Các đình, đền, miếu, phủ lớn thường phụng thờ thần linh, thành hoàng, thánh Mẫu. Các nơi thờ tự này là biểu hiện của một tập tục văn hóa truyền thống, thể hiện sự kính trọng, nhớ ơn các vị tiền nhân đã có công với cộng đồng làng xã, dân tộc trong lịch sử.
Các nơi này đều tổ chức lễ hội dâng hương định kỳ vào các dịp tuần, tiết, sóc, vọng. Ví dụ, vào dịp cấy lúa, nông dân thường tổ chức “Lễ Hạ điền”. Khi lúa trổ đòng lại có kỳ lễ dâng hương gọi là “Lễ Thượng điền” hay “Lễ Thượng tân” – tức lễ Cơm mới – vào tháng Chín âm lịch. Ngoài ra, tập tục này cũng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam: trong dòng họ thì có công ơn của tổ tiên; trong làng xã thì có công ơn của thành hoàng – những người đã có công khai phá lập làng, đánh giặc hoặc cứu nạn, trừ tai.
Ngoài các kỳ dâng hương nói trên, trong năm thường có những kỳ dâng hương lớn vào dịp dân làng mở hội vào đám. Hội có thể mở vào mùa xuân hay mùa thu, hoặc chọn ngày sinh hay ngày mất của thần linh để tổ chức. Những kỳ lễ dâng hương này thường kéo dài nhiều ngày. Trong các dịp đó, ngoài việc tế thần linh, thánh Mẫu, nhân dân còn tổ chức hội hè với nhiều trò vui dân gian.
1. THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN
Đền Kiếp Bạc ở làng Vạn Yên, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương là nơi thờ Trần Hưng Đạo, hay còn gọi là Đức Thánh Trần. Trần Hưng Đạo là một danh tướng xuất sắc của nước ta trong suốt hơn hai ngàn năm lịch sử. Ông đã lập nhiều chiến công hiển hách và được phong tước vương, nên gọi là Hưng Đạo Vương.
Năm 1257, khi quân Nguyên – Mông sang xâm lược nước ta, Trần Hưng Đạo được vua cử làm Tiết chế, chỉ huy cuộc kháng chiến và đã lập công lớn. Năm 1283, vua lại cử ông làm Quốc công Tiết chế, thống lĩnh toàn quân. Dưới sự chỉ huy mưu lược và tài giỏi của ông, quân giặc liên tục thất bại. Đến năm 1288, chúng buộc phải rút khỏi nước ta.
Trong tâm thức người Việt Nam, Trần Hưng Đạo là một vị thánh và được thờ ở nhiều nơi trên đất nước. Vạn Kiếp – một địa điểm chiến thắng của ông – đã trở thành chốn thờ tự uy nghiêm. Hội Kiếp Bạc hằng năm được mở vào ngày 20 tháng 8 âm lịch. Người đi trảy hội lấy việc lễ bái làm trọng, nên trong hội chủ yếu là nghi lễ, không có các trò vui dân gian như ở những lễ hội khác.
Văn khấn Đức Thánh Trần:
Hôm nay, ngày … tháng … năm …
Tín chủ là … tuổi …
Cùng vợ (chồng) là … tuổi …
Con trai (con gái) là … tuổi …
Ngụ tại …
Lễ bạc tâm thành, con xin dâng lên trước đền.
Xin chắp tay lạy chín phương trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương.
Kính lạy Đức Trần Triều Hiển Thánh Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương, Đại Nguyên Soái, Tổng Quốc Chính, Thái Sư Thượng Phụ, Thượng Quốc Công, Tiết Chế, Lịch Triều Tấn Tặng, Khai Quốc An Chinh, Hồng Đồ Tá Trị, Hiệu Linh Trác Vĩ, Minh Đức Trí Nhân, Phong Huân Hiển Liệt, Trí Trung Đại Nghĩa, Dực Bảo Trung Hưng, Thượng Đẳng Tôn Thần, Ngọc Bệ Tiến.
Kính lạy Nguyễn Từ Quốc Mẫu Thiên Thành Thái Trưởng Công.
Kính lạy Tứ Vị Thánh Tử Đại Vương, Nhị Vị Vương Cô Hoàng Thánh.
Kính lạy Đức Ông Phạm Điện Súy Tôn Thần, Tả Quan Nam Tào, Hữu Quan Bắc Đẩu, Lục Bộ Thượng Từ, Chư Vị Bách Quan.
Cúi xin các ngài chứng giám, phù hộ độ trì cho tín chủ con cùng toàn gia quyến được luôn mạnh khỏe; đầu năm chí cuối tai qua nạn khỏi; điều lành mang đến, điều dữ hóa giải; cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu bình an được bình an; người người an vui, của cải dồi dào; đi đến nơi, về đến chốn; làm ăn thông suốt, vạn sự như ý.
Trong dịp này, con cũng xin cầu duyên lành hoặc cầu tự theo tâm nguyện.
2. TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU
Có người cho rằng: tín ngưỡng thờ Mẫu là một nét đặc trưng của tín ngưỡng bản địa Việt Nam, được bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Mẹ Đất vốn đã có từ thời tiền sử. Điện thờ Mẫu có khắp nơi trên đất nước và cả ở trong khu cư trú của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đền thờ Mẫu có nơi là một đền phủ nguy nga, có nơi chỉ là một bàn thờ khiêm tốn đặt tại một góc trong ngôi chùa, hoặc là một điện thờ nhỏ trong từng gia đình. Kiến trúc nơi thờ Mẫu có những nét riêng. Chính những nét riêng ấy đã làm nên đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu (vốn xuất phát từ quan niệm: mọi vật sinh ra từ Mẹ), khiến cho tín ngưỡng này trở thành một hình thức tín ngưỡng thuần phác, đặc biệt của dân tộc.
a. Cấu trúc nơi thờ Mẫu
Trong tâm thức của người Việt Nam từ xa xưa, dòng sông, con suối, hồ nước… là những nơi mang tính nữ (âm), nên hầu hết các điện Mẫu thường được xây dựng cạnh sông, suối, cửa biển… Các cửa điện Mẫu bao giờ cũng được đặt quay về phía nguồn nước – những nơi tụ thủy, tụ phúc – với mong ước làm ăn phát đạt. Cho nên, nếu như không chọn được thế đất lành tự nhiên có sông hồ ôm bọc thì trong khuôn viên dựng điện Mẫu, người ta sẽ tạo hồ, ao, giếng để dựng lại một không gian cần thiết, ứng với thuật phong thủy của người xưa. Cũng để tạo tính âm, nhiều điện Mẫu ở vùng cao thường được dựng trong các hang động, hoặc xây thêm các hòn non bộ với những ngọn đá lô nhô mọc lên từ đất hoặc ngập trong nước.
Cấu trúc không gian trong các điện thờ Mẫu, vị trí chư vị thần thánh được bài trí sắp xếp theo ba tầng: tầng không, tầng ngang (trên ban thờ, bệ thờ) và tầng trệt. Đây là một điểm rất riêng, vì không có tôn giáo hay tín ngưỡng nào bài trí như vậy. Ở tầng không là sự hiện diện của đôi mảng xà (còn gọi là ông Lốt) – tượng trưng cho Quan Lớn Tuần Tranh. Một con màu trắng, một con màu sẫm, quấn trên xà ngang phía trái, bên trên bàn thờ.
Ở tầng ngang (trên ban thờ, bệ thờ), có nơi chỉ có một ban thờ, có nơi là cả một dãy ban thờ từ ngoài vào cao dần (tùy từng nơi). Đây là nơi ngự của các Thánh Mẫu (có nơi chỉ có một tượng Mẫu) và các chư vị thánh thần. Ở hạ ban bao giờ cũng thờ ông Ngũ Hổ tướng quân hoặc ông Năm Dinh, với biểu trưng là tượng hổ hoặc tranh vẽ hổ, phía trước đặt một bát hương.
Cấu trúc tầng ngang của nơi thờ Mẫu đơn giản nhất cũng gồm các ban thờ sau:
-
Hậu cung (nơi đặt ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu) nằm ở chính giữa. Vị trí cao nhất là tượng Bà chúa Liễu Hạnh mặc sắc phục đỏ (có nơi là màu vàng), tượng trưng cho Mẫu Thượng Thiên. Thấp hơn, về bên hữu là Mẫu đệ nhị, sắc phục trắng – Mẫu Thoải. Tương ứng về phía tả là Mẫu đệ tam, sắc phục xanh – Mẫu Thượng Ngàn.
-
Phía trước hậu cung Tam tòa Thánh Mẫu là một ban thờ lớn, gồm ba lớp thờ tự, tính từ trong hậu cung trở ra:
-
Lớp một: giữa là Vua cha Ngọc Hoàng, bên tả là Nam Tào, bên hữu là Bắc Đẩu.
-
Lớp hai: gồm năm vị Quan Lớn (gọi là Ngũ vị Thái tử):
-
Đệ nhất: áo đỏ – Quan Thượng Thiên
-
Đệ nhị: áo xanh – Quan Giám Sát
-
Đệ tam: áo trắng – Quan Thủy Phủ
-
Đệ tứ: áo vàng – Quan Khâm Sai
-
Đệ ngũ: áo đen (hoặc tím, lam) – Quan Tuần Tranh
Màu áo tượng trưng cho ngũ hành: Kim (trắng), Mộc (xanh), Thủy (đen), Hỏa (đỏ), Thổ (vàng).
-
-
Lớp ba: gồm hai ông Hoàng Bảy và ông Hoàng Bơ, với sắc phục thường là màu tím và trắng.
-
-
Hai bên tả hữu của ban thờ lớn là:
-
Ban thờ Đức Thánh Trần Quốc Tuấn (bên tả)
-
Ban thờ Chúa Sơn Trang (bên hữu)
-
-
Ngoài cùng là các ban thờ Thần hoàng, Thổ địa, Thủ đền tại vị, ban thờ Cô, Cậu…
b. Nghi thức thờ Mẫu
Tại điện Mẫu, người ta tiến hành các nghi thức thờ cúng Thánh Mẫu và các chư vị thần thánh để cầu mong phúc lộc, sức khỏe, tiền tài… Trước ban thờ Mẫu bao giờ cũng treo tầng tầng lớp lớp đồ vàng mã, trong đó phổ biến và không thể thiếu là: nón (túi dồi quai thao, nón chóp), hài, thuyền rồng, đèn lồng đủ loại, đủ màu, với nhiều kích cỡ khác nhau. Sở dĩ có các đồ vật ấy là vì trong đạo thờ Mẫu, từ Thánh Mẫu đến các Quan, Chầu, Ông Hoàng, các Cô, Cậu đều là những vị thần linh có gốc gác từ mọi miền đất nước – chốn rừng núi, nơi ven biển. Điều này cũng thể hiện rõ trong những bộ xiêm y rực rỡ được mặc khi thực hiện những điệu múa thiêng liêng trong lễ trình trước điện.
Trước điện Mẫu cũng đã ra đời một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian gồm âm nhạc, hát văn và múa thiêng, tập trung lại trong một hình thức sân khấu tâm linh đặc thù – đó là hầu bóng.
c. Văn khấn Thánh Mẫu (tại gia)
Hôm nay, ngày… tháng… năm…, tại thôn…, xã…, huyện…, tỉnh…
Đệ tử là… cùng cả nhà, trai gái già trẻ kính cáo:
Thiên thượng Thánh Mẫu, Cửu Thiên Huyền Nữ, Vân Cát Thánh Nữ, Chàng Thăng Hòa Diệu Đại Vương, tả hữu tiên cô, thị tòng liệt vị.
Nay nhân ngày…, đệ tử lòng thành, kính dâng lễ vật…
Kính xin Thánh Mẫu chứng tri, rủ lòng thương xót.
Trước sau như một, đội đức từ bi, lầm lỗi điều gì,
Xin Mẫu đại xá.
Hộ cho tất cả con cháu khang ninh,
Tỏ đức hiếu sinh,
Anh linh Thánh Mẫu,
Phù trì phù hộ,
Cứu khổ trừ tai,
Tiến phúc tăng tài,
Xin Ngài chứng giám.
Thượng hưởng!
3. CÁC VỊ THẦN KHÁC
a. Đức Thánh Quan
Đức Thánh Quan là Quan Vân Trường, một vị tướng thời Tam Quốc, sinh thời là người rất trung nghĩa, lúc mất đã hiển Thánh.
Trên bàn thờ có tượng hoặc bức họa của Ngài. Bức tranh thường vẽ Ngài ngồi giữa, bên phải là Quan Bình (con nuôi của Ngài), bên trái là gia tướng trung thành Châu Xương.
Đằng trước bức tranh (hoặc tượng) là bát hương với các đài để rượu, mâm bồng để các đồ cúng vái. Có đèn nến và ống hương.
b. Thần Hổ
Thần Hổ là vị chúa tể của loài hổ. Thường dân ta thờ Thần Bạch Hổ hoặc Thần Ngũ Hổ, tức là 5 Thần Hổ năm sắc khác nhau. Vào những ngày sóc vọng, hoặc khi có công việc phải cúng cáo gia tiên thì đồng thời cúng Thần Hổ.
Bàn thờ thường được thiết lập ở một ban xây ngoài sân, hay miếu xây ngoài vườn, nhất là với các gia đình gần chân núi.
Người ta thường cúng Thần Hổ trầu, rượu, phải cúng mặn, có thể dùng thịt sống hoặc trứng sống làm đồ lễ.
c. Sơn Thần
Sơn Thần là Thần Núi. Những gia đình ở vùng núi thường lập bàn thờ Sơn Thần. Tất nhiên, phần lớn núi nào cũng có miếu thờ Sơn Thần, nhưng để tiện việc cúng lễ và mong được Sơn Thần phù hộ, người ta thường lập thêm bàn thờ tại nhà.
Bàn thờ Sơn Thần được lập tại một ban riêng, thường xây ở vườn phía gần chân núi.
Bàn thờ không có bài vị, chỉ có bình hương và một số đồ thờ khác.
d. Mộc Tinh
Mộc Tinh là tinh của những cây lớn mọc ở vườn rộng, nhất là những cây cổ thụ.
Nhiều người sau khi mua được nhà cửa có vườn rộng, trong vườn lại có nhiều cây cối, đặc biệt là cây cổ thụ. Khi dọn đến ở mà gặp phải một vài trở ngại, tai ương (như gia đình có người ốm đau, tai nạn, mất mát của cải…), người xưa cho rằng do các cây cổ thụ có thần linh cư ngụ, và vị thần này chưa được biết tới nên hiện linh chứng tỏ sự hiện diện của mình.
Vì vậy, để tai qua nạn khỏi, gia đình bình yên, gia chủ phải lập miếu thờ ở gốc cây.
Tục xưa tin rằng những cây cổ thụ xanh tốt thường có hồn ma trú ngụ, vì thế muốn được bình yên thì phải cúng lễ.
Tuy đây chỉ là sự huyễn hoặc, nhưng vẫn được người xưa tin tưởng.