Lễ hội Phủ Dầy (Nam Định)

Hội Phủ Dầy được tổ chức từ mùng 1 đến 10 tháng Ba âm lịch hằng năm, gắn liền với Quần thể Di tích lịch sử – văn hóa Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, nhằm tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một biểu tượng trong “Tứ bất tử”, thuộc tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đây cũng là một trong hai lễ hội lớn mang tầm quốc gia ở Nam Định gắn với câu ca “tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”.

Theo truyền thuyết, Mẫu Liễu Hạnh là con của Ngọc Hoàng, xuống trần gian làm nhiều điều phúc đức, giúp đỡ dân chúng. Để nhớ ơn, dân chúng nhiều vùng đã lập đền và phủ thờ, suy tôn bà là “Mẫu nghi thiên hạ”. Một thuyết khác cho rằng Liễu Hạnh là hóa thân hội tụ của các Thánh Mẫu trong đạo thờ Tứ phủ cổ truyền: Mẫu Thượng Thiên đệ nhất sáng tạo ra trời, Mẫu Thượng Ngàn đệ nhị sáng tạo ra rừng núi, Mẫu Thủy sáng tạo ra nước, Mẫu Địa đệ tứ sáng tạo ra đất đai phì nhiêu.

Mở đầu Lễ hội, mùng 1 tháng Ba, dân làng đã tiến hành lễ kỵ Thánh Mẫu; sau đó, các cuộc tế được tiến hành theo nghi thức truyền thống. Nghi lễ đặc sắc trong hội Phủ Dầy là lễ rước kiệu Thánh Mẫu từ phủ chính Thiên Hương đến chùa trên núi Gôi và ngược lại, diễn ra vào mùng 6 tháng Ba. Nghi lễ rước kiệu Thánh Mẫu diễn ra hết sức long trọng, các cô gái đồng trinh được chọn để khiêng long đình, rước võng, v.v. Sau lễ rước Mẫu là hội kéo chữ (xếp chữ) được tổ chức vào mùng 7 tháng Ba. Đây là trò chơi đồng diễn thể dục xếp chữ Hán; việc xếp chữ gì do ban tổ chức hội quy định.

Ngoài ra, ở Lễ hội Phủ Dầy còn tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa khác như: hát văn, tuồng, chèo, trống quân, ca trù, đấu vật, kéo co, chọi gà, đánh cờ, v.v. Vào dịp Lễ hội Phủ Dầy còn có hội chợ bày bán các đặc sản địa phương.

Với những giá trị văn hóa tiêu biểu, ngày 9-9-2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định công nhận “Lễ hội Phủ Dầy” là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.