Lễ hội Phủ Tây Hồ

Lễ hội Phủ Tây Hồ cũng theo hệ thống lễ hội thờ Mẫu: “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ.”

Tuy nhiên, từ sau 1945, lễ hội ở đây đã không còn được tổ chức. Vì vậy, chúng tôi mô tả lễ hội Phủ Tây Hồ chủ yếu dựa theo lời kể lại của các cụ già cao tuổi ở địa phương.

Tổng Thượng (huyện Vĩnh Thành, kinh thành Thăng Long) gồm có các làng Yên Phụ, Nghi Tàm, Tây Hồ, Quảng Bá, Nhật Chiêu, Nhật Tân, đều cùng tham gia lễ hội Phủ Tây Hồ. Đám rước trong lễ hội Phủ Tây Hồ trước kia đều được cử hành trong một quy mô lớn, bao gồm những nam nữ thanh niên từ 18 tuổi trở lên. Từ cài kiệu đến chân kiệu đều là những người nhiệt thành, khỏe mạnh, được dân làng tín nhiệm chọn lựa từ trước ngày lễ hội.

Ngay từ nửa đêm trước ngày rước, dân làng đã nghe tiếng chiêng trống gióng liên hồi báo cho mọi người thu xếp công việc để đi xem rước và chiêm bái kiệu Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Mới rạng sáng, những bô lão, chức sắc các làng trong tổng đã tề tựu đầy đủ với các bộ lễ phục uy nghi, vào cuộc tế Thánh Mẫu. Sau cuộc tế thì hồi pháo lệnh nổ ròn rã, các chân kiệu nhanh nhẹn, nghiêm túc rước kiệu long đình, kiệu bát cống và kiệu võng từ trong Phủ đi ra. Tới cửa Tam quan, các kiệu lại thứ tự đi sau các khí tự dàn bày.

Đi đầu đám rước là mấy chục nữ thanh niên áo quần sặc sỡ, mang cờ tiết, cờ mao, cờ ngũ hành, cờ bát quái, cờ tứ linh. Tiếp đó là phường múa rồng uốn lượn nhịp nhàng làm công việc dẹp đường. Rồi tiếp theo là chiếc trống cái do hai thanh niên lực lưỡng khiêng, được một thủ hiệu điều khiển. Một thanh niên khác vác lọng che cho thủ hiệu và trống cái. Sau trống là chiêng. Trống và chiêng thi nhau điểm từng tiếng một. Cả hai loại chiêng trống này đều là hiệu lệnh của Thần linh.

Kế theo sau là ngựa hồng to như ngựa thật, được tết bằng các sợi mây chắc chắn, đi song song hai bên. Những con ngựa này đều được tán lọng che và có người vác siêu đao đi hậu vệ. Đi sau ngựa là chấp kích viên vác đồ hộ bộ và bát bảo. Ở giữa hai hàng chấp kích viên có viên quan mặc lễ phục, có lọng che, mang chiếc biển đề “Mẫu nghi thiên hạ.”

Đi sau nữa là phường đồng văn. Trong phường đồng văn còn có hai thiếu niên giả gái vừa nhảy múa vừa vỗ vào chiếc trống cơm đeo trước bụng, trông thật ngộ nghĩnh. Tiếp đến nữa là phường bát âm. Sau phường bát âm là kiệu long đình, kiệu bát cống và kiệu võng.

Đám rước đi từ Phủ Tây Hồ qua đường Yên Phụ, đường Cổ Ngư, ngược đường Quan Thánh và tới đền Nghĩa Lập ở số nhà 32 Hàng Đậu để lấy “mã,” rồi quay trở lại.
Đám rước này đi qua làng nào thì các bô lão, các chức sắc và nhân dân trong làng ấy đều đi theo hộ giá, tạo thành một đám đông người kéo dài “rồng rắn” chừng vài cây số. Và ở dọc hai bên đường có các bà sư hay những bà già vận áo màu, tay cầm cờ phướn miệng luôn niệm “A Di Đà Phật.”

Sắc cờ, tán lọng, y phục, chiêng trống, kiệu long đình, kiệu bát cống và kiệu võng cùng với âm thanh của phường bát âm đã thu hút không biết bao nhiêu người đi xem rước Thánh Mẫu. Đồng thời cũng tạo nên một không gian lễ hội náo nhiệt, sôi động của toàn cộng đồng làng xã vùng Tây Hồ.

Theo chúng tôi, có lẽ trước đây, cái khác biệt so với các lễ hội nơi khác là vào hai ngày mồng sáu, mồng bảy tháng Ba âm lịch, trong lễ hội Phủ Tây Hồ có hội thi hát văn ở chùa Phổ Linh – một thắng cảnh nổi tiếng của làng Tây Hồ – và diễn xướng hầu đồng ở ngay cửa Phủ Tây Hồ. Những cuộc vui như vậy diễn ra bảy, tám tiếng đồng hồ với hàng trăm, hàng nghìn người tham dự.

Thế nhưng đến tháng Ba Ất Mùi 1955, nhân dân làng Tây Hồ đã tổ chức lễ hội rước “mã” Thánh Mẫu Liễu Hạnh lần cuối trên quê hương của mình.
Ngày nay, tuy không còn rước, nhưng nhân dân làng Tây Hồ, mỗi khi tổ chức lễ “rước tượng đúc chuông” thì đều mời các đoàn chèo nổi tiếng trong nước tới trình diễn ở khu đất miếu “Trâu vàng” (Kim Ngưu) rồi ghi âm để phát ở Phủ khi có du khách tới viếng thăm. Và cứ hai năm một lần, theo truyền thống xưa, vào hai ngày mồng sáu, mồng bảy tháng Ba âm lịch, Phủ Tây Hồ lại tổ chức thi hát văn để chọn những giọng hát hay, những bài hát khéo. Nhờ vậy mà du khách mỗi khi đến Phủ Tây Hồ vẫn còn được thưởng thức bài hát văn dài 198 câu của cụ Phạm Văn Khiêm, đã được ghi băng để lại nhằm phục vụ mọi người. Xin trích một đoạn làm ví dụ:
“Từ mã bát tứt miệng vẫn ca vang
Pháp thán tựa hào quang sáng tỏ.”

Soi lòng người soi cả càn khôn
Anh linh thác vẫn như còn
Nghìn năm bất tử, cháu còn Tiên Rồng

Đám rước “mã” trong lễ hội Phủ Tây Hồ tuy không còn, nhưng nó vẫn được truyền lưu trong tâm thức của nhân dân thủ đô Hà Nội như một giá trị văn hóa truyền thống, vì nó đã làm cho bao thế hệ người dân vùng Hồ Tây nói riêng và người Hà Nội nói chung nhớ mãi sự tích Liễu Hạnh và truyền thuyết bất tử về cuộc xướng họa thơ ca giữa Thánh Mẫu với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và hai ông Ngô Lý ở doi đất làng Tây Hồ. Đồng thời, nó cũng chắp cánh cho lễ hội mới ở Phủ Tây Hồ trong không khí phục hồi lễ hội ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam.
Gần đây, nhân dân làng Tây Hồ đã tổ chức lễ hội dâng hương tế lễ, hát văn và lên đồng ở cửa Phủ trong ba ngày kỷ niệm lễ khánh thành Động Sơn Trang. Khách thập phương và bà con thân thuộc đã về tụ hội đông đủ, tạo nên sự bùng nổ của cuộc sống trong không gian náo nhiệt của ngày hội Phủ. Nhân dịp này, làng Tây Hồ cũng đã phục hồi lại đội tế và định thời gian tế lễ hằng năm như sau:

1 – Thời gian tế lễ

  • Ở Phủ Tây Hồ (xóm Quảng An): vào ngày mồng Ba tháng Ba, và ngày 13 tháng Tám âm lịch.
  • Ở đình Tây Hồ (xóm Quảng Tây): vào ngày mồng 10 tháng Hai, và ngày mồng 10 tháng Tám âm lịch.

2 – Đội tế làng Tây Hồ
Gồm 25 người, được phân bố chức danh như sau:

  • 1 chủ tế chịu trách nhiệm lễ Thánh Mẫu.
  • 4 bồi tế đứng sau chủ tế, giúp chủ tế và hành lễ theo chủ tế.
  • 1 đồng xướng
  • 1 tây xướng
    Hai người này chịu trách nhiệm xướng trong lúc lễ.
  • 2 nội tán đứng bên chủ tế, dẫn dắt chủ tế vào ra và trợ xướng.
  • 10 chấp sự đứng hai bên các cung để dâng hương, dâng hoa, dâng đăng (nến), dâng trà (nước trà hoặc rượu), dâng quả, dâng thực (oản, xôi nén), chuyển trúc, đặt chúc.
  • 1 người đánh trống cái.
  • 1 người đánh chiêng.
    Trống và chiêng kê gần điện Cô, điện Cậu.
  • 4 người thổi sáo, kéo nhị, gõ mõ, đánh sênh tiền.

Tất cả những thành viên trong đội tế là những người nhiệt tình, có đức độ, trong sạch và ít nhiều đều có học thức, vì họ đại diện dân làng làm việc “thánh” và qua họ, Thánh Mẫu Liễu Hạnh sẽ ban phúc, che chở cho toàn bộ cộng đồng làng xã Tây Hồ. Trong buổi tế, họ phải ăn mặc lễ phục theo chức danh đã quy định với các bộ quần áo thụng dài, mũ tế, dải thắt lưng.

Trước tiên họ xếp hàng theo thứ tự ở ngoài cửa Tam quan, trước tòa tiền tế. Chiêng trống nổi lên hòa cùng tiếng sáo, tiếng nhị, tiếng mõ và tiếng sênh tiền, làm cho không gian buổi tế tăng thêm phần linh thiêng. Tiếp đó, cả đội lần lượt tế từ cung Công đồng, qua cung Vua Cha Ngọc Hoàng, rồi cung Tam tòa Thánh Mẫu vào trong Hậu cung bằng cửa bên phải để dâng các lễ vật cho Thánh Mẫu và bày tỏ lòng biết ơn của cộng đồng làng xã đối với Ngài, đồng thời cầu xin Ngài bảo hộ cho toàn dân làng. Sau đó, họ đi ra khỏi Hậu cung bằng cửa bên trái. Nhìn chung, họ phải tiến hành nghi lễ dâng cúng Thánh Mẫu với sáu thứ lễ vật: hương, hoa, đăng, rượu (hay nước trà), quả, thực một cách tôn nghiêm theo giọng xướng đĩnh đạc của chủ xướng. Nội dung buổi tế Thánh Mẫu có thành công, sôi động hay không là nhờ vào lời xướng chỉ đạo các hành động cụ thể của chủ xướng, bồi xướng và ban nhạc xướng.
Chứng kiến các hành động trịnh trọng và nhịp nhàng của các thành viên trong đội tế làng Tây Hồ, dễ nhận thấy hai yếu tố lễ thức và nghệ thuật hòa đồng vào nhau tạo nên một nghi trường tôn nghiêm và mối cộng cảm hòa quyện đến mức kỳ lạ. Có lẽ đó là cảm giác “hóa thân,” “hòa đồng,” “nhập cuộc” của từng thành viên trong cuộc tế Thánh thần ở mọi làng quê Việt Nam.