NGHI LỄ THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI LA HỦ

NGHI LỄ THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI LA HỦ

La Hủ là một trong những tộc người có số dân rất ít. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, người La Hủ ở Việt Nam có 9.651 người, đồng bào sinh sống chủ yếu ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Quan niệm về vũ trụ, thế giới của người La Hủ tương đối đơn giản. Người La Hủ tin có ma lành và ma ác. Ma lành là hồn ông bà, cha mẹ chết già và chết ở trong nhà. Tuy nhiên, ma lành cũng dễ biến thành ma ác khi đói ăn. Khi đó phải mời thầy cúng, thầy bói xem rồi chỉ cho cách chữa. Còn ma ác thì nhiều vô kể, nên ở trong nhà, người lớn thường khuyên trẻ nhỏ tránh nói chuyện về ma quái. Đồng bào cho rằng khi có người chết, tức là bị ma ác bắt. Người La Hủ cũng tin vào thầy cúng (a ngơ) – là người có năng lực tiếp xúc với thần, ma – nên nếu gặp phải tai họa gì, họ vẫn thường tìm đến a ngơ để biết phải cúng ma nào, lễ vật gồm những gì.

Trong tín ngưỡng của người La Hủ, hồn hay ma tổ tiên không quá đè nặng, nên họ cũng không quá âu sầu, lo lắng trong việc cúng tế. Tuy nhiên, họ không sợ ma rừng, ma núi bằng sợ ma người chết. Nếu có người ốm đau mà a ngơ cúng không khỏi, tức là người đó phải chết, do ma tổ tiên bắt đi. Và cũng vì thế nên sau khi chôn cất người chết xong, họ không còn phải quá nặng lòng với người quá cố nữa.

Nơi thờ cúng của người La Hủ là một cái giỏ, trong đó bỏ quả men rượu cần, nhúm muối và củ gừng, treo lên trên mái nhà làm nơi trú ngụ của tổ tiên. Còn khi cúng bái thì họ treo một cành lá xanh cùng với một tấm phên đan mắt cáo, treo trên đầu giường của chủ nhà. Lễ tục thờ cúng tổ tiên của người La Hủ không rườm rà, phức tạp, không cần trải qua nhiều công đoạn hay nghi thức.

Trong một năm, người La Hủ không có lễ hay hội gì ngoài việc cúng ma nếu có người ốm. Họ cũng tổ chức ăn Tết Nguyên đán nhưng không cúng tế, mà chỉ nghỉ ngơi, ăn uống và vui chơi. Trong nghi lễ thờ cúng tổ tiên, người La Hủ không có ngày giỗ như người Kinh và một số dân tộc khác. Hằng năm, đồng bào cúng tổ tiên vào dịp ăn cơm mới, gọi là ổ xớ cha (được tổ chức tùy theo mỗi gia đình khi lúa chín) để tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ đã có công sinh thành, dưỡng dục.

Lễ vật là hai bát gạo nếu cả cha và mẹ đều mất. Còn nếu mới chỉ một người mất thì lấy một bát gạo nấu chín, xới ra bát cùng thức ăn chín đặt trong một cái sàng để lên phía đầu giường của chủ nhà. Tiếp đó, chủ nhà khấn bằng lời mộc mạc như nói chuyện thường ngày. Xong nghi lễ thì hạ mâm xuống rồi cả nhà cùng ăn uống vui vẻ. Trường hợp gia cảnh khá giả, họ có thể mổ lợn mời họ hàng, khách khứa đến cùng liên hoan. Trường hợp gia cảnh túng bấn thì chỉ cần bát cơm gạo mới với vài con cá. Trường hợp quá nghèo túng thì chỉ cần bát cơm gạo mới với nhúm muối.

Người La Hủ cho rằng ông bà, cha mẹ là những vị thần thiêng liêng che chở cho con người. Tục ngữ La Hủ có câu:

“Không gì cao hơn bóng cha / Không gì ngọt hơn sữa mẹ”
(Môtè bapé thảo ma m ô chiê gao / Sô su sê a mé chú gừ thảo ma sô chiê ga)

…để răn dạy con cháu phải luôn nhớ về công lao sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Đây là nét đẹp văn hóa cần được trân trọng, bảo tồn và phát huy.