Chuông
Ở các di tích cổ truyền của người Việt, chuông chủ yếu được sử dụng tại các ngôi chùa, nhưng trong quá trình phát triển, nó cũng đã xuất hiện ở các ngôi quán dạo Lão. Gần đây, chuông cũng xuất hiện ở đền và phủ Mẫu. Trong hệ thống chuông, chúng thường được chia làm nhiều loại, như đại hồng chung, bảo chúng chung, gia trì chung…
Trong các loại chuông kể trên, về hình thức tạo dáng, có nhiều dạng khác nhau, phổ biến là dạng có quai treo hình rồng, thân chuông hình trụ t-òn. Từ khoảng thế kỷ XVIII trở về trước, chuông chủ yếu theo lối thượng thu hạ thách. Khoảng bắt đầu từ thời Minh Mạng trở về sau, phần lớn chuông được làm dưới dạng hình trụ dài. Những chuông của thời kỳ Bắc thuộc thường theo kiểu Trung Hoa, ít có vành loe.
Quả chuông sớm nhất trên đất Việt, hiện biết được, là của chùa Thanh Mai (ven tả ngạn sông Đáy – Thanh Oai – Hà Tây). Chuông có niên đại cụ thể được làm vào năm 798, to vừa phải, cao xấp xỉ 70cm, quai chuông là rồng vói hai đầu chạy sang hai bên. Cũng có thể coi đây là một đôi rồng xuất hiện sớm nhất trong nghệ thuật tạo hình trên đất Việt, chúng cùng phong cách với rồng trên bia đời Tùy (hiện vật bảo tàng Lịch sử, tìm thấy ở Thanh Hóa). Đỉnh chuông Thanh Mai có những vành tròn nhỏ, đường kính xấp xỉ 1cm với những chấm nổi ở giữa, ít nhiều tương đồng với một dạng hoa văn thời kỳ đồ đồng Đông Sơn. Dáng chuông thượng thu hạ thách, không vành, phần nào gần gũi với chuông Trung Hoa.
Quả chuông thứ hai được làm vào cuối đời Đường, với niên đại vào thế kỷ thứ X. Hiện chuông được đặt tại ngôi đình nhỏ sát chân cầu Thăng Long, phía hữu ngạn sông Hồng.
Quả chuông thứ ba là chuông chùa Vân Bản ở Đồ Sơn, được làm vào khoảng thời Trần. Đây là một quả chuông khá lớn, tạm thời được coi là mở đầu cho một dạng chuông Việt. Quai chuông là đôi rồng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIII, XIV, dáng chuông hình trụ với vai tròn, trên thon dưới nở, miệng chuông có gờ loe, thân chuông dài, thành chuông dày, tiếng ấm, ngân trầm vang xa, chuông cao hơn 1m. Đây là quả chuông may mắn còn sót lại vì một thời gian dài bị chìm dưới nước.
Ở thời Lê sơ, thế kỷ XV, chưa tìm được một quả nào, nên sau chuông chùa Vân Bản là những quả chuông thời Mạc. Hiện nay ở Hà Nội còn giữ được một quả chuông có niên đại vào đời Mạc Mậu Hợp (1574), khá lớn, cũng cao trên 1m nhưng có phần thon hơn chuông thời Trần. Vào đầu thế kỷ XVII, khi chạy lên Cao Bằng, nhà Mạc cũng đã cho đúc hai quả chuông lớn vẫn theo phong cách truyền thống. Cùng thời gian đó, chúng ta cũng đã tìm được hai quả chuông rất đẹp, một ở chùa Đại Bi (Hoài Đức – Hà Tây) được làm vào năm Hoàng Định thứ 14 – 1613. Quả chuông này khá lớn với rồng quai chuông còn mang phong cách Mạc. Vai chuông thon, miệng chuông hơi loe, thân chuông có vẻ mập mà không thon dài như quả chuông thời Mạc. Chuông cũng cao hơn 1m. Đây là một quả chuông đạt được cả giá trị cao về nghệ thuật và niên đại.
Vào năm 1619, một quả chuông tương tự, kể cả về dáng hình trang trí và kích thước, được làm tại Hưng Thánh quán, tức chùa Múi, huyện Thường Tín – Hà Tây. Một quả chuông lớn được làm vào năm 1632 đã tìm thấy tại huyện Thuận Thành – Bắc Ninh, kích thước của chuông cũng xấp xỉ chuông chùa Múi. Vào nửa cuối thế kỷ thứ XVII, nhiều quả chuông đã được tìm thấy, như tại chùa Keo (Thái Bình), chùa Thầy (Hà Tây), chùa Quả Cảm (Đáp Cầu – Bắc Ninh)… là những hiện vật hiếm hoi nối dòng truyền thống của chuông Việt.
Sau thời gian này, nhất là dưới thời chiến tranh nông dân ở thế kỷ XVIII, triều đình cho thu gom chuông để lấy đồng đúc tiền hoặc làm những việc khác, khiến cho chuông cổ đã bị phá hủy rất nhiều. Vào đời Cảnh Thịnh, nhân dân ở nhiều cảnh chùa đã đúc lại chuông, nên hiện nay chúng ta gặp khá nhiều chuông có niên đại đời Cảnh Thịnh. Thời này có nhiều quả chuông rất đẹp và lớn, như ở chùa Phổ Quang (ven sông Hồng giáp Hà Nội, thuộc Văn Giang – Hưng Yên), và ở Lâm Dương quán (Đa Sĩ – thị xã Hà Đông).
Ở dưới thời Gia Long, đầu thế kỷ XIX, nhân dân cũng có đúc chuông, nhưng chuông lớn thường được làm vào đời Minh Mạng và đầu đời Tự Đức. Sau đó, loại “đại hồng chung” thường chỉ ở cỡ trung bình. Từ thế kỷ XVIII trở lại đây, những quả chuông nổi tiếng phải kể đến chuông chùa Thiên Mụ, được làm cao trên 2m, đẹp về dáng, mang nhiều ý nghĩa triết học phương Đông. Chuông cùng các hình trang trí đã biểu hiện sự dung hội của hai hệ tư tưởng Phật và Nho.
Sang đầu thế kỷ XIX, phải kể đến một quả chuông mang nhiều giá trị nghệ thuật và khá lớn, là ở chùa Quảng Bá – Tây Hồ (Hà Nội), rồi hai quả chuông treo ở Ngọ Môn (Huế). Rất tiếc là nhiều quả chuông lớn của thời Nguyễn đã bị phá hủy trong chiến tranh. Tiếp theo thời kỳ này, một quả chuông được coi là rất lớn, cao trên 3m, với nhiều hình trang trí nổi, đầy ý nghĩa Phật triết, đó là quả chuông chùa cổ Lễ (Nam Định). Hiện nay, nhân dân cũng tự động đúc chuông khá nhiều với ý thức tôn sùng Phật đạo.
Bố cục của chuông Việt nói chung tuy mỗi thời có một dáng khác nhau, song thường thống nhất với ba phần: phần trên là quai chuông, vài đôi rồng chụm đuôi chạy ra, ngóc đầu lên, ngực và hai chân trước bấu lấy đỉnh chuông. Thân chuông chiếm phần chính, thường được chia làm bốn ô để ghi bài minh nói về cảnh chùa, về giá trị tâm linh của chuông, đồng thời ghi cả tên người công đức và niên đại. Phần dưới của thân chuông kể từ núm gõ trở xuống, chiếm một tỷ lệ nhỏ, chỉ bằng một phần ba thân trên, cũng có khi ghi tên những người công đức, hoặc đúc nổi các hình trang trí tứ linh, đồ bát bửu, hay những trang trí khác. Dưới phần này là vành chuông loe ra, thường được đúc cánh sen nổi, hoặc những hình trang trí như sóng nước, sóng bạc đầu, quả lôi, cây thiên mệnh…
Về xuất xứ của chuông chùa, cho đến nay chưa có tài liệu nào nói được chính xác. Theo như kinh “Tăng Nhất A Hàm”, thì mỗi khi nghe tiếng chuông chùa ngân lên, thì những hình phạt trong các âm đạo tạm thời dừng nghỉ, chúng sinh nào đang chịu những hình phạt ấy cũng được tạm thời an vui.
Trong truyện Cảm thông cũng có chép rằng: ngày xưa khi Đức Phật Cẩu Lưu Tôn ở tại viện Tu Đà La, xứ Càn Trúc, đã tạo một quả chuông bằng đá xanh thường đánh vào những lúc mặt trời vừa mọc. Khi tiếng chuông ấy ngân lên, thì trong ánh sáng mặt trời có các vị hóa Phật hiện ra, diễn nói 12 bộ kinh, làm cho người nghe chứng được thánh quả không kể xiết.
Trong bộ Kim Cang chí cũng có chép: Hiếu Cao hoàng đế nhà Đường, nhân vì nghe lời sàm tấu của Tông Tề Khưu giết lầm kẻ tốt mang tên là Hòa Châu, nên khi chết bị đọa vào địa ngục. Một hôm có người bị bạo tử (chết thình lình), hồn người đi lạc vào địa ngục ấy, thấy một tội nhân đang bị gông cùm, kìm kẹp, đánh đập rất khổ sở, hỏi ra mới biết là vua Hiếu Cao đời nhà Đường. Vua gọi người bạo tử ấy bảo rằng: nhờ người trở lại dương thế nói giùm với hậu chúa ta rằng: hãy vì ta mà đúc chuông cúng dường và làm các việc phước thiện. Khi trở lại dương thế, người bạo tử ấy liền đến bái yết với hậu chúa và chuyển lời nhắn nhủ của vua Hiếu Cao. Nghe vậy, hậu chúa liền thân hành đến chùa Thanh Lương phát nguyện đúc một quả chuông để cúng dường và cầu siêu cho Hiếu Cao hoàng đế (tích này trong bộ Bách Trượng thanh quy, quyển thứ 87). Đồng thời trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật cũng bảo ngài La Hầu La đánh chuông để giảng giáo lý viên thường cho ngài A Nan nghe. Vì thế ta hiểu rằng chuông đã có từ thời Đức Thế Tôn còn tại thế.
Chuông là một loại hình đồ thờ, một di vật quý giá, mang ý nghĩa rất sâu xa về lẽ đạo. “Đại hồng chung” là loại chuông lớn và chính của chùa, thường được treo ở gác chuông hoặc ở đầu hồi trong tòa tiền đường, nhiều khi cũng gọi là chuông uý. Theo Thích Giác Lâm – Nghiên cứu, tập 2, thường đánh vào lúc đầu hôm (chuông thu không) và cuối đêm rạng sáng. Tiếng thu không lúc chập tối như nhắc nhở cơn vô thường sẽ rất nhanh chóng đến với mọi người. Người Phật tử mỗi khi nghe tiếng thu không lòng cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản như đứng bên bờ của sự giác ngộ. Tiếng chuông đánh lúc cuối đêm rạng sáng mang ý nghĩa thức tỉnh, thúc đẩy con người tinh tiến tu hành để mong vượt ra ngoài tội lỗi tối tăm đau khổ của kiếp luân hồi. Cả thu không lẫn chuông cảnh tỉnh đều được đánh 108 tiếng với ba hồi, mỗi hồi 35 tiếng và 3 tiếng kết thúc trong lời cầu nguyện của chính nhà sư. Cách đánh này nhằm loại trừ 108 phiền não căn bản của chúng sinh, đồng thời làm trí tuệ tăng trưởng.
“Bảo chúng chung”: cũng gọi là Tàng đường chung, là loại chuông nhỏ dùng để báo tin nhóm họp đại chúng hoặc thụ trai, khoá lễ… trong các tự viện.
“Gia trì chung”: loại chuông dùng để đánh trong các trường hợp gắn với các câu kinh cầu nguyện, ra hiệu khi bắt đầu hoặc chấm dứt buổi lễ cầu kinh, đồng thời cũng để điều hòa người tụng kinh lễ Phật được nhịp nhàng, đều đặn, hướng người ta chú tâm vào con đường duy nhất là trí tâm. Chuông gia trì thường được đặt ở trước bàn thờ, mang dáng dấp như chiếc bát khất thực, to nhỏ không nhất định, thường được kê trên một đế tròn bằng vải cuộn, ít khi có chuông treo.