Đồ Thờ Trong Kiến Trúc Tín Ngưỡng Của Người Việt: Lịch Sử và Ý Nghĩa

ĐỒ THỜ TRONG KIẾN TRÚC TÔN GIÁO TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI VIỆT

Từ rất sớm, ngay khi thoát khỏi thời mông muội chuyển sang giai đoạn văn minh, loài người đã cảm nhận một thế lực vô hình nào đó chi phối đến cuộc sống của mình. Bằng vào nghiệm chứng, người ta không tìm được thế lực đó ở trên trời và dưới mặt đất, và tất nhiên xu hướng đẩy lên tầng trên là nét chung của mọi tộc người. Thế lực mà chúng ta đang bàn tới là thần linh. Cũng đương nhiên, mỗi tộc người qua cách ứng xử với tự nhiên và xã hội mà nảy sinh một hoặc nhiều thần linh riêng biệt. Song, xu hướng muốn tiếp cận với thần linh để cầu viện những siêu lực vũ trụ cho cuộc sống trần gian là đặc điểm chung của mọi dân tộc. Từ khi con người phát hiện ra lửa, ước vọng thông linh mới phần nào được giải quyết. Người đương thời nhận thấy cứ có lửa là có khói, mà khói thì bay lên cao, điều đó khiến con người dần dần muốn thông qua khói để gửi những lời cầu nguyện và những hình tượng gợi ý tới các vị thần cao cả. Con người cũng sớm nhận biết được về ngày và đêm, ban ngày ánh sáng tràn đầy, thần linh lại như vắng mặt, còn ban đêm thì các vị lại hội tụ. Thực ra, ban ngày con người còn lo hái lượm hoặc sản xuất, chỉ đến khi trời tối tâm tư họ mới có thời gian để gửi vào cõi vô cùng vô tận. Các nhà dân tộc học cho chúng ta biết rằng chính những biểu hiện lễ hội của cộng đồng nguyên thủy là một trong những hình thức tiếp cận sớm nhất với thần linh của loài người. Khởi thủy, đây là một sinh hoạt có lẽ không theo định kỳ, chỉ khi xã hội có tổ chức với sản xuất phát triển tới một mức độ nhất định nào đó, với vòng quay thời gian theo chu trình khép kín, thì dần lễ hội cũng được đưa vào quy củ. Bóng dáng của thời kỳ xa xưa ấy hiện nay phần nào còn gặp được ở một số sinh hoạt văn hóa của nhiều cộng đồng tộc người tại châu Phi, đôi khi cũng còn thấy ở đôi nét thuộc tộc người thiểu số trên đất Việt. Trong hình thức sinh hoạt có tính chất nguyên thủy này, người ta thường đốt một đống lửa lớn bằng củi rừng, rồi hội nhau nhảy múa xung quanh. Đặc điểm của sinh hoạt này thường cho thấy yếu tố thờ mặt trời rất rõ nét với chiều di chuyển ngược kim đồng hồ, đồng thời động tác múa rất mạnh theo những nhịp ngắt rõ rệt (nhất là của người châu Phi trước đây). Người ta cố tình phơi bày động tác lắc mông, lắc bụng và ngực… Tất cả những hình thức đó được giải thích không phải do hình thành từ sự vất vả cực nhọc trong lao động, mà bản chất của nó nảy sinh từ tư duy dân gian mênh mông ngang tầm trời đất. Người đương thời, đặc biệt là phụ nữ, muốn thông qua chính những động tác gắn với cơ thể của mình để “nhờ” lửa khói chuyển tải lên thần linh. Hành động này như một gợi ý: hỡi các thần linh cao viễn, hãy theo cách của chúng tôi mà dùng pháp lực vô biên cho muôn loài phát sinh phát triển, cho mùa màng tốt tươi (theo cô GS. Từ Chi). Từ cách sử dụng lửa làm trung gian để tiếp cận với lực lượng siêu hình, dần dần con người hội tụ vào nến và hương (chủ yếu là người phương Đông, chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa).

Tôn giáo tín ngưỡng hình thành dần, nối tiếp truyền thống từ nguyên thủy mà bàn thờ rồi đồ thờ ngày càng phát triển. Bàn thờ dần dần được đồng nhất với thế giới bên trên, bầu trời. Trong đó, hai cây nến tượng trưng cho đôi vầng nhật nguyệt, các nén hương tượng trưng cho tinh tú. Sau này, mối giao lưu giữa tầng trên và tầng dưới còn được bổ sung bằng nhiều đồ thờ khác để mang tư cách như những trục “vũ trụ” hay những ý nghĩa nào đó thuộc về lẽ đạo.

Đồ thờ của người Việt mỗi thời một khác nhau, song một trọng tâm cơ bản được đặt vào đồ thờ của người Kinh. Đáng tiếc là càng xa về trước, số lượng và loại hình của chúng thường bị mất mát. Vì thế, khó có thể thông qua đồ thờ mà nhìn nhận về bản chất tín ngưỡng của mỗi thời. Tuy nhiên, bằng vào những cuộc điền dã và kết quả sưu tầm của nhiều người, chúng ta tạm phân loại đồ thờ theo mấy cách thức theo chiều dọc và chiều ngang của lịch sử, có nghĩa là vừa theo loại hình và vừa theo diễn trình tồn tại của chúng cùng những mối liên quan khác. Tạm có thể coi đồ thờ là những vật được gán cho một sức linh nhất định, thông qua chúng con người biểu hiện lòng thành kính và ước mong của mình đến các đấng thiêng liêng. Như vậy, đây là một phạm trù rất rộng, bao gồm cả đồ thờ nhân cách, bàn thờ và những hiện vật liên quan, rồi những linh thú và cả những đồ bát bửu, lỗ bộ, chấp kích v.v… Để tiện cho việc theo dõi, chúng tôi lướt qua đồ thờ nhân cách để phân loại về các di tích khác nhau và làm nền cho những đồ thờ phi nhân cách.