Pháp khí Phật giáo và đồ thờ phụ trong chùa, đền, đình

NHỮNG ĐỒ THỜ LIÊN QUAN

Những đồ thờ phụ, trang trí ở gần với bàn thờ đã làm tôn nghiêm hơn thế giới thần linh. Tại mỗi loại hình di tích, chúng được sắp xếp khác nhau. Với những ngôi chùa thường chỉ có những khí cụ liên quan đến kiếp tu như thủ xích, thiền trượng và một số pháp khí. Ở các đền, đình thường có lỗ bộ, chấp kích và bộ bát bửu…

Tại gian thờ tổ chùa, ở những nơi khang trang thường đặt sập thờ và hai bên sập thường có giá để những đồ rước, đó là những lọng, biển, phướn, thủ xích, thiền trượng v.v…

  1. Phướn
    Có nhiều loại kích thước khác nhau, phướn của hội lễ thường được làm rất lớn. Nếu ở các đền, đình… trong ngày hội thường treo cờ thần vuông màu đỏ, bao quanh cờ là những đường diềm ngũ sắc, thì ở chùa người ta thay vào đó là lá phướn đại. Phướn cũng được gọi là phan. Mở đầu thường là một bảo cái (như chiếc lọng) để biểu hiện về uy lực của nhà Phật; dưới bảo cái là đỉnh phướn, nhiều khi được thể hiện bằng đôi phượng nhiều màu. Thân phướn là những dải vải may liền nhau, hai bên là màu nền xanh hoặc màu khác, nhưng chính giữa là một dải vải lớn, bắt buộc phải là màu đỏ. Trên nền đó thêu những chữ vàng như “Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới đại từ đại bi A Di Đà Phật”, hoặc “Nam mô A Di Đà Phật”. Phướn đại dài tới 5m hoặc hơn. Đế của thân phướn được thể hiện bằng một đài sen và phần dưới là bốn đuôi phan dài ngang thân phướn. Phướn đại chỉ được treo trong các ngày hội từ đỉnh của một trụ cao ở các ngôi chùa, đỉnh trụ được gắn một con quạ đen ngậm đầu dây treo phướn. Quạ, với tư cách là thiên sứ của nhà trời, ngậm cành phan như xác nhận quyền của đấng tối thượng cho mở hội. Ở chính giữa tòa tiền đường nhiều khi cũng được treo lá phướn đại và những lá phướn con để tạo nên vẻ đẹp và lòng cung kính của chúng sinh đối với Phật đài.
  2. Thủ xích
    Là một vật thiêng, đôi khi được đặt ở trước bàn thờ của các vị tổ chùa. Thủ xích là một pháp khí của nhà Phật, thường được các nhà tu sử dụng khi hành lễ. Thông thường, thủ xích được làm bằng gỗ cứng, tròn, vừa độ cầm của tay, dài trên dưới 1m, sơn màu đỏ đậm và trên lưng hay khắc 3 chữ “Án Dạ Hồng” thiếp vàng, chữ được thể hiện theo lối chữ Phạn. Để tạo nghệ thuật và ra oai cho thủ xích, ở bên hông của gậy, đôi khi người ta chạm đôi hồi long. Ở chùa Hòe Nhai (Hà Nội), đôi thủ xích được cắm trong giá, chỉ có tính chất tượng trưng, trang trí và thường để rước, vì thế được trang trí bởi nhiều vân xoắn, hoa cúc, chữ triện trong những hình tượng cách điệu cân xứng. Trước đây, trong những buổi lễ có tính chất chấn trị ma quỷ thì thủ xích giữ một vai trò quan trọng. Khi múa thủ xích phải theo một nhịp nhất định, cuối cùng đập xuống phản hoặc đất tạo nên một tiếng vang dữ tợn, được coi như tiếng sư tử rống khiến muôn loài phải khiếp sợ. Người pháp sư trước khi đập thủ xích thường hô lớn từ “Án”, sau tiếng thủ xích, những người xung quanh cũng hô lớn hai tiếng “Dạ Hồng”, khí thế rất hùng dũng, làm ma quỷ và thập loại cô hồn khiếp sợ. Thủ xích cũng sử dụng cho việc bắt bài, bạch hoặc tán để nhằm thị uy lúc dứt câu. Như thế, thủ xích mang tư cách cầm trịch của người chủ lễ, sử dụng rất khó, nó tạo nên sự trang nghiêm trong nghi lễ. Sử dụng thủ xích đúng cách, đúng chỗ được coi như có sức linh nhất định. Nhiều khi, nó cũng là công cụ để truyền đạo, tiếng thủ xích của người thầy làm đệ tử rùng mình, sởn ốc, tạo nên sự hiệu nghiệm nhất định. Người ta tin rằng khi thủ xích vung lên, được coi như biểu hiện về sự tốt lành của chư Phật, chư Thiên mười phương, tạo sự liên thông với thiên giới, thủy giới và địa phủ, mọi tai ương được giải trừ.
  1. Thiền trượng
    Còn gọi là tích trượng – một pháp khí thụ trì của các vị Phật, các hòa thượng. Tiếng Phạn là niết khế la, còn gọi là “chí trượng” hay “đức trượng”, khi sử dụng, người ta tin kẻ tu hành sẽ tinh tấn trong trí tuệ và đạt được những phúc đức lớn lao. Nó như vật dẫn người xuất gia đi vào lẽ đạo mà không bị lầm lạc, dẫn tới giác ngộ và giải thoát.

“Tích” mang nghĩa là khinh, tức nhẹ, nhờ tích trượng mà dục vọng được coi nhẹ, tránh được phiền não, trí tuệ tăng trưởng, thoát ra ngoài vòng sinh tử. Như thế, “tích” cũng có nghĩa là sáng suốt, là tỉnh ngộ, là không còn say đắm trong thế giới dục vọng. Tích trượng thường có thân tròn vừa tay người cầm, thích hợp với các du tăng (những nhà sư đi du hóa chúng sinh). Nó cũng là chiếc gậy mà các nhà sư dùng để đi đường, đi khất thực. Tích trượng mang nhiều yếu nghĩa của đạo pháp. Thông thường, đỉnh gậy là một búp sen tượng trưng cho thế giới nhà Phật. Dưới đó có bốn khoen (bốn vòng cung) tượng cho Tứ đế hay Tứ đế lý. Mỗi khoen được lồng 3 vòng nhỏ tạo thành 12 vòng tượng trưng cho Thập nhị nhân duyên. Cũng có loại tích trượng trên đầu chỉ có hai khoen tượng trưng cho Chân đế và Tục đế; hai khoen đó chứa 6 vòng tượng cho Pháp lục độ…

Mỗi bước đi là một lần tích trượng kêu lên như nhắc nhở con người tỉnh ngộ về ba cõi là: Không, Khổ và Vô thường… để luôn chuyên tâm vào tu hành.

      4. Đồ lỗ bộ:

Nhiều khi cũng được đồng nhất với đồ chấp kích. Lỗ bộ gồm một số vũ khí thiêng cùng cờ mao và biển ghi chữ nhằm mục đích phục vụ rước xách. Đối với các vị thần linh có chiến công và linh thiêng, đồ lỗ bộ thường gồm: hai thanh mác trường, ngọn cờ tiết mao, hai phủ việt, dùi đồng, hai biển “Tĩnh túc” và “Hồi tị”, có khi được bổ sung bằng bốn gươm dài, rồi tay văn, tay võ (cầm bút lông và nắm vành lửa), cũng có khi là hai long đao, xà mâu, đinh ba.
Lỗ bộ ở nước ta hầu như không được định hình cụ thể, nhiều hay ít tùy theo địa phương. Theo tích thì “lỗ” là cái mộc, thời xưa thường đi đầu các nghi trượng, do đứng đầu bộ đồ rước nên gọi là “lỗ bộ”.

Cờ tiết mao là lá cờ tượng trưng cho chức vị của thần, vì tiết là lá cờ vua trao để làm tin, mao là lá cờ kết bằng lông như lông đuôi ngựa để biểu hiện quyền uy của nhà vua. Như vậy, cờ tiết mao có hai lá để đề cao uy lực của thần linh.

Biển “Tĩnh túc” với hai chữ ở trung tâm, xung quanh có hoa văn cách điệu tạo thành hình chữ nhật để nhắc nhở những người đi rước phải yên lặng, cung kính thần. Biển “Hồi tị” cũng tương tự như biển “Tĩnh túc”, song có ý nhắc nhở tránh đi theo, vì trước đây cứ mỗi lần ra quân thì tất cả những người có tang tóc, tàn tật đều không được đi tiễn. Trong đám rước cũng như trong cuộc hành quân, tất cả những người có tang, có tật đều phải tránh.

Hai tay văn, võ nói lên sự song toàn của thần cũng như bộ hạ của ngài đầy đủ cả văn lẫn võ. Trong lỗ bộ cũng có khi có gậy trường để cùng với đại đao nhằm tiêu trừ ma quỷ và những điều ác khi đi rước hoặc đi lễ.

Lỗ bộ là một hệ thống đồ thờ có giá trị trong nghi lễ hội hè. Rất tiếc là do luôn được sử dụng nên đến nay không còn mấy đồ có niên đại sớm và giá trị nghệ thuật cao.

   5. Những linh vật mang tư cách đồ thờ:

Ở chùa Phật Tích (thời Lý), được làm năm 1056, người đương thời đã cho tạc 5 đôi thú bằng đá khá lớn, mở đầu là đôi lân trong tư thế ngồi quay vào, rồi tới voi, trâu, tê giác và ngựa. Buổi khởi nguyên, có lẽ chúng chỉ như những vật tượng trưng để mang một ý nghĩa nào đó. Về sau, nhất là hiện nay, chúng được hóa thân mang tư cách là vật thờ. Đôi lân quay mặt nhìn vào như tượng trưng cho sức mạnh tầng trên, cho trí tuệ, cho sự trong sáng nên có chức năng kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương. Con voi, trong một giới hạn nào đó, tượng trưng cho sức mạnh trần gian, cho sự thanh bạch để biểu hiện về chân lý Phật đạo. Con trâu dễ gợi đến hình ảnh về Thập Mục Ngưu Đồ để nói lên sự tinh tấn trong kiếp tu, mặt khác cũng nhằm biểu hiện về Bồ Tát hạnh mà con trâu là tiêu biểu. Con tê giác cũng biểu hiện cho sức mạnh của thế giới bên dưới, nhằm cứu vớt chúng sinh chìm đắm; có người cho rằng sừng tê giác mang tư cách như sừng lân để biểu hiện từ tâm. Con ngựa như tượng trưng cho ánh sáng, cho hạnh phúc, bởi nó cũng mang chức năng chở kinh Phật tới giáo hóa chúng sinh trong một nghĩa cao cả. Tuy nhiên, bằng vào tạo hình hiện nay, chúng ta còn xác nhận được cả 5 đôi linh vật trên đều trong tư thế nằm nghỉ trên đài sen, có nghĩa là chúng đã giải thoát và tự nhiên, tự tại trong thế giới Phật. Đặc biệt, ở dưới đài sen của cả 10 linh thú là đường diềm chạm nổi những quái vật đầu chó sói, thân vượn, đuôi cáo. Hình tượng này có thể coi như đồng nhất với một đề tài trang trí tương tự trong nghệ thuật Chăm (của Việt Nam) nhưng mềm mại hơn và có đuôi lông chải.

Vào thời gian sau, linh vật ít nhiều mang tính đồ thờ gắn với ngôi chùa, chỉ còn gặp lân (chùa Thông – Thanh Hóa, niên đại thế kỷ XIV), rồi rồng… Vào thế kỷ XV, phần nhiều linh vật thờ được gắn với lăng mộ mà nay còn gặp được như ở Yên Sinh – Đông Triều (Quảng Ninh) và Thâm Động (Thái Bình) là trâu đá, chó đá rồi hổ đá, cũng trong tư thế nằm nghỉ…

Vào thế kỷ XV, ở các lăng mộ vua Lê thường có lân, ngựa, voi, hổ v.v… Những linh vật này được làm quá nhỏ, nhiều khi lại thoáng chất dân gian, khiến chúng ta ngờ rằng chúng là những vật thờ ít nhiều có lệ thuộc vào một dòng tư duy cổ truyền (không dám làm to lớn vì các tượng đó được gán cho một linh hồn để phục vụ cho kiếp đời đã qua, nếu làm lớn chúng sẽ được coi là khổng lồ đe dọa thế giới bên dưới).

Bắt đầu từ thế kỷ XVII trở về sau, những linh vật thờ thường được làm khá lớn, có khi to hơn bình thường. Chúng ta đã gặp voi, ngựa, lân, chó và nhiều khi cả hổ nữa. Ở một ý nghĩa nào đó, chúng chỉ còn mang tư cách như vật làm sang cho người chết và lệ thuộc vào chức vị của người đó, đồng thời cũng có ý nghĩa làm sang cho người đang sống.

Tuy nhiên, những linh vật gắn trực tiếp với đồ thờ mang tính phổ biến thường là phượng và hạc. Nếu như ở thời Lý, phượng thờ chỉ gắn với thành bậc cửa dưới dạng phù điêu hay những đồ gốm ở mái, thì từ thế kỷ XVII chúng được tạc tròn với dạng khá lớn, cao trên dưới 2m. Một điển hình là đôi phượng gỗ ở đình Phú Thượng (Tây Hồ – Hà Nội) có niên đại khoảng giữa thế kỷ XVII. Phượng là một con chim thần với mỏ diều, tóc trĩ, mắt giọt lệ, cổ rắn, vẩy cá chép, đuôi công, móng chim ưng… Người ta thường nghĩ rằng nó là biểu tượng của thánh nhân, của vũ trụ…, với đầu đội trời và công lý, mắt là mặt trời mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh là gió, đuôi là tinh tú, lông là cây cỏ và chân là đất. Vì thế khi phượng bay là biểu hiện vũ trụ vận động. Có nghĩa phượng mang một sức mạnh siêu phàm, ở bên bàn thờ nó đồng nhất hoặc liên quan đến thánh nhân. Trong nhiều di tích, phượng được tạc đứng trên hồ sen mà lá sen, hoa và nụ, cọng sen đều được thể hiện một cách đầy tâm đạo. Đôi khi ở miệng phượng còn ngậm một chiếc lá đề để tượng trưng cho trí tuệ, cuống lá đề kết thành cụm vân xoắn như để biểu hiện quyền uy. Trong trường hợp này, người ta ngỡ như thấy phượng là linh vật của đất Phật, chim thiêng biết dùng giọng dịu hòa mà giảng về lẽ đạo. Phượng ở đình Phú Thượng trên thân còn điểm rất nhiều đao mác, có thể nghĩ nó còn là bầu trời đầy sấm sét mang lại mưa móc ngọt lành cho trần gian sinh sôi.

Ở vị trí hai bên bàn thờ – tại các ngôi đền và đình – nhiều khi là những con hạc đứng trên rùa. Con hạc gỗ được tìm thấy ở đình Dục Tú (Cổ Loa – Hà Nội), với niên đại khoảng cuối thế kỷ XVII, được coi là con hạc sớm nhất hiện tìm thấy. Một con hạc khác tương tự ở một ngôi đình thuộc Thường Tín. Hạc thế kỷ XVIII được làm bằng gỗ, cao trên dưới 2m. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã có khá nhiều hạc được làm bằng đồng, to như hạc gỗ.

Hạc có mỏ cò, tóc trĩ, cổ cao, đuôi ngắn, vẩy cá chép, cánh lông vũ nhưng điểm xuyết đao mác, thường được đứng trên rùa. Nhìn chung, hạc của thế kỷ XVII–XVIII có nhiều chi tiết cách điệu, còn hạc từ thế kỷ XIX trở về sau, trừ một vài chi tiết ở đầu và lông gáy, thì cơ thể chúng thường gần gũi với chim trong thực tế.

Trong tư cách là đồ thờ, hạc thường biểu hiện cho tầng trên, còn rùa cho tầng dưới để hợp thành một thể âm dương đối đãi. Mỏ hạc thường ngậm một hạt tròn tượng cho viên ngọc pháp (giáo lý trong sáng như ngọc) như một vật thiêng tượng trưng cho khả năng giáo hóa chúng sinh.

Ở khoảng giữa đôi hạc, người ta thường đặt một đỉnh ba hoặc bốn chân bằng đồng, đỉnh này thường có nắp là lân, đôi khi là lân hí cầu với tư cách nhìn ra để kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương. Đỉnh thường để đốt trầm, có hai tai thường là rồng cuốn thủy hoặc hổ phù phun mây. Thân của đỉnh thường tròn và có ba chân, mỗi chân là hình bóng của một con quỳ – linh vật chỉ có một đầu và một chân, người xưa nghĩ khi nó xuất hiện là điềm báo thánh nhân xuất thế. Cũng có nhiều đỉnh bốn chân, mang dạng vuông, nhưng về ý nghĩa cũng không có gì thay đổi. Nhiều khi giữa hai hạc có đỉnh ba chân không nắp, trong trường hợp này, nó mang ý nghĩa là bàn tròn Thái Cực. Khi không có đỉnh lớn thì đỉnh hoặc bàn tròn Thái Cực được đặt ở trên bàn thờ chính sau bát hương. Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều chiếc đỉnh được biến thể dưới dạng quả đào, hay được bổ sung các chi tiết gắn với Dịch học như biểu tượng về Bát Quái, kèm theo là trúc quân tử, có khi cả hoa mai nữa.

Ở một số di tích gắn với Nho giáo (hay có sự tham gia của nhà Nho), thì linh vật được thờ thường là rồng (bên trái) và hổ (bên phải) để biểu hiện sự tụ hội của các trí thức và đề cao thần, vì rồng tượng trưng cho học vị tiến sĩ và hổ tượng trưng cho học vị cử nhân (long hổ hội). Trong nhiều trường hợp, hổ còn biểu hiện cho sức mạnh trần gian nên một mình nó đứng ở cửa để gác cho thần. Cũng có khi nó được thể hiện với 5 con tượng trưng cho 5 phương (vàng ở giữa, xanh – đông, trắng – tây, đỏ – nam, đen – bắc); sự hội tụ này là sức mạnh 5 phương của thế giới trần gian và bên dưới đã quy y thần, mà phổ biến nhất là quy y Thánh Mẫu để giữ yên thế giới ma quỷ. Đó là bàn thờ ở hạ ban của Thánh Mẫu Thượng Ngàn, cũng có khi ở một vị trí riêng hoặc hạ ban của các thần linh khác.