Điểm lại các cây cột, với tư cách là di vật độc lập trong cả chặng dài lịch sử, có thể thấy cột chùa Giạm nổi lên như một điển hình.
Bố cục cột chùa Giạm:
Cột nằm ở phía ngoài, bên trái cấp nền thứ hai. Bệ cột là một nền tròn với đường kính 4,5m, cao xấp xỉ 1m, xung quanh bó đá tảng. Chân các viên đá tảng được gọt cong hình vỏ mảng, lồi hẳn ra, nối nhau hợp thành một đế nổi khối chắc chắn. Mặt đứng của các viên đá được chạm hai lớp “sóng” đỡ chồng lên nhau.
Lớp dưới là sóng nước với các đường cong lượn song song. Lớp trên là “sóng” hình nấm, theo kiểu thót chân, xoè tán, chân mở rộng nối nhau. Cứ giữa hai ngọn lớn lại nhô lên ngang hàng một ngọn phụ.
Chính giữa nền bệ là chiếc cột với hai phần rõ rệt:
- Nửa dưới của cột có hình khối bốn mặt, cạnh ở chân dài ngắn không đều nhau (1,4m và 1,6m). Lên cao khoảng 1,8m, góc đứng của cột được gọt trỏ thành một đế tròn, cao gần 0,4m, như làm bệ đỡ cho phần trên.
- Phần trên là một khối trụ không tròn hẳn, theo kiểu thượng thu hạ thách, cao khoảng 1,95m, đường kính dưới xấp xỉ 1,3m. Bao quanh mặt phía dưới khối trụ (chiếm độ cao khoảng gần 1m) là đôi rồng được chạm nổi khối, ngoắc đuôi với nhau rồi chạy từ sau ra trước.
Phía trên, gần đầu cột, người ta đã khoét một số lỗ nông hình cửa vòm cuốn, với kích thước to nhỏ không đều nhau. Phần đỉnh cột, ở một phía còn bị khoét xuống thành một bậc thấp nữa (bậc này cao xấp xỉ khoảng 0,25m).
Một số ý kiến quanh cột đá chùa Giạm
Vào những năm 60 của thế kỷ này, một số người (ở Vụ Bảo tồn Bảo tàng) đã nghĩ tới cột đá chùa Giạm là một bộ phận của kiến trúc theo dạng chùa Một Cột. Họ cho rằng những lỗ nông ở đầu cột là mộng đứng chân của các con chống, đỡ rầm ngôi chùa nhỏ (?!) Ý kiến này không tồn tại được lâu, bởi nó thiếu cơ sở khoa học. Người ta thấy rõ ràng rằng – chỉ một trận bão thì ngôi chùa chênh vênh theo cảm nghĩ đó sẽ bị mất dạng.
Cây cột cũng không thích ứng cho việc cắm cờ hay cắm phướn như một số người đã thoáng nghĩ tới.
Gần đây, một tác giả trong cuốn Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, H.1977, đã dè dặt đưa vào chú thích một hướng suy nghĩ mới – cột chùa Giạm là hình ảnh của Linga. Đó là một ý nghĩ đột ngột, song đã gây nhiều suy nghĩ cho những người quan tâm tới nó.
Chúng ta biết rằng, tục thờ đá đã phổ biến ở nhiều cư dân trong vùng Đông Dương. Đó là hòn đá Ông Tà của người Khơme, các hòn đá thiêng liêng trong đồ cúng của các ông mo người Mường hay thầy cúng Tây Nguyên. Người Việt đã để đá trong “bối tâm” tượng, hoặc nhiều khi là vật đặt thờ, như trong đền thờ Tứ Pháp… Nói chung, những hòn đá đó đã được gán cho một linh hồn vũ trụ, có khả năng tác động đến cuộc sống con người. Dưới dạng đá như những cây cột hay dạng cắm, thì nó còn chứa đựng một ý nghĩa là vật chuyên chở sinh lực hay linh hồn. Quan niệm này đã thấy ở một nhánh người Naga (Miến Điện). Người Mường đã tin rằng những hòn đá cắm quanh mộ là chỗ đứng của các cuộc đời đã qua. Linh hồn người chết từ dưới mồ đi qua những hòn đá đó rồi đứng dậy nhìn về làng với sự nuối tiếc…
Nhiều cư dân ở Đông Dương cũng đã thờ đá dưới dạng Linga. Một số ngôi chùa của người Mường (Bắc Bộ) mà ở dưới mái đá có một chòm đá nhô lên, được người ta coi là Bụt, đôi khi có cả Bụt đực, Bụt cái. Nhiều người đã nghĩ tới đó là hiện tượng Phật hóa Linga cổ. Ở người Việt cũng đầy hiện tượng tương tự, điển hình như ở chùa Hương, trong việc xoa đầu cô đầu cậu…
Chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ, thần Siva đã bước lên điện thờ của nhiều cư dân Đông Dương và một trong những biểu tượng của Siva là Linga. Ở phía Nam Đông Dương, vài người Khơme, người Chăm thì Linga với hình thức cột là một hình tượng phổ biến, càng lên phía Bắc, hình tượng này càng nhạt dần. Người ta tin Siva là một tối thượng thần tổng hợp, có một quyền năng chúa tể, tất cả đã từ Người mà nảy sinh, cũng từ Người mà bị hủy diệt… Dưới hình thức Linga, Siva tượng trưng cho sức mạnh sáng tạo. Truyền thuyết Ấn Độ có kể rằng Vishnu và Brahma đã cãi nhau để giành quyền ai sáng tạo ra thế giới. Lúc đó, đột nhiên xuất hiện một cây cột đen rực lửa. Hai thần bèn quyết tìm đến cội nguồn. Brahma biến thành thiên nga bay lên và Vishnu biến thành lợn lòi để đào xuống. Cuối cùng cả hai đều không tới được đích, nên cùng sụp lạy cột. Từ cây cột, Siva xuất hiện và phán bảo rằng các thần chỉ là những hóa thân của một thực thể tuyệt đối – đó là Siva. Trước sức nóng của cột, các thần đã dùng pháp thuật để ẩn vào chính cột đó. Phần gốc là nơi của Brahma, phần giữa là nơi của Vishnu và phần trụ trên cùng là nơi của Siva.
Đa số Linga của người Chăm thường chia thành hai phần, phần trên tròn là nơi của Siva, phần dưới bát giác và vuông là nơi của Vishnu và Brahma. Như vậy, một chiếc Linga thường biểu hiện về nơi ngự của cả ba vị thần (sáng tạo, bảo vệ, phá huỷ) hay cột đã nói lên sự nhất thể của cả ba vị thần đó. Bởi Linga mang tính chất huyền vi như vậy nên đã có thời nó trở thành những vật thờ chính trên điện thờ của nhiều cư dân trong vùng Đông Nam Á.
Ở Campuchia, có thời vua như một biểu hiện hữu hình của thần linh, và Linga của hoàng gia như tượng trưng cho uy quyền tuyệt đối của vua. Tượng hoặc bài vị của vua quá cố được thể hiện dưới dạng biểu tượng Linga. Trên cơ sở đó, nhà vua đã như một hóa thân của Siva tối thượng.
Tóm lại, Linga đã tượng trưng cho mọi sức mạnh nảy sinh, cho sự trường tồn, cho chân lý tuyệt đối. Linga là biểu tượng của tối thượng thần Siva, là vật chở những siêu lực vũ trụ (linh thiêng) chi phối hạnh phúc của con người. Linga duy trì sự sinh sôi nảy nở của mọi loài, của cây trồng…
Trở lại các cây cột của thời Lý, mở đầu với cột chùa Diên Hựu (được làm năm 1049) – đó là cây cột được nói tới sớm nhất. Chùa Diên Hựu (như bia Long Đọi ghi) được hình thành để cầu trường thọ, cầu phúc cho nhà vua… Đã có nhiều ý kiến quanh ngôi chùa này.
- Một loại ý kiến cho rằng cột rất cao từ 20 đến 40m – đó là ý nghĩ tự tôn dân tộc quá đáng, có thể không phù hợp với tâm lý người Việt.
- Có ý kiến coi đó là Mandala, một tháp Phật giáo Mật Tông được dân gian hóa và Việt hóa đi rất nhiều. Ý kiến này như còn quá xa lạ và chưa được thuyết phục, mặc dù rất đáng để các nhà nghiên cứu Phật đạo suy nghĩ.
- Ý kiến của cụ Nguyễn Đăng Thục coi chùa Một Cột bắt nguồn từ chiếc Linga. Một cảm giác đầu tiên khi tiếp cận với ý kiến này, chúng ta thấy như có phần phù hợp với thực tế lịch sử. Và, chúng ta hiểu cột đá của chùa Diên Hựu đã như một vật chuyên chở tha lực của Phật và của Bồ Tát Quan Âm xuống cho đất và nước, từ đó làm sinh bừng lên cuộc sống hạnh phúc trường miên. Một hình ảnh tương tự cũng đã gặp ở người Naga cổ (Miến Điện), họ đặt đầu của người ở bộ lạc khác, mà họ chặt được, lên trụ đá, nhằm truyền sinh lực từ đầu này cho lòng đất, làm cây trồng nảy sinh.
Trở lại cột chùa Giạm, chỉ với hình thức thôi, chúng ta thấy nó như đã hội tụ đủ những ý nghĩa nêu trên. Kiểu cách tạo dáng vuông – tròn không đơn giản là ý nghĩa trời – đất, mà ở đó còn như chứa đựng nơi ngự của các vị thần. Đỉnh cột tròn là nơi của tối thượng thần, ở đó chứa đựng những siêu lực vũ trụ có sức tác động tới nảy sinh và hủy diệt… Trên phần thân của trụ tròn là đôi rồng nâng hai chiếc “lá đề”. Rồng chỉ ở thấp hơn đỉnh cột chút ít (khoảng 0,90m). Người ta đã thấy ở thời Lý (trong điều kiện hiểu biết hiện nay), chỉ các di tích nào gắn với vua mới được chạm rồng – rồng là một biểu tượng của nhà vua. Trong bố cục ở cột chùa Giạm, con rồng hiển hiện ra trên phần trụ tròn, nó như một biểu hiện hữu hình của tối linh thần. Và như thế, qua đây chúng ta như thấy sự cố ý đồng nhất thần linh với vua, để biểu hiện cho một uy quyền tuyệt đối.
Suy cho cùng, cột chùa Giạm là một hình ảnh của Linga – một hiện vật cụ thể của sự trở về với cội nguồn Đông Nam Á của dân tộc Việt, một minh chứng về ý thức giải Hoa dưới triều Lý (ở mặt tư tưởng).
Cột chùa Giạm còn là một Linga lớn nhất trên toàn cõi nước Việt hiện nay, đồng thời nó có giá trị nghệ thuật cao. Từ trên xuống, sát với đỉnh cột là 4 ô hình cửa vòm cuốn “bí ẩn” (nằm ở phía trên hai đầu rồng, ở bên trái và góc sau bên phải rồng). Một ý kiến mới, gần đây, có ngờ rằng đó là các hốc để gắn tượng thần hay vua theo kiểu như Linga Mukha. Và bởi không liền khối đá, nên các bức phù điêu đó đã bị thời gian làm cho thất lạc (?).
Dưới các hốc kể trên là rồng. Chính đôi rồng với thế mạnh vươn lên của chiếc đầu nổi khối và thân uốn khúc mềm mại ngoắc với nhau rồi quặt đuôi lên trên, đã tạo cho cột tránh được không khí lạnh lùng. Phần thân dưới của cột chỉ như dừng lại ở nét phác thảo, không được mài nhẵn. Có thể hình thức này mang một ý nghĩa nào đó mà chúng ta chưa biết, nhưng nó đã tạo nên một sự tương phản cần thiết cho phần trên của cột. Sự “phác thảo” ấy càng như thấy là cố tình nếu ta chú ý tới phần bệ cột, với các “sóng” được chạm tỉa vô cùng cẩn thận. Đó là các “sóng” hình nấm – dạng “sóng” này đã được một số nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ cho là bóng dáng của những cây vũ trụ (loại cây linh) có chân ăn ở dưới (âm), ngọn vươn lên trời (dương). Đó là cái gạch nối âm và dương để tạo nên một nguồn sinh khí cho đời, cho cuộc sống viên dung của tín ngưỡng.
Các trụ đá mang tư cách cây hương
Cho đến hết thế kỷ XVI, hình thức trụ đá dần dần không còn nữa mà một hình thức trụ mới dần được thay thế, đó là những cây hương. Nhiều cây hương có phần trên được kết cấu bốn mái, kế tới là kết cấu dạng lồng đèn. Trong trường hợp này, thực tế người ta đã để đèn hoặc nến vào đó khi hành lễ. Và, nhiều người nghĩ tới đèn đã mang hai tư cách: một là, cũng như hương, nó tạo khói bay lên trên như truyền tải mối quan hệ của con người lên thần linh; hai là, nó biểu hiện cho ánh sáng của đạo pháp tỏa chiếu xuống chúng sinh.
Một số nhà nghiên cứu thấy dáng dấp của cột đá này, ngờ rằng ít nhiều nó bắt nguồn từ một tính chất gần gũi với chùa Một Cột.
Thông thường các trụ đá này được làm dưới dạng vuông. Trên cùng là rìa bát hương, khi thì dưới dạng đài sen, khi thì được bổ ô trang trí linh vật hoặc hoa lá thiêng cách điệu.
Dưới bát hương nhiều khi là một đế vuông giật cấp hoặc có khi là một mái đá nhỏ của chiếc cột. Chân cột thường là một đế giật vài ba cấp nở dần ra (trụ đá chùa Chuông – Hưng Yên; chùa Đồng Kỵ – Từ Sơn – Hà Bắc; điển hình như trụ đá chùa Tứ Kỳ – Thanh Trì – Hà Nội, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử). Biến thể của những trụ này, mà một điển hình là cây hương bát giác cao gần tới 2m ở chùa Bôn Thôn (Thanh Oai – Hà Tây), được chạm trổ rất kỹ với nhiều đề tài về linh vật, biểu tượng thiêng liêng và hoa cỏ cách điệu. Cũng như trụ vuông, mỗi mặt của trụ đều được đóng khung trong một diềm lớn. Nhìn chung, các thạch trụ có phần trên như được biểu tượng cho thế giới nhà Phật. Phần giữa được chạm kỹ trong các khung, nhiều khi đã ghi ý nghĩa và sự tích liên quan đến thạch trụ, rồi tên người công đức và niên đại.
Cũng có những thạch trụ đặc biệt như ở chùa Lý Quốc Sư – Hà Nội, cao xấp xỉ 2,5m. Phần trên được tạo bởi ba vành tròn: vành thứ nhất hình lợi chậu với hai cánh sen ngửa kép, gốc xưa đó là bát hương; phần giữa lồi ra một hình vành khăn dưới dạng bào soi vỏ măng để chạm mặt trời hình bầu dục và hoa cúc cách điệu; phần dưới với hai đường diềm liền nhau, diềm trên được chạm nổi hoa sen bốn cánh, phần dưới thụt vào chút ít là hàng cánh sen vuông kép, trong lòng có vân xoắn đội nửa bông cúc. Ngăn cách giữa ba phần này là một đường diềm trơn thót hẳn lại. Nhiều nhà nghiên cứu ngỡ như đọc được ở đây một biểu tượng ít nhiều có liên quan tới đạo Phật Mật tông, với ý nghĩa hình thức này như biểu hiện cho thinh không và các tầng trời (?).
Dưới bụng của hệ thống kể trên được khoét lỗ tròn tạo mộng liên kết với trụ tròn ở bên dưới, đầu trụ được chạm hình lá sồi và điểm rất nhiều hoa cúc một cách cân xứng. Khỏi đầu thân trụ có lẽ được chạm chữ, nhưng nay không còn. Chân trụ cũng được làm tương tự như phần đầu trụ, song thay thế bằng hàng cánh sen ngửa với mũi nhọn. Trong lòng cánh sen đã biểu hiện kép bốn bằng các đường gồ bao quanh mép, làm nền cho hai vân xoắn lớn ở mũi cùng hoa cúc và đao trong lòng cánh. Trục được ăn mộng khít vào một đế hình trái dành. Mặt phía trên của đế được bao bởi một đường gờ để trơn rồi tới hai đường diềm chạm nổi: diềm trong là hoa dây, diềm ngoài là cánh sen.
Một nghi vấn được đặt ra là, phải chăng đây là biểu tượng về trần gian. Và như thế, trục tròn ở giữa đã như gạch nối giữa thế giới siêu linh nhà Phật ở tầng trên với thế nhân. Trong đó, trụ tròn đã như vật chuyển dòng cam lồ vào cõi ô trọc. Có thể nói đây là một trong không nhiều trụ đá điển hình về ý nghĩa và nghệ thuật của nước ta.
Trong một giới hạn nào đó, nhiều nhà nghiên cứu còn nghĩ tới các trụ đá của Việt ít nhiều có nét tương đồng về tính chất với Linga của Chăm. Nó cũng thiêng liêng và chứa một uy lực to lớn để đem hạnh phúc đến cho muôn loài. Do chịu ảnh hưởng của Phật giáo, đồng thời cũng ảnh hưởng phần nào của Nho giáo và văn hóa Trung Hoa, nên những trụ đá của người Việt đã được nghệ thuật hóa và biểu hiện dưới một dạng khác. Nó không giữ vị trí trung tâm như của bàn thờ Chăm. Tuy nhiên, chúng vẫn là những trục vũ trụ đầy tính linh thiêng, mang nét tương đồng.