Lễ hội đu Mường Vôi (Hòa Bình)

Cứ hai năm một lần, vào dịp Lễ khai hạ mùng 7 tháng Giêng âm lịch (tính theo lịch Mường là mùng 8 tháng Giêng âm lịch), Lễ hội đu Mường Vôi lại được tổ chức tại xã Liên Vũ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Lễ hội gồm hai phần: Lễ và Hội. Phần Lễ là dâng hương Thành Hoàng, nhằm tạ ơn người đã có công khai khẩn đất hoang, lập nên Mường, nên xóm, và cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng sinh sôi, làm ăn phát đạt, nhà nhà yên vui, bản Mường no ấm. Ngay từ sáng sớm, các vị chức sắc và già làng đã sắm ba mâm cỗ để chuẩn bị cho lễ dâng hương. Đoàn sắc bùa do chị em phụ nữ mặc áo dài thụng đi trước, vừa đi vừa đánh chiêng. Theo sau là ba cô gái bưng lễ vật dâng cúng, gồm: xôi, gà, vàng hương, cùng những người cao tuổi tiến lễ lên Thành Hoàng làng. Thay mặt cho dân làng, ông mo mặc áo thụng, đầu đội mũ tai én, dâng hương trước. Ông Trưởng làng phụ lễ công, và hai cụ ông, cụ bà được cử đại diện dân làng Vôi cùng kính cẩn dâng rượu lên Thành Hoàng.

Xuất phát từ quan điểm mong cầu sức khỏe, cần cù, chịu khó để cây lúa thêm bông, hoa kết trái, bản Mường ấm no hạnh phúc, phần Hội của Lễ hội đu Mường Vôi bắt đầu bằng màn đu chung của cặp đôi trai tài, gái sắc đã được dân bản lựa chọn trước ngày hội.

Sau khi cột đu được dựng lên, từng cặp trai gái bước vào cuộc chơi. Khởi đầu, phải có người kéo chiếc đu để lấy đà, sau đó người chơi tự nhún theo nhịp để đẩy chiếc đu lên cao dần. Đôi thắng cuộc thường là các cặp đôi tâm đầu ý hợp, có sức mạnh, bản lĩnh, lòng tự tin và dũng cảm.

Ngoài trò chơi đu, trong phần Hội còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian độc đáo của người Mường như: thi đánh mảng, thi kéo co, ném còn,… Đặc biệt, trong Lễ hội đu Mường Vôi còn có màn hát đúm của các nghệ nhân cao niên.

Lễ hội đu Mường Vôi mang đậm bản sắc văn hóa của người Mường Vôi nói riêng và bà con dân tộc Mường ở huyện Lạc Sơn nói chung. Lễ hội không chỉ có ý nghĩa to lớn về giá trị văn hóa mà còn là dịp để bà con dân bản tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, những người đã có công khai dân, mở đất.