NGHI LỄ THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI BỐ Y

NGHI LỄ THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI BỐ Y

Dân tộc Bố Y, cũng là tộc danh tự gọi, đã có mặt trong khối Bách Việt từ ngàn xưa, còn được gọi là Tu Dí. Người Bố Y tuy số dân ít (theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 là 2.273 người), cư trú chủ yếu tại một số huyện vùng cao tỉnh Hà Giang và huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, nhưng đồng bào lại sở hữu một kho tàng văn hóa rất đồ sộ và cực kỳ phong phú với những lễ tục thờ cúng tổ tiên dày đặc quanh năm. Sau đây giới thiệu một trong những nghi lễ đặc sắc của đồng bào, đó là lễ cúng tạ ơn cha mẹ, ông bà, tiếng Bố Y gọi là siển lý.

Lễ cúng diễn ra vào ngày hôm sau khi ông bà hay cha mẹ qua đời. Lễ vật của con cháu dâng lên ông bà hay cha mẹ gồm: xôi màu, rượu, gà, hương, hoa… bày thành một mâm đặt lên bàn thờ chính. Nếu gia đình đông con cháu thì có thể sắp nhiều mâm. Ngoài ra, mỗi con, cháu hoặc đôi vợ chồng còn có thể dâng lễ vật riêng do tay mình làm ra. Chuẩn bị xong, thầy cúng và thầy cúng phụ mang chiêng, tù và ra ngoài cửa chính thổi ba hồi thông báo cho các vị thần linh biết là lễ tạ ơn chính thức bắt đầu. Phần nghi lễ này gọi là chípờ, là nghi lễ bắt buộc mở đầu cho lễ cúng.

Lúc này, các con cháu ngồi trước bàn thờ, nam một bên, nữ một bên. Thầy cúng phụ thắp hương cắm lên các bàn thờ, mỗi bàn thờ ba nén. Sau đó, thầy cúng khấn mời tổ tiên về. Lời khấn đại ý như sau: “Hôm nay con cháu đã đón được ông bà, cha mẹ về. Con cháu có mâm lễ gồm gà, rượu, hoa quả để tưởng nhớ công ơn ông bà, cha mẹ. Mong ông bà, cha mẹ nhận cho và phù hộ, độ trì cho con cháu mạnh khỏe, ăn nên làm ra…”. Thầy cúng sẽ đọc tên từng người, nêu các lễ vật do con cháu mang đến dâng tế.

Công đoạn tiếp theo lễ tạ ơn ông bà, cha mẹ là lễ cảm ơn tổ tiên, gọi là àng duề. Lễ này, con cháu không phải chuẩn bị lễ vật mà chỉ ngồi quỳ trước bàn thờ chính. Thầy cúng cắm hương lên bàn thờ chính, bàn thờ phụ, bàn thờ Thổ Công, bàn thờ Bồ Tát. Tiếng chuông nổi lên. Thầy cúng đọc bài văn khấn gọi các vị thần, tổ tiên về ngự nơi bàn thờ. Tiếp đến, thầy cúng đọc sớ dâng vị thần cai quản âm phủ để vị thần này mở cửa cho linh hồn người chết đi qua. Thầy cúng tiếp tục dâng sớ lên vị thần kiểm tra, xem xét chữ viết trên sớ xem có sai sót gì không.

Lại tiếp tục dâng sớ xin lần lượt các vị thần, trong đó có Quan Thế Âm Bồ Tát (Quangzinh Pù Sa), vị thần chuyên cai quản về tội lỗi, có thể xóa tội hoặc giảm nhẹ tội lỗi cho người chết khi còn sống đã mắc phải, rồi mang sớ đi hóa. Công đoạn tiếp theo, thầy lại dâng sớ lên vị thần cai quản mười cửa ải, lần lượt từng cửa ải một. Cúng đến cửa ải nào thì trình báo cho vị thần cai quản cửa ải đó, gồm giấy tiền, một lá sớ và một nén hương.

Đồng bào quan niệm, nếu người chết khi sống đạo đức tốt thì sẽ sớm được đầu thai. Đối với người Bố Y ở Lào Cai, lễ cúng tạ ơn ông bà, cha mẹ gồm cả một chuỗi những công đoạn phải hành lễ khác nhau, không thể bỏ qua hay giản tiện công đoạn nào. Đồng bào cho rằng, làm như vậy, cái đức ăn ở với tổ tiên mới trọn vẹn.