Cội nguồn tín ngưỡng dân gian người Việt

TÍN NGƯỠNG DÂN DÃ CƠ BẢN CỦA NGƯỜI VIỆT

Người Pháp (L. Cadière) khi nghiên cứu về tín ngưỡng của người Việt đã cảm thấy bất lực trước hiện tượng đa chiều của tư tưởng dân dã, họ cảm giác như bị rơi vào một “rừng rậm nhiệt đới” không có lối ra, cũng như không có nút khởi đầu. Trong hệ thống vạn thần ấy, họ như đành bất lực. Song, từ mấy chục năm trở lại đây, hệ thống nghiên cứu của chúng ta được phát triển, nhiều người đã đi đến tận cội nguồn và phần nào phân định được những dòng chính phụ của tư duy dân dã. Một ý kiến tạm có thể coi là thích hợp với thực tế lịch sử là: ngay từ thời tiền sử, người Lạc Việt (gốc Môn-Khmer) còn sống ở miền rừng núi, mà một bộ phận chính quần cư ở thượng nguồn sông Hồng. Đương thời, nền kinh tế của họ dựa vào hái lượm và săn bắt. Trong đó, phân chia lao động nổi bật là giữa nam và nữ: hái lượm thuộc về người mẹ – bà giữ vai trò quan trọng nhất trong gia đình – còn việc săn bắt của người đàn ông không phải là chính yếu. Từ đó, nảy sinh ý thức cầu mong của cải dồi dào từ rừng trong quyền năng của bà mẹ “vũ trụ”, mà lúc đó người ta hội tụ vào hình tượng bà mẹ rừng tối thượng.

Sự phát triển tất yếu đã đẩy bà lên tư cách một bà mẹ thiêng liêng (quyền năng vô bờ bến), rồi bà mẹ thế gian (sinh ra muôn loài muôn vật), và nhiều khi mang tư cách của một “đấng vô cùng” (tối thượng thần đứng đầu tất cả các thần). Không biết từ bao giờ, bà được hội thành Mẫu Đông Cuông (gần Trái Hút, giữa Lào Cai và Yên Bái). Nơi thờ Bà nằm sát bờ sông Hồng – trên mặt đất ấy có đầy hiện vật của văn hóa Sơn Vi (niên đại khoảng một vạn năm trước). Có lẽ, tục thờ Mẫu đã bắt nguồn từ thời nguyên thủy ấy để đi cùng tâm hồn người Việt trên dòng trôi chảy của lịch sử đến tận ngày nay.

Theo dòng sông Hồng, người Việt tiến dần xuống địa đầu Phú Thọ ngày nay. Họ tiếp cận những thửa đất bằng phẳng, rộng rãi hơn; nền kinh tế nông nghiệp lúa nước tương ứng với thời đại đồ đá mới được hình thành dần. Đồng thời, ý thức về địa vực đất đai nảy sinh. Cùng với sự phát triển của nông nghiệp, người Việt cũng sớm nhận thức rõ rệt hơn về các cặp phạm trù trong tư cách đôi đãi – những biến thể của âm dương. Nổi bật là Trời Cha và Đất Mẹ. Người Việt cũng sớm nghĩ Trời Cha đồng nhất với khối sinh lực vô biên và chỉ khi dòng sinh lực ấy chảy vào lòng Đất Mẹ thì muôn loài mới sinh sôi. Có lẽ, người xưa đã sớm hiểu những giọt mưa là tinh dịch của Trời Cha chuyển vào lòng Mẹ Đất. Nhưng quan trọng hơn, do sự phát triển của tư duy tín ngưỡng, như một lẽ chung của nhân loại, người đương thời đã nhận thấy núi cao có đỉnh được mây phủ (ở trên trời) và chân ở dưới mặt đất. Vô hình chung, nó được coi là cái gạch nối hay con đường chuyển sinh lực của trời xuống cho đất.

Càng tiến xuống phía dưới, những ngọn núi độc lập hiện lên ở chân trời càng được quan tâm. Đối với người Việt, ý thức của họ hội tụ vào núi Tản Viên, và họ coi núi này như khởi nguồn của mọi hạnh phúc nông nghiệp. Vì thế, tư duy Việt đặt thần núi Tản Viên trở thành Đức Thánh Cả. Dần dần, nhận thức mỗi ngày một cao hơn, đặc biệt là về ý nghĩa con số, trong hoàn cảnh này thì số 3 được quan tâm nhiều hơn cả. Chưa kể đến ý nghĩa gắn với Dịch học, mà chỉ dựa vào kết quả điền dã của nhiều nơi, chúng ta có thể tạm rút ra: số 3 là số lẻ, lẻ thì động, động thì chuyển, chuyển thì biến đổi, biến đổi thì phát triển… Với nhận thức ấy và hình thức núi Tản Viên có ba ngọn lớn, nên nó mang tính chất “Tam Sơn” (núi thiêng – nơi của các thần – gắn với mọi điều tốt lành, luôn xuất hiện trong tín ngưỡng và thể hiện ở nhiều di tích các thời sau). Từ đây, ngọn núi Tản Viên (Ba Vì) được phân thân để ba thần cai quản, ngự trị. Về sau, các thần được lịch sử và nhân cách hóa để có kiếp sống nhân thế, mà thành Tản Viên, Cao Sơn và Quý Minh – những vị tướng thời Hùng Vương được thần hóa dưới dạng “sinh vi tướng, tử vi thần”.

Kinh tế nông nghiệp lúa nước phát triển đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn ý thức tiến xuống miền xuôi của người Việt, với sự tuần du liên tục của các vua Hùng. Người Việt theo triền sông vượt qua ngã ba Hạc thì như đối mặt với hai vấn đề lớn cả về tư tưởng lẫn kinh tế sản xuất:

  • Ở lĩnh vực tư tưởng, người Việt đã tiếp cận mạnh mẽ hơn với văn hóa biển, rồi văn hóa Ấn Độ – nổi bật là đạo Bà-la-môn và đạo Phật. Cũng dịp này, họ tiếp cận với văn hóa phương Bắc, trong đó có cả Đạo giáo, Nho giáo… Sự hội nhập này góp phần giúp cho tín ngưỡng của người Việt có định hướng, giảm nhẹ tính tản mạn, tự phát. Có thể nghĩ từ đây, một bà mẹ đất và nước dần hình thành cùng với sự phát triển nông nghiệp. Và người ta ngờ rằng, hậu thân của các bà được tích tụ thành Man Nương. Nhiều chứng cứ đã xác nhận sự dung hội của các dòng chảy văn hóa tứ phương về địa bàn này, như: thành cổ Loa có nhiều nét văn hóa Tày – Thái; rùa thần thoáng mang dáng dấp của tối thượng thần Visnu trong đạo Bà-la-môn; con gà trống gắn với mặt trời – biểu tượng của cư dân Nam Á hải đảo; các tiên nữ phảng phất tích truyện Trung Hoa; thêm vào đó là nhiều yếu tố của Đạo giáo dân dã…

Xu hướng này ngày một phát triển mạnh, để dần dần đạo thờ Tứ Pháp ra đời. Trước hết, đây là các thần linh gắn với mưa – tức nguồn nước nông nghiệp, đảm bảo cho những vụ mùa bội thu. Với các thần linh này, yếu tố bản địa được khẳng định, đồng thời cũng mở đầu cho một truyền thống khẳng định nông nghiệp Việt là sử dụng nước tại chỗ.

Trở lại với tục thờ Mẹ, hiện tượng từ một mà hóa thân thành nhiều khiến ta dễ liên tưởng đến ảnh hưởng của tư duy phân tích và tổng hợp từ phương Bắc. Mặt khác, có lẽ đạo Phật đã ăn sâu vào tín ngưỡng của người dân, nên các bà đều được Phật hóa. Tuy nhiên, theo truyền thuyết và khảo sát điền dã, thì xưa nay tượng các bà đều cởi trần và được tô toàn bộ bằng màu mận chín. Hình thức ấy được nhiều nhà nghiên cứu ngờ rằng thể hiện sự tự nhiên như trời đất, và màu gụ thẫm này tương đồng với màu nước chứa sinh lực – đó là màu của tối thượng thần Shiva. Màu này cũng đồng nhất với ước vọng hạnh phúc, được mùa.

  • Đối mặt thứ hai là phải khai phá châu thổ Bắc Bộ. Ở thời kỳ đồ đá mới và đồ đồng, người Việt đã men theo các sườn núi và miền đất cao để về tới Hà Tây ngày nay, đi theo dãy Kiện Khê, dãy núi Đông Triều và để lại nhiều di chỉ đồ đá, đồ đồng. Trước mặt họ là vùng đất mênh mông, nhưng rậm rạp và đầy đe dọa bởi thú dữ. Những công cụ đá và đồng không đủ sức phát triển mạnh mẽ. Phải đến khi có đồ sắt – một đảm bảo cho sự thành công tiến xuống vùng đất bằng, tới tận ven biển – sức mạnh này mới hằn sâu vào tư tưởng của người Việt như một quyền năng thần thánh. Sự quy tụ của sức mạnh ấy khi được nhân cách hóa, linh thiêng hóa đã làm nảy nở hình tượng Phù Đổng Thiên Vương.

Truyền thuyết về người anh hùng văn hóa này có mấy chi tiết đáng quan tâm: mẹ ông là một cô gái đồng trinh, do dẫm vào vết chân người khổng lồ mà có thai. Có lẽ, đương thời và cả về sau, người Việt nhận thức về người khổng lồ ít nhất với hai xuất xứ. Một là theo quan niệm chia thế giới thành ba tầng – người khổng lồ là bóng dáng thần linh ở tầng trên. Hai là trong huyền thoại chung của nhân loại – loài người từng tồn tại với hai thế hệ lớn: thế hệ đầu là những người khổng lồ, to xác nhưng ngờ nghệch – bị trời tiêu diệt bằng trận đại hồng thủy; sau đó mới có thế hệ người bình thường như ngày nay, có trí thông minh và tồn tại được.

Người của thế hệ đầu hay để lại những vết chân trên đá, thành ao, chuôm ở cánh đồng (thực chất là hố nước chống hạn của người xưa). Hiện tượng dẫm vào vết chân người khổng lồ của mẹ Thánh Gióng như biểu hiện ý thức người Việt muốn dựng dậy cả kinh nghiệm quá khứ để xây dựng tương lai. Chi tiết thứ hai: bản thân Thánh Gióng là bạn thân với người khổng lồ Lý Ông Trọng (đền Chèm), nhiều chi tiết cho thấy ông còn là một hóa thân của thần núi. Chi tiết thứ ba: ông sử dụng gậy sắt để đánh giặc, nhưng gậy cũng bị gãy – cho thấy nghề rèn sắt khi ấy mới hình thành, với kỹ thuật “thổi sống”, sắt còn tạp chất, chưa đủ nhiệt độ để tinh luyện.

Một chi tiết khác: có nhà nghiên cứu ngờ rằng chữ “Dóng” gắn với chữ “dông” – để chỉ sự cầu mưa của người xưa (GS Trần Quốc Vượng). Như vậy, tên gọi của vị thần có thể được định hình muộn hơn thời kỳ nảy sinh hình tượng anh hùng văn hóa này.

Suy cho cùng, hội tụ quanh Phù Đổng Thiên Vương là một bước phát triển mang tính bản lề, to lớn và tất yếu của tộc người Việt. Thánh Gióng là sự hội thân của thần núi, thần nông nghiệp, thần lò rèn… để trở thành một vị thần tối thượng, tối linh nằm trong hệ Tứ Bất Tử.

Hệ Tứ phủ Thánh Cô Thánh Cậu: Đây là hệ thống tạm coi là thần linh cấp thấp, nảy sinh từ cuộc đời bình thường. Người Việt quan niệm rằng: Cô, Cậu vốn là những người đã từng tồn tại trong thế gian, nhưng sinh thời chăm làm việc thiện nên khi khuất núi được hóa kiếp vào chốn bồng lai dưới sự nâng đỡ của Mẫu, đặc biệt là Mẫu Thượng Ngàn. Nhưng theo tư duy dân dã thì khi chuyển kiếp, như lẽ thường, đều phải qua thân phận trẻ con, vì thế mà thành Cô và Cậu. Như vậy, dưới con mắt bình dân của tín đồ đạo Mẫu thì Cô và Cậu là những người đã có đạo và đức, làm gương cho người đời noi theo. Đạo Mẫu kiểu Việt không phổ biến ở mọi cư dân trên thế giới, nhưng thờ Cô và Cậu là một vấn đề tín ngưỡng chung của nhân loại.

Như trên đã nói, đạo Mẫu cũng chịu sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử. Buổi đầu, chịu ảnh hưởng của tư duy nông nghiệp, nên tuy có Tứ phủ nhưng chỉ có Tam tòa. Trong hệ thống này được phân định rõ hai mối liên quan là sông và chết. Hệ thống sông gắn với nông nghiệp, đồng nhất với sự cầu được mùa, nên thờ trời, nước và đất. Vì thế, các Thánh Mẫu liên quan trở thành hệ Tam tòa, còn hệ Thượng Ngàn – rừng núi, nơi chôn người chết – nên bao giờ cũng thờ riêng.

Khi kinh tế thương mại phát triển tới một mức độ nhất định và thành thị xuất hiện, tục thờ Mẫu cũng theo những người dân phi nông nghiệp mà tồn tại. Song, Bà Mẫu Địa trong hệ Tam tòa được thay bằng Bà Thượng Ngàn với tư cách một thần linh hiện thân của sự giàu có, mặc dù nhiều khi ở đền thờ Mẫu vẫn có một bàn thờ Chúa Sơn Trang riêng. Đồng thời, Bà Mẫu Địa trở nên mờ nhạt hoặc chỉ được thờ ở những di tích cụ thể.

Mặt khác, do chịu ảnh hưởng của văn hóa tín ngưỡng Trung Hoa nên vị Ngọc Hoàng được cấy dần vào thần điện Mẫu để hiện thân dưới hai dạng. Một là, người ta lập ban thờ của Ngọc Hoàng tại chính điện, phía dưới hệ thống Thánh Mẫu, nhiều khi kèm theo cả Nam Tào và Bắc Đẩu (hệ thống này nằm ngoài cung cấm). Khi đấng Hoàng quân giáo chủ đủ sức ăn sâu vào tâm khảm người nông dân Việt thì thường hóa thân thành “Tam vị Đức Vua Cha”: Vua Cha Ngọc Hoàng (trời), Vua Cha Bát Hải (nước), Vua Cha Diêm Vương (đất). Hệ thống này đôi khi được thờ riêng để trở thành đạo Tam Phủ (điển hình như đền Tam Phủ ở hòn đảo nhỏ trên hồ chùa Thầy – Sài Sơn – Quốc Oai – Hà Tây).

Trong quá trình phát triển của điện thần đạo Mẫu, do mang tính chất hội tụ, mà hệ thống này thường quy nạp các thần linh dân dã nổi tiếng được nhân dân sùng kính. Vì thế, nhiều khi chúng ta thấy cả Bà Trưng, Bà Triệu là những nhân thần, rồi cả Bà Chúa rừng Rú hoặc những Bà Chúa của địa phương được ngồi ở vị trí thủ điện. Nhiều khi cũng có cả tượng của Trần Hưng Đạo cùng Yết Kiêu, Dã Tượng nằm bên trái tòa tiền bái hoặc có gian thờ riêng trong cùng khuôn viên. Nhưng thông thường, chúng ta hay gặp tượng Thánh Trần có người hầu cận là Cô Quỳnh Hoa và Quế Hoa. Hai Cô được tín đồ đạo Mẫu coi là con của Đức Thánh.

Có thể còn kể ra khá nhiều thần linh liên quan khác nữa. Song chỉ như thế cũng đủ để cho chúng ta thấy trong dân gian nơi đây là một thần điện mở, có sức dung nạp rất lớn và đủ độ dẻo để thích ứng với muôn vàn trường hợp của xã hội, nên nó tồn tại một cách mạnh mẽ trong tâm thức dân tộc. Tới khoảng thế kỷ XV và nhất là từ thế kỷ XVI, xã hội Việt có sự biến động khá lớn – một sự “chuyển lề” của lịch sử – trong đó có sự phát triển của thương mại. Nếu trong đạo Phật Việt, Bồ Tát Quan Âm Nam Hải dần dần chiếm thế “thượng phong”, thì ở đạo Mẫu vai trò của Thánh Mẫu Liễu Hạnh cũng nổi lên mạnh mẽ, như một sự hội tụ của các Thánh Mẫu khởi nguyên. Rõ ràng, Mẫu Liễu là một nhu cầu của thực tế lịch sử, phản ánh một khía cạnh về bước đi của tín ngưỡng dân tộc. Theo Bà mà một dòng văn hóa Việt tràn ra khắp miền có tộc người chủ thể.

Cũng thời này, có thể nghĩ việc thờ Chử Đồng Tử được phát triển mạnh hơn ở ven sông Hồng. Câu chuyện về Chử Đạo Tổ gần như được xác nhận từ khá sớm, gắn với Đạo giáo và Phật giáo Việt bằng những sự tích đầy huyền thoại. Nhưng tới nay, các di tích của thời Lý và Trần còn thấy rất hiếm ở ven sông Hồng, khiến chúng ta nghĩ rằng vào khoảng cuối thế kỷ XV và nhất là từ thế kỷ XVI (thời Mạc), do sự phát triển của các thương thuyền mà Chử Đạo Tổ hóa thân từ một thần linh mang bóng dáng cổ đại, gắn với nghề cá và phần nào có bóng dáng văn hóa biển, chuyển thành một vị thần gắn với thương mại. Để rồi Ngài trở thành một trong Tứ Bất Tử của tín ngưỡng Việt Nam.

Bên cạnh hệ thống Mẫu và Tứ Bất Tử, người Việt còn để tâm hồn tản mạn vào các thần linh địa phương khiến cho “trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ”. Nhưng một trong những thần linh dân dã chung đối ứng với Mẫu Liễu là Đức Vua Cha Trần Hưng Đạo. Thực ra, người Việt còn chịu rất nhiều ảnh hưởng của Shaman giáo cùng những loại tín ngưỡng nguyên thủy. Hội lại, tạm coi đó là một thứ Đạo giáo dân dã, bao gồm cả những yếu tố “phù thủy”. Trên bước đường phát triển của lịch sử, thứ Đạo giáo này dễ chịu sự chi phối, ở những khía cạnh nhất định, của đạo Phật, Nho, Lão… mà tạo thành một thứ Đạo giáo tổng hòa, nhòa trong nhau, khiến nhiều khi được nhận lầm là “Tam giáo đồng tôn” – một nền tảng của phái Nội Đạo.

Khi Đức Thánh Trần được nhân dân đề cao thành vị Thánh tối thượng, vượt qua tư cách của một anh hùng dân tộc để nổi lên trong thế giới siêu linh, thì mặc nhiên Ngài trở thành một vị thần cao cả, chi phối tới tâm thức người bình dân Việt, tạo sự cân bằng trong thế “đối đãi” với Mẫu Liễu, mà dẫn đến “Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ”. Theo lịch sử, Thánh Trần đã mất vào ngày 20 tháng 8 âm lịch. Tâm lý của người Việt trọng ngày giỗ hơn ngày sinh, nên ngày này rất được quan tâm. Nhưng đứng ở mặt nhận thức luận phương Đông thì Đức Thánh là nam giới, mang yếu tố dương, hiển Thánh vào tháng 8 – mang yếu tố âm – như vậy mặc nhiên giữa bản thân của Ngài đã hợp cùng với không gian và thời gian của vũ trụ, tạo nên một thể đối đãi làm nền cho sự thiêng hóa. Cũng như thế, người đời đã để Mẫu Liễu Hạnh từ giã cõi đời vào tháng 3.

Mặt khác, yếu tố tín ngưỡng Trung Hoa và Phật giáo nhiều khi cũng được Việt hóa để thâm nhập vào thần điện Việt, làm nảy sinh Phật Mẫu Dao Trì, rồi Tây Vương Mẫu, Đông Phương Sóc…

Ngoài ra, tùy từng vùng văn hóa mà thần linh có các yếu tố khác nhau như hệ thống thủy thần gắn với biển, hệ thống thủy thần gắn với sông nước, rồi những linh vật đầy biểu tượng được nảy sinh từ tư duy nông nghiệp.