NGHI LỄ VÀ BÀI VĂN KHẤN ĐỘNG THỔ THEO DÂN GIAN

Nhận dạng mảnh đất trước khi động thổ

Tại sao phải nhận dạng đất?

Ở đây ta bỏ qua các yếu tố thần bí, mà thiên nhiều về yếu tố kinh nghiệm của người xưa đã được đúc kết qua hàng ngàn năm. Đó là việc người xưa xem các chân cột để xác định độ ẩm của đất, dự đoán thời tiết của ngày hôm sau bằng cách nhìn vầng sáng quanh mặt trăng, hay ngay cả màu xanh của một chậu kiểng, sự béo tốt hay gầy ốm của chó, mèo… để biết được sự màu mỡ, an lành của một vùng đất. Họ cũng khám phá ra rằng nhà mở cửa hướng Nam thường mát mẻ, hướng Bắc thường lạnh giá; nhà trên sườn đồi tránh được lụt lội và nhà trông ra biển thường có cư dân khỏe mạnh, ít đau bệnh.

Những phán đoán bằng kinh nghiệm đó đã giúp ích rất lớn cho cuộc sống con người cho đến nay và tạo nên thuyết lý Phong thủy. Phong thủy giải đoán sự cát – hung của đất đai qua diện mạo của nó với môi trường xung quanh. Diện mạo đó, vị trí đó được gọi là địa mạo. Không nhất thiết phải có “cặp mắt phong thủy” mới quan sát được địa mạo, mà tất cả mọi người, với khả năng và kinh nghiệm sống, đều có thể nhận ra khí của đất – tiền đề cho những giải đoán sau này.

Quan sát đất bằng mắt thường

Là quan sát bằng cặp mắt của người bình thường, không liên quan đến phong thủy học, chỉ chú trọng đến việc lựa chọn mảnh đất để xây dựng nhà ở. Đây là những quan sát bước đầu, nhất thiết không thể bỏ qua.

Trước tiên, khi đứng trước một vùng đất muốn lựa chọn để xây nhà, ta phải quan sát thực vật và động vật xung quanh vùng đó. Nếu cây có màu xanh tươi, khí át tốt lành và khỏe mạnh. Những vùng đất màu nâu, màu vàng hoặc cây cối trơ trụi chứng tỏ rằng dòng khí đã rút khỏi mặt đất, gọi là đất bạc màu. Long mạch chính là nơi tươi xanh với những thảm cỏ, chồi lộc nhú trên cành – khí sung mãn, nên dựng nhà ở đó.

Nếu ở đó có các động vật hoang dã hoặc gia cầm khỏe mạnh, béo tốt, đó là dấu hiệu cho thấy sự sung túc, xum họp. Ngược lại, nếu có nhiều động vật như quạ, cú, chim móng nhọn, chim ăn thịt, chó mèo hoang… thì là điềm báo khí hãm, xấu. Nếu không có động – thực vật, cần quan sát những người xung quanh – sắc diện, dáng vẻ của hàng xóm. Sống gần người nổi tiếng, giàu có, quân tử, cao thượng… thì sẽ thụ hưởng nguồn khí tốt lành. Ngược lại, sống gần người trộm cắp, tranh cãi… thì khó tránh khỏi môi trường xấu.

Do đó, việc quan sát cát – hung của đất ở, mỗi người đều có một khả năng phong thủy nhất định.

Tuy nhiên, những lựa chọn ấy chỉ có trong thời cổ xưa, khi đất đai mênh mông, dân cư thưa thớt. Ngày nay, “tấc đất tấc vàng”; ao hồ dần dần được san lấp, ruộng hoang trở thành nhà cửa. Việc lựa chọn một vùng đất thuận theo phong thủy không dễ, mà phải chấp nhận theo hoàn cảnh, môi trường; cố gắng để căn nhà được hưởng lợi nhiều nhất từ cát khí tự nhiên.

Đất lành chim đậu. Không có nơi nào cư dân quần tụ mà không mang yếu tố phong thủy. Thành phố, thị xã, thị trấn, làng xóm – nơi quần tụ đó chính là nơi hội tụ khí lành. Vấn đề còn lại là sự cạnh tranh để có được mảnh đất cát tường hơn. Phong thủy hiện đại tham gia vào cuộc cạnh tranh ấy với quan sát thông thoáng hơn, giải pháp tích cực hơn. Ví dụ: con đường được coi như dòng sông; nhà cao tầng như núi; âm thanh, màu sắc, vật chuyển động, phát sáng… đều là các yếu tố trong giải pháp. Việc lựa chọn giải pháp nào để đạt được Phúc – Lộc – Thọ là nội lực tự thân của người biết cầu thị và tiếp nhận góp ý đúng của phong thủy.

Một vài cách quan sát khác

Khi quan sát, cần vận dụng trí tưởng tượng, vì không có địa mạo nào giống hệt mẫu vẽ. Mẫu vẽ chỉ mang tính tham khảo, nên cần thuộc địa mạo quan sát trong trí tưởng tượng để suy ngẫm giải đoán.

Thuộc mạch đất là việc không thể không làm nếu muốn tìm hiểu phong thủy. Nhưng quan sát dòng khí là điều khó khăn hơn, đòi hỏi sự chuyên cần, tỉ mỉ và kiến thức. Có thể quan sát dòng khí như quan sát dòng chảy của sông hoặc đường đi. Dòng chảy nào cũng có thượng lưu và hạ lưu, mặt trước căn nhà nên hướng về phía thượng lưu.

  • Quanh nhà ở có đường đi hoặc dòng sông hiền hòa bao bọc, liền mạch, không phân nhánh, không khúc khuỷu… là đất tụ khí, tụ tài lộc.
  • Nếu trước cửa nhà có dòng sông hoặc đường đi bao quanh, nước chảy êm đềm, thì rất cát tường cho sinh tồn và sinh lý.
  • Nếu dòng chảy từ thượng lưu ngang qua mặt nhà (đường đi nên quan sát khi trời mưa), thì đất đó vượng thủy khí, thuận lợi cho giao tiếp.
  • Nếu dòng chảy từ hai bên nhà hợp lại ở phía trước rồi chảy đi, là đất tán khí.
  • Nếu dòng chảy đâm thẳng vào cửa chính rồi phân làm hai nhánh sang hai bên, là khí xung sát, rất xấu.
  • Nếu lưng hình cung của dòng chảy nằm phía trước nhà (như cánh cung ngược), cổ nhân cho rằng nhà ấy gia đạo khó yên, hôn nhân trắc trở.
  • Nếu dòng chảy đi qua phía sau nhà rồi nhô ra, ưỡn vào lưng nhà, gọi là “đất lưỡi nhô”, chủ về thị phi, tranh tụng.
  • Nếu dòng chảy đâm vào lưng nhà rồi đổi hướng, gọi là “đất nước xói”, thủy khí sau lưng gây nên biến cố bất ngờ.

Dòng chảy càng đẹp thì sát khí càng mạnh. Ví dụ: Thác Cam Ly tuy đẹp nhưng nếu làm nhà bên thác sẽ không thể cát vượng, thậm chí có nguy cơ điên loạn, đau ốm, bệnh tật.

  • Dòng chảy cong ngược đâm vào sau nhà cũng gọi là đất hung.
  • Trên dòng chảy hình thành cung lượn – gọi là đất Bạch Hổ quay đầu – là loại địa hình rất kiêng kỵ, dễ gây họa, mất láng giềng.

Tóm lại: Nếu có dòng chảy ôm lấy căn nhà thì căn bản là cát; nhưng nếu dòng chảy tấn công hoặc xói tán khí của căn nhà thì là hung.

Hình dạng mảnh đất xây dựng nhà ở nên như thế nào?

Hình dạng mảnh đất chắc chắn còn phong phú hơn cả toán học. Nó bao gồm các dạng: hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn, hình méo, nửa tròn, méo tròn, méo vuông, tam giác cân, tam giác vuông, ngũ giác, lục giác, bát giác, hình thang, hình bình hành, hình gà, hình cóc, hình rắn, hình chuột, hình hổ quay đầu, hình voi phục, hình lưỡi liềm, hình ngôi sao,…

Tuy nhiên, xu thế chung của phong thủy truyền thống là chuộng hình tròn và hình vuông. Có thể vì hình tròn là biểu tượng của Trời, hình vuông là biểu tượng của Đất (theo quan niệm cổ), được thể hiện qua đồng tiền cổ tròn ngoài, vuông trong. Cũng có thể vì hình vuông và hình tròn bao hàm đầy đủ một bức Bát quái, với tám yếu tố mà người đời coi là thiết yếu cho cuộc sống. Tám yếu tố ấy gồm:

  1. Sự nghiệp
  2. Hôn nhân
  3. Gia đình
  4. Tài lộc
  5. May mắn
  6. Con cái
  7. Tri thức
  8. Danh tiếng

Vì vậy, dù mảnh đất có hình dạng gì thì cũng nên quy hoạch xây dựng căn nhà trên nền hình vuông hoặc hình chữ nhật để tiện ích và mang lại cát tường.

Với mảnh đất rộng, việc này không khó. Nhưng với mảnh đất quá hẹp hoặc không thể bố cục thành hình vuông hay hình chữ nhật, thì nên sử dụng các giải pháp “nhập thế”, tức là đưa miếng đất về gần với hình vuông hoặc chữ nhật trong khả năng cho phép. Nói thì dễ, nhưng việc chuyển một miếng đất hình tam giác, hình méo tròn, hình đuôi chuột… về khuôn mẫu vuông hoặc chữ nhật là điều vô cùng khó. Khó không phải vì không thể làm được, mà vì thói quen suy nghĩ, tập quán và hoàn cảnh thực tế khiến chủ đầu tư không thể thực hiện. Trong những trường hợp nan giải này, “xuất thế” là giải pháp.

Nghi lễ khi làm nhà mới của người xưa

Từ khi bắt đầu đến khi hoàn thành ngôi nhà, người Việt xưa phải tiến hành nhiều nghi lễ, bao gồm:

  • Lễ bình cơ: Gia chủ mang lễ vật cúng trên miếng đất định làm nhà, dọn dẹp sạch sẽ khu đất, sau đó mới đi mời thợ đến bàn việc xây dựng.
  • Lễ trúc cơ: Bắt đầu đắp nền nhà.
  • Lễ phạt mộc (lễ khởi công): Gia chủ chuẩn bị hai mâm cỗ, một để cúng tổ tiên và Thổ thần, một để cúng tổ sư nghề mộc. Cúng xong, thợ cả cầm rìu chặt ba nhát vào cây gỗ định làm cột cái để làm phép. Người thợ cả bắt buộc phải “lên rui mực” (định kích thước ngôi nhà vào một thanh tre gọi là rui mực, sào nhà hay thước tầm). Sau đó, nhóm thợ bắt đầu cưa xẻ gỗ.
  • Lễ định táng (in táng): Lễ đổ nền nhà, xác định vị trí đặt các cục táng (đá kê chân cột).
  • Lễ tàng giá: Còn gọi là sàn vái, tức ráp thử các vài cột của căn nhà; chỗ nào chưa tốt thì sửa chữa.
  • Lễ thượng lương (lễ gác đòn dông hay lễ cất nóc): Lễ này rất quan trọng, không thể bỏ qua. Vào ngày tốt, gia chủ mời một người trong thân tộc, vợ chồng song toàn, đông con nhiều cháu, làm ăn phát đạt, đứng ra đưa đòn dông lên gian chính giữa, cùng với sự trợ giúp của vài người phụ. Đòn dông thường được buộc hai cành lá thiên tuế, vài dải lụa đỏ hoặc vải đại hồng có hình Bát quái, một quyển lịch Tàu hoặc sách chữ Hán.
  • Lễ cái óc: Bắt đầu lợp mái nhà.
  • Lễ nhập trạch (an Thổ): Lễ cúng báo tổ tiên biết rằng nhà đã xây xong. Trong mâm lễ có gạo rang trộn với nước để rắc vào bốn góc nhà.
  • Lễ động sàng: Lễ báo gia tiên để dọn về nhà mới, kê đồ đạc vào nhà.
  • Lễ tân gia (lễ hoàn thành hay lễ lạc thành): Gia chủ cúng tổ tiên, gác thước tầm lên hai đầu cột cái của gian chính giữa. Đồng thời tổ chức tiệc mừng, mời bà con họ hàng, bạn bè xa gần đến dự. Người đến thường mang tiền mừng, câu đối, pháo để chúc mừng.
  • Lễ hoàn công (trả công thợ): Thợ tổ chức lễ cúng Tổ Sư Lỗ Ban để nhận tiền công.
  • Lễ an cư: Lễ tạ tổ tiên, Thổ thần để báo rằng chủ nhân đã yên ổn làm ăn trong ngôi nhà mới.

Nghi lễ động thổ làm nhà

Chọn ngày tốt cho việc động thổ: Chúng ta biết rằng, khi chuyển nhà, động thổ, cần phải chọn ngày tháng thích hợp để thực hiện nghi thức quan trọng này. Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rằng, tuyệt đối không được chọn ngày xung khác con giáp của người trong nhà. Có nghĩa là cần phải hiểu về hệ thống thiên can địa chi trong lịch pháp. Nếu không hiểu, phải mang theo cuốn Hoàng lịch, tìm những ngày màu đỏ mà không xung với con giáp của người nhà, đó chính là ngày tốt.

Dân gian cho rằng “Đất có Thổ công, sông có Hà bá” nên những công việc liên quan đến đất đai như: thiết kế công trình, xây dựng hoặc sửa chữa nhà cửa, xây dựng cửa hàng, cửa hiệu, phân xưởng… đều có lễ kêu cầu, mong cho công việc được trôi chảy.

Tất nhiên, người ta phải kén chọn ngày, giờ tốt phù hợp với tuổi người chủ trì công trình. Phải là những ngày có sao tốt chiếu như sao Nhân chuyên hay Trực tinh, Sát cống vào ngày Hoàng đạo, ngày sinh khí, lộc mã, phúc sinh, giải thần,… Tuyệt đối tránh rơi vào ngày hắc đạo, Sát chủ, Thổ cấm, trùng tang, trùng phục,… Còn giờ thì phải là giờ Hoàng đạo.

Một số tài liệu cho rằng việc “động thổ” chỉ nên tiến hành vào các ngày: Giáp Tý, Quý Dậu, Mậu Thìn, Kỷ Mão, Canh Thìn, Tân Tị, Giáp Thân, Bính Tuất, Giáp Ngọ, Bính Thân, Mậu Tuất, Kỷ Hợi, Canh Tý, Giáp Thìn, Quý Sửu.

Bảng tra nhanh ngày có sao tốt thuận cho làm nhà theo tháng âm:

Ngày 1,4,7,10 2,5,8,11 3,6,9,12
Sát Cống Đinh Mão, Bính Tý, Ất Dậu, Giáp Ngọ, Quý Mão, Nhâm Tỵ Bính Dần, Ất Hợi, Giáp Thân, Quý Tỵ, Nhâm Dần, Tân Hợi, Canh Thân Ất Sửu, Giáp Tuất, Quý Mùi, Nhâm Thìn, Tân Sửu, Canh Tuất, Kỷ Mùi
Trực tinh Mậu Thìn, Đinh Sửu, Bính Tuất, Ất Mùi, Giáp Thìn, Quý Sửu, Nhâm Tuất Đinh Mão, Bính Tý, Ất Dậu, Giáp Ngọ, Quý Mão, Nhâm Tý, Tân Dậu Bính Dần, Ất Hợi, Giáp Thân, Quý Tỵ, Nhâm Dần, Tân Mão, Canh Thân
  • Sắm lễ: Trước giờ khởi công, gia chủ sắm biện lễ vật thường gồm: hương hoa, trầu quả, tiền vàng, rượu, thịt, xôi nếp (nên là xôi gấc), gà trống hoa (gà trống tơ), gạo, muối… Đặt lễ lên mâm có kê đôn tại khu đất xây dựng để làm lễ.

Sau khi hương đèn đã thắp (thắp 7 nén hương), gia chủ vái 4 phương (mỗi phương 4 vái) rồi quay mặt vào mâm lễ đọc văn khấn. Khi tàn hương (hương chỉ cháy 2/3 là được), hóa tiền vàng, rắc muối, gạo bốn phía, rồi đào, cuốc mấy nhát ở nơi định làm — gọi là động thổ, mở đầu cho việc thi công đào móng.

Lễ vật sau khi cúng, xôi và gà được dùng vào bữa ăn chính, rượu cúng sau khi đã phun vào than hồng của vàng mã, gia chủ rót mời mọi người (tham gia xây dựng công trình) cùng uống, rồi cùng ăn hoa quả trong không khí vui vẻ của ngày động thổ.

Trường hợp người chủ gia đình không được tuổi làm nhà, nhưng do thời gian và điều kiện cấp bách không thể trì hoãn, thì phải mượn tuổi làm nhà.

Khi động thổ, người mượn tuổi thay gia chủ thực hiện nghi lễ khấn và động thổ. Tất nhiên lúc này gia chủ phải lánh khỏi nơi làm nhà, xa từ 50m trở lên. Sau khi hoàn tất công việc động thổ mới trở về.

Nếu là nhà cao tầng, các kỳ đổ mái tầng một, tầng hai,… và tầng cuối cùng, người mượn tuổi phải tiếp tục thực hiện nghi lễ cúng khấn. Lúc cúng khấn gia chủ vẫn phải lánh mặt.

Ngày đổ mái:

Chọn ngày tương tự như khởi công nhưng chú ý đảm bảo yếu tố kỹ thuật và thời gian thi công. Nếu việc chọn ngày khó khăn có thể lấy ngày Bất tương, là ngày thuận cho mọi việc nên thực hiện được việc đào móng, phát Mộc, cất nóc, đổ mái, dọn về nhà mới.

Một số bài văn khấn thường dùng trong lễ động thổ

VĂN KHẤN LỄ ĐỘNG THỔ

Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!

  • Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật
  • Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần
  • Con kính lạy quan Đương niên

Tín chủ (chúng) con là: … cùng toàn gia quyến
Ngụ tại: …
Hôm nay là ngày … tháng … năm …

Tín chủ con thành tâm sắm lễ gồm quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án, có lời thưa rằng:
Hôm nay tín chủ con khởi tạo (nếu cất nóc thì đọc là cất nóc, nếu xây cổng thì đọc là xây cổng, nếu chuyển nhà thì đọc là chuyển nhà, nếu sửa chữa thì đọc là sửa chữa) ngôi dương cơ trụ trạch, để làm nơi cư ngụ cho gia đình con cháu.

Nay chọn được ngày lành tháng tốt, con kính cáo chư vị linh thần, cúi mong các ngài soi xét và cho phép được động thổ (hoặc cất nóc, làm việc gì thì nói việc ấy). Tín chủ con lòng thành lễ vật dâng lên trước án, thành tâm kính mời: Ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế Chí Đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Định phúc Táo quân, các ngài Địa chúa Long Mạch tôn thần và tất cả các vị Thần linh cai quản trong khu vực này.

Cúi xin các ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho chúng con được vạn sự tốt lành, công việc hanh thông, chủ thợ được bình an, ngày tháng hưởng phần lợi lạc, âm phù dương trợ, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.

Tín chủ lại xin phô cáo với các vị Tiền chủ, Hậu chủ và các vị Hương linh, cô hồn y thảo phụ mộc, phảng phất quanh khu vực này, xin mời các vị tới đây thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ cũng như chủ thợ đôi bên khiến cho an lạc, công việc chóng thành, muôn sự như ý.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!