Ý Nghĩa Của Lễ Bái

Muốn hiểu ý nghĩa của lễ bái, trước hết chúng ta nên hiểu qua cách thức lễ bái theo mỗi tôn giáo cũng như mỗi tông phái quy định.

Lễ bái ngoài ý nghĩa tỏ lòng tôn kính và tưởng niệm ân đức sâu dày của các bậc tiền nhân, thánh đức, của gia tiên dòng họ, còn là phương pháp tu tập nhằm loại bỏ những phiền não, quy hướng Chánh Giác để được giải thoát và giác ngộ như đức Phật. Đặc tính cống cao ngã mạn đã sẵn có nơi mỗi con người, ăn sâu trong tâm thức, là nguyên nhân gây nên đau khổ, sinh tử luân hồi trong ba cõi. Con dao bén cống cao ngã mạn chặt đứt tình thương, phá hoại đoàn kết và gây nên hận thù, chia rẽ.

Tóm lại, lễ bái không phải là hành động thấp hèn làm mất phẩm cách con người. Trái lại, lễ bái chính là một đạo nghĩa của con người tiến bộ và là một đạo lý của tín đồ chân chính. Đối với gia tiên, người hiếu hạnh cần lễ bái để tỏ lòng cung kính; đối với thánh hiền, tín đồ chân chính cần lễ bái để thể hiện đức tính khiêm cung trong việc tu tập đạo lý giác ngộ. Lễ bái nhằm giao cảm với bề trên, kết nối tương thân trong xã hội và tạo nên chất liệu để xóa bỏ dị biệt, ngăn cách, chia rẽ trong đoàn thể. Người con hiếu hạnh không thể thiếu cung cách lễ bái, người tín đồ trung kiên và đạo đức gương mẫu không thể thiếu nghĩa vụ với nghi thức lễ bái này.

Lễ bái là biểu tượng tín ngưỡng có giá trị không chỉ về hình thức mà còn hữu ích không nhỏ về mặt tâm linh. Lễ bái là nhu cầu cần thiết cho việc tu tập, đào luyện đạo đức làm người. Vấn đề này không chỉ cần thiết cho cá nhân mình, cho gia đình trong đời này, mà hơn nữa, còn là một nhu cầu hữu ích cho thế hệ con cháu mai sau. Không chỉ thế, lễ bái còn là yếu tố cần thiết trong việc tạo dựng nhân lành cho cuộc đời mình ở kiếp sau. Điều này rất quan trọng kể cả về hình thức lẫn nội dung, cả sự tướng đến lý tính, để chúng ta và tất cả chúng sinh sớm giải thoát phiền não khổ đau và được an vui tự tại trong sự giác ngộ.

Người thờ cúng và lễ bái là người tự tạo điều kiện giao cảm, thiết lập điểm tựa tâm linh giữa họ với bề trên mỗi khi cảm thấy tâm hồn lạc lõng, cần đến quyền năng hỗ trợ của tiền nhân. Thờ cúng ở đây còn là hình thức giáo dục gia đình, nhắc nhở con cháu về bổn phận làm người đối với bề trên, trong sự nghiệp kế thừa truyền thống. Hình thức thờ tự cũng tạo phương tiện cho con cháu noi gương đức hạnh của tiền nhân, soi sáng cõi lòng, tu tâm dưỡng tính.

Cúng ở đây nhằm tri ân các bậc gia tiên, thánh hiền đáng kính với sự dâng hiến lễ vật một cách trịnh trọng và mong cầu ơn trên chứng minh gia hộ. Ngoài ra, lễ bái còn tăng trưởng phước lành cho dòng họ, cháu con, và tăng trưởng đạo lực giải thoát cho tín đồ qua hệ thống tâm linh, làm gạch nối giữa người nguyện cầu với các bậc tiền nhân thánh đức. Có thể nói, lễ bái rất cần thiết trong việc giáo dục gia đình về ý niệm truyền thống gia tiên, lý tưởng giống nòi, và làm tròn nghĩa vụ đạo đức của con người. Muốn bồi dưỡng tâm linh lành mạnh, người có đạo đức và giàu lòng hiếu nghĩa không thể thiếu lễ bái gia tiên, chư Phật, và thánh hiền.

Lễ bái ở đây nhằm báo ân với cung cách quy ngưỡng, hướng về, noi gương đức hạnh cao quý và ý chí siêu thoát của các bậc tôn kính để tu tập. Người lễ bái trong cầu mong sau này kế thừa xứng đáng sự nghiệp của tiền nhân trên con đường giác ngộ và giải thoát khổ đau sinh tử. Phận làm cha mẹ cần phải giải thích cho con cháu hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của việc thờ cúng và lễ bái, để con cháu tiếp nối sự nghiệp của gia tiên theo đúng đạo lý.

Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, vấn đề thờ cúng và lễ bái là hình ảnh linh động, cao đẹp, sâu đậm nhất của một dân tộc có hơn bốn nghìn năm văn hiến. Thờ cúng và lễ bái làm sống dậy tinh thần hiếu nghĩa và đạo đức nhân luân của con Lạc cháu Hồng, Việt Nam bất diệt.