TỤC LỄ BÁI

Lễ bái là một đạo nghĩa nhằm thể hiện ý chí tôn kính, tưởng niệm đến những ân đức sâu dày của gia tiên, của chư Phật, chư Bồ tát, chư Hiền Thánh Tăng và tự thân phát nguyện tu tâm luyện trí nhằm trở thành người hữu ích trong xã hội, để làm tròn bổn phận con cháu của tông môn và để xứng đáng là đệ tử của các bậc thánh đức. Lễ bái còn là một đạo lý có tính chất quy hướng Chánh Giác, với mục đích diệt trừ những phiền não sinh tử. Trước hết, muốn thông suốt ý nghĩa và giá trị của sự lễ bái, chúng ta cần phải hiểu qua thế nào là lễ bái.

  1. Quan niệm về lễ bái
    • Lễ theo từ điển tiếng Việt là phép tắc phải tuân theo khi thờ cúng tổ tiên, quỷ thần, hoặc giao tế trong xã hội. Nói một cách rộng rãi dễ hiểu hơn, đây là những quy tắc nhất định về cử chỉ, đi đứng, nói năng trong các nghi lễ như Quan, Hôn, Tang, Tế, nhằm thể hiện sự cung kính và bao gồm cả những phép lịch sự chào hỏi nhau để biểu lộ sự thân thiện quen biết. Nó còn là một phương tiện đặc biệt để tạo dựng tình cảm. Người dưới gặp người trên mà không biết chào hỏi là thiếu lễ độ. Người trên không biết đáp lại lời chào của người dưới, thường bị mang tiếng là hách dịch, khinh người.
    • Bái: Là sự cung kính biểu hiện ở thân tướng, nghĩa là quỳ lạy bằng cách hạ mình xuống đất trước những bậc hiền đức mà mình tôn kính.

    Lễ bái: Tiếng Phạn là Vandana, nghĩa là lễ nghi cung cách với hình thức cúi đầu quỳ lạy trước những bậc tiền nhân thánh đức mà mình đã đặt trọn niềm tin quy ngưỡng hướng về, như lạy chư Phật, chư Bồ tát, chư hiền thánh tăng, như lạy cha mẹ, thầy tổ… Chúng ta quỳ lạy các vị đó nhằm biểu lộ đức tính khiêm tốn và để tỏ lòng tri ân, báo ân mà bổn phận kẻ dưới hằng tạc dạ ghi tâm, ân tiên công đức. Ngoài ý nghĩa thông thường trên, theo Phật giáo, sự lễ bái còn tiêu biểu nhiều ý nghĩa khác nữa, như “Chánh Quán Lễ, Phát Trí Thanh Tịnh Lễ, Thật Tướng Bình Đẳng Lễ và Biến Nhập Pháp Giới Lễ”.

Lễ bái là một đạo nghĩa nhằm tiêu biểu cho ý chí tôn kính, để tỏ lòng tri ân và báo ân nhằm trở thành những con người hữu ích trong xã hội, để làm tròn bổn phận của con cháu tông môn và để xứng đáng là đệ tử các bậc Thánh đức. Lễ bái còn là một phương pháp tu để diệt trừ lòng ngã mạn, cao ngạo, diệt trừ những phiền não, nghiệp chướng.

Lễ bái là một nghi thức tín ngưỡng thường thấy ở một số tín ngưỡng tôn giáo phương Đông. Khởi nguyên, lễ bái biểu thị sự phục tùng, tôn kính tuyệt đối với các uy lực siêu nhiên, đấng thần linh mà con người tôn thờ. Dần dần, tùy theo sự phát triển của mỗi tôn giáo mà có những ý nghĩa khác nhau trong cách thức lễ bái. Ở đây, chúng tôi không thể so sánh hết tất cả các hình thái nghi lễ mà chỉ giới hạn tìm hiểu cách thức lễ bái của Khổng giáo và Phật giáo mà thôi.

Theo truyền thống Việt Nam, dân tộc ta phần đông chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hoá của Khổng giáo và Phật giáo, là hai tôn giáo có công rất lớn qua quá trình lịch sử xây dựng đất nước. Mỗi người dân đều chịu ảnh hưởng không ít cách lễ bái của hai tôn giáo này. Thời xưa, vua chúa đã quy định rõ ràng, mỗi người dân khi lễ bái vua, quan, hiền thần, đình miếu thì phải áp dụng theo cung cách của Khổng giáo, và khi lễ bái Phật, Trời, hiền thánh, gia tiên… thì phải áp dụng theo cung cách của Phật giáo.

Về sau, người dân bị thất truyền, không được ai chú dạy ý nghĩa và cách thức lễ bái cho đúng pháp. Thành thử họ chỉ biết lễ bái theo thói quen, hành động không đúng nghĩa và cũng không đúng chỗ. Chúng ta muốn rõ nghi lễ của Khổng giáo thì nên đọc Văn CôngThọ Mai Gia Lễ, còn muốn biết nghi lễ của Phật giáo thì nên am tường Nhân Thừa Phật Học. Cả hai rất quan trọng cho cuộc sống làm người. Sự lễ bái mà người Việt Nam thường áp dụng đều theo nghi cách của Khổng giáo và của Phật giáo. Nghi thức lễ bái khác biệt giữa Khổng giáo và Phật giáo được giải thích dưới đây:

  • Theo quan niệm Khổng giáo: Cách lạy của Khổng giáo, trước hết con người phải đứng thẳng, tiêu biểu cho cái uy của kẻ sĩ. Hai tay cung thủ, nghĩa là hai tay nắm lại (tiêu biểu cho cái dũng của thánh nhân). Trước khi lạy, hai tay cung thủ đưa lên trán, kế tiếp đưa sang phải, rồi đưa sang trái là tiêu biểu cho Tam Tài (trời, đất và con người). Khi lạy, hai tay cung thủ chạm lên đầu gối chân phải và quỳ chân trái xuống trước, tiêu biểu cho sự tôn kính mà không mất cái uy dũng của kẻ sĩ; cúi đầu xuống đất là tiêu biểu cho sự cung kính những bậc mà mình đảnh lễ. Đó là cung cách và ý nghĩa tổng quát mà Khổng giáo quan niệm.
  • Theo quan niệm Phật giáo: Sự lễ bái của Phật giáo so với sự lễ bái của Khổng giáo có phần khác biệt về cung cách cũng như về ý nghĩa. Riêng về Phật giáo, ý nghĩa và giá trị lễ bái được rất nhiều kinh luận đề cập đến. Phật giáo quan niệm rằng sự lễ bái cũng là một trong những phương pháp tu tập để diệt phiền não mà bổn phận người con Phật phải hành trì thường xuyên nhằm được giải thoát tất cả nghiệp chướng khổ đau sinh tử và sớm chứng quả Bồ Đề Niết Bàn Tịch Tịnh…