Họ Lý ở Hàn Quốc và Hành Trình Tìm Về Cội Nguồn Việt Nam

HỌ LÝ Ở HÀN QUỐC VÀ VIỆT NAM TÌM TỔ

Cuối năm 1994, các nhà nghiên cứu sử học, khoa học xã hội Việt Nam đã sang Hàn Quốc dự hội thảo về Lý Long Tường – con trai thứ hai của vua Lý Anh Tông – bị nhà Trần đe dọa truất ngôi, phải lánh nạn sang Cao Ly (tức Hàn Quốc ngày nay).

(1) Lý Anh Tông (1138–1175), Lý Cao Tông (1176–1210). Lý Long Tường giúp vua Cao Ly đánh quân Mông Cổ năm 1253. Vậy Lý Long Tường là con của Anh Tông hay Cao Tông? (Tân Việt).

Sống trên đất khách quê người, hoàng tử Lý Long Tường là người có công giúp vua Cao Ly đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Năm 1253, quân Mông Cổ ào ạt xâm lược Cao Ly, ban đầu chiếm kinh đô, buộc vua Cao Ly phải tạm lui về Giang Hoa. Tình thế vô cùng khó khăn.

Giữa lúc ấy, Lý Long Tường chiêu mộ quân sĩ đứng lên chống quân xâm lược Mông Cổ. Mang trong mình truyền thống Đại Việt và dòng dõi nhà Lý, ông lại là nhà mưu lược văn võ song toàn. Chỉ sau 5 tháng chỉ huy chiến đấu, ông đã giành chiến thắng oanh liệt, khiến quân địch đại bại.

Quân Mông Cổ một mặt tuyên bố đầu hàng, một mặt đem dâng 5 hòm lễ vật. Lý Long Tường đoán biết đây là gian kế. Ông cho đục lỗ các hòm, truyền quân sĩ rót nước sôi vào và dùng giáo đâm chết cả 5 tên phản tặc bên trong. Sau đó ông cho hàn kín lại, gửi trả quân địch. Biết kế sách thất bại, quân Mông Cổ vô cùng kinh hãi, hôm sau phải xin hàng không điều kiện và rút quân về nước.

Sau chiến thắng, Lý Long Tường được vua Cao Ly phong tước “Hoa Sơn Quận” và ban thưởng 30 làng ấp cùng 20 hộ nhân khẩu. Dân trong vùng kính phục, tôn thờ, dựng một chiếc cổng lớn mang tên “Thụ Hàng Môn” (Cổng dùng để cắm cờ hàng) và một tấm bia đá ghi công Lý Long Tường. Con cháu ông sống quần tụ ở đó đời này qua đời khác, coi Hoa Sơn là quê hương mình.

Theo tộc phả, Lý Long Tường có con trai là Đại Tông từng làm quan trong triều đình Cao Ly, được phong chức “Bích Đồng Quận Thú”. Kế tiếp là các ông Lý Chư Tôn, Lý Thọ Phúc (tức Lý Thừa Chi) đều từng được bổ nhiệm chức quan đứng đầu tứ phủ tam bang. Kế đó là Lý Nghiệp (năm Nhâm Thìn) được phong chức Pháp Doãn. Con trai ông Lý Nghiệp là Lý Ứng Nhật, du học ở Thạch Đàn, đạt học vị tiến sĩ.

Nối tiếp các đời sau như các ông: Lý Định Giám, Lý Hiến Quốc, Lý Hiến Chi, Lý Cảnh Hành, Lý Ngôn Vũ, Lý Vạn Vinh… đều là những tiến sĩ văn chương có hạng thời bấy giờ.

Lý Long Tường là hoàng tử, thuộc dòng dõi tám vị vua nhà Lý ở Việt Nam. Dù phải lánh nạn, ông vẫn giữ phẩm hạnh và dòng dõi tiên vương, đã lập công vẻ vang trên đất Cao Ly. Cho đến hôm nay, lịch sử Hàn Quốc vẫn còn nhắc đến “Hoa Sơn Quận” và hoàng tử Lý Long Tường – người Việt Nam có công giúp đất nước Cao Ly trở lại Thái Bình.

Có lẽ đó là câu trả lời vì sao người Hàn Quốc có cảm tình đặc biệt, rất thân thiết và quý trọng người Việt Nam…

VIỆC HỌ QUAN HỆ ĐẾN PHONG TRÀO CHUNG CỦA QUÊ HƯƠNG

Phục hồi việc họ lợi hay hại?

Phục hồi việc họ một cách đúng đắn, vô tư tức là phát huy được thuần phong mỹ tục. Nếu cán bộ cơ sở biết khéo léo vận dụng đường lối, loại trừ được 3 chiều hướng tiêu cực sau đây thì càng có nhiều dòng họ vững mạnh, càng có lợi cho phong trào chung:

  1. Ngăn ngừa một số phần tử lợi dụng tình cảm họ hàng thân thuộc để kéo bè kéo cánh.
  2. Phục hồi việc họ nhưng đồng thời phục hồi luôn cả những hủ tục, mê tín dị đoan.
  3. Dựa vào thế có người nhà, người trong họ có chức, có quyền để bóp méo luật pháp, làm ăn sai trái.

Ngoài ra, nếu có tổ chức hội hè đình đám không đúng lúc, đúng chỗ, gây lãng phí nhiều thời giờ và tiền của, ảnh hưởng đến công việc, thời vụ sản xuất thì cần khéo léo hướng dẫn để hạn chế mặt tiêu cực.

Quan hệ giữa họ hàng và làng xã như thế nào?

Họ hàng thành đạt thì làng xã phồn vinh.

Trước Cách mạng Tháng Tám, bộ máy hương lý có quyền điều hành những công việc hành chính, pháp lý, trật tự trị an, còn những việc xây dựng nông thôn, chấn hưng phong hóa như làm đường sá, đào giếng, sửa đình chùa, hội hè… Hội đồng Hào mục muốn huy động công sức, tiền của của dân phải dựa vào các họ, nên mỗi xã thôn có một Hội đồng Tộc biểu gồm những người có vai vế trong các họ. Chỉ những vị đó mới có khả năng vận động con cháu trong họ ra làng xã làm việc công ích.

Phục hồi việc họ, nếu được hướng dẫn đúng đắn, sẽ có lợi nhiều mặt đối với phong trào địa phương:

  • Phục hồi luân lý, đạo đức, kỷ cương xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới.
  • Góp phần trong việc giáo dục tư tưởng: cha mẹ hiền từ, con trung hiếu, cháu thảo hiền, nuôi con khỏe, dạy con ngoan…
  • Vận dụng kinh nghiệm của các họ thời xưa như đặt binh điền, học điền, tổ chức lễ thọ, lập quỹ tương tế trong họ, tổ chức giải thưởng cho con cháu học giỏi, lên lớp, lên cấp, hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Nêu cao ý thức tôn trọng người già, thương yêu giúp đỡ người cơ nhỡ, ốm đau, tàn tật…
  • Nếu khéo tổ chức, các họ còn có thể có tủ sách, câu lạc bộ văn hóa, v.v…