Bát Bửu: Tượng Trưng Linh Thiêng và Ý Nghĩa Trong Nghi Lễ Tôn Giáo

Đồ bát bửu

Nhiều ngôi chùa cũng như đền đình thường có bát bửu, song trước đây, mỗi loại hình di tích thường được thể hiện với các đề tài khác nhau. Bát bửu là 8 đồ quý mang tính chất tượng trưng và ước vọng, được sử dụng trong lễ rước làm tăng sự uy nghi của thần. Bố cục của bát bửu có một đỉnh dưới dạng hình mũi giản, được chạm nổi rất kỹ các đề tài linh thiêng. Đôi khi, mũi này được thay thế bằng 8 vị tiên (Bát Tiên quá hải).

Ở miền Nam, tại chùa Giác Lâm và nhiều chùa khác, thì đỉnh của bát bửu nhiều khi hóa thân dưới dạng mũi thương (vũ khí cổ). Phần chính của bát bửu thường được bố cục trong một khung vuông, với trung tâm là vật thiêng như: đàn, cuốn thư, lẵng hoa, bầu rượu, quạt vả, tù và, hòm sách, khánh thiêng, đồng tiền kép, cá chép, hình rút dế (được người xưa coi là biểu tượng của hồ nước)… Tất cả những đề tài này thường được bổ sung các chi tiết tạo thành một hiện vật nghệ thuật chạm khắc khá tinh xảo. Bao quanh chúng còn có các vân xoắn, hoa cúc, linh vật, tua gù (kim tòng) dưới dạng trổ thủng. Đôi khi, đội các hình bát bửu là một mặt hổ phù lớn đang nhả mặt trăng ra.

Để tiện cho việc rước xách, đồ bát bửu được cắm vào những gậy cầm vừa tay; đỉnh gậy thường được chạm trổ rất kỹ và hầu như bao giờ cũng có một đầu rồng há miệng ngậm lấy gốc của đồ bát bửu.

Gốc gác của đồ bát bửu có thể cho là chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa, nên khi vào đất Việt, nó không còn nhất quán. Hình tượng bát bửu sớm nhất được tìm thấy vào năm 1647, ở trên bệ tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Bút Tháp. Về sau, chúng trở thành đề tài trang trí phổ biến trong kiến trúc mang niên đại thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, như ở đình Thái Đường (Gia Lâm – Hà Nội), đền Quán Thánh (Ba Đình – Hà Nội)…

Theo Cadière (L’art à Hué – BAVH, 1919), dựa theo Pétrus Trương Vĩnh Ký (Dictionnaire Annamite), bát bửu gồm: quạt vả, gươm, đàn, hòm sách, bút lông, đôi sáo, chùy phất, biểu tượng bầu trời. Một tài liệu khác cho biết bát bửu gồm: gậy như ý, cuốn thư, lẵng hoa, bầu rượu, đàn, quạt vả, chùy phất, pho sách. Theo Dumoutier thì gồm: đôi sáo, tì bà, quạt vả, lẵng hoa, pho sách, cuốn thư, chiếc khánh, quả cau.

Cũng có khi bát bửu thuộc đạo Lão, gắn với 8 vật linh thiêng liên quan tới Bát Tiên là: cái quạt của Chung Ly Quyền (có sức làm người chết sống lại), bầu rượu của Lý Thiết Quải (đầy tính ảo thuật), chiếc gươm mang quyền lực vô song của Lữ/ Lã Động Tân, sinh phách của Tào Quốc Cự, ống tre và roi của Trương Quả Lão, lẵng hoa của Lâm Thái Hòa, ống sáo của Hàn Tương Tử, hoa sen của Hà Tiên Cô.

Bát bửu trong Phật giáo cũng có nhiều bộ như: lá đề, tù và sừng hay tù và ốc, cờ, hoa sen, bảo cái (chiếc lọng thiêng của nhà Phật), bầu nước cam lồ, cá chép, hình dây rút dế… Cơ bản là như vậy, song đôi khi cũng có sự thay đổi chút ít như thêm hình khiên và kiếm mang tư cách pháp khí trừ tà.

Cũng có khi bát bửu thể hiện cho sự bất tử, gồm: quạt vả, kiếm, bầu móc ngọt, sinh phách, ống bút, tiêu sáo, hoa sen, lẵng hoa… Trong nhiều di tích, để cầu sự giàu có, người ta dùng các đồ bát bửu với hình: đồng tiền kép, ô trám lang, gương, đàn, sáo, cuốn thư hay hòm sách, tù và hình sừng, quạt. Cũng có khi thay thế một, hai hình tương ứng bằng hình lá như quạt vả hay chiếc khánh cách điệu.

Nhìn chung, trong lễ nghi, người ta muốn thông qua đồ bát bửu để gợi ý hoặc ước vọng, cầu xin thần linh những điều tốt lành. Vì thế, mỗi hình tượng của bát bửu đều chứa đựng một ý nghĩa linh thiêng:

  • Quạt hình lá đề hay quạt vả nhằm nhắc nhở giác ngộ Phật pháp và tiêu trừ mọi sự xấu xa, ma quỷ, độc hại.
  • Tù và ốc hoặc tù và sừng là tiếng gọi thức tỉnh, tránh mê lầm.
  • Bảo cái biểu hiện cho quyền uy của nhà Phật, nhằm trừ tà ma.
  • Bầu rượu nhằm giải thoát phiền não, đồng thời cũng là hiện thân của sự sinh sôi nảy nở, của hạnh phúc phồn thực.
  • Cá là tượng trưng cho nước, cho mặt trăng, nói lên sự tinh tấn của kiếp tu (cá không nhắm mắt bao giờ, biểu hiện cho sự tu hành không ngưng nghỉ).
  • Hình rút dế tượng trưng cho hồ nước – khởi nguồn của hạnh phúc no đủ.
  • Hoa sen hiện thân của miền Cực Lạc, thế giới thanh tao, thoát tục.
  • Gươm biểu hiện sức mạnh sấm chớp, diệt trừ xấu xa, ma quỷ – nhất là thủy quái.
  • Đàn biểu hiện cho tiếng nhạc thần, làm thức tỉnh lòng mê, dẫn tới cõi thanh cao.
  • Hòm sách, pho sách và cuốn thư biểu hiện cho sự cầu mong học hành, trí tuệ.
  • Bút lông biểu hiện cho sự cầu đỗ đạt.
  • Đôi sáo tượng trưng cho sự cao quý.
  • Chùy phất biểu hiện quyền năng và trừ tà, cũng gọi là phất trần.
  • Gậy như ý biểu hiện quyền lực.
  • Lẵng hoa thể hiện sự thanh tao của thế giới siêu nhiên, đồng thời là biểu tượng cho hạnh phúc phồn thực trần gian.