Khánh – Bảng
Bảng và khánh là một trong các món pháp khí của Phật giáo, dùng vào cả ngày lẫn đêm ở các tùng lâm, tu viện, phật học viện… Cả xưa lẫn nay chúng còn thường được dùng làm hiệu lệnh báo tin giờ tu học, tụng kinh, thọ trai, chấp tác… cho chúng tăng.
Theo trong sách Tượng khí tiêu, quyển thứ 18 có chép rằng: “Ngài Vân Chương nói: hình của bảng giống như đám mây nên người ta cũng gọi tên của bảng ấy là vân bảng”. Còn theo như ngài tục sư lão hòa thượng có thuật rằng: vua Tống Thái Tổ cho rằng: “Tiếng trống hay làm giật mình người ngủ, nên thay vì dùng trống, vua Tống Thái Tổ lại chế ra thiết khánh” (khánh bằng thiết hoặc đồng). Loại khánh này cũng gọi là vân bảng vì hình dáng của nó giống như cánh dơi, trên bề lưng lẫn mặt có những đám mây qua lại. Loại này có chỗ gọi là chinh vậy. Theo như ngài Vân Chương trong sách Tượng khí tiêu nói trên thì hình ảnh của bảng giống như đám mây và làm bằng đồng, thiếc. Nhưng nay ở các tùng lâm, tự viện thì dùng bằng gỗ và chạm trổ theo hình bán kính bát giác. Bề cao của bảng khoảng chừng bốn tấc tây (một tấc tây bằng 10 cm) và bề rộng khoảng độ hai tấc tây. Bảng cũng được thay thế cho trống và dùng trong trường hợp nói trên, đồng thời phân phát đồ cúng dường hay xử đoán những việc của chúng tăng… Bảng và khánh ấy trong luật thường gọi là kiền chuỳ thần. Cách dùng không khác nhau mấy, chỉ có hình thức và nhiên liệu chế tác có khác mà thôi. Ngày xưa thiếc và đồng còn hiếm hoi nên có nơi các tổ sư làm bằng đá cẩm thạch – loại đá tiếng kêu tương tự như loại khánh đồng thường và nhỏ tiếng hơn. Ở các chùa tổ xưa loại này đôi khi cũng còn dùng. Còn ngày nay ở các tòng lâm tuy cũng có sắm khánh nhưng ít dùng đến, chỉ chuyên dùng bảng mà thôi.
Trong hệ thống khánh bảng, thông thường khánh được làm bằng đồng, còn bảng hay được làm bằng gỗ. Có lẽ những khánh bảng cũng đã bị thu hồi như chuông, nên các khánh cổ ít gặp. Vì thế chiếc khánh đồng có niên đại vào đời Vĩnh Trị thứ hai (1677) hiện đặt tại chùa Thiên Mụ (Huế) được tạm coi là cổ nhất. Đặc điểm của khánh mang dạng như con dơi đang bay, viền quanh là hệ thống dây leo tay mướp nổi. Đáng quan tâm là vú khánh được thể hiện thành một mặt trời tỏa những đao mác, phía trên đó là chòm thất tinh đã như một khẳng định đây là chiếc khánh gắn với triều đình. Điểm trên nền khánh là 28 chòm sao khác (nhị thập bát tú), ít nhất đã biểu hiện về bầu trời văn học, như một dạng “tao đàn” dưới thời Lê Thánh Tông.
Một chiếc khánh khác thuộc chùa Đại Bi (Vân Lũng – An Khánh – Hoài Đức – Hà Tây) cũng có kích thước xấp xỉ khánh chùa Thiên Mụ, được làm vào đời Cảnh Hưng thứ sáu (1745). Chiếc khánh này có hai đầu cong lên rồi cuộn lại. Ngoài bài minh, đỉnh khánh để rõ ràng “Phúc Lâm viên Đại Bi tự tứ linh bảo khánh”. Rõ ràng chiếc khánh này lấy ý nghĩa của long, ly, quy, phượng làm trọng tâm. Ở chính giữa, phía trên, giáp với cổ khánh là một con rồng uốn lượn trong mây, dưới rồng (ở bụng khánh) là một long mã đang chạy trên sóng nước, lưng đội vú khánh có viền đồ hình bát quái. Hai bên, phía trên, là đôi phượng vũ như nằm ấp trên ổ mây cuộn. Dưới bụng cả hai phượng là đôi rùa đang bơi. Có thể nghĩ rằng “bộ tứ linh” kể trên hiện được coi như sớm nhất, cùng được tạo tác trên một không gian trang trí. (Kích thước của khánh như sau: bề ngang 136cm; độ cao nhất 88cm; dày 3 cm).
Vào sau thời gian này khánh đồng đã được tìm thấy ở nhiều nơi, như tại chùa Thầy (Hà Tây), chùa Đọi (Hà Nam) rồi nhiều chùa khác v.v… Xu hướng trang trí của chúng đơn giản dần, ngược lại nhiều khánh lại lấy bài minh làm trọng (như bài minh của Phan Huy Thực trên khánh chùa Thầy đã nói lên ý nghĩa triết học của tiếng khánh, đồng thời cũng thoáng biểu hiện về tư tưởng Thiền, Lão ở trong một số nhà Nho…).
Một dạng khánh bằng đá cũng khá phổ biến ở nước ta, hiện nay có thể nghĩ khánh chùa Tam Sơn được làm vào cuối thế kỷ XVII ở Tiên Sơn – Bắc Ninh được coi là đẹp nhất: Khánh có đường viền hoa dây linh thú và đao mác. Lòng khánh chạm phượng ở hai góc, đuôi ấp mặt trời mặt tràng, như mang nhiều ý nghĩa linh thiêng. Kích thước của khánh bằng hoặc lớn hơn khánh đồng, song độ dày có khi tới trên 10 cm. Những khánh đá sau thời kỳ này thường đơn giản, ít trang trí như khánh ở chùa Sủi, chùa Kiến Sơ (Gia Lâm – Hà Nội) v.v…
Những bảng gỗ đẹp và lớn nhất có lẽ là ở chùa Đậu (Thường Tín – Hà Tây). Bảng thường có dạng hình chữ nhật “chém” hai góc trên. Bảng chùa Đậu cao xấp xỉ 70cm, rộng tới hơn 130cm, đó là một tác phẩm nghệ thuật được chạm đầy mây cuộn, ẩn hiện trong đó là đôi rồng cùng chầu vào trung tâm là một cụm vân xoắn hình chữ S bối lửa. Rõ ràng đây là một đồ thờ mà người ta tin rằng khi gõ bảng là biểu hiện lời cầu cho sấm chớp và mây trời vần vũ để đem đến cho muôn loài nguồn nước phồn thực. Hiện vật này gần như duy nhất và có niên đại vào cuối thế kỷ XVII.
Mõ thường được dùng ở trong chùa, chủ yếu được làm bằng gỗ, rồi nhiều dạng khác nhau. Theo tập san Nghi lễ thì:
Xuất xứ: Trong bộ sách Sắc Tu Thanh Quy Pháp Khí về chương Mộc Ngư có chép rằng: Lời tương truyền: Loài cá luôn luôn thức, không bao giờ ngủ và rất hoạt động. Vì vậy, khi tạo loại pháp khí về mõ, thời chạm trổ kiểu cách của mõ theo hình con cá, có ý nghĩa là: bởi vì tiếng mõ có thể đánh thức được hồn tỉnh, làm cho mọi người tỉnh cơn mê muội…!
Trong sách Chính Ngôn đời nhà Đường cũng có chép rằng: Có một người bạch y đến hỏi một vị trưởng lão ở Thiên Trúc rằng: Vì sao ở các tăng xá đều có treo mõ? Vị trưởng lão trả lời: Vì để cảnh tỉnh chúng tăng tại các tăng xá, tự viện ấy. Người bạch y lại hỏi tiếp: Nhưng tại sao lại tạc hình con cá? Vị trưởng lão nọ không trả lời được, người bạch y lại liền đến hỏi ngài Ngộ Biện, ngài này giải thích rằng: Cá là loại không khi nào nhắm mắt và thích hoạt động, cũng vì muốn cho người tu hành ngày đêm quên ngủ, gắng công tu tập, mau chứng được đạo quả, nên treo và đánh mõ tạc hình con cá là có ý nghĩa như vậy.
Ý nghĩa và cách sử dụng: Mõ có hai loại: Mõ chạm trổ theo hình bầu dục có tạc đầu cá và mõ hình điếu chạm nguyên hình con cá nằm dài. Loại mõ hình bầu dục nói trên dùng để đánh trong khi tụng niệm, còn loại mõ hình điếu thì thường treo ở nhà trù và để đánh báo tin giờ thọ trai.
Đánh mõ có hai ý: Một là để khi tụng niệm được nhịp nhàng đều đặn, không lộn xộn, và như thế vừa giữ được vẻ trang nghiêm và nhất là làm cho người tụng niệm không bị rối trí loạn tâm, để chuyên chú vào lời kinh tiếng pháp. Hai là, để cảnh tỉnh tâm trí người tụng niệm khỏi bị hôn trầm, và cũng chính vì ý này mà quai mõ, thân mõ thường chạm trổ hình loài cá, là một loài không bao giờ ngủ, luôn luôn tỉnh táo vậy. Bởi vậy, người đánh mõ gọi tên là “duyệt chúng”, tên này có nghĩa là làm đẹp lòng chúng trong khi tụng niệm, nên đánh mõ tụng niệm không phải là chuyện dễ. Nếu đánh không có quy củ, phép tắc và lộn xộn, thì không hướng người tụng vào một con đường duy nhất, thì khó nhất tâm tránh niệm, rốt cuộc buổi lễ tụng niệm ấy không gặt hái được thành quả là bao. Chính ngay vị Duy Na cũng vậy, bởi vì vị này nắm giữ mực thước, điều hành buổi lễ nên lại càng chú ý nhiều hơn nữa. Đánh mõ ở nhà chúng, đồng thời cũng còn có ý là để báo tin giờ thọ trai, tụ tập… trong các tùng lâm, tự viện như cách dùng báng, khánh… vậy.
Mõ gắn với đạo Phật, chắc chắn có từ rất sớm, với chất liệu bằng gỗ nên hầu như khó có thể tìm được dấu vết vật chất của nó trước thế kỷ XVI. Chiếc mõ sớm nhất hiện có thể còn thấy được là do từ ngôi chùa nào đó bị lưu lạc đến đền Yết Kiêu (Tứ Kỳ – Hải Dương). Đây là một chiếc mõ khá lớn được làm dọc theo thân gỗ với hình thức bên ngoài là một cá hóa rồng. Những chi tiết của đầu rồng và những đao mảnh nhẹ, dài bay ra sau phủ lên thân đã cho phép chúng ta xác định về niên đại tương đối của mõ (nửa cuối thế kỷ XVI). Có thể nghĩ mõ đền Yết Kiêu khá đẹp và cổ nhất trong các mõ hiện biết.
Dạng mõ hình cá như kể trên có lẽ từ thời sau không được làm bằng gỗ mít nữa, nên chúng khó bền vững, vì thế suốt cả thế kỷ XVII chúng ta khó gặp. Tới thế kỷ XIX, đây đó mõ cá lớn cũng lại xuất hiện, song không nhiều. Trong đó, chiếc mõ ở chùa Thổ Hà (nay đặt tại đình) được coi như một dẫn chứng. Chiếc mõ này ở lĩnh vực nghệ thuật khó có thể sánh với mõ ở đền Yết Kiêu.
Dạng mõ phổ biến nhất trong các ngôi chùa là mõ tròn. Chúng có nhiều dạng to nhỏ khác nhau, có cái chỉ bằng nửa nắm tay, nhưng có cái to bằng chiếc thúng (đường kính xấp xỉ 50 cm). Hầu như các mõ đều được trang trí, ít thì vài cụm mây, nhiều thì cũng chỉ là một đầu rồng há miệng cắn đuôi mõ. Trong hình thức này có nhiều ý kiến khác nhau:
- Coi đầu rồng là hổ phù và miệng mõ cũng đồng nhất với miệng hổ phù.
- Ý kiến thứ hai coi đó là miệng cóc để đồng nhất tiếng mõ với sự cầu xin nguồn nước.
- Ý kiến thứ ba coi là miệng cá thần trong ý thức nhắc nhở người tu hành cần phải chuyên tâm.
Tuy nhiên, do sự tản mạn của nhận thức, nên mõ đã có sự biến đổi về trang trí ở thời gian gần đây. Chúng ta đã tìm được những chiếc mõ lớn mà đuôi mõ được thể hiện bằng hai đầu rồng chầu trong thế chạm tròn, còn thân ráng được chạm chìm trên mặt mõ.
Gần đây, do chiếc mõ bước một chân ra ngoài xã hội, nên chúng phần nào đã chuyển hóa về hình thức, phổ biến là hình cóc ngồi, đôi khi nó cũng hóa thân dưới dạng con lân hoặc các hình thức khác.
Vào thời cổ đại, với nền văn minh Đông Sơn, người Việt đã đúc được nhiều trống đồng. Những trống này với hình trang trí có nhiều đề tài về biểu tượng thiên nhiên, con người, chim, thú, thuyền… Theo ý kiến của các nhà khoa học, thì trống đồng mang rất nhiều ý nghĩa, như biểu hiện về quyền uy của tù trưởng, của lịch pháp, cũng có người còn nghĩ tới nó là biểu tượng để giao tiếp với tầng trên. Song, những hiện vật của thời kỳ xa xưa ấy giữ vai trò gì trong đồ thờ thì chưa xác định được rõ ràng. Vào thời kỳ quân chủ, nhiều trống đồng đã mang tư cách trống trận, lịch sử cho biết tướng giặc nghe tiếng trống của người Việt đã sợ bạc cả tóc. Những chiếc trống trận ấy có liên quan gì đến đền Đồng cổ (Bưởi – Hà Nội), mà các vua nhà Lý thường đem quan lại đến để thề với nhau?… Tất nhiên chiếc trống cổ này hiện nay cũng không còn nữa. Với đền Đồng cổ, chắc chắn trống đã trở thành vật thiêng liêng, được thần hóa, là một biểu tượng của hạnh phúc và quyền uy. Song hình dạng của nó có bắt nguồn từ các dạng trống Đông Sơn hay không thì giờ đây chúng ta chưa thể biết được.
Tới thời Tây Sơn, cuối thế kỷ XVIII, rất may mắn chúng ta đã tìm được một chiếc trống đồng được đặt thờ tại chùa làng ở Gia Lâm (nay là hiện vật của Bảo tàng Lịch sử). Về hình dáng, trống này đã tương tự như trống da loại trung hiện nay, cũng có tang khum khum cong tròn đều và chỉ được đúc kín một mặt. Những kiểu thức như trống Tây Sơn có nhiều người nghĩ nó gắn với hình dáng của trống da, mà trống da thì ít nhiều chịu ảnh hưởng của Trung Hoa.
Trong nhận thức của người Việt, trống có các tên gọi khác nhau tùy theo kích cỡ và chức năng. Với tư cách là đồ thờ, người xưa thường gọi những trống lớn là trống sấm, những trống này thường có kích thước mặt xấp xỉ từ 50 cm trở lên, đôi khi có mặt trống được thưng bằng da của cả con trâu mộng. Chiều cao của trống tương ứng xấp xỉ 70 cm cho tới trên 1,5 m (như trống chùa Thầy và một vài nơi khác). Những trống sấm xưa kia thường được treo trên giá với hình thức chạm trổ rất kỹ. Trống sấm của đền vua Đinh (Hoa Lư – Ninh Bình) có giá treo được coi như một hiện vật nghệ thuật vào loại sớm nhất nước ta – khoảng cuối thế kỷ XVII. Đỉnh của giá trống là đôi rồng đầy đao mác chạy ra, viền mép trên là thân rồng, hình thức rồng hai đầu chung thân này khiến chúng ta dễ nghĩ tới con rồng trong nghệ thuật Mường hay rồng trên bàn đạp yên ngựa có từ thời Trần. Kiểu thức như kể trên được nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ truyền cho rằng là của Việt, ít có ở Trung Hoa. Dưới bụng đôi rồng này còn được chạm một đôi rồng khác chầu mặt trời. Tiếp dưới là một đòn ngang ăn mộng vào đầu hai cột để tạo nên chiếc giá treo trống. Hai góc áp sát cột và đội bụng giá treo là hai đầu rồng theo kiểu đầu dư của kiến trúc, thân cột cũng được chạm trổ hình rồng rất kỹ, rồi chôn chân vào một đế kết cấu kiểu đấu “con sơn”. Chiếc trống đại gốc của đền cũng không khác lắm với các trống ở các di tích tương ứng. Tang trống sơn màu đỏ mận làm nền cho những hình trang trí mây cuộn và rồng được vẽ bằng nhũ vàng. Mặt trống được viền xung quanh mép là hàng văn chữ s nằm ngang nối nhau. Trung tâm là hình tròn “lưỡng nghi”.
Ở các giá trống thời sau thường đơn giản hơn, nhiều khi đòn treo trống chỉ gồm đôi rồng chạy ra, có thân đồng nhất với đòn. Cũng có khi không có rồng mà đòn này chỉ được điểm vài cụm mây cuộn cân xứng. Các cụ ở Hoa Lư cũng như ở nhiều nơi cho biết rằng trong những trường hợp này, rồng được đồng nhất với bầu trời mây, đao của chúng gắn với sấm chớp… đó là một hợp thể chứa đựng “gốc gác” của nguồn nước. Còn chiếc trống với tang màu đỏ và rồng, mây như biểu hiện cho bầu trời sinh khí. Hoa văn chữ S cũng được coi là hình tượng của chớp. Khi tiếng trống rung lên, là lưỡng nghi đối đãi, trời đất vần xoay, đồng thời người ta coi như đó là tiếng sấm gọi mưa, gọi mùa để cho muôn loài sinh sôi theo quy luật thường hằng của tạo hóa.
Suy cho cùng, trống sấm ở trong các di tích đã có một ý nghĩa về việc cầu phồn thực mà đối với dân ta là việc cầu mưa. Dần dần, những trống này trở thành trống hội làm náo nức lòng người, đồng thời cũng là lời cầu phúc tới muôn nhà. Ở trong các ngôi đình, đền gắn nhiều với việc rước kiệu, còn có chiếc trống khẩu (cũng mang tư cách trống lệnh), trống nhỏ dày độ 7, 8 cm, mặt rộng khoảng từ 20 đến 30 cm, có gắn chiếc cán để cầm. Trống này được điểm để chỉ huy quân kiệu, tạo nên thế trang nghiêm, trật tự.
Với những ngôi chùa thuần thờ Phật, khi xưa thường không có trống da (vì xuất phát từ tâm từ bi). Những ngôi chùa kiêm tính chất đền (vừa thờ Phật, vừa thờ Thánh) thì trống da cũng đã xuất hiện.
Trong Tập san Nghi Lễ có ghi ý nghĩa về trống trong đạo Phật, như sau: a) Xuất xứ: Trong kinh Kim Quang Minh có chép: Một hôm Ngài tin tưởng Bồ Tát nằm mộng thấy một cái trống thật lớn bằng vàng. Trống ấy có chiếu ra hào quang sáng rực như mặt trời. Trong hào quang có rất nhiều Đức Phật đang ngồi trên tòa sen lưu ly đặt dưới những gốc cây báu. Chung quanh các Đức Phật đều có trăm nghìn ức các vị đại đệ tử ngồi chăm chú nghe pháp. Lúc bấy giờ có một người ngồi như vị giáo sĩ của đạo Bà La Môn đang cầm dùi trống đánh mạnh vào chiếc trống vàng nói trên, tiếng trống vang rền nghe như lời kinh sám hối, khi đã tỉnh mộng, Ngài tin tưởng Bồ Tát liền đem những điềm mà mình đã được nghe thấy trong giấc mộng trình lên Đức Thế Tôn. Trong kinh Lăng Nghiêm cũng có chép: Này A Nan (lời Đức Phật) người hãy nghe tiếng trống mỗi khi dọn cơm xong và tiếng chuông mỗi khi nhóm họp đại chúng trong tịnh xá Kỳ Đà này. Tiếng trống hoặc tiếng chuông ấy trước sau nối tiếp nhau. Vậy theo ý ông, mỗi khi ông nghe được các thứ tiếng ấy là vì nó tự bay đến bên tai ông, hay tai của ông đến nơi chỗ phát tiếng ấy?
Ý nghĩa và cách sử dụng: Trống có hai loại là trống đại và trống tiểu. Tiểu tức là trống kinh. Đại là thứ trống lớn đánh trong những lúc như trước khi đánh chuông vào đầu hôm và cuối đêm. Cách đánh theo thể thức bài tam luân cửu chuyển. Những bài kệ đánh trống ấy có ý nghĩa là: vì tiếng trống tượng trưng cho chánh pháp, chúng sanh một khi nghe tiếng trống chánh pháp ấy thì nghiệp chướng tất tiêu trừ và sẽ được thoát ly luân hồi sanh tử.
Ngoài ra, trong những khi thuyết pháp, khi làm lễ lớn ở điện Phật, cũng đều có dùng thứ trống lớn này. Còn khi thăng tòa thuyết pháp thì đánh ba hồi để triệu tập thánh chúng, cũng gọi là trống phổ cáo. Còn khi làm các lễ lớn như thỉnh Tam bảo, khai kinh, cúng ngọ… thì đánh theo thể thức bài Bát Nhã hội mà thường gọi là chuông trống Bát Nhã vậy.
Còn trống tiểu là thứ trống nhỏ dùng đánh trong những lúc tụng kinh bài sám và các trai đàn lớn v.v… nên cũng gọi là trống kinh. Cách đánh trống này rất phức tạp, không có một quy luật thống nhất nào cả, thế nên mỗi địa phương cách đánh đều khác nhau, nhưng đại khái là chỉ đánh theo nhịp và âm vận trầm bổng của các bài kinh, sám, tán tụng mà thôi. Thứ nữa là giúp thêm cho buổi lễ tăng phần trang nghiêm long trọng và cũng là một món nhạc khí trong các thứ nhạc khác để cúng dường tam bảo vậy.