ĐẠO MẪU VÀ XÃ HỘI ĐƯƠNG ĐẠI

ĐẠO MẪU VÀ XÃ HỘI ĐƯƠNG ĐẠI

1. Các khuynh hướng biến đổi của Lên đồng

Nguồn tư liệu lịch sử ghi chép về tín ngưỡng Tứ Phủ còn lại quá ít ỏi. Tuy nhiên, căn cứ vào những ghi chép rời rạc thì hình thức tín ngưỡng này ít nhất có từ thời Lý. Trong Thiền Uyển tập anh có nói về nhà sư Khánh Hỷ thời Lý Thần Tông (trụ trì ở chùa Từ Liêm, mất năm 1135). Khi cùng thầy đến nhà thí chủ, Khánh Hỷ hỏi thầy rằng: “Ý nghĩa của Tổ Thiền là thế nào mà thầy đến nhà dân nghe đồng cốt nói nhảm?”. Bán tịch trả lời: “Hỏi như vậy chẳng hóa ra đồng cốt giáng thần à?”. Như vậy, chứng tỏ từ thời Lý đã có hiện tượng lên đồng.

Thượng Kinh ký sự thời Lê của Lê Hữu Trác có kể lại một buổi ngồi đồng. Năm 1781, ông từ Thanh Hóa ra Thăng Long, qua xã Kim Khê nghỉ lại và được mời dự buổi lên đồng ở đó. Nghỉ ở trạm Kim Khê, quan văn thư làm lễ vào yết miếu ở làng ấy, ông có đặt một tiệc hát và cho mời tôi. Tôi đến thì thấy một cô đồng đang hầu giá nhà Thánh, vừa đảo vừa nói lảm nhảm. Có người bảo tôi rằng Thánh Mẫu đây linh ứng lắm, cụ vào kinh có muốn cầu việc gì thì cứ kêu ngài. Tôi trả lời rằng, phàm ai cũng cần lấy cái sở đắc, chứ có ai cầu cái sở thất; bụng tôi không nguyện đắc cái gì thì cầu mà làm chi. Cô đồng nghe tủm tỉm cười, quan văn thư cũng trông tôi cả cười.

Ca dao thời Lê mà sau này được ghi lại trong Nam Phong giải trào cũng có những câu nhắc tới hiện tượng đồng cốt:

“Bà cốt đánh trống long bong
Nhảy lên nhảy xuống cái ong đốt vào.”

Thời Nguyễn, tín ngưỡng Tứ Phủ và nghi thức hầu bóng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Cùng với việc định cư của người Việt ở Nam Bộ, hình thức tín ngưỡng này cũng đã theo chân và phổ biến ở phía Nam, tạo nên hình thức hầu bóng có nhiều đặc điểm đặc trưng, khác biệt với hình thức này ở miền Bắc. Đặc biệt, thời Nguyễn ở Huế, nhiều người trong Hoàng tộc đã trở thành tín đồ của đạo Tứ Phủ, có người đã đứng ra tổ chức các cuộc thi hát chầu văn hay lập các đền thờ Tứ Phủ. Đạo Tứ Phủ cũng phổ biến trong nhiều tầng lớp xã hội và các bộ phận cư dân khác nhau, dần dần cũng có sự phân hóa và khác biệt về hình thức hát văn và hầu bóng. Ở nông thôn, hầu bóng vẫn duy trì các hình thức thờ sơ nguyên thủy với các hình thức đồng thiếp, đồng choáng, đồng pha trộn các dạng ma thuật như xiên lình, đặt chân lên lưỡi cày nung đỏ… Ở đô thị, đặc biệt các đô thị lớn như Hà Nội, Huế, Sài Gòn, đã hình thành hình thức hầu bóng ít nhiều mang tính cung đình hóa, thượng lưu hóa, phổ biến ở lớp thị dân, quan lại phong kiến.

Gốc từ một loại tín ngưỡng thờ Mẹ nguyên thủy và đơn sơ, trong đó Mẹ là nguồn gốc của mọi sự sống, che chở cho mọi người tồn tại bình yên trong một thế giới còn bị đe dọa bởi tai biến, nghèo khổ và chết chóc. Tuy nhiên, trong quá trình lịch sử, từ đạo gốc thờ Mẹ (Mẫu), nó tiếp thu những yếu tố ma thuật của tín ngưỡng dân gian và shaman giáo, những ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc, để từ đó hình thành tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ. Trong quá trình phát triển ấy, nó chịu nhiều tác động và biến đổi theo các khuynh hướng khác nhau.

a. Khuynh hướng lịch sử hóa

Hệ thống thần linh Tứ Phủ về bản chất chỉ là sự thần hóa một thuộc tính hay hóa thân của Mẫu quyền năng thành ngũ vị Quan lớn, Tứ phủ Chầu Bà, các Ông Hoàng, các Cô, Cậu… Hiện tượng một vị thần tối cao hóa thân thành nhiều vị thần khác là một hiện tượng khá phổ biến trong nhiều tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới. Tuy nhiên, trong Tứ Phủ, những hóa thân của Thánh Mẫu lại là những nhân thần – mà trong quan niệm dân gian, những con người ấy có đời sống trần gian; hơn thế nữa, lại là những người tài giỏi, có công lao với dân với nước, có khi trở thành các nhân vật lịch sử. Nói cách khác, đó là những thần linh đã được lịch sử hóa.

Một hiện thân của Thánh Mẫu tối cao là Liễu Hạnh Thánh Mẫu (Tiên Thiên Thánh Mẫu) – là con người tuy gốc từ cõi tiên trên thiên đình, nhưng đã đầu thai thành người trần, có đời sống bình thường như mọi người, có chồng, có con, đã từng giao du với nhiều danh nhân thiên hạ.

Trong hàng ngũ vị Quan Lớn, theo quan niệm của dân gian, nhiều vị Thánh đã từng là các nhân vật lịch sử. Quan Tam Phủ gốc là một võ tướng thời Hùng Vương, Quan Lớn Tuần Tranh (còn gọi là Quan Đệ Ngũ) là Cao Lỗ – một danh tướng thời An Dương Vương, hay có nơi lại coi ông là một võ tướng nhà Trần. Quan Đệ Nhị tương truyền là Lê Sát – đã từng chém đầu Liễu Thăng. Trần Hưng Đạo và các bộ tướng của ông như Phạm Ngũ Lão, Trần Quang Khải… cũng được tích hợp vào điện thần Tứ Phủ.

Trong hàng Chầu Bà, nhiều vị thần linh cũng được “khoác” những vai trò lịch sử: Chầu Lục tương truyền là con gái Tản Viên Sơn Thánh, đã từng báo mộng cho Lê Lợi vượt qua cạm bẫy của quân Minh, bảo toàn lực lượng để kháng chiến tới thắng lợi. Chầu Mười là người Tày, là viên tướng cầm quân đánh tan cánh quân Liễu Thăng ở ải Chi Lăng và sau đó trấn giữ cửa ải đông bắc của Đại Việt. Chầu Thác Bờ tương truyền là mẹ nuôi Lê Lợi. Chầu Đệ Tứ vốn là vợ viên tướng cầm quân đi đánh giặc, ở nhà đã đem của ban phát cho dân nghèo. Chầu Đệ Ngũ là công chúa nhà Lý đã bỏ hoàng cung đi tu. Chầu Bát Nàng là bộ tướng Hai Bà Trưng…

Các vị Thánh hàng các Ông Hoàng, nhiều ông cũng là những danh tướng có công diệt giặc, giữ gìn biên cương, khai phá đất đai, mang lại lợi ích cho dân cho nước: Ông Hoàng Đệ Nhất là danh tướng của Lê Lợi. Ông Hoàng Đôi là người Dao đã từng cầm quân bảo vệ dân (theo lưu truyền ở vùng Cẩm Phả) hay là Quan Triệu Tường – người có công khai phá vùng Thanh Hóa, nay được dân địa phương tôn thờ. Ông Hoàng Bơ (Ba) có công phò vua diệt giặc. Ông Hoàng Lục tức tướng Trần Lưu, góp công đánh giặc Minh. Ông Hoàng Bảy là quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai, Yên Bái. Ông Hoàng Mười là quan văn thời Lê, người gốc Nghệ An… Ngoài ra, một số vị thần linh hàng Cô và Cậu cũng đều được gắn với các nhân vật và sự kiện lịch sử.

Việc nhân thần hóa và lịch sử hóa các vị Thánh Tứ Phủ kể trên không chỉ được phản ánh trong các bài văn chầu kể lại lai lịch, sự tích, mà ở các địa phương nơi được lập đền thờ, nhân dân ở đó còn lưu truyền nhiều huyền thoại, truyền thuyết liên quan tới cuộc đời và công tích của các vị thần linh đó.

Việc nhân hóa và lịch sử hóa các thần linh, gắn các thần linh Tứ Phủ với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc là một khuynh hướng tự biến đổi và thích ứng khá nổi bật. Tuy là thế giới thần linh siêu nhiên và đầy quyền năng, nhưng nó vẫn gần gũi với đời sống con người, giúp con người vượt qua rủi ro, vận hạn, mang lại cho họ tài lộc và sức khỏe; gắn với lịch sử dân tộc, đáp ứng những nhu cầu của đời sống tâm linh của nhân dân. Lòng yêu nước đã được tín ngưỡng hóa, linh thiêng hóa. Mặt khác, thông qua việc lịch sử hóa hệ thống thần linh của mình, Tứ Phủ tự khẳng định sự trường tồn của mình như lịch sử của dân tộc vậy. Thông qua đây, tín ngưỡng Tứ Phủ tự khẳng định chỗ đứng của mình về phía dân tộc, nhân dân – một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tín ngưỡng hóa và đi vào thế giới tâm linh của con người.

b. Khuynh hướng địa phương hóa

Từ trung tâm là đồng bằng Bắc Bộ, đạo Mẫu đã theo chân những người Việt di thực vào Trung và Nam Trung Bộ, rồi đến Nam Bộ. Bởi vậy, cũng như nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa khác, đạo Mẫu đã chịu sự biến đổi theo chiều hướng địa phương hóa, hình thành những sắc thái địa phương rõ rệt. Ngày nay, ít nhất người ta cũng thấy ba sắc thái địa phương của hình thức sinh hoạt tín ngưỡng – văn hóa này, đó là: Hà Nội tiêu biểu cho đồng bằng Bắc Bộ, Huế cho Trung Bộ và Sài Gòn cho Nam Bộ.

Đồng bằng Bắc Bộ, mà tiêu biểu là Hà Nội, là trung tâm khởi xuất của tín ngưỡng Tứ phủ với nghi lễ đặc trưng là Lên đồng. Ở đây, tín ngưỡng này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Đạo giáo Trung Quốc, do vậy hệ thống thần linh đã định hình, các đền miếu, việc thờ cúng, các quy tắc lễ nghi đã quy củ. Cũng tại đây, hình thức Đạo Mẫu và Lên đồng sớm được cung đình hóa, quy chế hóa, tổ chức các cuộc hát thi cung văn, có nhiều danh sĩ tham gia đặt các bài văn chầu bằng chữ Hán hay chữ Nôm… Phong cách hát văn và Lên đồng mang tính cổ điển, quy phạm, những sinh hoạt này phần nào nặng về tín ngưỡng hơn là sinh hoạt văn hóa, nặng tính cung đình, thượng lưu hơn là dân dã.

Ở Huế – Thừa Thiên và cả miền Nam, tín ngưỡng Tứ phủ mang tên Tiên Thiên Thánh Mẫu giáo. Tên chính thức này mới có từ những năm 1955 – 1956, khi các tín đồ của đạo này tập hợp lại trong một tổ chức, có Tổng giáo hội đặt trụ sở ở Huế với 48 chi hội gồm hàng chục vạn tín đồ, được hành nghề tự do như các tôn giáo khác.

Về phương diện tín ngưỡng, đã có sự pha trộn giữa tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt ngoài Bắc mang vào và các tín ngưỡng dân gian địa phương, cũng như được nuôi dưỡng trong môi trường cung đình của phong kiến triều Nguyễn. Tín ngưỡng này lấy việc thờ Thánh Mẫu (Mẹ) là chính, đó là sự hòa nhập giữa Thánh Mẫu Tứ phủ của người Việt và Pô Inư Nưgar (mà người Việt Việt hóa thành Thiên Y A Na) của người Chăm đã từng sinh sống ở vùng này. Ngoài Thánh Mẫu tối cao và đầy quyền năng, còn có các hóa thân của Người trong bốn cõi vũ trụ. Ở đây, cũng có sự du nhập của các thần linh mang tính địa phương, như ngoài Pô Inư Nưgar của người Chăm, còn có các vị phụ quốc như Phạm Nghinh, Phạm Nhan, Phạm Thạch cũng như bảy vị Thánh mà đứng đầu là vua Gia Long.

Trung tâm hoạt động của tín ngưỡng này là điện (đền) Hòn Chén, vốn xưa là đền thờ Pô Inư Nưgar, mà sách Ô châu cận lục của Dương Văn An đã ghi lại thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Theo ông, đền ở xã Khuất Phố, huyện Kim Trà, tương truyền thần là đàn bà, cũng có linh ứng. Hàng năm, đầu xuân đảo vũ, mở hội đua thuyền, quan bản hạt thân hành chủ tế thì được mưa ngay.

Khánh đền được trùng tu như hiện nay. Tương truyền, mẹ vua Đồng Khánh đã lên điện Hòn Chén cầu xin cho con mình được lên ngôi và đã được linh ứng, nên sau này Đồng Khánh đã nhận là một đệ tử của Thánh Mẫu. Có thể coi, nhà Nguyễn với vua Đồng Khánh đã chính thức thừa nhận tín ngưỡng này.

Ở Huế – Thừa Thiên, cũng có tục lễ hội của đạo này vào tháng ba và tháng tám. Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ, tức là ngày giỗ Trần Hưng Đạo và Liễu Hạnh. Trong những ngày lễ hội của đạo này, cũng có hình thức hát văn và Lên đồng. Ngoài hầu bóng và hát văn ở các điện thờ như Hòn Chén vào các ngày hội, người ta lập bàn thờ Tứ phủ trên các con thuyền (bằng) dọc sông Hương, Lên đồng và hát chầu văn ngay trên thuyền đó. Ở đây cũng có những hình thức hầu bóng tập thể (Hầu van), tức là nhiều ông đồng và bà đồng cùng một lúc nhập hồn các thần linh Tứ phủ – điều này ít thấy ở Hà Nội hay Sài Gòn. Cung văn ở đây cũng đông người hơn, họ dùng dàn nguyệt, mõ, sênh, bộc…, người hát văn có đến hàng chục người. Âm nhạc và hát văn cũng chịu nhiều ảnh hưởng của âm nhạc và dân ca Huế – Thừa Thiên.

Ở Nam Bộ, mà tiêu biểu là Sài Gòn, hát văn và Lên đồng từ lâu đã trở thành sinh hoạt tín ngưỡng – văn hóa khá nhộn nhịp và mang những sắc thái địa phương. Trước nhất, trong điện thần, Bà Chúa Xứ có gốc gác xa xưa là nữ thần người Chăm Châu Đốc, được đồng hóa vào hàng các Chầu Bà, hóa thân vào Thánh Mẫu. Lễ Văn Duyệt – quan triều đình nhà Nguyễn trấn giữ phương Nam – đã trở thành vị thánh hàng quan lớn, có vai trò trong việc diệt trừ ma tà, chữa bệnh, giống như Quan lớn Tuần Tranh, Đức Thánh Trần ở ngoài Bắc.

Ở Nam Bộ, dù trên sân khấu chuyên nghiệp hay trong các đền chùa cũng ít thấy hình thức hát văn riêng, mà luôn đi với hình thức Lên đồng. Cũng giống như ngoài Bắc, Lên đồng ở đây là hình thức nhập hồn cá nhân, chỉ trừ trường hợp ốp đồng thì mới có hai ba người cùng nhảy múa. Nói chung, hát văn và Lên đồng ở đây ít mang tính kinh điển hơn so với ở Bắc Bộ, các nghi thức cúng ít gò bó, quy phạm, giao lưu giữa thần linh và người trần cũng thoải mái hơn, nhiều lúc mang tính chất sinh hoạt văn hóa hơn là tín ngưỡng.

Âm nhạc và làn điệu hát văn tiếp thu nhiều ảnh hưởng cải lương và đờn ca Nam Bộ, thậm chí đưa vào gần như nguyên xi làn điệu và bài dân ca Quan họ như trong giá hầu Cô Cả – mà ngoài Bắc gọi là Cỏ Cam Đường. Những hình thức ăn mặc, múa hát cũng tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa Chăm và các dân tộc Tây Nguyên, nhất là trong các giá hầu các vị Thánh hàng Chầu Bà…

c. Khuynh hướng tích hợp văn hóa

Có lẽ ít thấy một hình thức tín ngưỡng tôn giáo nào của người Việt lại thể hiện khả năng đồng hóa, tích hợp các tín ngưỡng địa phương và của các dân tộc khác nhau cùng sinh sống như trong tín ngưỡng Mẫu Tứ Phủ. Sự tích hợp ở đây thể hiện cả ở hệ thống thần linh và các hình thức sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật kèm theo.

Trong điện thần Mẫu Tứ Phủ, từ Thánh Mẫu đến hàng Quan, hàng Chầu, ông Hoàng và các Cô đều có các vị thần linh gốc gác là người các dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi, như Mường, Tày, Nùng, Dao, Chăm…

Tiêu biểu nhất là các vị Thánh hàng Chầu Bà – hóa thân trực tiếp của Tứ Phủ Thánh Mẫu – phần lớn đều có gốc là người dân tộc thiểu số. Chầu Đệ Nhất (tức Mẫu Thượng Thiên) gốc là cô gái con một người Mán (Dao), Chầu Lục là người Nùng ở Hữu Lũng, Chầu Mười là người Tày (Thổ), Chầu Thác Bờ là người Mường, còn Bà Chúa Xứ là người Chăm… Các vị Thánh này đều thuộc Nhạc Phủ và Thủy Phủ, trông coi miền rừng núi và sông nước. Các bản văn mô tả sự tích, tính cách của các vị Chầu Bà khá sinh động, đặc trưng cho sinh hoạt các dân tộc miền núi, chẳng hạn:

Khi chơi ngàn núi, ngàn khe
Ngàn giang, ngàn nứa trúc tre ngàn vầu
Đôi cô Thổ Mán theo hầu
Cô xe chỉ thắm, cô xâu hạt vàng
Sơn lam dọn quán bán hàng
Non xanh đùng đỉnh tuyết sương gieo hòa
Khăn xanh áo lục nhởn nhơ.
(Văn Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn)

Gốc tích các vị Thánh người dân tộc miền núi này từ lâu đã có quan hệ gắn bó gần gũi với người Việt, đặc biệt phân bố trên các trục thông thương xưa giữa miền ngược và miền xuôi, như Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Yên Bái – Tuyên Quang – Lào Cai… Chẳng thế mà ngày nay, những người buôn xuôi ngược qua lại tuyến đường này đều phải dâng lễ cầu khấn các thần linh địa phương phù trợ trong làm ăn buôn bán.

Các vị thần linh Tứ Phủ gốc dân tộc thiểu số có cả nam lẫn nữ, nhưng chủ yếu là nữ thần, nên việc tích hợp các hiện tượng văn hóa kèm theo cũng rất phong phú, đa dạng. Trước nhất là cung cách ăn mặc của các vị nữ thần người dân tộc phải tuân theo cung cách các bộ nữ phục đẹp nhất của các dân tộc ấy. Chầu Thác Bờ ăn mặc nữ phục Mường với váy đen cạp thêu hoa, che trước ngực yếm, áo dài xẻ vạt, đầu chít khăn trắng, cổ đeo vòng bạc, hoa tai… Chầu Mười là người Tày mặc bộ váy áo chàm, chít khăn thêu hoa, thắt lưng lụa đào, đeo các đồ trang sức ở cổ, tay, chân. Chầu Đệ Nhất ăn mặc nữ phục Mán, Bà Chúa Xứ ăn mặc nữ phục Chăm, mặt xoa đen như nước da người Chăm…

Các bài văn chầu mô tả đời sống dân tộc, hát theo các vần điệu dân tộc, gọi chung là điệu Xá, như Xá bảng, Xá bạc, Xá quảng, Xá Thượng… Khi múa, các ông đồng, bà đồng phải múa theo cung cách của các dân tộc…

Rõ ràng là, khác với đời sống xã hội xưa kia, trong tín ngưỡng Tứ Phủ, người Việt đã cư xử với văn hóa các dân tộc thiểu số một cách hoàn toàn bình đẳng, không chút kỳ thị.

Để giải thích hiện tượng tích hợp văn hóa này, chúng ta có thể đứng trên hai góc độ: đó là góc độ vũ trụ luận nguyên sơ và đời sống lịch sử – xã hội. Trong quan niệm vũ trụ luận của người Việt và các dân tộc phương Đông, yếu tố sơn – thủy là cặp đôi không thể thiếu, đảm bảo cho sự cân bằng âm – dương. Do vậy, người Việt sống ở hạ bản (đồng bằng) thì không thể không gắn bó với người dân tộc thiểu số sống ở thượng nguồn; đó là hai nhân tố gắn bó, bổ trợ cho nhau. Điều đó thể hiện tâm thức của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ sống giữa núi rừng ba mặt vây quanh. Hơn thế nữa, về mặt lịch sử, trong quan niệm của người Việt, vùng núi đều là “phên dậu” che chở cho người Việt trước nạn ngoại xâm triền miên từ phương Bắc. Do vậy, vận mệnh lịch sử của người Việt luôn gắn liền với các dân tộc thiểu số. Quan niệm vũ trụ luận và tâm thức lịch sử đó của người Việt đã được phản ánh trong niềm tin và tình cảm tôn giáo – tín ngưỡng, mà Đạo Mẫu là một đặc trưng.

2. Đạo Mẫu, từ tín ngưỡng nguyên thủy đến tôn giáo dân gian sơ khai

Đứng trên góc độ tín ngưỡng – tôn giáo, Đạo Mẫu trong quá trình nảy sinh, vận động và biến đổi đã và đang trong quá trình chuyển hóa từ một tín ngưỡng nguyên thủy để trở thành một hình thức tôn giáo dân gian sơ khai. Đây là một luận điểm cần phải được biện luận và thảo luận nghiêm túc.

Xuất phát từ một tín ngưỡng nguyên thủy, tin thờ các vị thần linh tự nhiên gần gũi, che chở cho con người như Trời, Đất, Nước – mà trong quan niệm dân gian đó là các vị thần mang nữ tính – tín ngưỡng này hình thành trong bối cảnh xã hội mẫu hệ, và ngay cả khi đã chuyển sang phụ hệ thì vai trò của người phụ nữ vẫn còn rất to lớn. Từ đó hình thành nên biểu tượng Người Mẹ như là cội nguồn dân tộc, hiện thân của Đất Nước. Tuy nhiên, ban đầu việc thờ phụng các vị thần mang nữ tính ấy còn rất tản mạn, giống như các hình thức thờ phụng những vị thần linh khác; tính biểu tượng, vũ trụ luận và ý thức xã hội chưa cao, nghi lễ thờ phụng chưa thành hệ thống.

Cùng với sự thâm nhập của Đạo giáo Trung Quốc vào nước ta, tục thờ Thần Mẫu đã tiếp thu những ảnh hưởng về hệ thống vũ trụ luận, du nhập các vị thần linh của Đạo giáo, vay mượn một số nghi thức thờ cúng… để củng cố cho sự phát triển nội tại của hình thức tín ngưỡng này về mặt ý thức xã hội, mô thức thần điện mang tính cung đình, sự tích hợp các hiện tượng văn hóa… từ đó hình thành và định hình một tín ngưỡng Đạo Mẫu mang tính hệ thống hơn.

Đó là một tín ngưỡng đã có một điện thần tương đối hệ thống và hoàn chỉnh. Các vị thần linh được phân chia thành các Phủ, các hàng bậc từ trên xuống dưới, nhưng đều quy về vị thần chủ cao nhất là Thánh Mẫu – có nét gì đó tương tự như Đức Phật của Phật giáo, Chúa Jêsu của Thiên Chúa giáo, hay Đức Allah của Hồi giáo.

Đây là một tín ngưỡng mà thông qua hệ thống thờ cúng, các truyền thuyết và thần tích, các bài văn cúng (một dạng “kinh”) đã thấp thoáng lộ ra một ý niệm về vũ trụ và một ý thức về nhân sinh. Đó là một vũ trụ nhất nguyên – nguyên lý Mẹ (Mẫu) nhưng lưỡng cực (Âm – Dương), được phân thành các phủ (Tam Phủ, Tứ Phủ), các tầng, do một vị Thánh Mẫu – hóa thân của Thiên Tiên Thánh Mẫu – cai quản. Đó là một ý thức xã hội hướng về cội nguồn, trong đó Người Mẹ là biểu tượng; một ý thức yêu nước, gắn bó với dân tộc; một ý thức về đời sống thực thường nhật với các nhu cầu về sức khỏe, tài lộc…

Đó là một tín ngưỡng đã bước đầu vượt lên trên tính phân tán, tùy tiện, hình thành một hệ thống các nơi thờ cúng, đền phủ, các phối tự với tượng và tranh thờ, lịch thờ cúng và lễ hội; các nghi thức cúng lễ đã được quy chuẩn hóa khá chặt chẽ, trong đó tiêu biểu nhất là nghi lễ hầu bóng.

Một tín ngưỡng bước đầu đã hình thành một cộng đồng các tín đồ (đệ tử) với các thứ bậc khác nhau, phổ biến rộng hẹp trong các tầng lớp xã hội khác nhau. Ở miền Bắc trước năm 1954 và miền Nam trước năm 1975, Đạo Mẫu đã bước đầu tập hợp các tín đồ thờ Mẫu thành cộng đồng lớn hơn mang phạm vi toàn quốc, tiêu biểu là Tổng hội Thiên Tiên Thánh giáo.

Trong tâm thức dân gian, thờ Phật là mong tích đức, lấy phúc cho kiếp sau, hòa tan cái bản ngã vào Hư Vô – Niết Bàn; theo đạo Gia Tô là để cứu rỗi linh hồn, về với Chúa nơi Thiên đường cực lạc. Còn thờ Mẫu, con người cầu mong lấy phúc lộc Thánh ban, thoát khỏi rủi ro, vận hạn, bệnh tật; cầu mong lấy sức khỏe, tiền tài. Như vậy, thờ Mẫu không còn là sự nhất thể hóa, đồng nhất con người với tự nhiên, thần linh, ma quỷ như trong xã hội nguyên thủy, mà chừng nào đã đạt tới sự chiêm nghiệm, cầu nguyện thần linh đầy quyền năng cứu giúp con người khỏi rủi ro, bệnh tật, đạt được phúc lộc, an khang. Mẫu ở đây có cái gì đó giống với Đức Phật hay Chúa Jêsu – những hình tượng cứu giúp, giải thoát con người – theo một hình thức tôn giáo mang tính cứu thế.

Như vậy, nếu xem xét Đạo Mẫu từ các khía cạnh điện thần, các tín điều mang tính vũ trụ luận và ý thức xã hội, các nghi lễ thờ cúng, hệ thống tín đồ và mức độ phổ cập của đạo này, thì ta có thể nhận ra một điều lý thú: trong bối cảnh xã hội Việt Nam và sự giao lưu với bên ngoài, Đạo Mẫu đã và đang trong quá trình vận động, biến đổi từ một hình thức tín ngưỡng nguyên thủy thành một tôn giáo dân gian sơ khai mang đậm tính bản địa độc đáo.

3. Đạo Mẫu – một sinh hoạt tín ngưỡng – văn hóa cộng đồng

Từ góc độ xã hội, Đạo Mẫu là một hiện tượng sinh hoạt tín ngưỡng – văn hóa đang diễn ra một cách sống động trong đời sống hằng ngày của nhân dân. Nó đáp ứng nhu cầu không chỉ của đời sống tâm linh mà còn của cả đời sống văn hóa – nghệ thuật. Thực ra, linh cảm và mỹ cảm không tách rời nhau mà gắn bó mật thiết; cái nọ là tiền đề cho sự nảy nở và tồn tại của cái kia.

Đến với Mẫu, thường những điều cầu mong, ước vọng của mỗi người không giống nhau. Họ có thể trực tiếp thể hiện qua nghi lễ và các lời cầu khẩn của mình, nhưng cũng có khi phải qua các ông đồng, bà đồng để giao tiếp với Thánh Mẫu. Ngược lại, Mẫu là một biểu tượng, được dân gian gắn cho một quyền uy và khả năng siêu phàm, có thể cứu hộ độ trì cho muôn vạn chúng sinh với những nỗi niềm và vận hạn khác nhau. Biểu tượng đó gắn kết những số phận lại với nhau, tạo nên một cộng đồng, sự cảm thông cộng đồng. Bởi thế, sinh hoạt nghi lễ bao giờ cũng là sinh hoạt cộng đồng – dù đó là những buổi hầu bóng của một cá nhân nào đó hay là những ngày hội lớn vào dịp tháng Ba, tháng Tám – lôi cuốn hàng ngàn vạn con người với không khí hành hương rạo rực, phấn chấn.

Đến với Mẫu, con người không chỉ có sự đồng cảm về biểu tượng chung, mà còn có niềm cộng cảm về các giá trị văn hóa. Một cuộc hành hương của các tín đồ, đệ tử tới các đền phủ thờ Mẫu với những cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy kỳ thú cũng đã giúp mỗi con người trút đi bao nỗi nhọc nhằn thường nhật, gắn kết con người lại với tự nhiên. Ngắm nhìn các kiến trúc thờ cung kỳ thú, những tranh tượng thờ cúng uy nghi, lộng lẫy; những bộ khăn áo sang trọng, sặc sỡ; nghe những điệu hát chầu văn lúc mượt mà huyền ảo, lúc dập dồn sống động làm nền cho những điệu múa bóng, múa hầu đồng, múa chầu… tất cả tạo nên những cảm xúc khó quên trong mỗi ký ức con người:

Ai về xóm Bóng thăm nhà
Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn chăng?

Những ngày hội Mẫu theo chu kỳ xuân – thu nhị kỳ ở các đền phủ thường gây ấn tượng sâu sắc:

Còn Trời còn nước còn non
Mồng năm rước Mẫu ta còn đi xem
Ai về nhắn chị cùng em
Bảo nhau dắt díu đi xem hội này…

Tâm linh và văn hóa cũng hòa quyện với nhau trong mọi sinh hoạt thờ Mẫu. Nó đáp ứng nhu cầu tâm linh và mỹ cảm – vốn là những nhu cầu vĩnh hằng của con người.

Cũng giống như bất cứ một tôn giáo hay tín ngưỡng nào khác, ngoài những giá trị về đạo đức và văn hóa, trong quá trình tồn tại và phát triển, Đạo Mẫu cũng nảy sinh và ký sinh những hiện tượng phản đạo đức và phản văn hóa. Đối với Đạo Mẫu – một tín ngưỡng thoát thai từ dạng nguyên thủy, gắn liền với đời sống dân dã – nó cũng thu hút, tích hợp nhiều hiện tượng mê tín, dị đoan. Đấy là chưa kể những người lợi dụng tín ngưỡng này vì mưu đồ đầu cơ, trục lợi cá nhân…

Tuy nhiên, những bụi bặm và rác rưởi đó vẫn không thể che lấp được biểu tượng cao đẹp về Mẫu, ý thức gắn bó với cội nguồn, tình yêu quê hương xứ sở, sự gắn bó cộng đồng, truyền thống tôn trọng phụ nữ và các giá trị văn hóa – nghệ thuật đã tích hợp quanh tín ngưỡng này.

4. Lên đồng và xã hội đương đại

Xã hội đương đại Việt Nam và thế giới đã và đang có sự thay đổi cực kỳ to lớn, đó là sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, cũng từ đó đặt ra biết bao câu hỏi liên quan đến tự nhiên, xã hội và sức khỏe con người mà không phải lúc nào khoa học cũng có được lời giải đáp và cách giải quyết thỏa đáng, khiến không ít người phải tìm đến cái siêu nhiên, siêu hình, thần bí.

Nền kinh tế thị trường phát triển mang lại sự giàu có và lợi ích thiết thân cho con người, tuy nhiên, nó cũng hàm chứa cả những may mắn và rủi ro, mà bản thân con người không chỉ trông chờ vào năng lực cá nhân mà còn phải cầu cứu tới sự trợ giúp thần bí của thánh thần. Điều đó giải thích vì sao, cùng với sự phát triển của kinh tế hàng hóa hiện nay là sự bùng phát của các tín ngưỡng, nghi lễ, khiến nhiều hình thức tín ngưỡng vốn xưa là của nông thôn, nông dân, nông nghiệp, nay trở thành tín ngưỡng của thương nghiệp, thương nhân. Người đi lễ tăng vọt, mà phần lớn lại là thương nhân và cư dân đô thị.

Xã hội hiện đại là xã hội đô thị, với sự tập trung của các đô thị lớn, cuộc sống gấp gáp, nhộn nhịp với bao sự dồn nén, ức chế do sự bất cập của chúng ta trong việc làm chủ và quản lý xã hội đô thị. Chính trong sự dồn nén, ức chế này, con người tìm đến một thế giới tâm linh để giải tỏa. Cuộc sống của con người dường như được phân làm hai: một bên là làm việc, săn đuổi các cơ hội với khát vọng làm giàu, con người luôn cảm thấy thiếu thời gian, thiếu sự thanh thản; còn một bên là đời sống tâm linh – nó vừa làm dịu đi đời sống hiện thực của con người, vừa tìm ở đó chỗ dựa tinh thần. Nếu chỉ có đời sống hiện thực trần tục thì con người sẽ rơi vào cảm giác quá tải, bơ vơ và thiếu tự tin.

Bước vào thế kỷ XXI, với sự tác động nhiều mặt, con người cảm thấy thiếu tự tin và chông chênh hơn. Chiến tranh, khủng bố, sự nghèo đói, chỉ cần một trận thiên tai (bão lũ, sóng thần, động đất), một con virus bệnh SARS, H5N1 cũng đủ gây chấn động và đảo lộn thế giới. Con người tưởng như giàu có hơn, hiểu biết hơn thì tự tin hơn, nhưng hình như không hẳn vậy! Chính trong môi trường đó – và bao giờ cũng vậy – con người phải tìm đến một sự trợ giúp, đó là tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có sự trỗi dậy và tự biến đổi, trẻ hóa của Đạo Mẫu.

Trong đời sống xã hội hiện đại, Đạo Mẫu và Lên đồng vẫn chứng tỏ sức sống của mình. Trước hết, ở nông thôn và đặc biệt là ở các đô thị, kể cả các đô thị lớn, hình thức sinh hoạt tín ngưỡng vẫn tồn tại và có phần nào phát triển, mở rộng. Các điện thờ Tứ Phủ trong các chùa cũng góp phần tạo nên không khí nhộn nhịp, nhất là trong các dịp có lễ lớn của tín ngưỡng này. Các đền – nơi thờ cúng chính – ngày nay đã được tu sửa lại, thu hút đông đảo các tín đồ đến hành hương và dâng cúng. Các ngày hội của Tứ Phủ, đặc biệt là Tháng Ba hội Mẹ ở Phủ Dầy và Tháng Tám hội Cha ở Kiếp Bạc, cùng nhiều nơi khác đã thu hút hàng chục vạn người tham dự. Các đền thờ khác, thí dụ như đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, trong tháng Giêng cũng thu hút hàng vạn người đến hành lễ và cầu xin. Vào các tiết lễ của đạo Tứ Phủ, nhất là vào dịp tháng Giêng và tháng Tám, ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn có tới hàng ngàn người hầu bóng. Các tầng lớp xã hội cũng mở rộng hơn – không chỉ lớp thị dân, người buôn bán, nông dân… mà còn lan ra cả những tầng lớp khác. Nhiều tín đồ đến cúng lễ là những người tuổi còn trẻ, từ 20 đến 30…

Bản thân tín ngưỡng Tứ Phủ với hình thức Hát văn và Lên đồng cũng có những biến đổi theo chiều hướng phần nào bớt dần những yếu tố mang tính ma thuật, mê tín, để đi vào các khía cạnh văn hóa như hành hương, du lịch, thưởng thức nghệ thuật. Các phương tiện kỹ thuật được sử dụng để mở rộng hình thức sinh hoạt như phim ảnh, video, băng hát chầu văn. Các vật phẩm dâng cúng cũng sang trọng, hiện đại hơn như thuốc lá thơm, rượu ngoại, đèn nến dùng điện trong thờ cúng. Trong một số đền, người ta đã đưa ảnh Bác Hồ vào diện thờ cùng với các vị khai quốc như Vua Hùng, thậm chí còn có các bài văn chầu viết riêng về Người.

Hát văn, nhờ sự lôi cuốn và khả năng thể hiện sinh động các nội dung mới, nên trong mấy thập kỷ qua, các nghệ sĩ hát văn đã thử nghiệm thành công việc tách hát văn ra khỏi sinh hoạt hầu bóng, đưa các nội dung về sản xuất, chiến đấu, các nội dung xã hội khác vào bài hát văn và có thể trình diễn trên sân khấu và các phương tiện thông tin đại chúng. Một số tiết mục hát văn đã đoạt giải thưởng trong các cuộc thi và hội diễn.

5. Đạo Mẫu: Giá trị và phản giá trị

Người ta cũng đã bàn bạc tới cách nhìn nhận và thái độ xã hội đối với Đạo Mẫu và các hình thức Shaman, trong đó có Hầu bóng – Lên đồng. Không ít người đặt câu hỏi: Liệu Đạo Mẫu và Lên đồng có điều gì tiêu cực, mê tín, không phù hợp với nhận thức và lối sống của con người xã hội hiện đại?

Trước hết, đây là một đức tin của đông đảo quần chúng nhân dân, không chỉ bó hẹp trong nông dân, nông thôn mà còn lan tỏa tới các tầng lớp khác ở đô thị nữa. Chúng ta có dịp hành hương về Phủ Dầy – trung tâm thờ Mẫu của Việt Nam với lễ hội “Tháng Ba giỗ Mẹ” thật kỳ vĩ. Chúng ta hãy đến thăm Phủ Tây Hồ – nơi thờ phụng Thánh Mẫu Liễu Hạnh để thấy người dân đô thị ở Hà Nội và các thành phố khác trong cả nước đến đây dâng lễ như thế nào. Chúng ta cũng có thể đi cầu tài, cầu lộc ở Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) vào dịp đầu năm và cuối năm, với hàng chục ngàn người mỗi ngày, thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội, trong đó phần lớn là người đến từ các đô thị.

Đây là đức tin vào sự linh thiêng, phù hộ độ trì của Thánh Mẫu đối với con người. Ngày nay, đời sống tuy đã được nâng cao, nhưng vẫn còn đầy rẫy những bất trắc của một xã hội chịu sự chi phối của kinh tế thị trường. Sự khác biệt cơ bản giữa Đạo Mẫu và các hình thức Shaman với các tôn giáo tín ngưỡng khác là ở chỗ: nó không hướng về đời sống bên kia sau cái chết, mà là đời sống thực tại, với ước vọng về sức khỏe, tài lộc và may mắn. Đó là ước vọng mang đầy tính huyền bí và hấp dẫn với tất cả mọi người ở mọi thời đại.

Đạo Mẫu còn chứa đựng những giá trị lịch sử truyền thống, giá trị đạo đức và giá trị văn hóa sâu sắc. Đó là tâm thức “uống nước nhớ nguồn”, “hướng về cội nguồn”, tôn vinh những người có công với dân, với nước. Có thể nói, với xu hướng “lịch sử hóa”, “địa phương hóa”, Đạo Mẫu đã trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, mà trong đó hình tượng người Mẹ – Mẫu là nhân vật trung tâm. Thật tự hào và vinh dự cho một dân tộc đã tự lựa chọn hình tượng Mẹ – Mẫu để tôn vinh, thờ phụng và ký thác vào đó niềm tin của mình! Đó chính là giá trị nhân bản, giá trị đạo đức và giá trị truyền thống Việt Nam.

Trong đời sống thường nhật của con người, Đạo Mẫu, thông qua các bài giáng bút (tương truyền có hàng trăm bài thơ giáng bút), khuyên dạy người phụ nữ những điều rất cụ thể về ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội, như với cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em họ hàng nội ngoại, với hàng xóm láng giềng sao cho tạo nên sự hòa hiếu: “trong êm, ngoài ấm” (xem phụ lục về các bài thơ giáng bút).

Đạo Mẫu và các hình thức Shaman giáo đều ẩn chứa những giá trị văn hóa rất phong phú. Đó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh; đó còn là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các hình thức trang trí, kiến trúc… Nhiều người đã nói tới diễn xướng Đạo Mẫu như là một hình thức sân khấu tâm linh, hay cao hơn là cả một nền văn hóa Đạo Mẫu. Chỉ riêng nghi lễ Hầu bóng – Lên đồng của Đạo Mẫu đã sản sinh ra loại hình âm nhạc hát văn mà, theo ý kiến của Giáo sư Trần Văn Khê, đó là một trong hai loại hình âm nhạc dân gian tiêu biểu của người Việt đóng góp vào kho tàng âm nhạc thế giới.

Chính những giá trị lịch sử, truyền thống, đạo đức, văn hóa kể trên đã luôn đặt Đạo Mẫu vào vị trí những tôn giáo – tín ngưỡng bản địa hàng đầu của các dân tộc Việt Nam.

Vậy, Đạo Mẫu và nghi lễ Lên đồng có khía cạnh nào tiêu cực, lạc hậu trong điều kiện xã hội hiện nay không? Tất nhiên là có. Bản thân Đạo Mẫu, như có lần chúng tôi đã nói, là hệ thống các tín ngưỡng ở các trình độ phát triển rất khác nhau: từ sơ khai, nguyên thủy như các hình thức thờ Nữ thần, đến các hình thức phát triển cao hơn như thờ Mẫu Tam phủ – Tứ phủ. Do vậy, nó rất phức tạp, chứa đựng nhiều tàn tích cổ xưa mà trong xã hội hiện đại không mấy phù hợp.

Bản thân tôn giáo, tín ngưỡng đều hướng về cái thiện, cái đẹp đẽ, cao cả – Chân, Thiện, Mỹ. Tuy nhiên, mọi tôn giáo tín ngưỡng không phải tồn tại trong “chân không”, mà là trong xã hội con người. Con người trong xã hội không chỉ hướng về nó, tôn vinh nó, mà còn lợi dụng nó vì các mục đích khác nhau, thậm chí phản lại tính nhân bản, tính văn hóa vốn có của tôn giáo – tín ngưỡng. Lợi dụng con người hướng về đời sống tâm linh, khi các tín ngưỡng, tôn giáo đang có cơ hội phục hồi, không ít người đã lợi dụng tình trạng nhiễu loạn hiện nay để đầu cơ trục lợi, buôn thần bán thánh. Không ít kẻ giàu có lên nhờ lợi dụng tôn giáo – tín ngưỡng, đi ngược lại bản chất của bất cứ tôn giáo – tín ngưỡng nào cũng là hướng thiện, trừ ác.

Vậy thái độ của chúng ta nên như thế nào? Loại bỏ nó ư? Đã có lúc chúng ta nghĩ như vậy và thực tế thế nào thì mọi người đều đã rõ. Có lẽ hợp lý hơn cả vẫn là “gạn đục khơi trong”, hỗ trợ, phát huy mặt tích cực là cơ bản, để dần hạn chế những mặt tiêu cực, lỗi thời.