Bát hương
Những đồ thờ từ thế kỷ XV trở về trước hiện nay hầu như rất ít gặp. Tại bảo tàng Hải Phòng đã tìm được một đài sen bằng đất nung có niên đại thế kỷ X và XI, trong lòng được khoét lõm sâu có thể để cho người ta nghĩ đó là một bát hương (điều này chưa khẳng định). Tình trạng này cũng đã gặp ở thời Trần và Lê sơ. Tới cuối thế kỷ XVI mới có thể thấy được một đôi bát hương cụ thể. Một bát hương với dáng dạng tròn được tạo hình đài sen mà mỗi cánh nhô hẳn ra theo phong cách phổ biến của thời Mạc hiện ở chùa Hòe Nhai (Hà Nội). Đây là bát hương có độ cao vừa phải, tròn có đường kính trên dưới 30cm, có thể coi là một bát hương mang tính điển hình về nghệ thuật. Tại chùa La Khê (Hà Tây) một bát hương có kích thước tương tự dưới một bộ cục khác, thành bát hương dựng đứng với các chân cao, đắp hình Con Quỳ (mặt hình hổ phù chỉ có một chân quỳ, biểu tượng của quý nhân xuất hiện).
Tới khoảng giữa thế kỷ XVII thì bát hương được thể hiện dưới nhiều dạng và được sản xuất ở nhiều nơi. Có nhiều bát hương của lò Bát Tràng rất đẹp, dáng gần như một bàn thờ với bốn chân quỳ, hay dáng của chiếc đỉnh, hoặc hình tròn với ba chân quỳ, bụng nhỏ, miệng loe tạo khối rất cân đối. Qua kỹ thuật trang trí đã biểu hiện tính chất sản xuất hàng loạt: bằng cách tạo xương gốm theo khuôn, vẽ hình trang trí chủ yếu bằng màu chàm trên nền men trắng, đồng thời phối hợp với những đề tài trang trí khác bằng cách làm theo khuôn sẵn rồi dán vào… sản phẩm, khá cầu kỳ, tỉ mỉ và đạt chuẩn nghệ thuật, vì chúng như hàm chứa cả giá trị điêu khắc. Người ta có thể nhận biết niên đại của các hiện vật này một cách khá dễ dàng thông qua các hình trang trí, chúng như sự thu nhỏ lại một cách tinh tế những hình tượng chạm khắc trên gỗ.
Cùng giai đoạn này, ở Thổ Hà (Việt Yên – Bắc Giang, ven sông Cầu) đã khá nổi tiếng về nghề gốm dân gian, nhưng về bát hương của thế kỷ XVII thì hầu như tới nay ít gặp. Bát hương Thổ Hà thường làm thượng thách hạ thu. Miệng bát hương được kết cấu bởi vài đường cong cân xứng, mũi vươn nhọn ở trước và sau, hai bên có tai theo kiểu rồng cuốn, đôi khi chỉ là vân xoắn gắn vào, đáy của bát hương kết bởi một sống diềm tròn nổi, thân bát hương thường mang hình rồng, phượng, lân chầu mặt trời hoặc chầu chữ thọ. Gốm Thổ Hà thường làm bằng đất phù sa đỏ và phần nhiều được phủ men da lươn bóng. Ngày nay bát hương Thổ Hà vẫn tồn tại và có trong nhiều di tích cũng như trong nhiều bàn thờ tổ tiên của các gia đình.
Cùng thời này đã xuất hiện nhiều bát hương đá dưới dạng như chiếc đỉnh có quai khá cao, đồng thời ở những bàn thờ thuộc mộ táng quận công cũng có bát hương đá tròn hoặc vuông không có quai. Những bát hương này thường ít trang trí.
Khoảng cuối thế kỷ XVIII, việc thu gom đồ đồng của các triều đại quân chủ đã làm mất đi nhiều đồ thờ, vì thế những chuông, khánh, bát hương bằng đồng chủ yếu chỉ gặp từ cuối đời Tây Sơn trở về sau (những đồ thờ bằng đồng trước thời này còn rất ít). Hình thức của các bát hương đồng chủ yếu được làm hình trụ tròn và có niên đại muộn. Trên thân của bát hương phần nhiều chỉ trang trí rồng chầu mặt trời.
Đồ thờ mà điển hình là bát hương, cây nến, lư đỉnh… thường được làm phổ biến bằng chất liệu gốm, đá và đồng. Những chất liệu đó được người xưa quan niệm có sức linh nhất định. Trước hết là đồ đất nung thường gắn bó với con người từ thời nguyên thủy và chất liệu này được lấy từ lòng Bà Mẹ Đất thiêng liêng để tạo nên. Chất liệu đồng và đá cũng đã được sử dụng từ thời nguyên thủy, nhưng bị gián đoạn vào thời kỳ đồ sắt, hàng nghìn năm sau khi con người phát hiện trở lại các công cụ đồ đá, đồ đồng, chúng được gán là của thần linh sáng tạo ra, bản thân chúng cũng được coi như chứa một sức linh nhất định. Vì thế người ta mong đồ thờ với chất liệu đồng, đá, gốm sẽ hội tụ được sức mạnh thiêng liêng trong những lời cầu xin. Hiện tượng nêu trên ăn sâu vào nhận thức khiến cho nhiều nhà quyền quý dù giàu đến mấy cũng không thay đổi chất liệu của đồ thờ, mà chỉ góp phần thuần gia vào tạo dáng cũng như trang trí trên đồ thờ mà thời đó (hầu như không có bát hương bằng vàng, bạc, sắt, nhôm… vì quan niệm chúng không thiêng).