Chùa Hương
Chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, là vùng thuộc xứ Sơn Nam xưa, nằm trên tuyến đường đi Đông Kinh của nhà Hậu Lê. Động Hương Tích được phát hiện vào khoảng thế kỷ XI. Thời Lê Thánh Tông, thế kỷ XVI, lần lượt có ba vị hòa thượng đến đây trác tích khai sơn. Nhưng phải đến niên hiệu Chính Hòa thứ 7 (1686), khi Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang treo ấn từ quan, xuất gia đầu Phật, về đây hóa đạo thì động Hương Tích mới được đưa vào phụng sự (thờ Phật) và chùa Thiên Trù từ đó được khai sơn thành hệ thống chùa Trong (Hương Tích) và chùa Ngoài (Thiên Trù). Hòa thượng Viên Quang là bậc trí giả uyên thâm, nên dù an tu trong núi thẳm vẫn có các tao nhân mặc khách tìm đến tham thiền vấn đạo, rồi thấy cảnh đẹp gợi thú thanh cao, nên cứ rủ nhau lần lượt tìm đến. Vả lại, đồng bào miền núi nước ta xưa thường có tập quán thăm động chơi hang vào mùa xuân, nên cũng có nhiều người tìm đến để thăm thú và lễ bái.
Theo truyền thuyết, Bồ Tát Quan Thế Âm đã ứng thân lập đạo tràng thuyết pháp ở một vùng rừng núi phương Nam, cho nên ngài Khuông Việt thiền sư nghĩ đến khu vực rừng núi vùng phương Nam mà sau này Hòa thượng Vương Quốc Chính (thế kỷ XVIII) đã viết ra tác phẩm Nam Hải Quan Ấm truyện Phật bà Châu Hương, nói về Bồ Tát Quan Thế Âm đã ứng thân tu hành tại động Hương Tích chín năm, rồi tu hành đắc đạo, hiện thân nghìn mắt nghìn tay để phổ độ chúng sinh.
Những năm đầu khi mới khai sơn phụng sự, chỉ tổ chức lễ Khánh đản Bồ Tát Quan Thế Âm vào ngày 19 tháng Hai âm lịch (đó là lễ tiết chung của Phật giáo Đông Á và Đông Nam Á).
Làng Yến Vĩ là làng sở tại của chùa Hương, thờ một vị bộ tướng của vua Hùng Huy Vương (Hùng Vương thứ 6) tên là Hiển Quan, và có truyền thuyết về Sơn Tướng (Thần Hổ) hiển linh, nên thường tổ chức lễ mở cửa rừng vào ngày mùng 6 Tết âm lịch gọi là “tế Khai sơn”; sau lễ tế Khai sơn, toàn dân vào nương rẫy, vườn rừng để lễ Thổ Kỳ nơi mình tăng gia trồng trọt và lên động đến chùa lễ Phật. Khách thập phương theo tập quán đó cũng lần lượt về làm lễ và dạo chơi non nước vào ngày xuân.
Đến năm Bính Thân, niên hiệu Thành Thái thứ 8 (1896), chùa chính thức mở hội lớn vào cả tháng Hai âm lịch. Từ đó, trong cảnh non xanh nước biếc, “tiểu sơn lâm mà có đại kỳ quan”, số lượng khách đi trẩy hội chùa Hương vào mùa xuân cứ ngày một tăng lên, kéo dài cả ba tháng.
Ngày nay, trong mỗi dịp lễ hội có tới bốn, năm chục vạn người về đây vãn cảnh. Người chưa đi thì mong mỏi sẽ đi, người đi rồi vẫn còn muốn tiếp tục đi nữa vì say mê “Hương trời sắc núi, cảnh Bụt bầu Tiên”. Thật không phải ngẫu nhiên mà một thi nhân đã nâng việc đi trẩy hội chùa Hương thành một quy luật:
Hương Tích ơi, tôi sẽ còn lên mãi
Như hoa mơ lại đến với mùa mơ.