Di tích phủ Tây Hồ
Hiện nay, phủ Tây Hồ nằm trên doi đất nhô ra hồ thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Cũng như nhiều di tích văn hóa – tín ngưỡng khác, việc xây dựng và sửa chữa đền phủ là một quá trình, nhiều khi kéo dài từ đời này sang đời khác. Hơn thế nữa, tâm thức dân gian luôn muốn cổ hoá các di tích địa phương mình, họ coi di tích càng cổ thì càng có giá trị. Do vậy, việc đoán định niên đại xây dựng đầu tiên của di tích là công việc khó khăn đối với các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, việc xây dựng các di tích có quy luật riêng, nhờ vào những đoán định trực tiếp dựa vào phong cách kiến trúc và trang trí, dựa vào các bi ký, thậm chí có thể thông qua các thư tịch vốn đã có niên đại tương đối hay tuyệt đối.
Cũng không rõ xuất phát từ đâu mà nhà nghiên cứu mỹ thuật đã quá cố Chu Quang Trứ cho rằng cho đến trước năm 1943, phủ Tây Hồ còn là một điện Mẫu trong chùa, chỉ có phần hậu cung. Trong phong trào yêu nước chống Pháp, xuất phát từ chủ trương phát huy sức mạnh của truyền thống dân tộc, nhân dân đã quyên góp công sức của dân làng và khách thập phương để xây dựng lại di tích điện Mẫu này thành một hợp thể kiến trúc tôn giáo hoàn chỉnh hơn với đủ nhà tiền tế, trung tế và hậu cung (theo mô thức Phủ Dầy). Tuy nhiên, mồng bốn tết năm Đinh Hợi (1947), thực dân Pháp đã đốt làng Tây Hồ, làm cháy luôn cả điện thờ Mẫu. Năm 1952, người ta xây dựng lại gác chuông trên gian tiền tế. Điện Mẫu đã thành phủ thờ Mẫu, nhưng quy mô còn nhỏ.
Mãi đến các thập kỷ 80 sang đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, trong không khí đổi mới và phục hồi tín ngưỡng, lễ hội, người ta đã tu sửa và dựng lại phủ Tây Hồ với nhiều kiến trúc mới to đẹp hơn. Năm 1989 xây dựng lại tòa hậu cung đã bị dột nát, năm 1990 xây dựng lại nhà khách (tiền tế), vừa là nơi biện lễ dâng lên đền, vừa là nơi ăn uống, nghỉ ngơi của khách. Năm 1991 xây dựng cổng phủ, năm 1992 mở rộng Sơn trang từ 10m lên 80m và xây dựng lại cả điện Cô và Cậu. Theo tác giả, những công trình kiến trúc còn lại đến nay ở phủ Tây Hồ đều là kiến trúc mới, chỉ trừ 3 tấm bia có niên đại sớm hơn một chút là năm 1928, 1937 và 1940.
Về niên đại xây dựng và phong cách, chất liệu kiến trúc, khi viết phần “Phủ Tây Hồ và sự phụng thờ Mẫu Liễu Hạnh,” một phần của sách “Đạo Mẫu ở Việt Nam” (Tập 1) do Ngô Đức Thịnh chủ biên, Hà Đình Thành đã ghi lại khá đầy đủ những phần viết của Chu Quang Trứ, chứ tác giả không hề có ý kiến gì thêm.
Gần đây, trong “Tạp chí Văn hóa Dân gian,” số 3/2008, Chu Xuân Giao và Phan Lan Hương có bài viết dài “Truy tìm những khoảng chân thực riêng lẻ: về thời điểm xuất hiện phủ Tây Hồ nhìn từ nhãn loại học lịch sử.” Các tác giả bài viết đã mất nhiều công, nhưng không phải là vô ích khi bằng con đường khảo cứu, so sánh nhiều tài liệu thư tịch đã đi đến kết luận là thời điểm xây dựng Phủ Tây Hồ là khá muộn, khoảng các thập niên 30-40 của thế kỷ XX và đồng ý với niên đại năm 1943 mà Hà Đình Thành, thực ra là Chu Quang Trứ, nêu ra trong công trình trước đó của ông. Câu hỏi mà Chu Xuân Giao đặt ra cho Hà Đình Thành là căn cứ vào đâu mà đưa ra các niên đại như vậy, thì nay nên chuyển sang cho Chu Quang Trứ, nhưng rất tiếc nhà nghiên cứu nghệ thuật này đã qua đời từ nhiều năm trước đây.
Có lẽ không cần bàn gì nhiều khi cho rằng Phủ Tây Hồ được xây cất khá muộn như đã nói ở trên. Tuy nhiên, có vấn đề đặt ra là, tiền thân của Phủ Tây Hồ là một điện Mẫu trong chùa Bảo Khánh hay chính đó là Đền Bảo Khánh thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh? Theo tôi, có nhiều khả năng trước đó, trên nền của phủ Tây Hồ hiện nay đã tồn tại một ngôi chùa, mà trong đó, theo truyền thống Phật giáo ở Bắc Bộ Việt Nam, vừa thờ Phật, vừa thờ Mẫu, theo mô thức “tiền Phật hậu Mẫu.” Còn Mẫu ở đây có thể là Tam tòa Thánh Mẫu, trong đó có Liễu Hạnh Thánh Mẫu là thần chủ như bao nơi khác. Tuy nhiên, Tây Hồ hơn tất cả mọi nơi khác ở chỗ, nó không chỉ là nơi non nước hữu tình, mà còn vì nó gần đô thị Hà Nội, nơi đầu mối giao thương, nơi sinh sống của thị dân, nơi tập trung của giới thương nhân. Một cơ sở xã hội vô cùng thuận lợi cho tín ngưỡng bản địa này sinh sôi nảy nở. Điều này cũng giải thích tại sao ngày nay khi đô thị hóa, hiện đại hóa phát triển, kinh tế thị trường bùng phát, thì Tây Hồ càng trở nên sầm uất, tấp nập, nhất là vào dịp ngày kỵ giỗ Thánh Mẫu. Người ta nườm nượp đến đây để cầu xin may mắn, sức khỏe và tài lộc.
Còn tiền thân của Phủ Tây Hồ thì có thể là một di tích thờ cúng nữ thần nào đó, mà điều này thì có ở khắp nước ta, huống hồ là ở một nơi phong cảnh kỳ thú như Hồ Tây này. Di tích này nhập vào câu chuyện của Đoàn Thị Điểm về cuộc đàm đạo thơ văn giữa Liễu Hạnh công chúa với nhà thơ đương thời Phùng Khắc Khoan.
Lễ phải có sau khi Bà sáng tác “Vân Cát Thần Nữ,” tức là thế kỷ XVIII. Nếu như vậy, thì tiền thân của Phủ Tây Hồ có lẽ chỉ là ngôi đền, miếu có kiến trúc đơn sơ, khiêm tốn, nên nhiều công trình viết về Tây Hồ như Nguyên Huy Lượng trong “Tây Hồ Phú,” hay Dương Bá Cung trong cuốn “Tây Hồ Chí” – một cuốn sách khảo cứu kỹ lưỡng về vùng Tây Hồ – đều không hề nhắc tới địa chỉ này.
Phủ Tây Hồ là một tổng thể di tích bao gồm nhiều bộ phận, sắp xếp theo thứ tự từ ngoài vào: cổng Phủ – nhà chò – Phủ chính – nhà làm việc của Ban Quản lý – Động Sơn Trang – nhà khách – điện Cô – điện Cậu.
SƠ ĐỒ TỔNG THỂ PHỦ TÂY HỒ Chú thích:
- Nhà khách
- Điện Cậu
- Điện Cô
- Bể hóa vàng
- Tháp chùa
- Hai tấm bia hậu
Cổng Phủ: Xây dựng theo kiểu tam quan bốn cột trụ, song hai cửa bên cạnh xây bịt kín, trang trí bằng long – hổ đắp nổi. Trên vòm cổng có biển khắc bốn chữ Hán: “PHONG ĐÀI NGUYỆT CÁC” (Lầu gió gác trăng). Hai bên cột cổng Phủ có câu đối:
“Trước ý Tây Hồ phong nguyệt, tửu điếm họa thi lâu, vân nhân kỳ dĩ ngộ.
Phóng hoài Nam Quốc sơn xuyên, cầm ca đài vũ sa, tiên tử hội lâm phàm.”
Dịch nghĩa:
Ý đẹp trăng gió Tây Hồ, quán Liễu ấy thi họa, văn nhân nay hội ngộ.
Nhớ về sông núi Nam Quốc, cầm ca này thủy tạ, tiên tử ghé xuống trần.
(Cụ Phạm Văn Khiêm soạn và để chữ)
Hai đầu cột trụ chính trong ô chìm có đắp nổi hình rồng, ngựa. Trên cùng là mái cổng được lợp ngói cuốn, bốn góc mái có đuôi guột, trên bờ nóc ở giữa có hình mặt trời, hai đầu có hai con kìm. Khoảng cách giữa hai cột trụ chính này được trang trí hàng chỉ triện cách điệu uốn theo vòm cửa. Mặt sau của cổng ở đỉnh cột trụ chính và con theo thứ tự từ trái sang phải được đắp hình nổi: cúc, trúc, mai, tùng. Ở trên vòm cửa có đắp nổi hình rồng cuốn mây, bên trong cũng được trang trí hàng chỉ triện cách điệu, bên dưới có hàng chữ “TÂN MÙI NIÊN TRỌNG ĐÔNG” bằng chữ Hán (tháng 11/1991).
Mặt tiền của Phủ chính quay ra Hồ Tây, bên kia là làng Võng Thị. Trên cổng Tam quan hai tầng tám mái có đắp nổi bốn chữ: “TÂY HỒ HIỂN TÍCH” (dấu tích Tây Hồ).
Dưới hàng chữ có chạm nổi hình long, ly, quy, phượng và chữ “phúc hàm tiền.” Cánh cửa chính của tòa TIỀN TẾ được chạm hình tứ linh, tứ quý. Các cột đều có khắc câu đối. Hai cột ngoài có hai hàng chữ Hán:
Long hổ phùng nghênh, tứ diện hoa hoàn thủy nhiễu
Quy xà hình thế, ức niên nhân kiệt địa linh
Dịch:
Chào đón long hổ, bốn bề hoa tươi nước biếc
Hình thế quy xà, nghìn năm nhân kiệt địa linh.
Hai cột trong cũng có câu đối Nôm:
Thi họa Tây Hồ, Thần nữ vang lừng ba bể cõi
Danh truyền Nam sử, dấu tiên rực rỡ một nghìn thu.
TÒA TIỀN TẾ nửa ngoài làm trần lửng, nửa trong dùng hệ thống cột, xà kiểu nhà chồng diêm, đẩy không gian nội thất vươn lên. CUNG ĐÔNG ở đây thờ Tam Phủ Công đồng, Tứ phủ vạn linh, Hội đồng các quan. Tượng quan Hoàng Bảy áo xanh và quan Hoàng Mười áo vàng đặt ở hai bên. Trên bốn cột của ban Công đồng cũng có câu đối. Hai cột ngoài:
Linh nhất thần linh, Thiên Bản bội hoàn, chân cảnh tịnh
Chúa mẫu chi mẫu, Tây Hồ hương hỏa, biệt tự tôn.
Dịch:
Thiêng nhất thần thiêng, Thiên Bản trở về, cảnh chân tịnh
Chúa của các chúa, hương hỏa Tây Hồ, biệt thờ tôn.
Hai cột trong:
Xuyên dục hà trung, chính trực thông minh, nhi nhốt
Ngư tràm nhan lạc, yêu kiều uyển diễm, vô song.
Dịch:
Suối trong lòng sông, chính trực thông minh, bậc nhất
Chim sa cá lặn, yêu kiều tươi đẹp, vô song.
TÒA TRUNG TẾ liền không gian với tòa TIỀN TẾ, kết cấu theo kiểu vì chồng rường con nhị, cột gạch giả gỗ. Chính giữa gian, kế cận CUNG ĐÔNG là án thờ VUA CHA NGỌC HOÀNG. Tượng vua cha đặt giữa, tượng Nam Tào, Bắc Đẩu ở hai bên. Trong cung Vua Cha có một bức chạm 4 câu thơ chữ triện quen thuộc mà truyền thuyết đã nhắc tới: Vân tác y thường, phong tác xa
Triêu du Đâu Suất, mộ yên hà
Thế nhân dục đắc ngô danh tính
Nhất đại sơn nam, Ngọc Quỳnh Hoa.
Hai bên cung còn có đôi câu đối:
Vân sơn đô thị lộc, phương danh thánh tích, bắc nam thiên
Long hổ tối kỳ quan, thắng cảnh tiên tung, sùng cát địa.
Dịch:
Mây núi nơi đô thị, tiếng thơm tích thánh, bắc nam trôi
Rồng hổ cảnh kỳ quan, thắng cảnh thần tiên, thế đất hẹp.
CUNG TAM TÒA THÁNH MẪU đặt sau, nhưng chỉ có ngai chứ không có tượng. Trước cung có bức hoành phi với dòng chữ “TÂY HỒ PHONG NGUYỆT” (Trăng gió Tây Hồ). Hai bên điếm thêm hai câu đối ca ngợi vị nữ thần bất tử Liễu Hạnh:
Thượng giới thần nữ tiên, linh khí địa liên, sùng cát ngoạn
Đại danh sinh bất tử, không do sử tại, triệu vi gian.
Dịch:
Trên Trời là chúa Tiên, linh khí khắp nơi, chơi cũng thỏa
Đại danh mãi bất tử, không do sử chép, nổi giữa đời.
Vị trí cao nhất giữa trong tòa HẬU CUNG là tượng Mẫu Liễu Hạnh mặc áo đỏ. Hai bên, thấp hơn là tượng Chầu Quỳnh mặc áo xanh bên phải, Chầu Quế mặc áo trắng bên trái.
Ở CUNG MẪU có bức đại tự đề “Thiên Tiên Trắc Giáng” và một bức hoành phi: “Mẫu nghi thiên hạ.” Hai bên HẬU CUNG có đôi câu đối:
Hiện thế thần tiên, Đông thổ thỏa hoa, giai xích tử
Vị gia Thánh Mẫu, nam châm hương tỏa, thị hiền tôn.
Dịch:
Hiện thế thần tiên, dắt đông hoa cỏ, đều con đỏ
Là nhà Thánh Mẫu, nam châm hương tỏa, ấy cháu hiền.
TÒA HẬU CUNG có cấu trúc kiểu giá chiêng đơn giản. Do thiếu ánh sáng và bị khép kín bởi các cửa ngăn đã tạo nên không gian “thánh địa linh thiêng” để thu hút mọi người hành hương đến phụng thờ, cầu mong Mẫu Liễu ban phúc che chở.
Ở đây còn có một vài hiện vật đáng chú ý: hương án cổ (dự đoán có từ đời Lê) với họa tiết hoa văn “những con dơi tụ lại” và cảnh “ngũ phúc hàm tiền”, một quả chuông thời Cảnh Tây Sơn, vài tấm bia ghi lại hương ước làng Tây Hồ và công đức của những người đóng góp tôn tạo.
ĐỘNG SƠN TRANG: vừa được xây dựng mới bằng bê tông giả gỗ kiểu nhà chồng diêm hai tầng mái, trông bề thế và duyên dáng. Nội thất động chia làm hai tầng; tầng dưới thờ Mẫu Đệ Nhị và 24 cô Sơn Trang (12 cô bên trái, 12 cô bên phải), hai bên có Nhị vị Vương Bà. Tầng trên thờ chính pháp minh vương Quan Thế Âm Bồ Tát, thấp hơn phía dưới thờ Mẫu Sòng, hai bên tả hữu thờ Mẫu Phủ Chầu Bà.
Hai trục chính giữa hai tầng của ĐỘNG SƠN TRANG khắc đôi câu đối:
Bạch bào quang trung quan tự tại
Thiên hoa Đài thượng thiện Như Lai
Dịch:
Trong ánh sáng bạch bào tọa thấy mình tự tại
Trên bệ ngàn hoa bỗng hiện Như Lai
Bên trên cung giữa tầng hai là bức hoành phi có khắc:
Trí tuệ hoằng thâm tại biến tài
Đoan ba thượng tuyệt trần ai
Tương quang thủy phá thiên sinh
Cam lệ năng khuynh vạn kiếp lại
Thúy liễu phất khai kim thế giới
Hồng liên dung xuất Ngọc lại dài
Ngã kim thế thú phán hương tán
Nguyệt hướng nhân gian ứng hiển lại
Hai bên tường trong động có thêm câu đối nữa:
Phong đợi bách niên lưu nữ sử
Anh linh thiên cổ nhận thần hưu
Dịch:
Phận lớn trăm năm ghi nữ sử
Anh linh ngàn đời rước thần lành
Nhìn chung, di tích Phủ Tây Hồ được đặt trong không gian đẹp và linh thiêng, là một bộ phận của cảnh quan văn hóa vùng Tây Hồ. Giá như ở đây có thêm nhà tưởng niệm danh sĩ Phùng Khắc Khoan thì ấn tượng của khách hành hương về kỷ niệm đẹp giữa ông và Mẫu Liễu Hạnh sẽ sâu sắc hơn.