QUAN NIỆM THỜ CÚNG TỔ TIÊN

Trong quan niệm dân gian Việt Nam, qua việc thờ cúng tổ tiên, giới vô hình và giới hữu hình luôn luôn như có một sự liên lạc mật thiết. Sự thờ cúng chính là môi trường gặp gỡ của thế giới hữu hình và vũ trụ thần linh.

Đối với người Việt Nam cổ, chết chưa phải là hết, thể xác tuy chết đi nhưng linh hồn vẫn còn và vẫn hằng lui tới gia đình. Thể xác tiêu tan nhưng linh hồn bất diệt.

Tục ta lại tin rằng dương sao âm vậy, người sống cần gì, sống làm sao thì người chết cũng như vậy và cũng có một cuộc “sống” ở cõi âm như cuộc của người trên dương thế. Nói khác đi, người chết cũng cần ăn, uống, tiêu pha, nhà ở như người sống.

Tin như vậy, việc cúng lễ là cần thiết, và việc thờ cúng tổ tiên không thể không ngó đến.

Tục lại còn tin rằng vong hồn người khuất thường luôn ngự trên bàn thờ để gần gũi con cháu, theo dõi con cháu trong công việc hàng ngày và giúp đỡ con cháu trong từng trường hợp cần thiết.
Sự tin tưởng vào vong hồn ông bà cha mẹ ngự trên giường thờ có ảnh hưởng nhiều đến hành động của người sống. Nhiều người vì sợ vong hồn cha mẹ buồn đã tránh những hành vi xấu xa, và đôi khi định làm một công việc gì cũng suy tính kỹ lưỡng, xem công việc lúc sinh thời cha mẹ có chấp nhận hay không. Người ta sợ làm cho vong hồn cha mẹ phải tủi hổ qua hành động của mình và mang tội bất hiếu.