Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình)

Lễ hội chùa Bái Đính diễn ra từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch hằng năm, tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư.

Lễ hội chùa Bái Đính – một trong những lễ hội lớn ở miền Bắc – là một lễ hội truyền thống điển hình của người Việt Nam. Chùa Bái Đính là một trong những di sản văn hóa quốc gia có giá trị về mặt lịch sử, tâm linh và danh thắng. Nơi đây không chỉ thờ các vị Sơn thần, Phật tổ, Bà chúa Thượng Ngàn mà còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc với các danh nhân như Lý Quốc Sư, Quang Trung, Đinh Bộ Lĩnh. Vì vậy, phần Lễ có các nghi thức: thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không; lễ tế thần Cao Sơn và chầu Thánh Mẫu Thượng Ngàn.

Lễ hội chùa Bái Đính được bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ thần Cao Sơn, đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần Hội với nhiều hoạt động nhộn nhịp, đông vui như: đấu vật, ném còn, đánh bài, kéo co, thi hát.

Với ưu thế của một quần thể chùa rộng, Lễ hội chùa Bái Đính thu hút đông đảo du khách tham gia. Do có những điển tích gắn với các vị vua Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Lê Thánh Tông và tín ngưỡng thờ Thánh Nguyễn, thần Cao Sơn, Bà chúa Thượng Ngàn, lễ hội chùa Bái Đính vừa mang ý nghĩa sùng bái tự nhiên, vừa thể hiện tín ngưỡng đạo Phật, đạo Mẫu và Nho giáo.