Sử dụng nhà liền kề, nhà song lập
Phong thủy quan niệm nơi cư trú luôn là thực thể có hình. Nhìn hình để xét khí, từ đó tìm ra khí vận trong mỗi ngôi nhà nhằm cân bằng dương trạch. Đối với nhà liền kề hay song lập, tuy hình dáng bên ngoài giống nhau, đối xứng, nhưng nội khí trong mỗi nhà lại khác nhau do cách sử dụng khác biệt. Vì vậy, cần tận dụng lợi thế của nhà liền kề – song lập để nâng cao trường khí và khắc phục các điểm bất lợi.
Nhà song lập thường đối xứng với nhau qua tường chung giữa hai nhà, dẫn đến sân trước hoặc sân sau thường tương đồng về hình và thế, tức là cũng tương đồng về ngoại khí. Do đó, khi bố trí sân trước – sau, không nên làm tường ngăn quá cao gây chia cắt dòng khí tổng thể, mà nên dùng rào thấp, thưa, thoáng để cả hai nhà cùng hưởng lợi. Nhà song lập thường đạt sự trọn vẹn về hình và thế khi có mái chung; để phân biệt, có thể dùng con lươn phân thủy, không nhất thiết phải tách mái để mỗi nhà trở thành biệt lập. Hệ thống móng của hai nhà nên kết hợp ngay từ đầu để ổn định địa mạch.
Nhà song lập muốn đạt được ngoại khí thống nhất thì cần sự phối hợp từ hai bên. Có thể thống nhất về mái, chiều cao, tỷ lệ, tuy khác biệt ở chi tiết nhưng vẫn phải cân bằng âm – dương, đặc – rỗng.
Mỗi dương trạch có quy mô và đối tượng sử dụng riêng biệt. Nhà song lập tuy có khối tích đối xứng nhưng không gian bên trong cần linh hoạt theo nhu cầu sử dụng để tạo nội khí riêng, tránh phạm ngũ hư.
Về phương vị: nếu mặt chính nhà song lập quay hướng Nam hoặc Bắc, thì một bên sẽ được hướng Đông trong khi bên kia hướng Tây, hoặc ngược lại. Để tránh bất lợi từ hướng Tây, cần xử lý ngay từ khi thiết kế và bố trí không gian nội thất (hệ thống lam che nắng, tường hoa, logia, bố trí cầu thang, nhà kho, WC…) theo nguyên tắc tọa hung hướng cát. Các phòng chính nên bố trí ở trục Bắc – Nam để đón gió lành và tránh nắng gắt. Như vậy, nội khí hai nhà có thể cơ bản tương đồng nhưng đã được điều chỉnh theo phương vị thực tế.
Việc bố trí thiên tỉnh (giếng trời) trong nhà song lập cũng nên mang tính hỗ trợ lẫn nhau. Có thể kết hợp giếng trời của hai nhà thành một để tăng lượng khí lưu thông, hoặc thiết kế lệch nhau để bổ sung thông thoáng cho các vị trí âm tính mà bên kia thiếu.
Nhà liền kề (đặc biệt trong các khu quy hoạch mới), tính độc lập của từng trạch cư rất rõ ràng, do đó việc liên kết khí giữa các nhà cần cân nhắc cẩn trọng, tránh mâu thuẫn hàng xóm làm phát sinh nhân khí bất lợi.