TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM VẬN DỤNG LỄ NGHI TRONG THỜI ĐẠI MỚI
Lễ nghi bao gồm việc tế lễ đối với thần linh, đối với người cõi âm và cả việc giao tiếp, chào hỏi, thiết đãi đối với người đang sống. Lễ nghi đối với phần âm cũng như đối với phần dương phải tuỳ thời đại, tuỳ cảnh ngộ, tuỳ đối tượng, tuỳ phong tục địa phương mà vận dụng cho thích hợp.
1. VẤN ĐỀ NGHI THỨC TẾ TỰ
Nói riêng về tế tự đối với gia thần, gia tiên trong nhà từng họ, thời nay đã khác xưa nhiều. Từng nhà thì phổ biến là nghi thức thắp hương, khấn vái thay cho lễ hưng bái, phận hương[1], sái tửu[2], điểm trà, đọc chúc văn[3] v.v… Cả họ thì phạm vi rộng lớn hơn, uy nghi hơn. Thời xưa, lễ tổ phải dùng điển tể. Nghi thức “tế” cao hơn “lễ”. Tế phải có nhạc, có trống chiêng, có quỳ bái điển đọc, có sơ hiến, á hiến, tam hiến tuần[4]; mọi động tác phải tuân theo đúng lời xướng và tiếng trống, tiếng chiêng. Thời gian hành lễ phải một đến hai tiếng đồng hồ mới xong nhiệm vụ của người chủ tế và bồi tế, chưa kể thời gian từng chi một, từ lớp thúc phụ đến lớp con cháu lần lượt vào vái lạy, mỗi người bốn lạy, ba vái.
Thời nay, nhiều họ đã đổi mới. Buổi lễ tế Tổ hằng năm rất uy nghi, rầm rộ. Tất cả con cháu xa gần, trai gái, dâu rể, nội ngoại đều đến dự đông vui. Thay thế nghi thức lễ tế ngày xưa bằng nghi thức tưởng niệm công đức Tổ tiên: trình bày tiểu sử và công trạng Thuỷ tổ cùng các vị Tiên tổ, làm lễ dâng hương hoa và mặc niệm. Kết thúc buổi lễ, Tộc trưởng hoặc một vị thúc phụ đọc lời chúc tụng các vị cao lão trong họ, trình bày chủ trương, kế hoạch năm sau và phát lời kêu gọi, dặn dò con cháu.
Những năm gần đây, có một số họ, một số địa phương theo xu hướng phục cổ, tiến hành lễ tế có quỳ bái, điển đọc như xưa, tất nhiên không thể uy nghiêm như lớp cha ông ta ngày trước.
Vấn đề hiện nay nhiều người, nhiều nơi còn bàn cãi là: Họ ta nên tế Tổ theo nghi thức cũ hay mới?
Theo quan niệm của các cụ ngày xưa: “Tế như tại”, “Tế thần như thần tại” (Tế thần coi như thần đang hiện diện). Ta cứ hình dung: khi ta tế Tổ, tức là từ Thuỷ tổ đến các vị Tiên tổ các đời đang ngồi trên bàn thờ nhìn con cháu, ta cung kính lạy thờ các vị như thể các vị còn đang sống (Sự tử như sự sinh). Các họ tiến hành theo cổ lệ cũng có ý nghĩa nhắc lại cho con cháu đời nay biết không khí trang nghiêm mà cha ông ta đã từng thực hành.
Trong nghi thức cũng có những động tác có tính chất biểu tượng mà thôi. Thí dụ: trước khi vào tế, chủ tế và bồi tế phải làm lễ rửa tay (quán tẩy sở), chủ tế phải cùng với hai người chấp sự đi củ soát lễ vật, xem ấm chén, mâm bàn đã trang nghiêm tinh khiết chưa. Trong bài xướng có một mục gọi là “ế mao huyết” (sau mục: củ soát lễ vật). Người chấp sự đi kèm với chủ tế đem một cái đĩa trong đó có đựng sẵn vài cái lông bò (gà, lợn) gì đó cùng với tí huyết đã để sẵn trên bàn thờ đem xuống vứt bỏ đi, coi như đó là vật uế tạp (tượng trưng) phải loại đi trước khi hành lễ.
Trong bài xướng lại có mục “ẩm phước, thụ tộ” sau ba tuần rượu cúng xong. Biểu tượng: Thần hay Thuỷ tổ, Tiên tổ đã hưởng lễ xong, nay ban cho con cháu được hưởng lộc. Người chủ tế sau khi nghe xướng “ẩm phước, thụ tộ” sẽ bước lên quỳ trước hương án, hai người chấp sự hai bên bước lên nhận một chén rượu và miếng thịt vai (tộ) đặt sẵn ở bàn thờ cao nhất, đi xuống quỳ dâng cho chủ tế. Chủ tế cầm, vái một vái rồi uống và ăn ngay – có nghĩa là uống, ăn để thần linh chứng kiến.
Phong tục này có từ bên Trung Quốc. Chén rượu và miếng thịt vai là hai thứ quý nhất trong lễ vật. Sang Việt Nam thì dùng miếng trầu thay cho miếng thịt, vì ăn thịt nhai nhồm nhoàm trong khi đang cúng rất bất tiện, mà ở Việt Nam miếng trầu là quý nhất. Tất cả những động tác trên chỉ là biểu tượng của lòng thành kính.
Có bạn hỏi: Vậy thì nên theo nghi thức cũ hay mới?
Thật khó trả lời, còn phải tuỳ từng họ. Những năm gần đây, có một đoàn hành lễ chuyên nghiệp do toàn phụ nữ đảm nhiệm, có áo mũ, hải hốt rất đẹp, động tác lên xuống quỳ bái rất chuẩn, hợp điển, hợp nhạc, chuyên phục vụ lễ hội các địa phương. Nhưng chẳng lẽ lễ Tổ mà con cháu không cúng Tổ được, phải nhờ người ngoài hay sao?
Hơn nữa, các họ chúng ta khắp trong nước đã có họ nào phụ nữ đứng chủ tế chưa? Vậy nếu muốn tế theo nghi thức cũ thì phải có chủ tế, bồi tế, điển, độc, người đánh trống đánh chiêng… khoảng một hai chục người chấp sự trong họ biết làm. Hơn nữa, dẫu có tế lễ được như vậy, vẫn phải phổ biến giáo dục cho con cháu biết ý nghĩa buổi lễ, chớ để lớp trẻ coi như làm trò diễn kịch mà giảm lòng thành kính và mất không khí trang nghiêm. Dầu sao thì cũng chỉ một thời, đến khi các cụ lần lượt về chầu Tổ, con cháu cũng sẽ phải đổi mới.
Chú thích:
- Phận hương (hay thượng hương): Người chủ lễ đốt 3 nén hương, vái xong rồi cắm vào bát hương mở đầu buổi lễ.
- Sái tửu: Người chủ lễ cầm chén rượu vái một vái rồi đổ xuống đất trước bàn thờ.
- Chúc văn: Bài văn khấn cúng trong lễ tế.
- Sơ hiến, á hiến, tam hiến: Các tuần lễ trong tế lễ cổ truyền, xem bài xướng lễ để hiểu cụ thể
2. MẪU VĂN TẾ TỔ
Lễ tế Tổ hằng năm gồm Xuân tế, Thu tế, hoặc giỗ Thủy tổ, hoặc giỗ Tiên tổ đứng đầu nhà thờ từng tiểu chi.
Dù theo nghi thức cũ hay mới thì lễ tế Tổ cũng đông đúc và trọng thể hơn lễ thường cúng gia tiên. Do đó, văn tế Tổ thường là văn viết. Bài văn được viết rất cẩn thận, được các vị thúc phụ thông qua trước khi hành lễ. Chỉ những người đậu đạt hoặc có học thức cao trong họ mới được chọn viết văn và đọc văn. Người viết và đọc văn đều có phần biếu ngang với người điển lễ, chủ tế hoặc bồi tế.
Phần lớn các họ đều có mẫu văn tế viết sẵn riêng cho họ mình (gọi là long văn), nhất là các họ thờ lâu đời. Những bài văn đó do các nhà khoa bảng hoặc Nho sĩ trong họ soạn thảo, nêu lên được sắc thái, đặc điểm riêng của địa phương, của dòng họ và công trạng các vị Tiên tổ. Vì vậy, họ nào còn lưu trữ được thì nên dùng văn tế Tổ của họ mình, phiên âm hoặc dịch nghĩa cho con cháu đời sau dễ hiểu.
Dưới đây chỉ là mẫu văn gợi ý, phục vụ bạn đọc tham khảo để soạn thành văn dùng riêng cho họ mình:
Văn tế Tổ bằng âm Hán
(Chúng tôi dùng dấu / và // để ngắt hơi dài hay ngắn khi đọc văn)
Duy: CHXHCN Việt Nam / Đệ ngũ thập (lục) niên, tuế thứ (Canh Thìn), (Chính)
nguyệt, (thập ngũ) nhật / tại tỉnh, huyện, xã, thôn / (Nguyễn) tộc đại
tôn, tộc trưởng (Nguyễn Văn Mỗ) / hiệp dữ trưởng chi, cập các thứ chi / chư vị kỳ lão, thúc phụ, huynh trưởng, chi trưởng / hiệp đồng nội ngoại, nam nữ, tử tôn / đồng tộc đẳng / cúc cung vạn bái / cảm kiện cáo vu:
Kim nhật thị Thủy tổ khảo húy nhật (hoặc cứ cổ lệ tiến hành Xuân tế, hoặc Thu tế).
Cẩn dĩ / hương, đèn, trầm trà, phù trầu, kim ngân, minh y, hàn âm, tư thành, trư nhục, trai bàn, tĩnh quả, đẳng vật chi nghi / tại Thủy tổ khảo, tỷ (đọc vị hiệu tiền tước của Thủy tổ) / tọa tiền (hoặc vị tiền) / viết: Kim nhật húy nhật phục lâm / truy viễn cảm thần / bất thăng vĩnh mộ / cung trần bạc lễ / biểu thị đan thành.
Kính cáo liệt vị / Tiên tổ khảo tỷ tiên linh, cập chư phụ vị / thương vong tòng tự, đồng lai hâm hưởng.
Kính cáo / Đương cảnh Thành hoàng, bản địa Thổ công / Long thần đồng giám cách.
Cung duy:
Vật bản hồ thiên; nhân sinh do Tổ.
Ẩm hà tư nguyên: cương thường thiên cổ.
Ngưỡng càn khôn / phụ tải / ân thâm;
Cảm tông tổ / triệu bồi / khí tú.
Thiên thu / tổ phúc do tồn; Dịch thế / gia phong bất hủ.
Vụ quảng / tâm điển; Tư bồi / đức thụ.
Ngôn niệm tổ ấm, chứng minh / báo đáp chí thành;
Đã: tạ thần linh, tường diễn / tuy tương chi tố,
Nguyện các chi / nhi tôn hậu duệ / phồn thịnh khang ninh;
Cầu liệt vị / khảo tỷ tiên linh / phù trì bảo hộ.
Phục duy thượng hưởng; cẩn cáo.
Dịch nghĩa đại cương:
Hôm nay là ngày … tháng … năm … tại thôn … xã … huyện … tỉnh …
Tộc trưởng họ Nguyễn là Nguyễn Văn X, cùng với các vị kỳ lão, thúc phụ, huynh trưởng và trưởng các chi, hợp với toàn thể con cháu nội ngoại trong toàn đại tôn, muôn lạy kính cẩn thưa rằng:
Hôm nay là ngày giỗ Thủy tổ (hoặc Xuân tế, Thu tế theo điển lệ hằng năm).
Đứng trước linh tọa của Thủy tổ và các vị Tiên tổ, xin kính cẩn dâng hương nến, trầm trà, trầu rượu, vàng mã, xôi gà (hoặc cỗ bàn, hoặc cỗ chay, bánh trái), trình bày lễ mọn, biểu lộ lòng thành, kính mời liệt vị tổ tiên và các phụ vị thương vong cùng về hâm hưởng.
Kính cáo Đương cảnh Thành hoàng và Thổ công, Long thần cùng chứng giám.
Cúi nghĩ rằng:
Mọi vật do trời sinh; mọi người đều có Tổ.
Uống nước nhớ nguồn, đó là đạo cương thường vạn cổ.
Ngước nhìn lên nhờ ơn trời đất che chở, cảm tạ công đức Tổ tiên đã gây dựng, vun trồng.
Công đức nghìn thu vẫn còn, gia phong bất hủ.
Cúi xin rộng mở lòng nhân, vun trồng cội đức.
Khấn niệm Tổ tiên, mong chứng giám lòng thành.
Bái tạ thần linh, mong được lâu bền hưởng phúc.
Muốn cho con cháu các chi phồn thịnh, khang ninh,
Phải nhờ Tổ tiên nhiều đời phù trì, bảo hộ.
Một lần nữa cúi xin thượng hưởng, cẩn cáo.
BÀI XƯỚNG LỄ TRONG BUỔI LỄ TẾ TỔ
Mỗi năm có một kỳ đại tế. Ban hành lễ gồm:
- Chủ tế: Trong lễ Tổ là tộc trưởng. Trường hợp tộc trưởng già yếu, hoặc còn nhỏ chưa đến tuổi thành niên, hoặc đi vắng thì chọn vị huynh trưởng thay thế.
- Hai bồi tế: Hai vị kỳ lão. Tế Tổ thì hai vị huynh trưởng (bậc chú) đảm nhận.
- Điển xướng: Người điều khiển chương trình buổi lễ.
- Tả chúc văn, đọc chúc văn: Người viết văn và người đọc văn.
- Hai hội tán: Đứng đôi bên người tế chủ ngoài chiếu, dẫn tế chủ khi ra vào, coi như trợ lý thủ trưởng.
- Hai đồng văn: Người đánh chiêng, người đánh trống.
- Các chấp sự: Những người phục vụ khác trong việc dâng rượu, dâng hương, phúng văn tế, đốt văn tế v.v…
Trình tự tiến hành lễ do người điển xướng điều khiển:
Trước hương án (bái đường) trải sẵn 4 chiếc chiếu:
- Chiếu gần hương án nhất là chiếu thần vị
- Tiếp đến chiếu thụ tổ, ẩm phúc
- Thứ ba là chiếu chủ tế
- Thứ tư là chiếu bồi tế
Bài xướng tế:
- Khởi chỉnh cổ, các tam nghiêm: (Nổi chiêng trống ba hồi)
- Nhạc sinh tựu vị, cử nhạc: (Đội nhạc ngồi vào vị trí, cử nhạc)
- Cử soát lễ vật: (Kiểm soát lễ vật: 2 chấp sự dẫn chủ tế vào nội điện cầm hương nến xem xét)
- Ễ mao huyết: (Vứt lông và huyết)
- Chấp sự giả, các tư kỳ sự: (Mọi người chấp sự sẵn sàng tư thế vào buổi lễ)
- Chủ tế, bồi tế nghệ quán tẩy sở: (Chủ tế, bồi tế đến chỗ rửa tay, rửa mặt)
- Thuế cân: (Lau khô)
- Bồi tế tựu vị: (Bồi tế đứng vào chiếu trước)
- Tế chủ tựu vị: (Tế chủ đứng vào chiếu sau)
- Thượng hương: (Lễ thượng hương – hai chấp sự hai bên bưng lư hương và hộp trầm quỳ xuống giao cho chủ tế; chủ tế quỳ vái xong, chấp sự đặt lên hương án)
- Nghênh thần, cúc cung bái: (Tế chủ và bồi tế lạy bốn lạy theo nhịp chiêng trống)
- Bình thân: (Đứng nghiêm)
- Hành sơ hiến lễ: (Dâng rượu tuần đầu)
- Nghệ tửu tương sở, // tửu tương giả cử mịch: (Một nội tán dẫn chủ tế đến bên án đặt rượu)
Chú thích:
Quân hiến ẩm phước: Khi tế xong có ban phẩm vật còn thừa lại, đây là ơn huệ. Việc ấy trong lòng người đời cổ đại đến nay không bao giờ khác nhau. Không ai là không được thấm nhuần ân trạch ban cho. Người chủ tế ẩm phước thụ tộ là tượng trưng thay mặt toàn họ nhận ban ơn huệ.
Ẩm phước: Tức là uống rượu, được lộc của Thần, của Tổ ban cho.
Thụ tộ: Nhận miếng thịt vai, “tộ” là thịt vai. Sau này theo phong tục Việt Nam, ta dùng miếng trầu thay thế.
Ế mao riết huyết: Tức là vứt lông và huyết. Trong buổi tế, một người chấp sự cầm một cái đĩa đựng một ít tiết và mấy cọng lông trâu (hoặc bò) đổ đi.
Chước tửu: Rót rượu, chấp sự mở đài rượu.
Nghệ hương án tiền: Tế chủ và hai nội tán lên chiếu 1.
Quỳ: Quỳ.
Tiến tước: Một nội tán dâng đài rượu.
Hiến tước: Tế chủ vái, rồi hai nội tán đi hai bên nâng cao đài rượu đưa vào nội điện.
Phủ phục: Chủ tế cúi lạy.
Hưng: Đứng lên.
Bình thân phục vị: Xuống chiếu cũ, đứng nghiêm.
Độc chúc: Chuẩn bị đọc văn.
Nghệ độc chúc vị: Tế chủ lên chiếu 1, chấp sự vào, phủng văn tế ra.
Giai quỳ: Đều quỳ xuống (chủ tế, bồi tế, người chuyển, người đọc văn) – tất cả 5 người đều quỳ.
Chuyển chúc: Người chuyển văn quỳ bên phải đưa cho chủ tế vái một vái, rồi giao người đọc văn quỳ bên trái chủ tế.
Tuyên đọc: Người đọc văn xong lại giao chủ tế vái một vái và giao lại cho người chuyển.
Phủ phục – Hưng bái (2 lần): Hai lạy.
Bình thân phục vị: Đứng nghiêm, trở về vị trí cũ.
Hành Á Hiến Lễ:
- Lễ hiến rượu tuần thứ hai cũng như lần trước:
Quỳ – Tiến tước – Hiến tước – Phủ phục – Hưng – Bình thân phục vị. - Lễ dâng rượu tuần 2 cũng như tuần 1.
Hành Chung Hiến Lễ:
- Lễ dâng rượu tuần 3 cũng như 2 tuần trước:
Nghệ hương án tiền – Quỳ – Tiến tước – Phủ phục – Bình thân phục vị.
Quân Hiến Ẩm Phước:
- Lễ tượng trưng Thần ban phước lộc, người chủ tế thay mặt toàn họ nhận phước lộc.
- Nghệ ẩm phước vị: Lên vị trí ẩm phước (tức chiếu 2 – chủ tế lên).
- Ẩm phước: Quỳ uống rượu.
- Thụ tộ: Nhận lộc (ăn miếng trầu thay cho miếng thịt vai ngay trong lễ).
- Phủ phục – Hưng bái (2 lạy) – Bình thân phục vị.
Tạ Lễ:
- Cúc cung bái (4 lạy): Cả chủ tế, bồi tế lạy theo nhịp trống và 4 nhịp hưng bái của người xướng lễ.
- Bình thân.
1. VẤN ĐỀ HỢP TỰ
Hợp tự là gì? Tại sao phải hợp tự?
Hợp tự có nghĩa là: Rước tiên linh các đời vào thờ chung trong cùng một nhà thờ của đại tôn hay của từng tiểu chi.
Theo phong tục cổ truyền:
Năm đời tống giỗ, hay còn gọi là “Ngũ đại mai thần chủ” (đến đời thứ 5 thì chôn thần chủ), thực chất chỉ có 4 đời được cúng giỗ:
- Cha mẹ (đời 2)
- Ông bà (đời 3)
- Cụ ông, cụ bà – hay còn gọi là “cố” (đời 4)
- Kỵ – hay còn gọi là “can” (đời 5)
Cao hơn đời kỵ gọi chung là tiên tổ thì không cúng giỗ nữa, mà rước tất cả thủy tổ, tiên tổ các đời vào chung một nhà thờ, mỗi năm tế một lượt. Trong nhà thờ tổ chỉ để duy nhất một ngôi thần chủ cao nhất (thủy tổ hoặc tiên tổ bậc cao nhất của chi họ đó), gọi là “vĩnh thế thần chủ.”
Thần chủ, con chúng cha mẹ thì gọi là Hiển khảo, Hiển tỷ.
Đến khi người con trưởng chết, cháu đích tôn cúng ông bà thì gọi là Hiển tổ khảo, Hiển tổ tỷ.
Đến lượt cháu trưởng mất, chắt trưởng tiếp tục thờ cụ (cố) là Hiển tằng tổ khảo (hoặc tỷ).
Chít trưởng thờ kỵ (can) là Hiển cao tổ khảo (hoặc tỷ).
Sau 5 đời thì rước vào nhà thờ tổ rồi chôn thần chủ đó đi, và chỉ giữ lại duy nhất một ngôi thần chủ.
Theo phong trào Duy Tân (đầu thế kỷ 20)
Gộp chung tất cả tiên tổ của nhiều đời lại để tế chung thay cho từng lễ giỗ, đó là hình thức hợp tự cổ truyền. Song trong phong tục đó còn có nhiều điều bất tiện: chỉ con trưởng, cháu trưởng, chắt trưởng… nối dòng qua nhiều đời mới được thờ ở nhà thờ chính. Vì vậy, con cháu, chắt những ông con thứ qua nhiều đời phải xây nhiều nhà thờ: lớp con thứ, lớp cháu thứ, lớp chắt thứ… Nếu cứ thế tiếp tục mãi, thì có nơi số nhà thờ còn nhiều hơn cả số nhà ở của người dương trần. Chính vì lẽ trên, nên hồi đầu thế kỷ 20 đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở nhiều nơi đã có phong trào tiến hành hợp tự vào các nhà thờ họ: dầu cửa trưởng hay cửa thứ, sau khi mất, hết vòng tang, đều được rước linh vị vào thờ ở nhà thờ chung của họ. Linh vị xếp theo thứ bậc trên dưới. Đến ngày giỗ người nào thì đưa linh vị người đó vào hàng giữa theo thứ bậc, cúng xong lại xếp vào vị trí cũ.
Việc hợp tự như vậy, trước là hợp với tâm linh – con cái ở dưới chân cha mẹ, cháu chắt về với tổ tiên, tượng trưng sự đoàn tụ ở cõi âm – sau nữa là thuận tiện cho việc chung sức hương khói, gắn bó thêm mối tình ruột thịt trong nội thân. Song cũng có những gia đình kinh tế dồi dào hơn, lại ở cách xa nhà thờ, đi lại bất tiện, họ cúng riêng tiện hơn nên không hợp tự. Do đó, ngày nay nên vận động hợp tự theo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện.
2. LÀM LỄ YẾT CÁO TỔ TIÊN XIN VÀO SỔ HỌ CHO CON MỚI SINH
Vấn đề này đã có lệ từ xưa, chẳng có gì mới mẻ. Họ nào đã có nề nếp sẵn thì cứ theo lệ cũ tiến hành.
Đối với những họ mới phục hồi lại việc họ, chưa vào nề nếp, chúng tôi xin mách một vài kinh nghiệm:
- Yết cáo tổ tiên đặt tên trẻ sơ sinh:
Theo lệ cũ, chỉ sau khi đối chiếu gia phả, kiêng kỵ các trường hợp phạm húy (đặt tên trùng với tên húy của tổ tiên và thân nhân gần gũi nhất, kể cả nội ngoại) mới chính thức đặt tên húy cho trẻ sơ sinh, yết cáo tổ tiên và xin vào sổ họ. Ngày nay phải làm thủ tục khai sinh kịp thời; trường hợp ở xa quê, không kịp về đối chiếu gia phả, nhỡ trùng tên húy tổ tiên trực hệ thì tìm cách đổi hoặc tránh gọi thông thường trong nhà.
Lễ yết cáo tổ tiên rất đơn giản, chỉ cần nén hương, cơi trầu, chén rượu là xong. Thường kết hợp lễ tế tổ hàng năm mà yết cáo chung tất cả con cháu trong họ sinh trong năm cùng một lượt. Lễ vào sổ họ cũng không gặp phải điều gì phiền phức.
- Vào sổ họ:
Thứ tự sổ họ ghi theo năm sinh, ai sinh trước ghi trước, sinh sau ghi sau. Trường hợp nhiều năm bị mất sổ, nay mới lập lại sổ họ, thì phải thống kê theo đơn vị hộ gia đình, hoàn chỉnh cả họ, sau đó mới lập sổ tiếp đối với những trẻ sơ sinh.
Mẫu sổ: Họ tên (tên húy, tên thường gọi)? Con ông bà? Thuộc đời thứ mấy? Chi thứ mấy? Con trưởng hay con thứ mấy? Ngày tháng năm sinh? Ngày vào sổ họ?
- Con gái vào sổ họ:
Bất cứ trai hay gái, sau khi sinh đều có yết cáo tổ tiên để được tổ tiên phù trì phù hộ. Nhưng nhiều họ ngày xưa không vào sổ họ đối với con gái, cho rằng “nữ nhân ngoại tộc”, con gái là con người ta, lớn lên đi làm dâu lo cơ nghiệp nhà chồng, vì thế không công nhận con gái vào họ. Tuy vậy, ngay trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một số họ đã xóa bỏ điều bất công đó, coi con gái cũng có mọi quyền lợi, nghĩa vụ như con trai.
Ngày nay, trong phong trào khôi phục việc họ, xin kiến nghị các họ đặc biệt quan tâm đến con gái và nàng dâu của họ. Họ nào coi trọng vai trò phụ nữ, coi trọng vai trò người mẹ, người vợ, người cô, người chị, thì họ đó mới vững mạnh. Cả nước đang ra sức vận động kế hoạch hóa gia đình, con gái cũng như con trai, vậy nên vận dụng phong tục cũng phải phù hợp với tư duy thời đại.
3. BÀN THỜ VỌNG LÀ GÌ? CÁCH LẬP BÀN THỜ VỌNG?
Bàn thờ vọng ngày nay khá phổ biến, áp dụng cho con cháu sống xa quê, hướng vọng về quê, thờ cha mẹ, ông bà, tổ tiên hương khói trong những ngày giỗ, Tết. Nhưng ngày xưa với nền kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp, người nông dân suốt đời không rời quê cha đất tổ, chuyển cư sang làng bên cạnh cũng đã gọi là “biệt quán ly hương”. Vì vậy, bàn thờ vọng chỉ là hiện tượng cá biệt và tạm thời, chưa thành phong tục phổ biến.
Xuất phát từ chữ “vọng bái”, nghĩa là vái lạy từ xa: khi có những điển lễ lớn của triều đình, các quan trong triều tập trung trước sân rồng làm lễ, các quan ở các tỉnh hoặc nơi biên ải thiết lập hương án trước sân công đường, thắp hương nến, hướng về kinh đô quỳ lạy Thiên tử. Khi nghe tin cha mẹ hoặc ông bà mất, con cháu chưa kịp về quê chịu tang, cũng thiết lập hương án ngoài sân, hướng về quê làm lễ tương tự. Các bàn thờ thiết lập như vậy chỉ có tính chất tạm thời, sau đó con cáo quan xin về cư tang (chịu tang ba năm). Các thiện nam tín nữ hàng năm đi trẩy hội đền thờ Đức Thánh Trần ở Vạn Kiếp, Đức Thánh Mẫu ở Đền Sòng v.v… dần dần về sau, đường sá xa xôi cách trở, đi lại khó khăn, cùng lập bàn thờ vọng như vậy. Nơi có nhiều tín đồ tập trung, dần dần hình thành tổ chức. Các thiện nam tín nữ quyên góp nhau cùng xây dựng tại chỗ một đền thờ khác, rồi cử người đến đền thờ chính xin bát hương về thờ. Những đền thờ đó gọi là Vọng từ (thí dụ ở số nhà 35 Tôn Đức Thắng, Hà Nội có “Sùng Sơn Vọng Từ” – nghĩa là đền thờ vọng của Núi Sòng, tức là thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh).
Bàn thờ vọng thờ ông bà, cha mẹ chỉ lập khi con cháu sống xa quê. Những người con thứ, bất cứ giàu nghèo, sang hèn, nếu sống gần quê, trên đất tổ lưu lại thì đến ngày giỗ phải có phận sự hoặc góp lễ, hoặc đưa lễ đến nhà thờ; không có nhà thờ thì đến bàn thờ nhà con trưởng mà làm lễ. Cho dù cửa trưởng chỉ thuộc hàng cháu, các chú hoặc ông chú vẫn phải thờ cúng ông bà tại nhà cửa trưởng. Do đó, không có lệ lập bàn thờ vọng đối với cửa thứ ngay ở quê nhà. Nếu cửa trưởng khuyết hoặc xa quê, thì người thứ hai thế trưởng được quyền lập bàn thờ chính; còn bàn thờ ở nhà người anh cả xa quê lại là bàn thờ vọng.
Phong trào này rất hay và rất có ý nghĩa. Bởi lẽ, chữ “hiếu” đi đôi với chữ “đễ”. Khi sống cũng như đã mất, ông bà cha mẹ bao giờ cũng mong muốn anh chị em sống hòa thuận, một nhà đầm ấm. Thỉnh vong hồn về cầu cúng lễ bái, mà anh chị em ở gần nhau không sum họp, mỗi người cúng một nơi, thì đó là mầm mống của sự bất hòa, vong hồn làm sao mà thanh thản được.
Cách lập bàn thờ vọng:
Bàn thờ vọng chưa phải là phong tục cổ truyền, chưa có nghi lễ nhất định, mà chỉ là kinh nghiệm truyền cho nhau khoảng đầu thế kỷ XX lại nay, tùy hoàn cảnh thuận tiện mà vận dụng. Nếu có nhà riêng tương đối rộng rãi khang trang, thì bàn thờ đặt hẳn một phòng riêng chuyên để thờ cúng cho tôn nghiêm, hoặc kết hợp đặt ở phòng khách, nhưng cao hơn chỗ tiếp khách. Nếu đặt bàn thờ gia thần riêng, thì bàn thờ vọng gia tiên phải thấp hơn bàn thờ gia thần một ít.
Đặt hướng nào? Hướng lưng về quê chính, để khi người gia trưởng thắp hương vái lạy thuận hướng vái lạy về quê. Thí dụ: người quê miền Trung bộ, Nam bộ sống ở Hà Nội thì đặt bàn thờ vọng phía Nam căn phòng, hay ngoài sân, ngoài hiên, hướng về Nam. Không nên đặt bàn thờ trong buồng ngủ, trừ trường hợp nhà chật hẹp quá thì phải chịu. Không nên đặt cạnh chỗ uế tạp hoặc cạnh lối đi. Đối với những gia đình ở nhà tầng, khu tập thể, nếu câu nệ quá thì không còn chỗ nào đặt được bàn thờ.
Những người sống tập thể, chỉ đặt một lọ cắm hương đầu giường nằm của mình cũng đủ, miễn là có lòng thành kính, chẳng cần phải câu nệ hướng nào, cao thấp, rộng hẹp ra sao.