NGHI LỄ THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI HÀ NHÌ ĐEN

NGHI LỄ THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI HÀ NHÌ ĐEN

Người Hà Nhì ở Việt Nam có các ngành – nhóm địa phương gồm Hà Nhì Cổ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì Hoa, Hà Nhì Đen. Đồng bào cư trú chủ yếu ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và một số ở tỉnh Điện Biên; ở tỉnh Lào Cai, nhóm Hà Nhì Đen cư trú tập trung ở huyện Bát Xát, chủ yếu tại các xã Y Tý, Nậm Pung, A Lù, A Mú Sung, Trịnh Tường, trong đó hai xã Y Tý và Nậm Pung có dân số khá đông. Có người cho rằng tộc người Hà Nhì xa xưa có gốc từ cao nguyên Thanh – Tạng và được tách ra từ thổ tộc Đê Khương rồi lan tỏa đi nhiều phương, nhiều xứ. Người Hà Nhì Hoa do còn lưu giữ được sắc màu trang phục nên bộ nữ trang luôn sặc sỡ, nhất là trong những ngày lễ hội.

Các nhà dân tộc học xếp dân tộc Hà Nhì thuộc nhóm tộc có ngôn ngữ Tạng – Miến, gồm các dân tộc Hà Nhì, Phù Lá, Si La, Lô Lô, Cống và La Hủ. Các học giả Trung Quốc gọi nhóm Hà Nhì Đen ở Lào Cai là Hà Nhì Lô Mê để phân biệt với nhóm Hà Nhì Cổ Chồ và Hà Nhì La Mí. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, người Hà Nhì tuy dân số ít nhưng họ ở tập trung thành từng chòm xóm riêng biệt, không lẫn lộn với người tộc khác. Vì thế, về văn hóa có sự giao thoa, tiếp biến nhưng cũng có sự giữ gìn, bảo lưu.

Trong các phong tục, lễ nghi truyền thống vòng cây trồng và vòng đời người của đồng bào như: lễ cúng mừng năm mới, lễ cúng rừng (gạ ma gio), lễ cúng làn (gạ tu tu), lễ cúng nguồn nước (íú khù xụ), tết thiếu nhi (nga tha si), lễ cúng sang mùa đông, lễ ăn cơm mới, lễ xuống đồng và nhiều lễ nghi khác như cưới gả, sinh con, tang ma… đều có sự hiện diện của tổ tiên.

Việc thờ cúng tổ tiên ở từng gia đình là truyền thống của người Hà Nhì. “Mọi người đều chết nhưng chẳng ai chết cả” – đó là một câu tục ngữ của người Tây Tạng. Cũng như các tộc người thiểu số, “vạn vật hữu linh” là quan niệm và cảm thức chính của người Hà Nhì Đen trong tín ngưỡng. Con người có thể chết về thể xác, nhưng phần hồn thì vẫn sống ở một dạng khác, cách rất xa cõi của người trần. Cõi ấy, phương ấy là nơi ngự của tổ tiên và tổ tiên vẫn lao động sản xuất bình thường, ăn uống bình thường. Vì thế, khi trong nhà có người chết thì người sống phải cho người đó một số vật dụng cần thiết để làm lộ phí đi đường và làm vốn sinh nhai ban đầu.

Nói là cách rất xa nhưng không có nghĩa là xa về mặt địa lý hay khoảng cách, mà là xa về dạng sống. Tuy chết nhưng hồn thiêng của người chết lúc có thể đi xa, lúc có thể về gần để bảo vệ con cháu, người ruột thịt.

Vậy nên nếu người sống không cúng tế đầy đủ thì người chết sẽ cảnh báo bằng cách gây ra ốm đau không rõ nguyên nhân, có thể làm cho súc vật đang đêm giật mình rống quác lên loạn xạ không phải do cầy cáo, hùm sói đến dọa nạt. Gặp trường hợp này, gia chủ bị họa sẽ đến nhờ thầy bói xem giúp. Thầy bói sẽ đặt quả trứng lên đầu chiếc đũa rồi xoay. Nếu quả trứng đứng vững thì nghĩa là phần âm tốt, cần phải tìm nguyên nhân khác. Nếu quả trứng rơi xuống đất, có nghĩa là người âm đòi được cúng tế. Khi đó, gia chủ phải trù liệu một số lễ vật theo quy định.

Người con trai cả hoặc cháu trai của gia chủ đã có vợ con sẽ là người thực hành. Anh ta quỳ gối, đầu cúi, hai lòng bàn tay ngửa, vái hất lên, sau đó đặt sấp đôi tay, cúi xuống để trán chạm vào mu bàn tay. Người thực hành làm như thế ba lần. Tiếp đó, tất cả những người trong gia đình mỗi người làm một lần. Nhà có trẻ nhỏ chưa biết vái thì người lớn làm thay.

Khi thực hành lễ cúng bái này, gia chủ sẽ “cấm bang”, không cho bất cứ người nào trong gia đình đi ra ngoài, và cũng không cho bất cứ người ngoài gia đình vào nhà. Cấm bang bằng ám hiệu: cắm một cành nhỏ cây xanh trước ngõ hoặc trước cửa. Nếu lễ cúng mà có mặt người ngoài thì sẽ mất thiêng vì tổ tiên coi như thế tức là mời khách chứ không phải mời mình. Tổ tiên không được tôn trọng thì gia đình sẽ bị sát phạt ở mức thấp, trừng trị ở mức cao.

Nơi ngự của tổ tiên là đâu?
Người Hà Nhì Đen quan niệm thế giới có bốn tầng: Tầng trời, tầng thinh không, tầng đất và tầng âm phủ.

  • Tầng trời là nơi ngự của các vị thánh thần như mặt trời, mặt trăng, những vì sao, gió, mây… khi thì hiền lành, khi thì hiểm ác.
  • Nơi ngự chính của tổ tiên là tầng thinh không nhưng các vị tiền bối, tổ tiên vẫn có thể đi du ngoạn tới tất cả các tầng.
  • Khi về với con cháu, tổ tiên luôn cưỡi ngựa có người dắt.

Thế nên, hễ tiến hành cúng tế xong, người ta lại để một chút thức ăn trên lá chuối đặt kề ngay cửa chính để kẻ dắt ngựa của tổ tiên cũng được ăn uống rồi lại dắt ngựa cho tổ tiên trở về chốn cố hương.

Trong các lễ cúng của người Hà Nhì Đen thì lễ cúng Cấm rừng (gạ ma gio), lễ cúng Thần làn (gạ tu tư), lễ Tết tháng Sáu (khu zà zà) là những lễ có quy mô lớn, thời gian kéo dài. Những lễ này, con cháu khấn mời tiên tổ, tiền bối về nhận đồ lễ. Tổ tiên, tiền bối về với con cháu thì ở lại; kẻ dắt ngựa cho tổ tiên được ăn một bữa rồi trở lại chốn cố hương, đến khi lễ cúng tế hoàn tất thì trở lại đón ngựa và bảo vệ cho tiên tổ, tiền bối.

Tầng thứ ba là tầng mặt đất, nơi ngự của vô số thần linh, hồn thiêng của muôn vật như cây cối, suối nước, tảng đá, rừng cây, núi non, tràn ruộng…; thần Rừng, thần Núi, thần Lúa gạo, thần Nước, Thổ Công, Thổ Địa cùng vô số ma quỷ, yêu quái. Trong số các thần linh, ma quái này có loại hiền lành, chuyên giúp con người thì thành thần linh; loại ác nghiệt, chuyên phá phách cuộc sống yên hàn của con người thì thành ma quái. Vậy nên muốn có cuộc sống yên ấm thì phải cúng thần để thần phù hộ, đồng thời giúp xua đuổi tà ma ra khỏi người, ra khỏi nhà và ra khỏi làng; cúng ma để bớt quấy nhiễu.

Tầng thứ tư là tầng âm phủ. Người Hà Nhì Đen quan niệm sau khi người chết về thể xác, hồn sẽ bị lưu đày vào tầng âm phủ. Sau khi chôn ba năm, con cháu phải làm lễ gọi hồn tại nơi mộ, khi đó hồn người chết mới được về ngự nơi bàn thờ, ngự cùng tiên tổ, tiền bối. Nếu người chết ở bên ngoài ngôi nhà thì hồn sẽ bơ vơ lang thang, thành “ma rừng, quỷ bể, nó nể gì ai”. Loại này phải được cúng bái đầy đủ, nếu không, chúng dễ trở thành ma ác, trở về gây hại cho người sống. Đồng thời, gia đình có người chết chưa đủ ba năm, chưa làm lễ tảo mộ thì bị coi là “người chưa sạch”, nên không được tham gia các công việc cúng tế của làng. Nếu cố tình đến đám cúng tế sẽ bị làng phạt vạ, phải nộp một số lễ vật theo quy định để làng cúng tạ tội với thần linh nhằm hóa giải những điều xúi quẩy.

Sau ba năm chôn cất, con cháu trong gia đình phải chuẩn bị một số lễ vật bắt buộc để tảo mộ, gồm một con lợn đen, một đôi gà (một trống, một mái), một kẹp xôi, vài tấm bánh dày, hương, tiền giấy, hai cành tre, hai dây tiền vàng và các hình chim, cá… được gấp bằng giấy hay cắt bằng vải treo vào hai cành tre để cắm lên mộ. Xin lưu ý là hầu hết các tộc người thiểu số không sử dụng vật hiến tế như gà, lợn, trâu, bò… có màu lông trắng. Ngoài những lễ vật do gia đình chuẩn bị, những người đến dự lễ là con cháu, người họ hàng thân thích, tùy tâm có thể mang theo lễ vật cúng tế hoặc quà cho gia chủ. Sau lễ cúng, hồn người chết coi như đã được giải thoát khỏi địa tầng âm phủ để về ngự cùng tổ tiên chốn cố hương và về ngự nơi bàn thờ khi gia chủ khấn mời. Cẩn thận hơn, sau lễ cúng, gia chủ còn nhờ thầy cúng, thầy bói coi giúp xương cánh gà xem hồn người chết đã nhận được đồ lễ hay chưa, tổ tiên có được về nhà hay không. Việc tảo mộ rất quan trọng, không chỉ là việc làm có tính đoạn tang, rước hồn người chết về với tổ tiên, về với con cháu, mà còn đánh dấu từ đây gia đình hết cấm kỵ, kiêng khem để tiếp tục được tham dự các lễ nghi, các hoạt động tín ngưỡng chung của cộng đồng.

Về cách bài trí, người Hà Nhì Đen bố trí bàn thờ cạnh cây cột chủ. Phía trước bàn thờ là nơi ngủ của người cao niên nam giới. Tiếp giáp ngay đó là bếp lửa vì người già rất cần gần lửa để sưởi ấm. Vây quanh bếp là một số hòn đá, trong đó có một hòn đá thiêng, gọi là phu chu ma. Góc đặt bàn thờ thường hơi tối, khó quan sát và đó là nơi phụ nữ kiêng không bước vào. Bàn thờ là một cái bàn tủ hay chạn nhỏ, trên nóc tủ đặt một hoặc hai cái thớt chuyên dùng làm đồ lễ thờ cúng, trong tủ là nơi cất giữ một số đồ thờ cúng. Ngoài ra, người ta còn treo một cái giỏ đan bằng mây, trúc để đựng bốn cái bát, một đôi đũa chuyên dùng cho việc cúng tế. Sau khi dùng xong, rửa sạch rồi cất vào chỗ cũ. Bàn thờ của người Hà Nhì Đen thường không đặt lư hương, nếu có thì là một ống vầu hay ống mai đặt ngay cạnh bếp lửa bằng cách chôn một đoạn xuống đất. Phía dưới bàn thờ đặt một cái thau nhỏ, thường ngày thì úp xuống, đến ngày lễ thì dùng thau đó đựng nước sạch, trong vắt, đặt lên bàn thờ với ý nghĩa mời hồn thiêng của tổ tiên rửa tay, mặt mũi trước khi xơi cỗ. Khi hành lễ, mỗi dòng họ có cách bài trí khác nhau: họ Lý bốn bát, một đôi đũa; họ Phu bốn bát, một đôi đũa; họ Vù (hay Vừ) mười hai cái bát và hai đôi đũa; họ Cao cũng mười hai bát và hai đôi đũa.

Người Hà Nhì Đen thường chỉ thờ và khấn cầu ba đời gần nhất đã qua đời. Người chết gần nhất, sau ba năm làm lễ tảo mộ thì sẽ loại trừ người thuộc đời thứ tư đã hơi xa. Tuy nhiên, khi cúng khấn, gia chủ vẫn mời tất cả tổ tiên, tiền bối về cùng thụ hưởng hương hoa và những sản vật do gia đình làm ra. Việc chế biến, nấu nướng các món ăn để dâng cúng đương nhiên thuộc về việc của bà chủ, có sự giúp sức của người chồng. Nếu bà chủ đã mất sớm thì con gái lớn hoặc con dâu lớn phải lo toan dưới sự chỉ dẫn của người cha.

Khi tiến hành lễ cúng, gia chủ mặc bộ đồ truyền thống, đầu vấn khăn u tụ, đi chân đất, đứng thẳng, ngửa hai tay ngang ngực, cách ngực một khoảng vừa phải, miệng vừa khấn cầu vừa quỳ gối xuống đất rồi đặt hai bàn tay xuống đất, đầu cúi xuống đặt lên mu bàn tay ba lần. Khi đó, các con cháu cũng đến đứng vây quanh, bỏ hết giày dép, đầu đội khăn hoặc mũ, đến quỳ lạy một lần. Đại ý bài khấn: “Xin dâng lên tổ tiên, cầu mong tổ tiên tiền bối về phù hộ cho toàn gia đình mạnh khỏe, làm ăn may mắn, mùa vụ thu được nhiều lúa ngô, con gà, con trâu, con lợn không bị ốm đau bệnh dịch…”

Cúng xong, gia chủ lấy bát nước gừng trên bàn thờ xuống rồi gắp thức ăn mỗi thứ một ít bỏ lên trên hòn đá phu chu ma, rót chút rượu, chút nước chè gừng lên đó với ý nghĩa chia sẻ lễ vật cho thần Bếp. Tiếp đó, bà chủ nhà cũng lấy mỗi thứ một ít đặt lên mảnh lá chuối đem để cạnh cửa ra vào, tượng trưng cho việc mời kẻ hầu dắt ngựa của tổ tiên ăn, vì kẻ hầu chuyên việc hầu hạ nên không được vào nhà cùng tiên tổ hưởng cỗ. Lúc này, ông chủ lấy một chút thức ăn cho mình và chia cho các con cháu mỗi người một miếng ăn lấy lệ nhằm cầu lộc, cầu phúc cho mọi người gặp may mắn. Khi ông chủ hoàn tất việc cúng khấn thì bà chủ cùng con cháu cũng bày biện xong mâm cơm cho mọi người trong gia đình, bà con họ mạc và khách khứa. Mọi người cùng nhau ăn uống vui vẻ, đầm ấm. Đây là phong tục đẹp thể hiện đậm nét sự tôn trọng chữ “hiếu” và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của đồng bào. Phong tục này cần được trân trọng, giữ gìn.