Trụ Thờ Bằng Đá: Di Sản Kiến Trúc và Tín Ngưỡng Từ Cột Chùa Giạm Đến Các Thời Kỳ Sau

Trụ thờ bằng đá

Cột thờ mang tư cách trục vũ trụ đã xuất hiện ở rất nhiều nơi trên thế giới. Những trụ menhir từng thấy ở bầu trời châu Âu, rồi những trụ đá ở ven biển Senôgan châu Phi, những trụ khác ở Ấn Độ mà điển hình như trụ sắt Lumbini cao xấp xỉ 8m. Vượt qua trung tâm văn minh cổ đại của nhân loại, đến miền hoang dã của người A Sam – biên giới phía Bắc Miến – Ấn Độ, vẫn còn tục săn đầu đặt lên trên các trụ đá ở ruộng. Từ đó trở về với người Mường ở Việt Nam, với những ngôi mộ viền đá suối mà người dân vẫn đinh ninh rằng, trên những hòn đá ấy, linh hồn các kiếp đời đã qua, vào lúc nhá nhem tối thường đứng để nhìn về làng…

Có thể mỗi dân tộc có nhận thức khác nhau về những cây cột. Tuy nhiên, trên cơ bản, các nhà nghiên cứu thường thống nhất với nhau rằng một trong những ý nghĩa của chúng là mang tư cách “trục vũ trụ” – một chiếc cột nối tầng dưới và tầng trên – cũng có nghĩa là nó có sức linh để chuyển sinh khí qua các tầng thế giới.

Dưới dạng đồ thờ, ở nước ta có nhiều loại cột khác nhau, nhưng quy lại phổ biến thành hai loại: trụ đá thờcây hương.

Trụ thờ

Có thể thấy dưới dạng cột kinh hay trụ có trang trí khá lớn. Một trong những điển hình của mỹ thuật cổ dưới thời quân chủ là cột chùa Giạm. Chùa Giạm là một đại danh lam, được dựng vào năm 1086 do Nguyên phi Ỷ Lan đứng ra hưng công. Ngôi chùa ấy đã bị huỷ hoại theo thời gian. Ngày nay, bên sườn núi Giạm chỉ còn lại bốn cấp nền vắng lặng với những bức tường đá khối xếp vỉa lạnh lùng. Trong sự đổ vỡ tàn hoang đó, một chút may mắn còn sót lại là chiếc cột đá lớn ở cấp nền thứ hai (từ dưới lên).

Với tư cách là một chiếc cột riêng biệt, không phải là bộ phận kết cấu của một kiến trúc nào, cột chùa Giạm được coi là lớn nhất trong các cột đá còn tồn tại của mỹ thuật cổ nước ta. Cùng mang ý nghĩa ít nhiều tương tự như cột chùa Giạm còn có cột chùa Linh Xứng, cột chùa Diên Hựu (Một Cột) và có thể còn ở nhiều chùa khác (Bà Tấm?…). Thực ra, trước thời Lý cũng đã có nhiều cột đá, nhưng đó là những cột mang tính chất khác. Vào đời Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư có nhiều cột đá nhỏ ghi kinh Phật, mỗi cột chỉ cao trên dưới 1m. Dưới triều Tiền Lê, cũng tại Hoa Lư, một cột đá ghi kinh khác cao xấp xỉ 3m đã được dựng tại chùa Nhất Trụ. Hình thức này cũng còn được lặp lại ở thời Trần, trên hai cột đá lớn trước cây tháp của chùa Phổ Minh…

Có lẽ những cột kinh kể trên chỉ cùng chung một ý nghĩa với cột chùa Giạm ở chỗ: cầu mong sự vĩnh hằng, mong cho Phật pháp dài lâu…

Cột chùa Giạm thông thường còn được gọi là “cột biểu”, đó là cây cột quý. Tới thế kỷ XIX, các vua triều Nguyễn còn sử dụng cột biểu để biểu thị uy quyền tối thượng. Ở các lăng mộ Huế, cột biểu được xây vuông cao, thường bố trí hai cột hai bên, như mang sự phối hợp của âm dương. Tất nhiên, các cột này chỉ còn giữ lại ý nghĩa mang tính linh thiêng lắng đọng, tồn tại trong tâm thức dân tộc ta. Nhiều cuộc điều tra cho thấy, trên thực tế, người ta đã quên đi ý nghĩa khởi nguyên của cột. Với hình thức “cột biểu” thời Nguyễn, cột đã mất đi dáng vẻ của cột chùa Giạm, trở thành một cây tháp bốn mặt, nhưng không chia tầng.