NGHI LỄ THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI KHÁNG

NGHI LỄ THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI KHÁNG

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, dân tộc Kháng có 13.840 người, cư trú chủ yếu ở một số xã của các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu và thường xen kẽ với người Thái nên sắc thái văn hóa có biểu hiện bị Thái hóa từ trang phục đến tiếng nói.

Quan niệm về tổ tiên của người Kháng liên quan đến quan niệm về hồn người. Họ cho rằng trong một con người có tới năm hồn (man). Hồn chính ngự ở trên đầu, còn các hồn khác ngự ở tứ chi. Khi người chết, năm hồn thành ma mả mí (hồn người chết). Hồn chính ngụ ở trong nhà, là ma nhà (ma ngặt nha), phù hộ cho con cháu nên đó cũng là đối tượng phải thờ phụng.

Tổ tiên trong gia đình là những người ruột thịt cùng dòng họ (trực hệ) nhưng là đàn ông đã chết. Những người anh em tuy cũng là đàn ông nhưng đã tách họ thì không thuộc tổ tiên. Như vậy, thực tế tổ tiên trực diện của người Kháng gồm có thế hệ cha, ông, cụ, kỵ – bằng bốn đời. Họ cho rằng cùng một tổ tiên tức là cùng một gia đình nên các công việc đại sự đều phải có sự tham gia của các thành viên. Lễ vật trong các lễ cúng đều phải có bốn suất để bốn thế hệ tổ tiên được thụ hưởng như nhau.

Chỗ đặt bàn thờ tổ tiên trong nhà của người Kháng gọi là hoóng, hay còn được gọi là cò tò hoóng. Cũng có trường hợp cha mẹ vợ của chủ nhà được thờ phụng, không bị coi là phạm quy mà còn được khuyến khích, động viên về lòng hiếu thảo.

Khác với một số dân tộc khác như Mông, Kinh, người Kháng không lập bàn thờ tại gian giữa nhà, đối diện với cửa chính. Họ có một không gian riêng dành làm hoóng, nằm ở giữa gian ngủ của khách và gian ngủ của chủ nhà, gọi là nan hoóng, được tách bởi vài tấm phên đan thưa hoặc đan kín làm vách. Bên trong hoóng chỉ có đôi chén chuyên dùng cho việc thờ cúng.

Khi trong nhà có bố hoặc mẹ chết, người con trai cả lấy hòn đá kê nồi bên bếp ném vào hoóng với ý nghĩa quở trách ma ông bà không phù hộ để cho bố (hoặc mẹ) bị chết. Bây giờ bố (hoặc mẹ) đã chết thì ma ông bà phải ra nương mà ở. Hòn đá sẽ ném trúng vào tấm liếp làm cho tấm liếp bị xiêu vẹo. Đó là cái cớ để dỡ bỏ hoóng thờ ông bà, rồi gia chủ ngăn lại tấm liếp mới, tức là làm lại hoóng mới để thờ bố mẹ.

Người Kháng quy ước tất cả các con trai đều được quyền lập hoóng để thờ cha mẹ, nhưng phải đến khi có gia đình riêng và lần lượt theo thứ tự từ anh cả cho đến em út. Nếu cha mẹ chết khi các con chưa lập gia đình riêng (tức chưa có vợ hoặc chồng) thì chỉ thờ mẹ chứ không được thờ cha.

Con gái đã đi lấy chồng, nếu gặp cơ sự lạ hoặc ốm đau không rõ nguyên nhân thì nhờ thầy cúng, thầy bói xem. Có thể có trường hợp cha mẹ đòi được ở gần đứa con gái đó thì đôi vợ chồng sẽ lập bàn thờ để thờ cha mẹ vợ.

Trường hợp nếu mẹ chết trước bố thì hồn mẹ không được ở chung trong hoóng vì ở đó còn có ông bà (ma ngặt pủ gia), nên các con phải dựng một nếp nhà sàn nhỏ bên cạnh nhà sàn lớn, gọi là nha trong khuôn viên ngôi nhà chính để thờ. Nha cũng là nếp nhà sàn nhưng chỉ cao chừng một mét rưỡi, lợp tranh, ba xung quanh thưng vách liếp, một mặt bỏ trống để thực hành nghi lễ, không có cầu thang. Khi nào bố chết thì nha sẽ được dỡ bỏ vì bố và mẹ đã được thờ chung tại hoóng trong nhà.

Những gia đình thờ bố mẹ vợ, tuy không phổ biến, cũng làm một cái nha trong khuôn viên ngôi nhà chính. Cho nên, khách tới thăm nhà người Kháng có thể thấy có những gia đình có tới hai nha để thờ.

Người Kháng ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên còn dựng thêm nếp nhà nhỏ về phía trái ngôi nhà chính, cũng giống như nha nhưng đây là nha trái để thờ cha khi mẹ vẫn còn sống. Chỉ khi nào cha mẹ chết cả thì con cái mới rước hồn cha mẹ vào thờ trong hoóng. Nha trái còn là nơi thờ cha mẹ đẻ đã chết khi người con trai đi ở rể bên nhà vợ, vì theo phong tục không được đưa hồn cha mẹ đẻ của mình vào thờ chung với cha mẹ vợ. Trong trường hợp đôi vợ chồng không có con trai thì con rể cả có thể thờ cha mẹ vợ, coi cha mẹ vợ là tổ tiên khi anh ta vẫn ở bên nhà vợ. Nếu đôi vợ chồng ở riêng, không phải ở rể nữa thì gia đình sẽ thờ cha mẹ vợ tại nha trái.

Nha trái còn thờ các anh em trong gia đình chết khi chưa có vợ hoặc chồng, hoặc đã có vợ con nhưng chưa ở riêng. Khi nào con cái của họ lớn lên, đã có thể tự lập, làm được nhà riêng thì họ sẽ rước hồn cha mẹ đi.

Cũng như một số tộc người thiểu số khác, người Kháng không có tục cúng giỗ tổ tiên vào ngày mất, cũng không thực hành cúng ngày Mồng Một, ngày Rằm, mà chỉ cúng vào những dịp Tết Nguyên đán, lễ cơm mới, khi gia đình có người ốm đau không rõ nguyên nhân, gia đình mới sinh con và trong các đám cưới.

Xưa kia, người Kháng không có tục ăn Tết Nguyên đán. Trong quá trình giao lưu, giao thoa văn hóa với các dân tộc láng giềng, tục lệ này mới hình thành, và duy nhất vào dịp Tết Nguyên đán người Kháng mới có thắp hương. Lễ vật để cúng tổ tiên cũng là cơm, thịt gà, thịt lợn, canh thịt, canh rau… nhưng nhất thiết phải có bạc trắng, nay đã thay thế bằng tiền giấy.

Lễ cúng cơm mới là nghi lễ truyền thống của hầu hết các dân tộc Việt Nam nói chung, cũng là nghi lễ truyền thống của người Kháng nói riêng. Chỉ có điều, các gia đình bố trí sao cho bà con lối xóm lần lượt đến được với nhau càng đông vui càng tốt. Đồng bào cho rằng nhà nào càng có nhiều khách khứa đến ăn uống chia vui thì chứng tỏ nhà đó có phúc lớn.

Lễ vật dâng hiến cho tổ tiên khi hành lễ bao gồm: một con lợn, một con gà, một chum rượu cần, một chai rượu chưng cất, một nắm cơm, một quả trứng, vài con cá nướng và một sải vải trắng. Tất cả được bày ở giữa nhà, gần chỗ đặt hoóng.

Lời khấn mộc mạc, đại ý như sau:
“Ơ ma nhà… Các con các cháu ở đây ăn cơm xong không được ở yên. Cầm dao đeo bên hông đi phát nương phát rẫy, thu dọn xong. Giờ phút này lúa đã trổ bông, đã thành hạt lúa, đã thành hạt gạo rồi. Giờ các con các cháu mới thu hoạch một chút về làm cơm mới. Xin mời bố mẹ. Con cháu có một đôi hương, đôi cá nướng, một con gà, nắm cơm mới cúng tổ tiên, dâng bố mẹ. Làm sao để các con các cháu làm ăn phát tài, làm ăn đỡ vất vả mà thu hoạch được nhiều sản phẩm. Tổ tiên, bố mẹ thụ hưởng xong thì phù hộ cho con cháu…”

Những gia đình có nhà riêng hay nhà tạm thì cũng sửa soạn lễ vật như cúng ma nhà, nhưng mâm lễ được đặt tại nhà để lễ để gia chủ khấn tại đó. Cúng khấn xong, mọi người cùng nhau ăn uống trong không khí đầm ấm, vui vẻ.

Khi gia đình có người ốm lâu ngày không rõ nguyên nhân, người Kháng cho rằng có thể là do tổ tiên ăn không no, uống không đủ nên trở về quấy nhiễu con cháu bằng cách bắt đi bốn hồn ở tay chân, cho nên phải gọi hồn trở về với thân chủ. Trường hợp này, gia chủ có thể tự cúng nhưng cũng có thể mời thầy đến cúng giúp.

Lễ vật gồm hai phần:

  • Một phần gồm hai con , bốn nắm xôi, bốn chén rượu (hạ siêu) để cúng tổ tiên.
  • Một phần gồm một con gà, bốn nắm xôi dành cho hồn người ốm ăn để khỏe và trở về nhập vào thể xác.

Vị trí cúng gọi hồn đặt tại bức vách kề với bếp lửa. Tại đó, người ta căng một mảnh vải trắng, biểu thị cho sự tinh khiết, trong sạch. Dưới đất đặt một cái mẹt lót vải trắng để bày lễ vật và dụng cụ hành nghề của thầy cúng. Cạnh đó trải một tấm chiếu hoặc chăn để thầy ngồi hành lễ.

Sau khi mời ma tổ tiên về thụ hưởng lễ vật, thầy cúng hát bài đưa hồn người ốm trở về với thân xác. Bài hát có ba trường đoạn: đoạn tìm hồn lưu lạc; đoạn dắt hồn về; và đoạn hồn nhập vào thân xác của người ốm.

Tiếp đó là nghi thức đeo vòng vía. Vòng vía được bện bằng nhiều sợi chỉ ngũ sắc. Thầy đọc thần chú, yểm bùa vào chiếc vòng. Khi đó, chiếc vòng có quyền năng chống lại sự xâm nhập của tà ma vào cơ thể người ốm và ngăn không cho hồn vía bỏ đi. Phù phép xong, thầy đeo vòng vía vào cổ người ốm.

Lúc này, những người tham dự là người ruột thịt, họ hàng, thân thích hay khách khứa sẽ cùng chúc mừng hồn người ốm đã trở về bằng cách đeo thêm nhiều vòng vía vào cổ tay, cổ chân của người ốm, đồng thời đóng góp một chai rượu, một con gà hay một bát gạo cho chủ nhà. Họ cho rằng làm như thế là làm phúc, mà người được làm phúc sẽ có quyền hãnh diện với mọi người.

Gia đình có trẻ mới sinh, sau một tuần sẽ làm lễ đặt tên. Người Kháng cũng tiến hành lễ cúng tổ tiên để thông báo với tổ tiên – tức ma nhà – rằng gia đình đã có thêm một nhân khẩu mới, đồng thời xin ma nhà cho đứa trẻ một cái tên đẹp và ban cho đứa trẻ sức khỏe cường tráng, am tường tộc phong nếu là con trai; nết na dịu dàng, giỏi giang việc nhà, sinh nhiều con cái nếu là con gái.

Lễ vật gồm: một đôi gà (một trống, một mái), một đầu lợn chừng hai chục cân, hai quả trứng gà luộc, một bát cơm, hai chén rượu, một đĩa muối ớt cùng bát, đũa, thìa được bày trong hoóng. Người khấn là ông chủ, nhưng cũng có thể nhờ người khác thông thạo hơn giúp.

Lời khấn đại ý như sau:
“Ơ ma nhà! Hôm nay gia đình có mâm cơm. Có lợn, có gà, có rượu… dâng cúng ma nhà. Ma nhà đang ngủ thì hãy dậy. Ma nhà đi chơi thì hãy về. Ma nhà bận việc thì hãy gác lại. Ma nhà hãy về đây. Về đây uống rượu, ăn thịt. Về đây nghe lời khấn của gia đình. Ơ ma nhà! Gia đình có con dâu (hoặc con gái nếu ở rể) sinh được con trai (hoặc con gái) xinh tươi, kháu khỉnh. Gia đình có thêm một thành viên mới. Nhau thai đã được treo ở cành cây to ven rừng. Gia đình đã làm phép dựa côi dựa nai, pin poi pin sạc (tiếng lóng vô nghĩa đọc kèm cho thêm phần linh thiêng). Nay gia đình làm cơm cúng ma nhà. Ma nhà hãy uống cho say, hãy ăn cho đủ. Ơ ma nhà! Nay gia đình muốn đặt tên cho đứa trẻ mới sinh. Một cái tên hay. Một cái tên đẹp để đứa trẻ lớn lên mạnh khỏe. Để đứa trẻ dễ nuôi. Để đứa trẻ không ốm không đau. Để đứa trẻ lớn nhanh như cây mai cây vầu… Ma nhà về chứng giám. Ma nhà mách cho một cái tên cho đúng, cho hay để đứa trẻ mang theo suốt đời…”

Lễ đặt tên cho trẻ luôn có sự tham dự của anh chị em họ hàng, bà con xóm làng. Mọi người đến mang theo nhiều quà tùy tâm như bát gạo, chai rượu, con gà, quả trứng… Sau khi gia chủ đã cúng khấn, những người đàn ông ngồi quây quần trên tấm chăn hoặc tấm chiếu. Trước sự chứng kiến của tổ tiên, lần lượt từng người – từ người cao niên nhất bên họ ngoại cho đến những người khác bên họ nội – xướng lên một cái tên rồi tung một cái chén lên cao cho rơi xuống.

Nếu tung hai lần liên tiếp mà cái chén đều rơi ngửa, tức là đứa trẻ đã được đặt đúng tên. Người nào đặt được đúng tên cho đứa trẻ thì dừng tại đó, coi như tổ tiên đã chứng nhận tên cho đứa trẻ.

Tuy nhiên, nếu sau đó đứa trẻ có biểu hiện hơi khác thường như hay ốm yếu, biếng ăn, còi cọc, giấc ngủ hay mê sảng… thì cha mẹ sẽ tìm nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân được cho là tên đứa trẻ không còn phù hợp, tổ tiên muốn tìm một tên khác. Khi đó, cha mẹ lại tiến hành lễ đặt tên, thực hành như nghi lễ trước đó.