào mời vừa mang tính chuyên nghiệp vừa mang tính dân gian. Điều này được hiểu theo mấy khía cạnh. Thứ nhất, các Bà bóng hát rỗi chào mời cũng có nhiều loại, loại được học hành, thì tính chuyên nghiệp thể hiện rõ hơn, còn những Bà bóng hát theo kiểu “học lỏm” thì lại khác, cả về bài bản, giọng hát cũng mang tính tùy tiện. Mặt khác, dù là chuyên nghiệp hay dân gian thì trong lối rỗi chào mời, cả về nội dung cũng như giọng điệu vẫn còn chỗ cho phần ứng tác của nghệ nhân, từ đây có thể tạo ra các sáng tạo, dấu ấn cá nhân, vùng miền. Đó là các hình thức rỗi (hát mời) theo lối đọc kinh của đạo Cao Đài, của Phật giáo, các điệu hát của sân khấu Cải Lương, của sân khấu Hát Bội, cùng với các điệu lý, hát thơ, rỗi thờ…

  • Múa bóng

Múa bóng là các tiết mục diễn xướng sau khi hát rỗi chào mời. Trong múa bóng, có thể chia ra làm hai loại, loại múa dâng lễ (múa dâng bông, múa dâng mâm) và loại múa mua vui, tạp kỹ, thi tài. Trong múa dâng bông và dâng mâm, tính nghi lễ khá chặt chẽ, thể hiện lòng thành của con người dâng lên thần linh, mà một trong nguyên tắc là ít khi dùng tay, mà phải dùng thân thể, nhất là đầu để đội lễ dâng thần linh.

  • Múa dâng bông (hoa)

Múa dâng bông là điệu múa mang tính nghi thức, diễn ra trước bệ thờ, thường là ba đợt dâng. Ban đầu, Bà bóng đội trên đầu một bát bông (hoa), hai tay đỡ hai bát hoa khác, thân thể chuyển động uốn lượn, di chuyển dần về phía ban thờ, tới nơi, người phụ lễ đỡ lấy bát bông, đặt lên bệ thờ. Lần thứ hai, Bà bóng đặt bát bông trên đầu gậy, rồi lần lượt đặt đầu gậy lên đầu, lên trán, thậm chí lên môi, còn hai tay kết hợp múa rất dẻo. Lần thứ ba, bát bông đặt lên đầu, trước khi dâng lên bệ thờ, Bà bóng múa động tác…

Ngồi xuống, đứng lên, nằm ngửa ra, thể hiện sự khéo léo giữ thăng bằng.

  • Múa dâng mâm vàng, mâm bạc

Múa dâng mâm vàng, mâm bạc cũng là điệu múa mang tính quy chuẩn, thể hiện sự thành kính dâng lên thần linh. Các động tác dâng mâm biến hóa rất phong phú đa dạng. Đầu tiên, Bà bóng tung mâm vàng trên hai tay, lật mâm theo thế ngửa, sấp, tung mâm trên hai tay, đội mâm lên đầu rồi xoay tròn, hai tay vừa múa vừa tạo tư thế cân bằng. Bà bóng chuyển dần mâm từ trên đầu, xuống vai, xuống lưng, xuống chân mà không dùng tay, mà chỉ bằng động tác lắc của cơ thể. Khi mâm được chuyển xuống đất ở tư thế nghiêng, dựa vào chân, Bà bóng vừa hát vừa xoay tròn. Lúc này, người xem thay nhau bước vào để cài tiền lên mâm vàng, vừa như để dâng cúng thần linh, vừa như thưởng cho các động tác khéo léo của Bà bóng. Kết thúc, cũng với các động tác lắc người chuyển mâm như trước, nhưng nay thì theo chiều ngược lại, từ chân lên đầu, dựng mâm ở tư thế nghiêng trên đỉnh đầu, trên trán. Kết thúc điệu múa dâng mâm bằng việc Bà bóng xoay tròn mâm vàng trên đầu, người ta đốt cho tháp trên mâm cháy đùng đùng, coi như hóa để thần linh nhận lấy lễ vật này.

  • Múa đạo cụ cũng là múa bóng, do Bà bóng thực hiện, nhưng mỗi điệu múa lại kèm theo một loại đạo cụ nhất định, động tác múa nghiêng về tạp kỹ, nhằm mua vui cho thần linh và cộng đồng. Thuộc loại này có nhiều điệu múa khác nhau.
  • Có lẽ điệu múa gần hơn với múa dâng hoa và dâng mâm vàng là điệu múa Lục bình dâng bát tiên. Điệu múa này không thuần túy là điệu múa mang tính tạp kỹ với chai mà ít nhiều mang tính tôn kính, tôn nghinh thần linh. Đạo cụ là chiếc lục bình, trong lục bình người ta để một đoạn cây chuối, trên đó cắm hình ảnh tám vị tiên (Bát tiên) với các màu sắc khác nhau. Bà Bóng đội lục bình trên đầu nhảy múa, khiến 8 vị tiên xoay đi xoay lại trên lục bình, trông rất đẹp mắt.

  • Múa đạo cụ có nhiều loại khác nhau, có loại nặng như khạp, lu, ghế, xe đạp, người…, có loại lại mỏng manh, nhẹ như hoa huệ, lông công, ô dù; có loại khá nguy hiểm như dao nhọn, kiếm sắc, đèn nến. Trong khi múa, có loại đạo cụ trực tiếp với các bộ phận cơ thể, như đầu, trán, môi, miệng, tai, nhưng cũng có đạo cụ mang tính phức hợp thông qua một dụng cụ trung gian, như đầu bêu (chiếc gậy). Khi múa, Bà bóng thể hiện ở nhiều tư thế, như đứng, ngồi, nằm, di chuyển.

Múa bêu hay múa đầu bêu là điệu múa dùng răng cắn vào đầu gậy, đầu kia gậy tiếp xúc với cạnh vành mâm hay với đáy những cái đĩa, bát đang xoay tròn. Người múa vừa di chuyển, tay làm động tác múa dẻo và thăng bằng.

Múa hoa huệ, múa lông công là điệu múa rất đẹp, đòi hỏi sự khéo léo và chính xác cao. Khi múa hoa huệ, hoa huệ được lần lượt đặt trên trán, trên nhân trung, lên tai, hốc mắt. Người múa di chuyển, tay làm động tác mềm dẻo, thăng bằng mà bông hoa huệ vẫn không bị rơi, ngả. Phức tạp hơn, người ta còn thay đổi giữa cuống và đầu bông huệ vốn luôn uốn cong, thậm chí người ta còn nối hai bông huệ theo chiều ngang và dọc lại với nhau mà bông huệ vẫn thăng bằng trên các vị trí cơ thể. Múa lông công còn khó hơn, người ta cũng thay đổi hai đầu lông công khi để chúng tiếp xúc với đầu, trán, tai, mũi, môi, thậm chí người ta còn tung lông công lên cao, rồi lại cho rơi vào các vị trí định sẵn của cơ thể, mà lông công luôn ở vị trí thăng bằng.

Loại đạo cụ nặng như lu, khạp, trống cũng được các Bà bóng sử dụng trong các điệu múa khác nhau. Khạp, lu là các dụng cụ làm bằng gốm, sành, khá nặng, dùng để đựng gạo hay đựng nước. Các Bà bóng để lu, khạp, trống lên đầu rồi xoay tròn, đặc biệt hơn, các lu, khạp, trống lại để ở các vị trí khác nhau, như trên đỉnh đầu, trên trán, trên rốn ở các tư thế lu thăng bằng, để nghiêng, chỉ miệng lu khạp tiếp xúc với cơ thể. Điệu múa này đòi hỏi sức khỏe, sự khéo léo cao. Có những điệu múa thuộc loại này, nhưng đạo cụ nặng được thay bằng các ghế chồng lên nhau, chiếc xe đạp, thậm chí trên ghế có cả một em bé 7-8 tuổi ngồi lên trên.

Tính xiếc và tạp kỹ còn được phát triển đến trình độ cao khi một số Bà bóng thực hiện các điệu múa mang tính mạo hiểm, như múa dao nhọn treo trên đầu gậy, đầu kia tì trên sống mũi, còn Bà bóng từ tư thế đứng, ngả dần ra theo tư thế nằm, mũi dao nhọn rất dễ rơi và phóng thẳng mũi nhọn xuống mặt. Hay điệu múa ngậm lửa vào miệng, ngậm xăng thổi lửa…

Múa rót rượu là điệu múa đòi hỏi nghệ thuật cao. Chai đựng rượu để ngang trên đầu Bà bóng, làm sao bà điều khiển để miệng chai rót rượu ra các chiếc cốc trước mặt mà rượu không bị rót tràn ra ngoài.

  • Rỗi Chặp Địa Nàng

Trong diễn xướng bóng rỗi vào các dịp cung miếu, ngoài các tiết mục múa hát bóng rỗi như vừa trình bày ở trên, còn có màn trình diễn Chặp Địa Nàng. Chặp Địa Nàng thể hiện tính sân khấu khá rõ, khác biệt với hát rỗi chào mời, khác với múa dâng mâm vàng, dâng bông, khác với các tiết mục mang tính tạp kỹ. Đây là một hình thức sân khấu sơ khai, có chút nào đó giống hát tuồng (hát Bội). Tham gia màn diễn Chặp Địa Nàng có hai nhân vật, Ông Địa và Nàng Tiên, họ vừa hát vừa diễn.

Nội dung Chặp Địa Nàng khá đơn giản: Tiên nữ Hằng Nga vâng lệnh Vương Mẫu xuống trần, đến Hoa Viên, nơi cây hoa giếng nước để hái lộc cầu an cho dân chúng. Tiên nữ xuống trần nhưng không biết đường, nên phải gặp và nhờ cậy Ông Địa dẫn đường. Thổ Địa tìm mọi cách vòi vĩnh, làm khó cho Tiên nữ đi tìm nguồn nước tưới cây hoa. Cuối cùng mọi sự khúc mắc qua đi, Tiên nữ đã tìm được nguồn nước để tưới, hái hoa, ban phước lành cho bàn dân dưới trần. Tình tiết thì đơn giản, nhưng diễn xướng thì kéo dài qua nhiều tình tiết mang tính ngẫu hứng, tạo nên các xung đột, những tiếng cười sảng khoái từ các hành động gây cười của hai nhân vật. Rõ ràng là với sự tham gia diễn xướng Chặp Địa Nàng trong lễ hội Miếu thờ Bà, cùng với bóng rỗi, đã tạo nên không khí nhộn nhịp, vui vẻ, thỏa mãn nhu cầu tâm linh và văn hóa của người dân Nam Bộ. Nếu so với múa bóng rỗi là hiện tượng văn hóa mang đậm tính giao lưu Chăm Việt, thì Chặp Địa Nàng là hiện tượng văn hóa thuần Việt, có nguồn gốc từ hát tuồng Nam Bộ.

Từ các điệu múa hát bóng rỗi nêu trên, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét:

  • Múa hát bóng rỗi là múa của con người đang cúng thần linh, mà ở đây là các nữ thần, mẫu thần, khác với Lên đồng là múa của thần linh. Để có thể múa hát bóng rỗi, chúng ta thấy ít nhiều yếu tố nhập đồng, tuy nhiên so với Lên đồng, yếu tố nhập đồng (Shaman) không đậm và không điển hình. Để có thể phù hợp với đối tượng thần linh là nữ thần, thì Bà bóng phải mang tính nữ, do vậy, nếu Bà bóng là nam giới thì thường có trạng thái nam ái nữ.

  • Khác với múa Lên đồng, múa bóng từ múa nghi lễ dần chuyển sang múa mang tính tạp kỹ, từ múa dâng thần, múa vui cho thần sang múa giải trí cho cộng đồng trong lễ hội, từ múa thiêng sang múa ít nhiều mang tính trần tục.

  • Vì múa mang tính dâng cúng thần linh, nên động tác múa nặng về sử dụng đầu và tay. Đây cũng là đặc trưng của múa nghi lễ của các tộc người bản địa phía Nam, mà điển hình là múa Chăm. Dựa trên nhiều cứ liệu về động tác múa, đạo cụ, âm nhạc, môi trường nghi lễ thờ nữ thần, chúng ta có thể cho rằng múa bóng của người Việt là một hình thức múa nghi lễ gốc từ múa bóng của người Chăm, được người Việt tiếp thu và biến đổi, cùng với tiếp thu và biến đổi bản thân một số tín ngưỡng, mà ở đó chính là môi trường nghi lễ của múa bóng. Theo ghi chép của Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề trong tác phẩm “Những đại lễ và vũ khúc của Vua Chúa Việt Nam”, thì trong lễ đại khánh của vua Khải Định đã có sự xuất hiện của các vũ nữ Chăm biểu diễn các điệu múa bóng.