Lịch Sử và Ý Nghĩa Của Đồ Chấp Kích Trong Văn Hóa Thờ Cúng Việt Nam

Đồ chấp kích:

Thường được đặt ở hai bên (đó là các hiện vật khá phổ biến trong điện thờ từ khoảng thế kỷ XVIII trở về sau), được tạc bằng gỗ, cắm vào giá, chông thẳng. Vào thế kỷ XIX, chấp kích được làm mũi bằng đồng, cán gỗ, đặt vào giá và cắm theo kiểu mở nan quạt. Khoảng cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX, nhiều khi bộ chấp kích được làm rất nhỏ, chỉ cao khoảng 30 cm, để làm vật trang trí. Với chấp kích có mũi bằng đồng thường được đặt ở trước ban thờ.

Nhìn chung, chấp kích chỉ gắn với những thần linh có nhiều chiến công, càng về sau nó càng mang xu hướng thiêng hóa vị thần. Trong hệ thống đồ thờ, chấp kích được mang tư cách là những hiện vật nghệ thuật nhiều hơn là tính chất vũ khí. Ở nước ta, chấp kích được sử dụng làm đồ thờ khởi đầu từ triều đại nào, hiện chưa xác định được. Hiện chỉ mới tìm thấy lưỡi phủ việt bằng gỗ được coi là sớm nhất theo kiểu chạm nổi ở trên lưng ghế chùa Thầy (Hà Tây – 1346), và một lưỡi mang phong cách nghệ thuật Mạc đặt tại đền Lê Hoàn ở Thọ Xuân (Thanh Hóa). Phủ việt kể cả cán cao gần 2m, với một lưỡi xén kiểu lưỡi trai do một đầu rồng nhả ra. Những chi tiết trang trí trên rồng đã giúp xác định niên đại tương đối của nó.

Ở thế kỷ XVII, đồ chấp kích chuyển hóa thành những hiện vật nghệ thuật khá đặc biệt. Ở đền vua Đinh (Hoa Lư – Ninh Bình), lưỡi phủ việt chỉ còn như một vành trăng; phần trang trí liên quan là rồng được làm khá lớn trong bố cục của rồng mẫu tử. Con rồng lớn là rồng lửa, há miệng cắn đuôi lưỡi phủ việt, phun lửa thành ngọn ở trên nền lưỡi. Rồng có thân lộn xuống dưới rồi ngược đuôi lên phía trên, điểm xuyết là bốn con rồng nhỏ bám lấy thân rồng lớn, ẩn hiện trong những đao mác. Đỉnh của phủ việt được thể hiện bằng ba mũi giản nhọn.

Ở đền vua Lê, hầu như nó chuyển hóa thành một hiện vật được chạm trổ rất kỹ dưới dạng nửa nổi, bong, thủng. Ở đây, phủ việt cũng được bay ra từ miệng rồng và được thể hiện cân xứng với thân rồng trong thể đăng đối. Mặt lưỡi phủ việt cũng đã chạm đầy mây và đao mác. Cả bố cục của lưỡi phủ việt gần như chuyển hóa thành một hiện vật đăng đối với đề tài rồng mẫu tử và hổ phù v.v… Hiện vật này là sản phẩm của nghệ thuật nửa đầu thế kỷ XVIII. Trong bộ chấp kích ở đền vua Đinh còn có một “trùy”, mà những trang trí rồng cùng linh vật được tạc tròn, bám ở hai bên và bốn góc, đã biến hiện vật này chỉ còn như một tác phẩm nghệ thuật, hầu như mất đi ý nghĩa của vũ khí.

Ở đình Hạ Hồi (Thường Tín), chúng ta còn gặp được một chiếc đại đao mà chuôi đao là một con rồng trúc hóa lớn với những đao mác khá dài mang phong cách nghệ thuật khoảng giữa thế kỷ XVII.

Sang thế kỷ XIX, bộ chấp kích vẫn được làm bằng gỗ, nhưng đơn giản hơn và gần với tính chất vũ khí hơn. Ở những bộ chấp kích bằng đồng, tự hình dáng của từng vũ khí đã tạo nên một sự tổng hòa đầy chất nghệ thuật. Phần trên của từng hiện vật đều mang bóng dáng của vũ khí cổ; chúng thường được tăng tính linh thiêng bằng cách có sự bảo trợ bởi một đầu rồng ngậm vào cuống. Về sau, những chi tiết nghệ thuật như đầu rồng bị hạn chế, nên thường được thay thế bằng trụ ống hình con tiện để cắm vào đầu gậy.

Thông qua những bộ chấp kích ở đền Ngọc Sơn, đền Quán Thánh và ở nhiều di tích khác, chúng ta có thể rút ra được kết luận rằng chấp kích thường có tám loại trong số những vũ khí cổ: trùy, phủ việt, qua, đại đao, long câu, gậy (hay trượng), giản ba mũi, thương, kích, xà mâu, quyền, kiếm… Đôi khi có cả gươm trường và mác.

Ở nhiều di tích gắn với các thần linh có chiến công, đôi khi người ta đặt cả chiếc giá với nhiều gươm để ngang, và về sau có cả giá gác súng hỏa mai.