Đền Bảo Hà nằm dưới chân đồi Cấm, bên cạnh dòng sông Hồng chảy vào miền đất Việt, thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Nhìn từ xa, đền Bảo Hà rất uy nghi, tĩnh mịch; lưng tựa vào núi, mặt hướng ra sông Hồng và được xây dựng theo lối kiến trúc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Phong cảnh thiên nhiên nơi đây cũng thật hữu tình: trên bến, dưới thuyền, xung quanh là núi rừng bao la, rộng lớn xanh mướt một màu.
Đền được xây dựng gồm: cổng tam quan, sân đền, nhà khách, phủ chúa Sơn Trang, Tòa đại bái, Cung cấm, Cung nhị, Cung cộng đồng với diện tích, bài trí các pho tượng khác nhau, kiến trúc đơn giản không cầu kỳ. Trong các cung thờ chính của đền có các pho tượng: Đức Thánh Trần, Đức Vua Cha, Quan Tuần Trang, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Đông quan Bơ phủ, Mẫu Nhị, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thủy Tiên, Thiên Phúc Thiên Nhãn.
Đền thờ thần vệ quốc Hoàng Bảy, một vị anh hùng miền sơn cước có công đánh giặc phương Bắc, bảo vệ bản làng. Theo truyền thuyết kể lại, vào cuối đời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786), khắp vùng Quy Hóa, gồm châu Thủy Vĩ và châu Văn Bàn (thuộc Lào Cai bây giờ) luôn bị giặc phương Bắc tràn sang cướp phá, giết hại dân lành. Trước cảnh đau thương tang tóc ấy, tướng Nguyễn Hoàng Bảy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải. Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng châu Văn Bàn và củng cố, xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Trong một trận chiến không cân sức với quân giặc, ông đã anh dũng hy sinh, thi thể ông trôi theo sông Hồng tới Bảo Hà thì dạt vào bờ. Nhân dân trong vùng đã vớt, an táng thi thể ông và lập đền thờ tại đây để ghi nhớ công đức to lớn của ông.
Đền Bảo Hà có nhiều ngày lễ hội, trong đó những ngày lễ lớn là: Lễ thượng nguyên (rằm tháng Giêng), lễ tiệc quan tuần trang (25 tháng Năm âm lịch), lễ hội ngày giỗ tướng Hoàng Bảy (17 tháng Bảy âm lịch), lễ tết muộn (Tết Tất niên).
Hội chính đền Bảo Hà được tổ chức vào ngày 17 tháng Bảy âm lịch hằng năm (ngày giỗ tướng Hoàng Bảy), thu hút đông đảo du khách trong và ngoài vùng đến dự. Trong lễ hội có tổ chức rước kiệu, tế thần, dâng hương tưởng niệm, cùng các hoạt động văn hóa – thể thao khác. Ngoài những ngày lễ hội, vào những ngày thường (đặc biệt là vào mùa xuân), khách thập phương trong cả nước vẫn thường xuyên tụ họp tại đây để thắp hương tưởng niệm, cầu an, cầu lộc.