Kiệu thờ
Từ thời Mạc trở về trước, hầu như chưa thấy bóng dáng của kiệu thờ. Cỗ kiệu sớm nhất hiện nay có thể tìm được ở chùa Bà Tề, thuộc xã Liên Hiệp (Quốc Oai – Hà Tây), đó là cỗ kiệu bát cống. Về sau, trong bộ cục của các kiệu bát cống ít có sự thay đổi, mà phần nào chỉ có nghệ thuật trên kiệu mang nét tương ứng với thời kỳ sản sinh ra nó. Có nhiều loại kiệu khác nhau, ngoài bát cống còn kiệu long đình, kiệu võng… Nhìn chung, kiệu là một hiện vật chính trong đám rước của lễ hội, nó vượt cao hơn hẳn dòng người, như nhằm mục đích đề cao vị thần và để thu hút mắt khách hành hương.
Một bộ kiệu bát cống bao giờ cũng được kết bởi hai đòn dọc lớn có đầu đuôi đồng nhất với đầu đuôi rồng, hai xà giằng nối hai cổ và phần đuôi tạo nên một khung vững chắc. Trên khung đó, nhiều khi người ta để một chiếc ỷ như chiếc sập vừa bằng độ mở của kiệu. Chiếc sập này thường có rồng đua chạy hai bên và lưng là một mảng ván trang trí lớn. Tất cả các chi tiết ấy khiến cho nhiều khi sập thờ mang tư cách như một chiếc bành. Trên bành thường để ngai và bài vị (được rước từ hậu cung ra). Dưới hai đầu của xà giằng là đòn khiêng, cũng kết cấu hình rồng theo kiểu đòn kiệu. Đặc điểm đáng chú ý của kiệu cổ truyền là xu hướng đẩy ngai và bài vị lên cao, tạo thêm sự thành kính và sự dễ quan sát của tất cả mọi người. Trong ý thức ấy, đòn chính của kiệu, ở phần tiếp nối với xà giằng, đều được làm võng cong xuống dưới để phần thân nhô cao. Xà giằng ngang mang hình một rồng hai đầu, phần lưng nổi cao để đỡ đòn cái, cổ rồng võng xuống tì lực lên đòn khiêng. Đòn khiêng cũng vươn lưng lên, như vậy cả ba hệ thống này cùng cong lên, đã khiến cho kiệu có một độ cao nhất định, tạo sự bề thế, nhưng rất cân đối.
Đặc điểm thứ hai của kiệu là dày đặc các đề tài được chạm tròn, chạm nổi, chạm thủng, bong kênh… ở phần trang trí, nhưng chúng phối hợp với nhau một cách hết sức hợp lý và nhuần nhuyễn. Ở đòn kiệu chính của thế kỷ XVII và XVIII, đầu rồng có xu hướng vươn bay ra phía trước với những đao mác ở gáy rồng, song song vuốt thẳng ra sau, tạo nên một độ vươn trong thế động. Vai đòn được chạm rồng hoặc lân, phần thân (lưng) đòn để trơn vì phải đội bành hoặc khám. Một giải pháp rất khéo là người xưa đã “phá đi” các nét thẳng thô cứng của bụng đòn bằng một “dạ cá”, mà trung tâm của dạ thường chạm hổ phù kèm hai bên có vân xoắn hoặc chim phượng. Hai đòn giằng cũng trong một bộ cục tương tự như đòn cái với bốn đầu rồng bay ra hai bên. Đòn khiêng là bốn rồng có bố cục gần như đòn chính, trừ phần tiếp nối với đòn giằng, lưng đòn đều được chạm trổ rất kỹ. Trong bố cục như nêu trên, mặc nhiên kiệu được nổi bật lên trong đám rước, cùng với các đồ nghi trượng… chúng tạo nên một sự uy nghiêm cao, đầy chất nghệ thuật. Ở thế kỷ XVII, XVIII, đầu và đuôi rồng chỉ ngóc cao vừa độ, thấp hơn tay bành, nhưng từ thế kỷ XIX trở về sau, xu hướng này không được tuân thủ, mà chúng có phần ngóc cao lên. Đứng ở mặt trước của kiệu, phần chạm khắc đã thu hút mắt người xem, trực diện là ngai, bài vị và các đồ thờ kèm theo, còn ở phía sau chủ yếu là lưng bành, nơi đó thường chạm đặc kín rồng, phượng, cũng có khi là tứ linh. Song người ta còn muốn như gửi vào đó một số ước vọng nào đấy nên nhiều khi hình chạm mây nước, cây cỏ thiêng đã được phối hợp để tạo nên sự đối đãi của trời đất thông qua hệ thống tam sơn ở trục chính tâm.
Rước kiệu là một phần chính của sự thần, lòng tin của con người đối với việc rước thường rất cao, nên trai kiệu phải được chọn lựa rất cẩn thận. Ngoài sự quang quẻ, gia đình tốt tươi đầm ấm, thì người đó bắt buộc phải có sức khỏe thật tốt. Vì khi đi rước, lúc qua một ngôi đền nào đó, các thần chào nhau là kiệu quay, hoặc có khi vì một lý do nào đó mà nảy sinh hiện tượng xuất thần tập thể khiến kiệu bay. Trường hợp này quân kiệu chạy băng băng trên đồng, có khi vượt lên đê rồi lại lộn xuống mà kiệu không hề đổ. Thực ra khi rước không ai định ra hiện tượng quay hay bay, nhưng sự đồn thổi từ trước đã tác động vào tâm của quân kiệu, nên khi sự việc xảy ra, với sự vận động của cỗ kiệu lớn, được chạm trổ công phu, khiến lòng người chỉ còn như hướng tới sự linh thiêng. Trường hợp các quân kiệu được phát cho một ông đu đủ dài, không cần nói, thì gần như chắc chắn sẽ có hiện tượng kiệu bơi qua sông. Lúc đó quân kiệu đi ngầm ở dưới mặt, đỡ kiệu bằng tay, thở bằng ống đu đủ, người xem như thấy kiệu dập dờn trên sóng nước lướt từ bờ nọ sang bờ kia. Những hiện tượng liên quan đến rước kiệu đã được diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau là bởi tập tục ở mỗi vùng có khác nhau và bởi lòng tin vào thần là vô giới hạn.
Trong đoàn rước, nhiều khi kiệu bát cống là kiệu nữ, thì thường đầu kiệu được thay bằng phượng. Tuy nhiên, cũng ít làng có kiệu phượng, nên vẫn sử dụng kiệu rồng. Người ta cũng có thể thay bằng một đòn dài để treo võng điếu. Trường hợp này, đòn thường có đầu phượng.
Với những kiệu long đình, thì ít khi được khiêng bằng đòn như ở kiệu bát cống, mà thông thường chiếc long đình (tương tự như một chiếc khám) được đặt trên một chiếc bàn khá cao, kiểu như nhang án, rồi lồng đòn đơn giản màu đỏ để bọc người khiêng. Cũng có chiếc long đình có sáu mặt hoặc tám mặt được đặt trên một ỷ bốn chân và được lắp đòn khiêng hình rồng… Các long đình này thường đi trước kiệu chính, trên đó người ta để hương nến và một số đồ lễ.