Chùa Keo (Thái Bình)

Chùa Keo (Thần Quang tự), thuộc thôn Hành Dũng Nghĩa, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi.

Theo tư liệu lịch sử, năm Tân Sửu, niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ 3 (1061), đời Lý Thánh Tông dựng chùa Nghiêm Quang trên đất Giao Thủy (làng Keo/ấp Keo), thuộc Nam Định ngày nay. Tháng 3 năm Đinh Hợi, niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 5 (1167), đời Lý Anh Tông, chùa này được đổi tên thành chùa Thần Quang. Năm Tân Hợi (1611), một trận lụt lớn làm chùa bị trôi dạt, dân ấp Keo phải di dời đi hai nơi: một bộ phận định cư ở phía Đông Nam – hữu ngạn sông Hồng (nay thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định); một bộ phận định cư ở phía Đông Bắc – tả ngạn sông Hồng (nay thuộc thôn Hành Dũng Nghĩa, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Như vậy, sau năm 1611, làng Keo (gốc ở Nam Định) được chia thành hai làng. Sau đó, hai làng dựng lại chùa, tên Nôm đều gọi là “chùa Keo”. Để phân biệt, dân gian thường gọi chùa Keo ở Thái Bình là Keo Thái Bình hoặc Keo trên; chùa Keo ở Nam Định là Keo Nam Định hoặc Keo dưới. Chùa Keo Thái Bình được xây dựng xong vào năm 1632, tên chữ là Thần Quang tự.

Ngoài chức năng thờ Phật, chùa Keo Thái Bình cũng như chùa Keo Nam Định còn là nơi thờ Thánh Dương Không Lộ và những người có công lớn trong việc dựng chùa (Trịnh Thị Ngọc Lễ, Hoàng Nhân Dũng, Trần Thị Ngọc Duyên, Lê Hồng Quốc, Nguyễn Văn Trụ).

Chùa Keo Thái Bình được xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Lê. Chùa đã được tu bổ, tôn tạo nhiều lần, vào các năm 1689, 1707, 1941, 1957, 2004. Xét về quy mô, bố cục, đặc điểm và nghệ thuật kiến trúc, có thể coi chùa Keo (Thái Bình) là một trong những công trình sáng giá nhất trong hệ thống chùa dạng thức “tiền Phật hậu Thánh” cũng như dạng thức chùa “trăm gian” ở Việt Nam.

Với quy mô kiến trúc cổ rộng lớn bậc nhất trong các kiến trúc chùa chiền ở Việt Nam, chùa Keo cũng có nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, riêng có. Theo văn bia và địa bạ chùa Keo thì diện tích toàn khu kiến trúc rộng 28 mẫu (100.800m²), bề ngang dài gần 500m, chiều sâu khoảng 200 mét. Theo bản đồ địa chính xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, thì khu di tích chùa Keo hiện nay có diện tích 40.907,9m², đường giao thông nội tự (đường rước kiệu) có diện tích 654m². Tổng diện tích là 41.561,9m².

Chùa Keo quay mặt hướng chính nam. Mặt bằng các công trình chùa Keo được xây dựng cân đối theo lối kiến trúc đặc trưng nội nhị công, ngoại nhất quốc. Nếu tính Tam quan ngoại là kiến trúc điểm đầu và Gác chuông phía sau chùa là điểm cuối, thì hai điểm này nằm trên một đường thẳng theo hướng Bắc – Nam, gọi là đường thần đạo.

Được đánh giá là một kiệt tác nghệ thuật bằng gỗ (gỗ lim), chùa Keo còn được xem là công trình nghệ thuật lớn nhất với hơn một trăm gian lớn nhỏ khác nhau. Nói về số gian và số công trình, có nhiều nghiên cứu đưa ra những số liệu khác nhau. Thực tế là do cách kiêm đếm và xác định số tòa, số gian của các công trình phụ trợ mà thôi. Qua nghiên cứu văn bia, kế thừa các nghiên cứu trước và thực tế tại di tích, hiện tại chùa Keo còn tồn nguyên vẹn 12 tòa, 102 gian là công trình kiến trúc chính. Ngoài ra, có bốn tòa, 24 gian của các công trình kiến trúc phụ trợ, tổng số là 16 tòa, 126 gian.

Các công trình kiến trúc chính của chùa Keo gồm: Tam quan ngoại, Tam quan nội, Chùa Phật, Tòa chùa Ông Hộ, Tòa Ống muống, Tòa Tam bảo, Đền Thánh, Tòa Giá roi, Tòa Thiêu hương, Tòa Phụ quốc, Tòa Thượng Điện và cuối cùng là Gác chuông. Các công trình kiến trúc phụ trợ khác tại chùa Keo gồm có khu tăng xá, trong đó có nhà tăng xá, hai nhà khách ở phía Đông và phía Tây của nhà tăng xá; nhà của ban quản lý chùa Keo.

  • Tam quan ngoại gồm ba gian, hai chái, khung gỗ, bốn chân hàng cột, mái lợp ngói mũi hài. Kết cấu vì chính theo kiểu giá chiêng, kết cấu vì nách theo kiểu chồng rường. Phía trước Tam quan ngoại có 4 trụ biểu và một sân lát đá, phía sau là một hồ nước, bờ kè đá, diện tích khá rộng. Xung quanh hồ là hệ thống đường giao thông dẫn vào khu vực Tam quan nội.
  • Tam quan nội ở phía sau hồ nước, khung gỗ, gồm ba gian, hai chái, ba hàng chân cột, bốn bộ vì, mái lợp ngói mũi hài. Hai vì giữa được kết cấu theo kiểu chồng rường, vì hồi được kết cấu theo kiểu kẻ chuyền. Đây là một kiến trúc khá độc đáo, nghệ thuật chạm khắc tinh xảo. Đặc biệt là bộ cửa ở vị trí trung quan, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII (Bộ cửa ở đây hiện nay là hiện vật phục chế, bộ cửa gốc hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).
  • Chùa thờ Phật: Chùa thờ Phật được dựng trên mặt bằng hình chữ Công, gồm ba tòa (chùa Ông Hộ, Ống muống, Tam bảo).
  • Chùa Ông Hộ được dựng theo thức tàu đao lá mái, gồm bảy gian, kết cấu gỗ, mái lợp ngói mũi hài. Khung kiến trúc gồm sáu bộ vì chính và hai bộ vì chái bồ câu, dựng trên bốn hàng chân cột. Các cấu kiện kiến trúc được chạm khắc rất công phu, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật kiến trúc thế kỷ XVII.
  • Tòa Ống muống khung gỗ, không có tường bao, gồm ba gian, bốn bộ vì, bốn hàng chân cột, kết cấu vì theo dạng thức thượng giá chiêng, hạ chồng rường, mái lợp ngói mũi hài, nối liền chùa Ông Hộ và Tam bảo. Trong không gian này có một chiếc sập thờ, mang phong cách nghệ thuật chạm khắc thời Lê Trung hưng, trên đặt bát hương ban Công đồng.
  • Tòa Tam bảo được dựng theo thức tàu đao lá mái, các bộ vì kiểu giá chiêng chồng rường, kết cấu gỗ, gồm ba gian, không có tường bao, mái lợp ngói mũi hài. Đây là khu vực an vị hệ tượng Phật giáo.
  • Đền Thánh và Tòa Giá roi: Đền Thánh được dựng theo dạng thức mặt bằng chữ Công, gồm ba tòa: Thiêu hương (5 gian), Ông muống (3 gian), Thượng điện (5 gian). Phía trước đền là tòa Giá roi (5 gian).
  • Gác chuông được làm theo dạng thức chồng diêm cổ các, gồm có ba tầng, 12 mái, khung gỗ, mái lợp ngói mũi hài. Đây là một kiến trúc thời Lê, được đánh giá là gác chuông to, đẹp nhất Việt Nam và được chọn làm một trong những biểu tượng văn hóa của đất Thái Bình.

Hai dãy hành lang phía Đông và phía Tây được dựng bao quanh chùa Phật – Đền Thánh, phía trước thông qua hàng dậu và Tam quan nội, phía sau kết nối với Gác chuông. Đây là nơi đi lại của các tăng ni, khách hành hương cũng như phật tử.

Chùa Keo mang đậm phong cách kiến trúc của Việt Nam, rất gần gũi và phù hợp với yếu tố tự nhiên, có cây xanh bóng mát, có hồ nước trong xanh, có đất trời vô cùng tươi đẹp.

Chùa Keo không chỉ là một địa điểm sinh hoạt tôn giáo, mà còn là một trong những trung tâm văn hóa lớn của Thái Bình và là nơi tổ chức các lễ hội lớn. Lễ hội Chùa Keo thường diễn ra vào tháng 9 âm lịch hàng năm với các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian, đua thuyền, múa rồng, múa lân, và nhiều hoạt động văn hóa phong phú khác. Lễ hội thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, vãn cảnh, thưởng thức không khí lễ hội, cầu bình an, hạnh phúc cho gia đình và nhân dân.

Chùa Keo là một điểm đến hấp dẫn không chỉ với những ai yêu thích du lịch tâm linh, mà còn là một nơi giao lưu văn hóa, nơi khơi dậy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, là một biểu tượng văn hóa nổi bật của Thái Bình.