Bài vị
Thông thường bài vị được đặt trên ngai hoặc trong khám. Bố cục của bài vị ở phía trên là một ván gỗ kết hình lá sòi hoặc hình tròn, bổ sung bằng cách viền ngoài mép là những vây răng cưa (kiểu vây rồng). Mặt thân có nhiều lớp trang trí bổ dọc, cân xứng hai bên, ôm lấy một mặt phẳng chính hình chữ nhật dài, ở giữa để ghi chữ như kiểu câu đối.
Chiếc bài vị sớm nhất hiện được biết là của đình Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội), cao hơn 1m, chia làm ba phần. Phần trên cùng là một mảnh ván hình bầu dục đặt chéo ra phía trước, mặt sau sơn đỏ, mặt trước kết hình lá sòi, bao quanh là đường diềm răng cưa lớn. Tiếp tới có một đường chỉ kép nhằm nhấn mạnh dáng lá sòi, rồi cuộn lại thành hai vân xoắn lớn ở bụng lá để đỡ một phần bông cúc mãn khai. Chính tâm của đề tài là một mặt trời dưới dạng bầu dục. Hiện tượng này cũng đã gặp trên nhiều bia của thời Lê sơ và Mạc ở Văn Miếu (Hà Nội). Bao quanh mặt trời là hệ thống vân xoắn tương đối lớn, từ đó bay ra những đao như tiền thân của đao mác (một hình thức trang trí phổ biến của nghệ thuật thế kỷ XVII). Viền theo mép lá là đôi rồng lộn đuôi lên tận đỉnh, đầu chạy xuống, rồi chầu vào giữa. Rồng thoáng nét như rồng đắp trên những cây đèn gốm được xác nhận vào thời Mạc.
Phần thân của ngai với diềm trang trí ngoài cùng là một đường vây, như ở phần trên, bao lấy một diềm trang trí kết hình dạ cá. Trên mặt của dạ cá đó chạm rồng chạy xuống rồi ngóc đầu chạy vào giữa, điểm xuyết phía dưới là những vân xoắn lớn. Kiểu thức vân xoắn lớn chiếm không gian nổi bật như vậy là phong cách phổ biến của thời Mạc. Cũng như nhiều nhang án của các thời sau, phần này thường mở chéo sang hai bên. Tiếp vào trong là một, hai diềm giật cấp nối đến phần chính của bài vị dưới dạng một mặt chữ nhật phẳng. Đỉnh của mặt này cũng chạm rồng dưới dạng hồi long, hai bên đều chạm “đố” rồng chầu mặt trời (hình bầu dục). Đặc điểm của những con rồng này rất dễ nhận ra niên đại bởi những đao mảnh dài bay ra từ mắt, từ khuỷu rồi lượn nhẹ đè lên thân. “Đố” trung tâm là một mặt phẳng sơn đỏ được thiếp vàng một dọc dài ở chính giữa để làm nền cho hàng chữ Hán ghi danh xưng về thần.
Đế của chiếc bài vị này có nhiều lớp, phần nào theo kiểu đế tượng và ngai. Nhìn chung, các bài vị của thời sau cũng có bố cục gần như tương tự, có lúc chuyển hóa thân phía sau tạo nên mặt cong lòng máng với những trang trí đầy đao mác. Song, hầu như phần trên đã chuyển thành hình tròn và ở thế kỷ XVII giữa phần trên và phần dưới có độ thót chưa lớn, vẫn tạo nên một dáng ấm áp. Sau thế kỷ XVII, nhất là vào cuối thời Nguyễn, cổ của bài vị được làm thót nhỏ, tạo nên sự phân cách hai phần trên dưới rõ rệt, đồng thời diềm ngoài của bài vị với những vây có tỷ lệ lớn hơn khiến ít nhiều dáng của bài vị như có nét gai góc.
Trên bàn thờ, nhiều khi tùy theo công trạng và uy đức của vị thần, hay từ nhận thức có vẻ như ngẫu nhiên, mà đã có những đồ thờ riêng. Như ở chùa Quảng Bá (Hà Nội), bày một lọ hoa gỗ với hoa lá sen nhằm nói lên ý nghĩa của Phật đạo. Ở đây, hoa và lọ cùng một thân gỗ. Mở đầu từ trên miệng lọ là một, hai chiếc lá sen được biểu hiện rõ những đường gân mà theo nhà chùa là tượng cho tám vạn tư pháp môn chảy về dòng chính pháp. Ở giữa là một cụm cuống hoa và cuống lá, được nhà chùa giải thích là những gạch nối của thế giới thanh tịnh xuống kiếp đời ô trọc. Nó còn mang ý nghĩa chuyển tải dòng nước cam lồ vào cõi nhân gian, nhằm diệt trừ phiền não. Phần trên có bông sen nở tượng trưng cho nhân quả, cho vẻ đẹp thánh thiện của nhà Phật, điểm xuyết bằng những nụ và lá nhỏ cũng đầy ý nghĩa về đạo pháp.
Tại những ngôi chùa ở phía Nam, nơi bàn thờ các vị tổ chùa còn gắn hai bên góc phía trước của nhang án hai mái chèo lớn, có trang trí chút ít để chuyển hóa sang thành hiện vật mang tính nghệ thuật. Các nhà sư cho biết rằng tăng là những ông thầy (nên mới gọi là sư), có trách nhiệm giáo hóa chúng sinh bằng Phật pháp như một người chở đò đưa chúng sinh vượt qua bến đời, bến mê về miền bỉ ngạn (miền giác ngộ).