TANG MA
1. LÂM CHUNG
a. Tự sửa soạn ngày chết
Người già thường chuẩn bị tinh thần để đón nhận cái chết. Ngoài ra, các cụ còn lo lắng sửa soạn cỗ hậu sự.
Quan trọng hơn cả, các cụ còn đi xem lấy đất hoặc nhờ thầy địa lý đi tìm giúp ngôi đất để sau này linh hồn mình được thư thái, con cháu được hơn người. Sau đó, nhà giàu thì cho xây sinh phần, đào sẵn huyệt theo đúng sự chỉ dẫn của thầy địa lý. Xây sinh phần cũng như sắm cỗ thọ, bao giờ cũng xây đôi, sắm đôi, dành cho cả cụ ông lẫn cụ bà. Những cỗ thọ đã sắm sẵn thường được kê dưới gầm bàn thờ để chờ khi dùng đến.
b. Giờ hấp hối
Sinh, lão, bệnh, tử là những điều tất phải có trong một đời người. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, ngay từ giờ hấp hối của một con người sắp phải vĩnh viễn ra khỏi cõi đời đã làm cho không khí trong gia đình trở nên trầm lắng, buồn. Con cháu xa gần được báo tin vội vã trở về, tuy đông đủ nhưng đều im lặng trong nỗi buồn.
Ngày xưa, người nào già yếu tới khi biết mình không sống được, hoặc là người nhà nhận thấy tình trạng người bệnh sắp tới lúc qua đời, thì phải lo dời chỗ nằm tới căn nhà giữa, đặt ngoảnh đầu về phương Đông để được sinh khí. Nếu người sắp chết còn tỉnh táo thì con cháu phải hỏi xem có căn dặn gì không. Những lời nói rất quan trọng này của người sắp qua đời được ghi trong một quyển gọi là “Di ngôn” hoặc “Di chúc”. Một vài người biết rằng mình không còn sống được bao lâu, khi còn tỉnh táo đã tự tay viết những lời dặn dò, dạy bảo trong cuốn này.
Theo tục lệ xưa, con cháu hỏi xem người sắp trút hơi thở cuối cùng có tự đặt lấy tên thụy, còn gọi là tên hèm, tức là tên sau này dùng để khấn khi cúng cơm, nên còn được gọi là tên cúng cơm. Nếu người sắp qua đời ở trong tình trạng mê man, không tự đặt tên cúng cơm cho mình thì con cháu tìm đặt tên rồi báo lại cho người ấy biết trong lúc hồi sinh ngắn ngủi.
Cũng trong giờ phút này, con cháu phải lo thay quần áo cũ đang mặc đi. Ngày nay, thường thường người ta làm việc này vào lúc sắp tẩm liệm, trong đó có việc lau lại cơ thể người chết bằng rượu hay bằng cồn.
Con cháu sau đó phải thay nhau ngồi bên cạnh người bệnh, để chờ phút lâm chung, ghi nhớ đúng giờ trút hơi thở cuối cùng và thông báo cho mọi người cùng hay. Trong trường hợp người bệnh lịm đi, thì người nhà phải lấy bông đặt trước lỗ mũi, nếu thấy bông không động đậy nữa, thì phải cầm một chiếc đũa đặt ngang miệng người chết để “cài hàm” cho hai hàm răng khỏi nghiến vào nhau. Cổ lễ ghi rõ là không nên để người quá cố nhắm mắt trên tay người khác phái (nam, nữ) theo quan niệm nam nữ thụ thụ bất thân thời xưa.
Người canh phải nhớ đúng giờ người bệnh lúc qua đời để ghi nhận, nhưng theo một số tín ngưỡng thì còn nhờ thầy tử vi xem ngày, bấm giờ để biết người qua đời có chết vào giờ lành hay phải ngày trùng tang, do bị quỷ tinh ám gây hại. Nếu gặp ngày giờ xấu thì thân nhân phải nhờ thầy làm bùa hay có những pháp thuật để tống xuất thần trùng, đánh đuổi quỷ tinh. Lá bùa sẽ được dán trên áo quan, và cho vào những con bù nhìn chôn ở bốn phía của ngôi mộ.
c. Công việc sơ khởi
-
Thụy hiệu
Trước hết là việc đặt tên thụy, tên hiệu. Những tên này được đặt ra dựa theo đức tính của người chết lúc sinh thời (hoặc chính người ấy đặt, hoặc chấp nhận lúc còn tỉnh). Dưới triều Nguyễn, việc đặt tên thụy cho người có phẩm hàm được quy định theo quy chế riêng. -
Chúc khoáng
Theo dõi để biết chắc chắn lúc tắt thở, thân nhân lấy một chút bông gòn đặt trên lỗ mũi; khi bông không còn chuyển động, đó là lúc chết hẳn. Lúc đó, thân nhân thường vuốt mắt cho người chết để cặp mắt nhắm hẳn lại và xếp chân tay ngay ngắn. -
Khiết xỉ
Lấy một chiếc đũa đặt ngang miệng người chết để “cài hàm”, giữ cho hàm hé ra để tiện làm lễ phạn hàm. -
Hạ tịch
Trải chiếu xuống đất, đưa người chết nằm xuống chiếu ấy một lát rồi đưa trở lại lên giường. Tục lệ này hàm ý theo quan niệm cổ “chết trở về cõi đất” (nhân sinh ư thổ, diệc hoàn ư thổ), hoặc để lấy đủ khí âm dương cho người quá cố. -
Phục hồn
Theo tín ngưỡng xưa, cổ tục còn có việc phục hồn. Lấy áo của người chết treo lên nóc nhà phía trước, hướng về phía Bắc, gọi tên tục của người chết ba lần, rồi trèo xuống lối nóc nhà phía sau, đem áo ấy vào đắp lên bụng người chết để hy vọng hồn người chết trở về sống lại. -
Thiết hồn
Lấy bảy thước (thước ta) lụa trắng đặt trên ngực người chết trước khi tắt thở (để đón hơi thở cuối cùng của người chết vào đấy). Khi đã chết hẳn, đem lụa này kết thành hình dạng thân người có đầu, mình, chân tay. Kết xong đặt lại trên thân hình người chết. Lúc nhập quan, “hồn bạch” được đặt trước linh sàng, linh tọa để tượng trưng người quá cố. Ngày nay, để thay cho “hồn bạch”, người ta thường dùng một bức chân dung của người quá cố. -
Mộc dục
Mộc dục là tắm rửa cho người chết bằng nước sạch, thơm. Thời xưa thường dùng nước ngũ vị hương. Nghi thức này làm trong màn kín. Thường là con trai tắm rửa cho cha, con gái tắm rửa cho mẹ.
Dùng khăn thấm nước thơm lau sạch mặt mũi, chân tay, mình mẩy, chải đầu buộc tóc gọn ghẽ; cắt sạch móng chân và móng tay; gói các sợi tóc rụng và vụn móng này vào một bọc để vào áo quan cùng với người chết. -
Thay quần áo
Tắm rửa xong là thay quần áo cho người chết. Tục xưa định rõ gồm những thứ như: khăn chít đầu, bông nhét lỗ tai, khăn phủ mặt bằng vải trắng có dải buộc sau, bao tay bằng vải lụa cùng với quần áo mới trang trọng, giày tất,…
Khi thay quần áo xong, phải để chân tay ngay ngắn sát nhau. Người Việt thường lấy dây vải buộc hai ngón tay cái và hai ngón chân cái vào nhau cho gọn, tay xếp thẳng trên bụng.
Người chết có quan tước thường được vận đủ triều phục. Có nhà dùng những quần áo tốt đẹp nhất từng mặc lúc sinh thời. Có nơi kiêng không mặc áo kép, chỉ mặc áo đơn, cắt bỏ hết khuy, mặc vạt cái vào trong, vạt con khép chồm bên ngoài – trái hẳn với lối mặc của người sống.
Những ông già 70 tuổi trở lên chết thường được mặc quần điều, áo lam, chít khăn nhiễu tím. Nhất là những cụ 80, 90 tuổi… có khi cũng mặc áo vóc điều. -
Phạn hàm
Lấy gạo nếp vo kỹ và 3 đồng tiền chùi cho sáng bỏ chung vào một đĩa. Những nhà giàu sang thời cổ có khi dùng 3 đồng tiền vàng và 9 hột ngọc trai.
Tang chủ đứng bên phải, lấy đũa cạy răng ra, bỏ gạo và tiền vào miệng người chết làm ba lần: lần đầu vào mép bên phải, kế đến mép bên trái, và sau cùng là chính giữa miệng. Mỗi lần bỏ 3 hạt gạo và 1 đồng tiền (nhằm tránh cho người chết sang thế giới bên kia mà trong miệng không có cái gì ăn). Sau đó bỏ đũa gài miệng, buộc hàm dưới lên sát hàm trên cho khỏi trễ xuống. Từ lúc này, con cháu mới được khóc to.
Người Việt còn có lệ đơm một bát cơm, trên để một quả trứng luộc bóc sạch vỏ, có cắm đôi đũa tre, phía cuối được vót cho tre quăn lại thành hình cái hoa. Tất cả cùng đặt với bài vị phía trên đầu người chết, hoặc trên áo quan sau khi nhập quan.
2. CHUẨN BỊ TANG LỄ
a. Chủ tang, chủ phụ
Trước hết là lập chủ tang và chủ phụ. Chủ tang thường là con trai trưởng; nếu con trưởng đã chết thì con trai đầu lòng của người thừa tự, hoặc người đàn ông thừa kế chính thức của người chết là chủ tang. Cha còn mà con cái tang mẹ hoặc tang vợ con thì người cha làm chủ tang, còn ông thì ông làm chủ tang. Chủ phụ là vợ người chết hoặc vợ tang chủ (nếu vợ người chết không còn). Tang chủ làm chủ lễ tang mọi nghi thức, chủ phụ lo việc chi phí.
b. Tướng lễ, hộ tang, tư thư, tư hóa
Kế đến là việc lập tướng lễ, hộ tang, tư thư, tư hóa. Tướng lễ là người sắp đặt, chỉ huy mọi nghi lễ, chọn người thông thạo cách sắp xếp mọi công việc. Hộ tang là phụ tá cho tướng lễ, lo việc tiếp tân, tiếp khách. Người này thường được lựa chọn trong số thân nhân có tuổi, đứng đắn, lịch thiệp, hiểu biết lễ nghi. Tư thư phụ trách việc cáo phó, ghi chép các đồ lễ phúng của quan khách, viết văn tế. Tư hóa là người ghi chép những việc chi tiêu trong đám tang.
c. Cáo phó
Người tư thư phải lo việc cáo phó, thường viết tay rồi cho người mang đến từng nhà thân thích, vì ngày xưa chưa có báo đăng cáo phó. Đối với các bậc tôn trưởng và bạn hữu ở xa, người ta phải gửi cáo phó riêng, sai người mang đi.
Nội dung cáo phó phải ghi rõ sự việc: tên tuổi người qua đời, cùng đặc điểm và ngày giờ cử hành tang lễ. Danh xưng của thân nhân người chết khi xưa cũng được quy định rõ, thí dụ như cha chết thì con xưng là “cô tử”, mẹ chết thì xưng là “ni tử”, cha mẹ đều chết thì xưng là “cô ai tử”.
d. Trị quan
Việc chuẩn bị áo quan được gọi là trị quan. Áo quan hay quan tài còn có tên là cỗ thọ đường, cỗ hậu sự, săng, hòm. Khi xưa, người ta làm cỗ quan tài bằng cách ghép thành đứng góc vuông, ván càng dày càng tốt. Ván đã dày, thành lại ghép vuông đứng rất vững chắc, có thể chịu đựng được lâu ở dưới đất sâu.
Về chiều dài thì “giường bốn thước hai, quan tài bốn thước bảy”, nghĩa là chiều dài chỉ vừa đủ người nằm. Thước nói ở đây vẫn là thước ta dùng ngày xưa. Còn bề ngang bao giờ cũng làm hẹp, đúng sát hai vai là dụng ý ép giữ không để cho xác trương to, chảy nước, bốc hơi ra. Người chết có hai vai rộng thì người ta phải buộc gọn lại ngay sau khi tắt thở, và phần nhiều xác phải thắt đai đại nơi trên xương hông, để cho ruột hư thối không chảy ra.
Quan tài thường sơn gắn rất kỹ, dưới lót bỏng nẻ, giấy bản, trà búp khô, để nước có chảy ra cũng thấm hết vào. Người ta gắn nắp quan tài bằng sơn sống luyện với đất sét khô tán nhỏ, với bột nếp quấy nhựa xoan, rất kín và để năm bảy ngày, thậm chí có nhà quàn trong đông cát ở ngoài vườn vài ba tháng mới làm đám đem chôn.
Gỗ tốt nhất dùng làm quan tài là vàng tâm, rồi đến giổi – là hai thứ gỗ có đặc tính thích hợp với sơn vì gỗ có nhiều dầu, giữ cho sơn bền tốt, không bong tróc. Quan tài đã làm bằng vàng tâm hay giổi là dễ sơn, thường là sơn son, hai đầu chữ “thọ” và nẹp lan đằng thếp vàng, thếp bạc. Ít khi sơn cánh gián và sơn then.
Thứ gỗ đặc biệt quý nhất để làm quan tài là ngọc am mà người miền Bắc gọi là pơ-mu, chỉ vài nơi có. Ở miền Nam, người ta rất ít dùng quan tài sơn, mà dùng gỗ trai, gỗ sao.
đ. Đồ bổ khuyết
Đồ bổ khuyết (đồ để chèn hòm), ngày xưa có bán sẵn làm bằng giấy nhỏ xếp thành tập dày năm, mười cm, khâu bện lại bằng dây gai, cắt xén thành từng miếng dài, rộng, lớn nhỏ tùy theo nơi để gối đầu, để chèn hai bên mang tai, trên dưới và hai bên bắp đùi, cổ chân…
Vải dùng để gói bọc thì gồm có: tiểu liệm, đại liệm, tạ quan (vải lót quan tài). Các nhà bình dân thường dùng bằng vải mộc, nhà hào phú, quan lại thường dùng toàn nhiễu lụa.
3. TIẾN HÀNH LỄ TANG
a. Lễ Phạt mộc
Người xưa cho rằng trong chiếc áo quan đều có linh quỷ tinh ẩn khuất để ám hại người chết và gieo tai họa cho tang gia. Vì thế, trước khi làm lễ nhập quan, người ta phải trừ khử hết lũ ma quái đó đi. Lễ Phạt mộc được tiến hành để làm công việc trừ khử này bằng cách chém vào áo quan ba nhát.
Người ta nhờ một thầy cúng cầm một nắm hương đang cháy, đọc phù chú, thư phù trên một con dao, rồi dùng con dao này giơ lên chém khẽ ba nhát vào đầu, cuối và cạnh bên trong cỗ áo quan. Vừa chém, thầy cúng vừa “niệm chú”, với nội dung đuổi các loài thần trùng, quỷ tinh, ma quái và tà ma không được quấy nhiễu người chết và làm hại người sống, dù ở bất cứ tuổi nào hay hướng nào. Thầy cúng có lúc niệm chú khẽ trong họng, có lúc quát tháo như dọa nạt, thị uy. Người này cũng dùng những nén hương để làm phép trong lòng cỗ áo quan.
Tục lệ cho rằng, với lễ Phạt mộc, thần trùng và ma quỷ sẽ sợ hãi chạy ra khỏi áo quan. Ngoài ra còn có mục đích đuổi các mộc tinh thường ẩn nấp trong cây gỗ từ khi còn trong rừng cho đến khi bị hạ và đóng thành áo quan.
Khi lễ kết thúc, người nhà còn ném những nắm gạo muối ra đường để tiễn ma quỷ. Ngày nay, nhiều người cho đây là mê tín, nên không còn mấy ai tin tưởng và duy trì.
b. Đại liệm, tiểu liệm
Làm bằng vải trắng hoặc lụa. Tiểu liệm gồm một miếng vải dài 14 thước ta (mỗi thước bằng 40cm), có 3 đoạn vải ngang, mỗi đoạn dài 6 thước ta đặt thẳng góc với miếng vải chính.
Đại liệm cũng có chiều dài tương tự, đầu xé làm 3 dải, dải ngang gồm 5 đoạn. Các đoạn ngang này phải sắp cho vừa với thân người để buộc lại khi liệm, từ mảnh thứ nhất ngang đầu đến mảnh cuối cùng ngang bàn chân người chết.
c. Khâm
Làm chăn liệm người chết, mỗi chăn 5 khổ (mỗi khổ bằng 40 cm), vải dài 12 thước. Đại liệm đi kèm một chăn, tiểu liệm cũng một chăn.
d. Tạ quan
Phải sắm sửa đầy đủ đồ lót trong quan tài. Vải lót quan tài may 8 khổ vải, dài 12 thước; gối lót đầu, hai gối lót hai bên tai, một tấm đệm đầu, hai tấm đệm chân, hai tấm che mặt. Tất cả làm bằng giấy bồi trong nhồi bấc.
đ. Liệm xác
Khi chọn được giờ tốt, tang chủ quỳ xuống khóc, người chấp sự quỳ theo và khấn: “Được ngày giờ, xin làm lễ liệm. Cẩn cáo.” Tang chủ sụp lạy rồi đứng lên.
Cởi bỏ dải buộc hàm, chít đầu, phủ mặt bằng một vuông vải hay vóc nhiễu màu đen lót hàng màu hồng có dải buộc ra đằng sau gáy, lồng bao tay, đi bít tất và giày. Phải kiêng không để cho nước mắt con cháu rơi vào thi hài vì sợ sau này con cháu sẽ khó làm ăn.
Đồ khâm liệm đặt theo thứ tự trước sau trên chiếu: đĩa liệm, chăn đại liệm, tiểu liệm, sau cùng là chăn tiểu liệm, trên cùng là các đồ lót, đệm đầu và tay chân. Người chết được đưa xuống đặt ngay ngắn trên chăn tiểu liệm. Lót đầu, tai, mình, chân tay cho gọn, rồi gấp chăn bên trái trước, bên phải sau, tiếp đến gấp dưới chân lên và đầu xuống. Sau đó dùng vải tiểu liệm buộc lại theo chiều dọc và ngang.
Xong tiểu liệm đến đại liệm cũng làm tương tự. Cuối cùng là đặt người chết lên vải tạ quan chờ nhập quan.
e. Lễ nhập quan
Thực hiện ngay sau khi liệm xong. Thân nhân có mặt đứng theo thứ tự, con trai đứng bên trái, con gái bên phải người chết.
Nâng người chết bằng bốn góc tấm vải tạ quan và đặt nhẹ nhàng vào áo quan. Chỗ trống trong quan tài được dồn đầy bằng quần áo cũ hoặc giấy. Sau cùng bôi sơn trên thành quan tài và đậy nắp, đóng cá cho chắc. Theo tục xưa, quan tài luôn được sơn đỏ, đặt giữa nhà, đầu quay ra ngoài. Tục lệ còn bỏ lịch hoặc giấy tờ có dấu của vua vào quan tài; có nơi bỏ cỗ bài tổ tôm hoặc tàu lá gồi.
Trên quan tài để một bát cơm với một quả trứng luộc đặt giữa hai chiếc đũa bông cắm đứng. Bát cơm tượng trưng cho sự đầy đặn, lòng hiếu thảo; quả trứng (sau này là con gà) là dấu tích của việc thờ thần mặt trời.
Con cháu trải rơm ngồi hai bên linh cữu, trai bên trái, gái bên phải. Quan tài quay đầu ra ngoài để người đến phúng điếu lạy ở đằng đầu, không phải phía chân.
g. Thiết linh sàng, linh tọa
Linh sàng là giường nằm cho vong hồn. Nhà giàu thường bày linh sàng phía đông linh cữu, đủ cả màn, chăn, gối.
Linh tọa là bàn thờ, luôn đặt phía trước linh cữu. Trên linh tọa có bài vị ghi rõ chức tước, họ, tên húy, tên thụy, tên hiệu người đã mất. Ví dụ:
-
Cha: “Bản xã tiên chỉ, Tú tài, Cố phụ Trần Quý công, húy…, thụy…, phủ quân chi linh vị”
-
Mẹ: “Cố mẫu Lê Quý thị, húy…, Nhụ nhân chi linh vị”
Bài vị làm bằng nan tre, bẻ khung, phất giấy để đứng vững. Nhà nghèo thì chỉ dán mảnh giấy trắng dài, viết chữ lên một nan tre, cắm vào chuôi cày.
Bát hương đặt phía trước, với ba đài rượu bên ngoài, hai bên là đèn nến, ống hương. Tươm tất thì thêm mâm ngũ quả, đồ tam sự hay ngũ sự.
Trên tường phía trước treo bốn chữ viết trên vải trắng:
-
Cha mất: “Hổ sơn vân ám”
-
Mẹ mất: “Dĩ linh vân mê”
Hai bên là đôi liễn vải trắng, viết lời con thờ cha mẹ.
Lập linh sàng phải có cuộc tế. Con cháu quỳ lễ phía trước và đọc văn tế.
Văn tế:
“Năm… tháng… ngày…, có (ai) từ… vì nay đặt linh sàng, kính dâng cơi trầu, nậm rượu, cáo vu cố phụ (hoặc mẫu)… chức tước gì…, họ gì…, phủ quân (hoặc phụ quân) vị tiền, viết:
Than ôi!
Cố phụ (hoặc mẫu) đi đâu, bỏ lại nhà cửa, cây lăng, gió lau, đau đớn thay một phút hơi tàn, tên còn người mất, xót xa thay đôi đường chia rẽ.
Thế mới biết thay đổi cơ trời, mênh mông trần thế. Chút tình con cháu dại, chỉ thấy phảng phất hồn mây, đền công bể ái, nguồn ân, gọi là thiết linh sàng một lễ, tế cho phải phép, tuân theo tục lệ. Mất cũng như còn, đau đớn tấc lòng thảo hiếu.”
h. Thiết minh tinh
Minh tinh là một lá cờ lụa đỏ buộc trên một cành tre, treo phía đông linh tọa. Cổ lễ định rõ kích thước như sau:
-
Quan tam phẩm trở lên thì minh tinh dài 9 thước ta
-
Ngũ phẩm trở lên, 8 thước
-
Lục phẩm trở xuống, 7 thước
Chữ viết trên minh tinh màu trắng. Trên cùng ghi: Cố phụ (cha) hoặc Cố mẫu (mẹ), kế đến là quan tước, thụy hiệu… sau cùng là “… chi linh cữu”.
Tục xưa còn quy định số chữ trên minh tinh sao cho tổng số là: 3, 7, 11, 15, 19, 23, 27… nếu người chết là đàn ông, và: 4, 8, 12, 16, 20, 24, 28… nếu là đàn bà.
Tức là, khi đếm theo bốn chữ: “quý”, “khốc”, “linh”, “thính”, thì chữ cuối cùng rơi vào chữ “linh” (nếu là đàn ông), hoặc “thính” (nếu là đàn bà), tránh rơi vào chữ “quý” hay “khốc”.
i. Lễ chúc thực
Khi linh cữu được quàn trong nhà, ban đêm thân nhân túc trực quanh linh cữu cha (hoặc mẹ), con cái làm lễ này để tỏ lòng thương tiếc. Lời khấn trước linh cữu có thể không cần theo khuôn mẫu.
Lời khấn:
Thiết nghĩ! Nhân sinh tại thế,
Họa mấy người sống tám chín mươi,
Đôi ba mươi năm cũng kể một đời,
Song vận số biết làm sao tránh được.
Nhớ hồn thuở trước, trong buổi xuân xanh,
Ơn cha mẹ đạo cả sinh thành, đêm ngày dạy dỗ,
Đường ăn, nết ở, việc cửa việc nhà,
Lại lo bền nghi thất, nghi gia,
Cho sum họp trúc mai thấy đóa.
Cương thường đạo cả, lòng những lo hiếu thảo đền ơn,
Nếp kiệm cần hằng giữ sớm hôm,
May nối được gia đường cơ chỉ,
Ba lo bảy nghĩa, vất vả trăm bề,
Cho vẹn toàn đường lối nọ kia.
Tuy khó nhọc chưa cam hả dạ,
Bỗng đâu gió cảm, phút vỡ cành mai,
Hoa lìa cây, rụng cánh tơi bời,
Yến lìa tổ, kêu xuân vò võ.
Tưởng hồn trường thọ, dủi con em khuyên nhủ nên người.
Ai ngờ rằng trăng lặn sao dời, hồn đã về nơi Tây Trúc.
Từ nay lấy ai chăm sóc ngõ trúc tường đào,
Từ nay quạnh bóng ra vào cội Nam cành Bắc.
Ngày chầy sáu khắc, đêm vắng năm canh,
Tưởng phất phơ thoáng hiện trước mành,
Tưởng thấp thoáng bóng hình trên khói.
Hiên mai bóng rọi, vào ngẩn ra ngơ,
Hết đợi thôi chờ, nắng nồng lạnh giá.
Ai hay số mệnh!
Thuốc trường sinh cầu Vương Mẫu chưa trao,
Bút Chú Tử, trách Nam Tào sớm định.
Bùi ngùi cảm cảnh, tuôn rơi hàng lệ dầm dầm,
Nhớ nơi ăn chốn ở, buồng nằm,
Như cắt ruột xát lòng con trên trần thế.
Mấy dành kể lể, chiều hồn về than thở nguồn cơn,
Cầu anh linh phù hộ cháu con,
Cầu Thần Phật độ trì cho vong hồn siêu thoát…
j. Lễ triều tổ
Tục xưa coi người đã chết nhưng còn quàn trong nhà như người hãy còn sống, vẫn còn có bổn phận với tổ tiên. Mỗi ngày, con cháu, thân nhân phải rước hồn bạch hoặc hình ảnh người quá cố đến bàn thờ gia tiên làm lễ một lần.
Trước ngày đưa đám, cũng phải rước vong hồn người quá cố đến từ đường làm lễ yết cáo tổ tiên, như là để cho tổ tiên biết rằng ngày hôm sau sẽ tiến hành an táng.
k. Triêu – Tịch diện
Triêu: buổi sáng; Tịch: buổi tối.
Trong trường hợp có thiết lập linh sàng, thì tục xưa cho rằng thân nhân phải làm lễ mỗi buổi sáng và buổi tối, y như lúc người quá cố còn sống.
-
Buổi sáng: rước hồn bạch ra linh tọa, lấy khăn, nước, gương, sắp xếp màn, gối.
-
Buổi trưa: cúng cơm.
-
Buổi tối: rước vào linh sàng, buông màn, đắp chăn…
Nghi lễ này được duy trì cho đến ngày an táng.
Trong lúc rước hồn bạch ra linh tọa hoặc vào linh sàng đều có nghi lễ, gần tương tự như lễ “thành phục”, và cũng có văn tế riêng.
Năm… tháng… ngày…, cố tử (mẹ, ai tử) vì lễ triêu diện (hoặc tịch diện) cần sửa trầu rượu (nếu là cô thì viết là cụ soạn), mọi vật lòng thành, dâng lên cố phụ (hoặc cố mẫu), phủ quân (hoặc nhụ nhân) linh tọa rằng:
Than ôi!
Thân phụ (hoặc mẫu) đi đâu, cõi trần vắng mặt;
Sớm tối thăm nom, tìm đâu thấy giọng cười tiếng nói.
Ngày đêm kêu, còn đâu là vật lạ miếng ngon.
Cha ôi! (hoặc Mẹ ôi!)
Này đã sáng rồi (hoặc đã tối rồi), là tuần triêu diện (hoặc tịch diện),
Gọi là chay nhạt bữa thường,
Xin chứng cho chút tình lũ trẻ!
l. Kèn giải
Lúc linh cữu còn quàn tại nhà, gia chủ thường mời phường kèn trống, kẻ nhạc đến để cử tang nhạc trong những lúc hành lễ.
Phường nhạc phải đứng túc trực bên cạnh linh cữu. Khi có khách tới viếng, phải thổi kèn và nổi trống cho khách làm lễ. Phường nhạc này dân gian gọi là phường nhạc hiếu.
Nhạc hiếu trong tang lễ gồm các điệu làn khóc, làn thảm, làn ai, già nan…, nhằm chia buồn, kể lể xót xa thương tiếc, nói hộ nỗi niềm tình cảm của người đến viếng và tạo nên không khí trang nghiêm.
Phường nhạc hiếu thường có những bài riêng như: con khóc cha mẹ, vợ khóc chồn g, cháu khóc ông bà, anh chị em khóc nhau… Dân gian có câu:
“Sống dầu đèn, chết kèn trống” – là nghĩa như vậy.
Lời khấn:
Than ôi!
Cây Thung sương thấm (nếu mẹ thì đổi: “cỗ Huyên”),
Non Hổ mây che (nếu mẹ đổi: “non Dĩ”).
Trời vậy, chẳng phải làm mà cứ làm;
Mệnh vậy, chẳng muốn đến mà cứ đến.
Trên thềm Ban y chưa múa, tham dài đạo hiếu còn khuyết;
Trước giường thôi diệt đã mang, ngán nòi ông xanh sao khiến.
Quằn quặn sầu tràng chín khúc,
Ba ba hạt lệ đôi hàng.
Nay nhãn: Tang phục chế xong,
Tuân theo thường lễ.
Kính dâng phỉ bạc chi nghi,
Thức biểu vì tuân chi nghĩa.
Cẩn cáo.
m. Lễ Thành phục
Theo lễ xưa, khi thân nhân mất được 4 ngày mới làm lễ thành phục (mặc đồ tang), vì quan niệm rằng trong mấy ngày đầu tiên chưa nỡ coi là người đã chết.
Sang ngày thứ tư, con cháu anh em mặc tang phục, đứng hai bên quay vào linh cữu:
-
Đàn ông phía Đông
-
Đàn bà phía Tây
Sắp xếp theo thứ tự trên dưới để hành lễ.
Trang phục:
-
Con trai đội mũ nùn rơm, quấn bẹ chuối, mặc áo xô gai, cầm gậy (cha dùng gậy tre, mẹ dùng gậy vông).
-
Con dâu mặc áo xô gai, thắt lưng ngoài bằng dây bẹ chuối, áo có sổ gấu hoặc không (tùy còn cha hay mẹ).
-
Con gái trong nhà mặc áo như con dâu; nếu đã đi lấy chồng thì áo có thể khác. Đầu chít khăn tang.
-
Con rể, anh em trai mặc áo thụng trắng.
-
Chị em gái quấn khăn trắng cùng tóc.
-
Thân thuộc đều mặc đồ trắng.
Ngày nay, nhiều nơi đã bỏ tục chống gậy, và thường mặc đồ tang màu đen.
Hiện nay, đa số mặc tang phục ngay từ đầu.
-
Nếu theo Phật giáo, thân nhân mời Tăng Ni đến tụng kinh.
-
Nếu theo Thiên Chúa giáo, họ hàng thân nhân cùng đọc kinh cho người quá cố, có khi suốt mấy ngày trước khi an táng.
R. Nằm đất
Đây là tục lệ của miền Nam thuở trước (ở miền Bắc có tục con gái, con dâu lăn đường). Khi cha mẹ mất, con cháu có tang phải ăn chay, nằm đất, nghĩa là ăn đạm bạc và nằm dưới đất để tỏ lòng hiếu thảo và nỗi buồn khổ.
Lúc linh cữu còn quàn tại nhà, các con cháu phải nằm đất (không trải chiếu), ngay phía dưới và cạnh linh cữu khi ngủ, đặc biệt là con trai và các cháu trai nội.
Khi linh cữu được di chuyển đi an táng, dọc đường, con cháu nằm phục xuống đất san sát nhau để linh cữu đi qua bên trên, cho dù đường đất có bẩn đến mấy cũng mặc.
Ngoài ra, các con trai phải đứng hầu quan tài, cạnh bàn thờ. Ngày nay, một số nơi vẫn còn giữ nghi thức này. Người ta giải thích rằng đây là cách “hầu người còn sống”. Thực tế, cũng là để canh chừng không cho chó, mèo, chuột lại gần vào ban đêm và tiếp đón khách đến phúng viếng, lo việc trả lễ.
S. Phúng điếu
Khi đã có thân nhân qua đời, việc tiếp đón khách khứa được giao cho người hộ tang. Theo lệ xưa, khi chưa thành phục (chưa mặc tang phục), người chủ tang chưa được phép tiếp khách. Nếu khách tới phúng điếu muốn vào làm lễ, tang chủ phải lễ cáo trước vong hồn người mất và đứng đáp lễ bên bàn thờ hoặc linh cữu, vái lại khách một nửa số vái mà khách đã vái người quá cố.
Về phần người đến phúng điếu, lễ xưa quy định như sau:
-
Đang có trọng tang thì không nên đi phúng điếu.
-
Phúng điếu là sự thăm hỏi, giúp đỡ. Có giúp vàng ngọc gọi là lễ hàm; giúp chăn áo tẩm liệm là lễ tuỵ; giúp tiền bạc gọi là lễ phụng; giúp xe ngựa đưa tang gọi là lễ phúng; cúng hương đèn rượu quả là lễ điếu.
Theo Kinh Lễ: “Tri sinh giả điếu, tri tử giả ai” – nghĩa là chỉ quen người lúc còn sống thì đến điếu (viếng) mà không khóc; quen biết cả lúc sống lẫn lúc mất thì có khóc.
Khách đến lễ, nếu linh cữu còn quàn tại nhà thì chỉ lạy hai lạy như với người sống. Nếu đã chôn cất thì lạy bốn lạy trước bàn thờ.
Văn ai điếu người chết xưa chia làm hai loại:
-
Lời văn: kể công đức, khen ngợi người chết, còn gọi là hạnh thuật, hạnh trạng. Người dưới không được làm văn tế cho người trên. Thời xưa, lời văn thường do các bậc lão thành có quan tước soạn theo yêu cầu của tang gia.
-
Văn ca: là bài ca nói lên nỗi thương xót người quá cố.
Người Việt thường có lệ phúng viếng bằng câu đối, trướng liễn. Người đi phúng điếu, nếu còn cha mẹ thì trên dòng lạc khoản (dòng cuối cùng) của câu đối phải ghi rõ “Thừa phụ mệnh” hoặc “Thừa mẫu mệnh” (nếu chỉ còn mẹ), ngụ ý rằng việc phúng điếu đã được sự cho phép của cha hoặc mẹ.
T. Chọn đất làm huyệt mộ
Ngày xưa, việc chọn đất làm huyệt rất được coi trọng vì người ta tin rằng nó ảnh hưởng đến sự phát đạt, hưng thịnh của con cháu sau này. Vì tin tưởng như vậy, trước khi an táng ông bà, cha mẹ, tang gia luôn chọn ngôi huyệt một cách kỹ càng. Những người khá giả còn xây sẵn sinh phần để khi mất, con cháu không phải lo tìm đất.
Theo sách địa lý cổ, ngôi huyệt đúng đất gọi là “huyệt trường”, phải có:
-
Tiền án (mô đất phía trước),
-
Hậu án (mô đất phía sau),
-
Tả long và Hữu hổ (mô đất hai bên),
-
Minh đường (khoảng đất trống phía trước),
-
Thủy tụ (nơi nước tụ lại),
-
Long mạch thu thúc phía sau,
-
Bài sơn triều củng phía ngoài,
-
Và phải có tụ khí tàng phong.
Thầy địa lý xưa phân biệt huyệt tốt xấu qua các mô đất: “Thượng nhất thốn vi sơn, hạ nhất thốn vi thủy” – nghĩa là cao hơn một tấc là núi, thấp hơn một tấc là nước.
Huyệt dùng cho việc “hung táng” (chôn người mới mất) tuy có lựa chọn nhưng không kỹ bằng huyệt “cát táng” (cải táng). Ngôi huyệt lúc cải táng mới là ngôi huyệt vĩnh viễn.
Lễ cáo long thần thổ công trước khi đào huyệt
Kính lạy bản cảnh Hậu Thổ Thần linh chư vị!
Xin kính cáo: Hôm nay là ngày… tháng… năm…, tang chủ con là…, người xã…, huyện…, tỉnh…
Nay có táng cố phụ (hay cố mẫu) là họ…, húy hiệu…, tiền tước là…, thọ chung ngày…, ở khu đất này, kính dâng lễ vật, lễ nghi các thứ.
Thiết nghĩ: đất có dữ lành, đều do họa phúc; kết phát dựa vào âm đức. Cũng nhờ thần lực hiển linh, ấy thực là lẽ thường. Xiết bao cảm kích, chỉ mong mồ yên mả đẹp. Vậy dâng lễ bạc lòng thành, nhờ ơn đại đức, thấu nỗi u tình, khiến cho vong linh được yên nơi chín suối, phù hộ dương trần con cháu nội ngoại bình yên.
Cẩn cáo.
4. LỄ AN TÁNG
a. Chuyển cữu và lễ yết tổ
Trước khi đem linh cữu đi an táng vài ba giờ hoặc nửa ngày, vào buổi sớm hoặc buổi đêm, người ta làm lễ chuyển cữu, nghĩa là xoay linh cữu. Nguyên lễ là rước quan tài sang chầu tổ miếu (hay nhà thờ gia tộc), nhưng vì nhà chật hẹp, không mấy người rước được quan tài, chỉ có rước hồn bạch. Nhà đại gia thì phóng áo mũ đại trào rước sang.
Thủ tục khiêng linh cữu và hồn bạch tới nhà thờ tổ gọi là lễ yết tổ, nhằm mục đích để người chết tạ yết cáo với tổ tiên. Khi rước linh cữu hoặc rước hồn bạch sang nhà thờ tổ, người trưởng tộc thắp hương khấn với tổ tiên để báo tin người chết tới yết tổ. Chủ tang và con của người chết vào làm lễ cáo yết thay người chết, lễ bốn lạy không cầm gậy, rồi lùi xuống một bước cầm gậy lên, lễ bốn lạy nữa (bốn lạy sau này là lạy cho bản thân mình). Xong lại rước hồn bạch hoặc linh cữu về linh tọa.
Lễ yết tổ có trầu rượu. Nhà đại gia thường có ban nhạc lễ tư văn trợ tế.
Những nhà không có nhà thờ tổ tiên riêng biệt thì tang chủ thường dâng trầu rượu, lễ khấn gia tiên, và khiêng xoay linh cữu một vòng rồi lại đặt về nguyên chỗ cũ, với ý nghĩa như người chết có hành động đi yết tổ.
Chuyển cữu thì phải do chính con cháu trong nhà đích thân bắt tay vào khiêng.
b. Cáo thần đạo lộ
Vào ngày đưa đám, trước khi rước linh cữu lên đường, người ta làm lễ cáo thần đạo lộ, để cho đám tang đi được thanh thản.
Cáo thần đạo lộ có lễ trầu rượu, oản quả hay lễ mặn tùy tâm, thường có thêm vàng hương, một đĩa xôi, một thủ lợn hoặc chân giò hay con gà. Nhà giàu lập hương án nơi đầu ngõ tế một tuần rượu. Có thể cử người đại diện, tang chủ không phải đích thân hành lễ.
c. Phát dẫn
Còn gọi là “đưa đám”. Thông thường dân gian thường xem ngày giờ để chôn cất, nhiều khi để chậm lại một hai ngày. Sau khi người thân lạy khóc, người chấp sự hô: “Được ngày giờ, xin rước linh cữu lên đường.”
d. Nghi trượng đám tang
Nghi trượng một đám tang theo lễ xưa gồm nhiều thành phần như sau:
-
Phương tướng: 4 hình người cầm binh khí dẫn đường, đồ mã nan tre phất giấy bốn mặt, hình dung dữ tợn, cầm khí giới chùy đồng. Có nhà mướn người vẽ mặt râu, xõa tóc, mặc áo phường tuồng, cầm gươm giáo tương hình phương tướng, đi dẫn đầu.
-
Cờ Đan Triệu: Trên viết hai chữ “Trinh Thuận” (đàn bà) hoặc “Trung Tín” (đàn ông).
-
Thê kỳ: Là bức hoành bằng vải trắng đề 4 chữ “Hổ sơn vân ám” (nếu người quá cố là cha) hoặc “Dĩ linh vân mê” (nếu người quá cố là mẹ). Hai bên có rèm lồng ghi chức tước, danh hiệu người chết.
-
Minh khí: Đồ mã theo tín ngưỡng thời xưa.
-
Minh tinh: Là tấm lụa đỏ dài hơn 4 mét căng trong một cái khung làm như hình một chiếc thể môn tám cột bốn mái cong, đặt trên một chiếc án hai đòn dọc, bốn người khiêng, cao ngất nghểu, chằng buộc công phu. Trên tấm lụa viết tên huý, tên hiệu, tên thụy của người mất, theo cách kê “quý, khốc, linh, thính” sao cho chữ cuối cùng không đúng vào hàng chữ “quý, khốc” là được. Nếu chạm vào hàng chữ hay chữ “khốc”, thì phải liệu xếp đặt bỏ đi hay thêm lên một hay hai chữ cho được gặp Linh hay Thính, bớt đi hay thêm chữ vẫn phải giữ cho lời văn được chỉnh. Minh tinh bao giờ cũng viết chữ trắng, không viết mực đen; chữ viết rộng bề ngang, hẹp bề dài. Những người làm quan ta, trên minh tinh viết cả chức tước, phẩm hàm nên nhiều khi rất dài. Đối với người nghèo, nhiều khi chỉ dùng một tờ giấy điều, cắt 3 dải phía dưới, đề chữ trắng, buộc trên một cành tre lớn (cành phan) do một đứa trẻ mang đi đầu đám tang.
-
Hương án: Bày giá gương, độc bình, mâm ngũ quả và đồ tam sự; tiếp đó là mâm bày lợn quay xôi hay bánh trái (ngụ ý thay cho lễ tam sinh).
-
Thực án: Trên có bày tam sinh (lợn, dê, gà quay), bánh trái.
-
Trướng đối của con cháu và bạn bè thân thuộc phúng viếng đều căng lên trục và đem đi rước. Ở thôn quê, trướng đối thường là vải trắng chữ viết mực đen.
-
Linh xa đi sau, bốn người khiêng, tựa như long đình nhưng không sơn thiếp lộng lẫy, trong để hồn bạch với bát hương, bình hoa và đèn nến. Đằng trước là đồ minh khí (đồ mã đủ cả, biển đèn làm theo kiểu bát bửu). Phường bát âm đi trước mặt. Đi liền kê hai đòn linh xa là biển Đan Triệu phất giấy, đàn ông đề hai chữ “Trung Tín”, đàn bà đề “Trinh Thuận” hoặc “Trinh Tiết”.
-
Cờ công bố: Là ba mảnh vải trắng treo trên người đi trước, dùng làm hiệu cho những người khiêng linh cữu biết mà đi cho đều bước trước các khúc đường cao thấp, gồ ghề.
Sau cờ công bố là các nghi trượng như mũ áo đại triều, kiệu phong của người chết, cờ phát hiệu, tán, lọng, v.v… kế đến là kèn trống, tang nhạc các loại.
Đại dư để linh cữu đi sau cùng. Nhà giàu thường làm đồ mã tương hình bát nhã lồng vào đòn khiêng và nhà táng che phủ quan tài. Những đồ mã này có nhiều con giống, nhiều hình người nhỏ bé nhồi bông, đủ cả râu ria áo mũ,…
Thông thường, linh cữu chỉ cần 8–10 người khiêng gọi là đô tùy. Họ làm theo tiếng lệnh của người chấp hiệu, nhịp nhàng, thong thả, từ việc bắt tay vào đòn khiêng đến việc lên tay, lên vai, rồi nhấc chân đi, dừng lại, đổi vai… nhất nhất đều nhịp nhàng. Dân gian có tục ngữ ví như cho thi hài người chết được nằm yên. Cho nên khi di chuyển cần phải nhẹ nhàng, thậm chí có nơi cố khiêng dè dặt, thể hiện sự lưu luyến với người đã khuất.
Con cháu đi theo linh cữu, con trai đều đội mũ, chống gậy. Người nào vắng thì mũ gậy quàng buộc trên đầu đòn. Đưa đám cha thì chống gậy tre để tròn, đưa đám mẹ thì chống gậy vông đẽo vuông.
Thành phần dự đám tang
Gồm có trước hết là người chủ tang và các thân nhân trong hàng ngũ phục, có để tang người quá cố đi sau đại dư theo thứ tự trước sau. Sau đại dư có bạch mạc, là một cái màn che (còn gọi là phương du). Thân nhân trong hàng ngũ phục đều đi trong bạch mạc.
Tục lệ Việt Nam có câu “cha đưa mẹ đón”, nên nếu người chết là mẹ, các con trai phải chống gậy đi giật lùi trước đại dư; nếu là cha thì chống gậy đi theo sau. Điều này ngụ ý cha nghiêm (nghiêm đường, nghiêm phụ), con chỉ biết lẽo đẽo theo khóc, không dám lên phía trước đón ngăn lại trên đường vĩnh biệt như đối với mẹ hiền (gia từ, từ mẫu). Con dâu, con gái và những phụ nữ thân thuộc gần gũi đi dưới bạch mạc, căng vuông, trên đầu có diềm buông cao bốn vòm để che mưa nắng. Con dâu trưởng và con gái thường nằm ngang đường, thỉnh thoảng lăn vài vòng, gọi là lăn đường, đô tùy khiêng đại dư phải liệu tránh hoặc bước qua.
Quanh linh cữu có những người thân thích đi kèm đại dư hoặc ngồi hai bên linh cữu gọi là hộ tang. Có khi 4 góc đại dư buộc bốn sợi dây, có người gọi là chấp phất.
Sau thân nhân ngũ phục là các bậc tôn trưởng và họ hàng không tang, cuối cùng là quan khách, bằng hữu, cháu chắt đi theo linh xa, không đi theo linh cữu.
Trong khi đám tang đi trên đường, còn có lệ rắc các thoi vàng giấy, giấy tiền dọc bên đường vì tin rằng ma quỷ bám quanh quan tài, nhờ tiền và vàng giấy tống tiễn chúng để nhẹ bớt, dễ đi.
Các đám tang theo nghi lễ Phật giáo còn có đoàn thể Phật tử đưa tiễn, có các bà vãi cầm phướn đi dọc hai bên, đọc kinh niệm Phật gọi là đi hộ phúc, có sư mặc áo cà sa, tay gõ mõ, miệng tụng kinh cầu nguyện cho linh hồn được siêu sinh tịnh độ. Nếu người chết đã quy y Phật, thì các vãi đội cầu Bát Nhã làm đường cho vong hồn đi sang Tây Thiên. Nhà sư và các vãi cầm phướn, đội cầu bao giờ cũng đi trước linh xa, dẫn dắt vong hồn đi.
Các đám tang theo nghi lễ Thiên Chúa giáo cũng có các hội đoàn trong giáo xứ đi theo đọc kinh cho linh hồn người quá cố.
e. Phường tuồng dẫn đường trị huyệt
Tại một số đám tang, đi đầu không phải là hai phương tướng, mà có mấy kép hát, mặc quần áo như lúc diễn tuồng – đó là phường tuồng dẫn đường trị huyệt, gồm 5 người: 4 người đóng vai Thiên tướng trấn giữ bốn góc Đông, Tây, Nam, Bắc, một người đóng vai Thần Hổ, đội mũ đầu cọp.
Thần Hổ và bốn Thiên tướng đi đầu đám tang, vừa đi vừa có những điệu bộ nhảy tiến, miệng ê a hát. Các vị này đi đầu để trừ tà ma. Khi tới huyệt, Thần Hổ nhảy xuống lòng huyệt, thám thính khắp tứ phía, có khi gầm thét, trong khi bốn Thiên tướng múa, đọc chú và đi quanh huyệt.
Sau khi đã vẽ bùa yểm khắp nơi, năm người đóng vai trị huyệt này đều phải vội vã rút lui, mỗi người đi một đường và khác đường lúc đến.
g. Nhà trạm và lễ Đề chủ
Nếu đưa linh cữu đi đường xa thì cần có những trạm trung đồ. Linh cữu dừng lại trạm này cho mọi người nghỉ ngơi và làm lễ tế giữa đường. Trung đồ nghĩa là giữa quãng đường từ nhà đến huyệt mộ. Nhà giàu thường hay làm nhà trạm để việc đưa linh thêm phần trọng thể. Nhà trạm thường làm bằng chiếu tre, phủ vải, mái lợp cót, kết hoa, treo đèn, hoành phi, đối liễn, chậu cảnh.
Đám tang dừng lại đâu gọi là đình cữu, và sẽ có một lễ là lễ Đề chủ. “Đề chủ” là đặt bài vị cho đúng gọi là Thần chủ – tức là bài vị ngày nay. Lễ tế này cũng có ban Tư văn hành lễ với đầy đủ nghi thức, sau một tuần rượu thì dâng cơm. (Tuy nhiên, người ta thường để chôn cất xong mới đề Thần chủ.)
Thần chủ là một miếng gỗ mỏng cỡ vài ba phân, hình chữ nhật, gắn trên một đế vuông.
Khi mời quan đề chủ, thường kén người đỗ cao hơn nếu người chết có chân khoa bảng, hoặc kén người phẩm tước cao hơn nếu người chết đã làm quan.
Sau khi đề chủ xong, quan phụng chủ bưng đặt lên linh xa, thu vào hồn bạch và bài vị giấy được đem đốt đi. Tang chủ lạy tạ ơn quan đề chủ hai lạy một vái.
Vãn tế:
Cáo vu hiền khảo (mẹ là hiền tỷ) vị tiền than rằng:
Bóng thỏ mờ sương, chồi thung đượm tuyết (mẹ là chồi huyên)
Trời già độc địa, khôn đem tấc cỏ đền bồi
Giọt lệ chứa chan, cam chịu thần hồn biếng nhác
Nay sắp mồ yên mả đẹp, cõi trần hoàn khôn thấy hình dong
Mượn sầu son đỏ, mực đen, để Thần chủ ghi tên họ.
Thôi từ nay:
Ấm dương xa lánh cõi trần, muôn thuở tìm đâu thấy mặt
Thụy hiệu sẽ về tý lỵ, trăm năm chứng giám tấc lòng.
Lễ đề Thần chủ xong, đám tang lại tiếp tục lên đường đi tới chỗ hạ huyệt.
Lễ hạ huyệt
Đến chỗ hạ huyệt lại có một trạm nữa để đặt linh cữu khi dừng lại để tế hạ huyệt. Trạm này gọi là trạm tế huyệt. Nếu đã có trạm tế huyệt thì bao giờ cũng làm lễ tế Thần chủ tại đây.
Trước khi hạ huyệt, người ta phải làm lễ cúng Thổ thần để xin phép được an táng người chết tại nơi đây. Lễ cúng Thổ thần cũng giống như lễ cúng “Đạo lộ thần”, gồm có trầu, rượu, vàng, hương và đĩa xôi, thủ lợn hoặc chân giò, gà… bày trên một án đặt theo chiều hướng thuận lợi.
Một người đại diện tang chủ làm lễ. Nhà nghèo thì chỉ có cơi trầu, bầu rượu trong một chiếc khay đặt trên một nấm đất gần đấy, cũng đèn nhang khấn vái nhưng không tế. Đối với nhà giàu, cúng Thổ thần cũng có văn khấn riêng. Muốn cho long trọng hơn, đôi khi người ta đọc văn tế.
Cúng Thổ thần xong, linh cữu mới được hạ huyệt. Lúc đó, thầy địa lý dùng la bàn dò hướng phúc lại cho đúng.
Người ta trải minh tinh lên trên linh cữu một lát rồi đem ra phương Bắc đốt. Ở nhiều nơi, người ta thường chôn luôn theo cùng với quan tài. Thời xưa, khi đốt, người ta hay chờ đợi để tranh nhau xé “minh tinh” đem về vặn như bùa cho trẻ con đeo lấy “khước” nếu người chết là bậc lão đại phúc hậu.
Trong lễ hạ huyệt, có khi người ta còn đọc điếu văn. Để tỏ lòng thương kính, trước khi lấp đất, thân nhân, bằng hữu cùng nhau mỗi người ném xuống huyệt một hòn đất. Đám tang của Phật tử khi hạ huyệt có tăng ni tụng niệm. Sau khi huyệt đã lấp rồi, các bà bạn cùng đi chùa với người quá cố, mỗi người cầm một nắm hoặc một cây nhang, tụng kinh niệm Phật đi quanh mộ, rồi mỗi người cầm một hòn đất ném vào mộ gọi là “động nhang”.
Thời xưa, bát cơm cúng đặt trên nắp linh cữu được người ta tranh nhau cướp lấy đem cho trẻ ăn để tránh khỏi sài đẹn, đau yếu.
Sau khi huyệt đã lấp thành mộ, những tràng hoa tươi bỏ lại mộ, còn những đồ phúng điếu khác được đem về nhà treo trên tường, ở trên và xung quanh bàn thờ.
5. CÁC NGHI THỨC SAU LỄ AN TÁNG
a. Tế Thành phần
Lấp huyệt, đắp mồ xong, kể từ lúc này trở đi thì mới lấy đạo thờ người chết. Khác hẳn lúc linh cữu còn quàn trong nhà – lúc đó phúng viếng chỉ lạy hai lạy vì coi như người còn sống – thì bây giờ làm lễ phải bốn lạy một vái. Bà con, bạn hữu đứng trước mộ vái từ biệt. Con cháu mỗi lần cúi đầu vái đáp lễ, không phải lạy.
Trong lễ Tế Thành phần, cùng với nghi thức như các cuộc tế khác, con cháu phải lễ bốn lạy một vái. Tế Thành phần xong thì con cháu ra về.
Văn tế:
Năm … tháng … cô (hoặc ai) tử nay đã thành phần mộ, kính dâng lễ bạc cáo cùng hiền khảo (hoặc tỷ)… phủ quân (hoặc nhụ nhân) trước mộ khóc mà than rằng:
Mây bạc bay mù thôn dã, khôn lường tạo hóa khéo xoay vần
Biển xanh đắp đổi ngàn dâu, dễ tỏ cơ trời khi khép mở
Cõi trần ai sống thác là thường,
Song cơ biến, đổi thay cũng dở
Người về cõi Phật, ngán nỗi duyên do
Con ở miền trần, chạnh lòng thương nhớ
Âm dương cách nẻo, bỗng chốc ngàn thu trong một phút
Nhìn qua đống đất, dạ rầu rầu
Trời đất xa vời đã đành
Ba thước đất định trăm năm, đầm đến ân tình lòng bỗng ngờ
Rày nhân mã đắp lưng trâu
Nền xây sườn ngựa
Gối quỳ dâng kim bôi ba chén, luống những ngậm ngùi
Mắt trông thấy thổ nhưỡng một gò, lo còn lở chở
Thôi, thời thôi!
Mộ phần nay đã đắp xong
Xót thay âm dương cách trở
Đành ngóng trông ngọn cỏ biếc rồi xanh
Hương hồn xin hãy trở về
Gọi là khuya sớm phụng thờ
Đành hướng vọng ngàn mây, than lại thở.
Than ôi! Xin hưởng.
b. Rước về
Lúc ra về, Thần chủ hoặc hồn bạch được rước lên xe. Một người trong hiếu chủ dẫn trước linh xa, còn những người khác theo sau. Đám tang đi một đường, về một nẻo, theo thứ tự như lúc đi.
Tới nhà, con trưởng hay thừa trọng tôn bưng Thần chủ từ linh xa vào đặt nơi bàn thờ, con cháu làm lễ An vị (yên chỗ), bốn lạy một vái. Có nhà lại còn bày vẽ thêm lễ tế An vị, vẫn có ban Tư văn trợ tế. Bàn thờ thiết lập nơi trang trọng nhất ở trong nhà. Nếu nhà có bàn thờ gia tiên ở gian giữa thì phải lập bàn thờ vong ở gian bên, không được thờ chung. Phải đợi hết tang mới có thể rước sang hợp tự.
Lễ hồi linh (khấn khi rước ảnh hoặc linh vị từ mộ về):
Than ôi!
Xót nghĩ phụ thân (hoặc mẫu thân)
Thán thi táng tất – hồn phách đã yên
Xa nơi trần giới – về chốn cửu nguyên
Nay hồi linh, phụng nghênh Thần chủ – rước về linh diện
Để con cháu sớm hôm phụng sự
Tới hạn kỳ làm lễ cáo thiên
Cha (hoặc mẹ) hỡi có thiêng!
Từ nay phách định hồn yên!
Cẩn cáo.
Lễ Phản Khốc
Khi linh xa về tới nhà, một người chấp sự đến bên quỳ xin rước Thần chủ hoặc hồn bạch vào linh tọa. Các hộ lễ rước vào, rồi làm lễ Phản khốc. Trong lễ này, bản chúc đọc lúc tế đề chú được đem đốt đi. Có nhà không làm lễ Phản khốc, con cháu vào lễ bốn lạy.
Lời khấn:
Than ôi!
Thân phụ (hoặc mẫu) đi đầu bỏ rơi trần thế.
Mồ yên mả đẹp, di hài đã tìm được chôn đất lành.
Hôm mai thăm viếng, chốn từ đường đâu dám trễ lòng.
Công đức cao dày, trên linh tòa chứng cho bạc lễ.
d. Tế Ngu
“Ngu” có nghĩa là vui: Có 3 lần để an thần người quá cố:
-
Ngày an táng tế lần đầu gọi là Sơ Ngu, tổ chức ngay hôm đưa đám trở về.
-
Qua ngày hôm sau tế thêm một lần nữa, gọi là Tái Ngu.
-
Tối ngày thứ ba gọi là Tam Ngu.
Mục đích của Tế Ngu là để cho hồn phách người chết được yên ổn ở nơi suối vàng.
Tế Ngu nhiều chi tiết phức tạp hơn tế Thần. Chủ tế là con trưởng hay thừa trọng tôn đứng hàng đầu (mỗi cử động đều phải theo người tướng lễ đi bên cạnh hướng dẫn). Con cháu xếp hàng hai bên, nam tả nữ hữu, con dâu, con gái, cháu gái ngồi xếp gối dưới đất (không bao giờ trải chiếu), dâu trưởng ngồi hàng đầu. Ban Tư văn cử người giọng tốt đọc văn tế.
Lời tế:
…Than ôi!
Trên tòa Nam Cực (khóc mẹ đổi là Bảo Vu), lác đác sao thưa;
Trước chốn Giao Trì, tờ mờ mây khói.
Cơ tạo hóa làm chi ngang ngửa thế, bóng khích câu khen khéo trêu ngươi;
Chữ cương thường nghĩ lại ngậm ngùi thay, tình hiếu điều chưa yên thỏa dạ.
Ơn nuôi nấng áo dày cơm nặng, biển trời khôn xiết, mất công lao,
Nghĩa sớm hôm ấp lạnh quạt nồng, tơ tóc những hiềm chưa báo trả.
Ngờ đâu! Nhà Thung (mẹ là Huyên) khuất núi trời mây cách trở muôn trùng;
Chồi Tử mờ sương, âm dương xa vời đôi ngả.
Trông xe hạc lờ mờ ẩn bóng, cám cảnh cuộc phù sinh chưa mấy, gót tiên du, đã lánh gót trần ai.
Rồi khúc tằm, áy náy trong lòng, thương thay hồn bất tử về đâu, cửa Phật độ biết nhờ ai hiện hóa.
Suối vàng thăm thẳm, bóng phụ thân (hoặc mẫu thân) một bước lìa khơi.
Giọt ngọc đầm đìa, đàn con cháu hai hàng lã chã.
Lễ Sơ Ngu (hoặc Tái Ngu, Tam Ngu) theo tục cổ trình bày;
Nhà đơn bạc biết lấy gì đóng dả.
Đành đã biết: đất nghĩa trời kinh, nào chỉ ba tuần nghi tiết đủ lễ báo đền;
Cũng gọi là: Lưng cơm chén nước, họa may chín suối anh linh được về yên thỏa.
Ôi! Thương ôi! Thượng hưởng!
Một điều đáng chú ý là: khi làm lễ tế Ngu, nhất là Sơ Ngu – tức là ngày lễ đầu sau khi an táng – con cháu phải vào lễ tổ, nơi thờ ông bà nội hoặc cụ nội, để yết cáo với tổ tiên. Đây là một thủ tục có tính cách “đi phải thưa, về phải trình” với người trên.
Lời khấn:
Hôm nay, ngày … tháng … năm …, hậu duệ tên là … (vâng lệnh thân mẫu và các chú), cùng với chị gái, anh rể, các em trai gái, dâu rể, con cháu nội ngoại kính cáo tổ tiên:
Vì có: Hiền khảo (hay hiền tỷ) thọ chung ngày … nay đã an táng xong, làm lễ hồi linh.
Kính theo lễ nghi phong tục, xin kính dâng lễ vật gồm … gọi là lễ bạc lòng thành.
Kính cẩn quỳ trước linh vị của: hiền, cao, tằng tổ khảo tổ tỷ, liệt vị tiên linh. Trình thưa rằng:
Vật vốn thờ trời – Người sinh nhờ tổ.
Xót nay phụ thân (hoặc mẫu thân) theo tiên tổ – Sơ Ngu vừa đặt, tê điếng nghĩ trước nghĩ sau – vật mọn kính bày lễ sơ.
Ngửa trông chứng giám lòng thành,
Cúi nguyện phù trì bảo hộ.
đ. Ấp mộ và viếng mộ
Trong ba ngày sau khi chôn, vào mỗi buổi chiều, con cái đem cơi trầu đến mộ, thắp hương mà khóc lóc gọi là “ấp mộ”, có nghĩa là đem hơi nóng của tình thân gia đình làm cho mộ đỡ lạnh lùng.
Đến ngày thứ ba, con cháu đắp sửa lại ngôi mộ cho tốt đẹp, hoặc làm nhà mộ. Ngày nay có làm cỗ bàn mời bà con thân thuộc. Lễ này gọi là cúng mộ hay cúng cửa mả.
Việc đi viếng mộ này không bắt buộc phải đông đủ con cháu tang gia, mà chỉ vài ba người cũng được. Nhưng bao giờ cũng phải có trưởng nam hay thừa trọng tôn. Cũng từ đây, ngày nào cũng phải cúng cơm một hoặc hai buổi cho đến trăm ngày. Có nơi người ta cúng cơm đủ ba năm, cho đến hết tang.
6. CÁC NGÀY LỄ TRONG THỜI KỲ TANG CHẾ
a. Bàn thờ những người mới chết
Những người mới chết bao giờ cũng được lập bàn thờ riêng, ở ngay tại nhà thờ hoặc ở một gian nhà ngang. Bàn thờ chỉ gồm một bát hương, một bộ đài rượu, lọ hoa và bài vị. Ngày nay, ngoài bài vị thường có thêm bức ảnh. Tại các bàn thờ này có treo đối trướng, hoặc của chính gia chủ, hoặc của người thân thuộc, bạn bè phúng viếng.
b. Cúng bảy ngày
Kể từ ngày chết, cứ bảy ngày lại có một lần cầu siêu và cúng cơm. Tăng ni được mời tới nhà tụng kinh, hoặc cũng có thể xin làm lễ tụng kinh tại chùa.
Buổi tụng kinh sau bảy ngày đầu tiên gọi là Sơ thất, tuần thứ hai tiếp theo gọi là Nhị thất, rồi Tam thất… Tới lần thứ bảy gọi là Thất thất, được coi là lần cuối cùng nên cũng gọi là Chung thất, hoặc Tứ cửu.
Khi tụng kinh tại chùa, thì trong các ngày tuần từ Sơ thất tới Chung thất, người ta rước hồn bạch hoặc Thần chủ (nay là ảnh chân dung người chết) lên chùa. Đến Chung thất là tuần sau cùng, con cháu tang gia cúng tại nhà có tế lễ. Còn nếu mang lên chùa thì có làm chay để tụng kinh sám hối, có khi kéo dài đến ba ngày đêm để vong hồn người khuất được siêu thăng tịnh độ. Lại có nơi làm lễ “49 ngày”, lễ này kéo dài tới bảy ngày đêm liền. Phật giáo quan niệm rằng tuần Chung thất này rất quan trọng, là dịp đưa hương hồn người chết lên chùa để nương cửa Phật.
c. Làm chay Chung thất
Việc làm chay Chung thất cũng như đàn chay cúng vào dịp Tết Trung Nguyên để cầu siêu độ cho tổ tiên.
Đàn chay gồm có: Tam Bảo đặt trên cùng, hoặc có khi là ba bình hương thay thế. Kế đến là tượng Tam phủ (tượng Thiên phủ, Địa phủ và Thủy phủ), ở giữa là tượng Đức Thích Ca và hai bên tả hữu có tượng Thiên Quan và Thành Hoàng. Hai bên có Thập điện Diêm Vương, ở giữa về phía dưới là Địa ngục. Dưới cùng là bàn thờ chúng sinh. Trước bàn thờ là bàn Mộng Sơn dựng cao lên để chủ lễ làm dấu hiệu siêu sinh cho hương hồn người chết.
Lễ làm chay có các nghi thức sau:
-
Lễ Phật để cầu sự từ bi hỷ xả;
-
Lễ Tam phủ để xin xóa bỏ mọi tội lỗi;
-
Lễ Cầu vong, tức là lễ yêu cầu vong hồn người chết nhập vào một người đồng để cho biết ý muốn của vong;
-
Lễ Phá ngục để mở cửa ngục, tha các tội nhân;
-
Lễ Giải oan cắt đoạn để sửa chữa tội lỗi cũ và dứt bỏ dây oan nghiệt;
-
Lễ Phóng đăng, phóng sinh, tức là thả đèn và thả chim lên trời hoặc cá xuống sông. Lễ này nhằm chuộc tội cho vong;
-
Lễ Cúng cháo để bố thí cháo và thức ăn cho chúng sinh.
Làm chay tại chùa có khi bày đàn làm chay ở nhà, nơi trung thiên. Làm chay đủ lễ thường phải bảy ngày bảy đêm mới xong. Đàn tràng bày: trên hết thờ Phật, dưới là Thập điện Diêm Vương, rồi đến các thần linh… Lễ cúng trên chay dưới mặn.
Xưa, tục lệ tin rằng, có người chết phải giờ xấu, chạm tuổi thì có trùng. Người chết sẽ bị trùng tra khảo, dẫn về nhà bắt người thân thích. Cần làm chay, cúng lễ để trừ trùng.
Văn tế tuần Chung thất (49 ngày)
Hôm nay, ngày… tháng… năm…, con (cháu) là… dâng lễ bạc cáo cùng phụ thân (mẫu thân)…
Mà than rằng:
Phụ thân (hay mẫu thân) đi đâu — Vội vàng chi mấy!
Trời cao soi thấy — Thảm thiết muôn phần,
Thương thay! Cõi đời giấc mộng — Hình ảnh phù vân.
Sớm tối xoay vần — Tính vừa bốn chín,
Thoi đưa thấm thoắt — Chung thất tới tuần.
Gia đình sửa lễ cúng dâng,
Lễ nghi tỏ lòng hiếu kính.
Cẩn cáo.
d. Lễ mát nhà và việc cúng cơm
Xưa kia, người nghèo túng thiếu đến mấy, không làm lễ được ở nhà thì cũng phải đến tịnh hay điện lễ xin thầy cúng cho bùa đem về dán ở nhà. Lễ mát nhà có mời thầy cúng hay thầy phù thủy tới bày đàn, múa mả, cúng tống hung thần, ném gạo muối tiễn và thỉnh bùa trấn trạch, yểm mả.
Bùa trấn trạch dán trên cổng, trên nhà, cửa buồng để ngăn cấm tà ma. Bùa yểm mả để trừ trùng, cuốn gọn bỏ vào ống tre vát nhọn một đầu, cắm phập xuống phía trước mộ chí.
Từ xưa, sau khi chôn cất, suốt trong một trăm ngày, nhà nghèo khó sớm hôm đầu tắt mặt tối cũng cố cúng cơm mỗi ngày hai bữa. Bữa ăn thường thế nào thì cúng như thế ấy. Việc “cúng cơm” hằng ngày là một công việc có ý nghĩa về lòng hiếu thảo trong thời gian cư tang mà cho tới ngày nay, nhiều người vẫn còn tôn trọng.
Việc cúng cơm mỗi ngày suốt thời kỳ để tang, hoặc một năm, hoặc ba năm tùy theo hoàn cảnh và quan niệm của gia đình. Cúng cơm mỗi ngày trong thời gian để tang, kể cả việc mời cơm với chén đũa để dành riêng trong mỗi bữa ăn của gia đình, có tính cách nhắc nhở bổn phận con cháu trong nhà thương kính đối với người đã khuất, là một tục lệ đặc biệt của người Việt.
đ. Tuần Tốt Khốc
Người chết được 100 ngày là đến tuần Tốt Khốc. Kể từ tuần này trở đi, con cháu sẽ không còn khóc nữa. Theo lệ xưa, cũng thôi không cúng cơm ngày hai bữa. Vào tuần này, con cháu cúng tế lần cuối cùng.
Tuần Tốt Khốc còn gọi là tuần Bách Nhật, nghĩa là một trăm ngày như người ta thường gọi. Ngày xưa, có trường hợp vì một lý do nào đó mà linh cữu còn quàn lại ở đâu đó chưa chôn thì con cháu không được làm lễ Tốt Khốc, mà chỉ được cúng ngày hai bữa như Triêu Tịch diện.
Buổi cúng trăm ngày cũng là buổi cuối cùng.
Trong tuần Tốt Khốc, cũng có tế lễ và nghi thức như các cuộc tế lễ khác. Sau đây là mẫu văn tế:
Ngày tháng thoi đưa, tới tuần Tốt Khốc,
Cây lặng gió lay, khóc làm sao được.
Cha (hoặc mẹ) từ khuất mặt, tưởng linh hồn như ở linh sàng,
Con khó có lòng, thờ lúc chết như thờ lúc sống.
Cẩn cáo.
7. LỄ GIỖ TRONG TANG CHẾ
a. Tiểu tường
Là ngày giỗ đầu tiên của người chết, đúng một năm sau. Con cháu còn để tang, sự đau đớn như còn ở trong tâm khảm của người sống.
Trong ngày Tiểu tường, khi cúng tế người chết, người sống mặc tang phục như ngày đưa ma, nhất là con cháu, để chứng tỏ với vong hồn người khuất nỗi nhớ thương chưa nguôi. Và con cháu, khi tế lễ cũng lại khóc như ngày đưa tang.
Những nhà khá giả xưa, trong ngày Tiểu tường có mời phường kèn để thổi kèn thờ từ bữa thiên thương cho đến hết ngày giỗ. Cũng như trong ngày tang, con trai lúc khấn lễ phải mặc áo sô mũ chuối và dùng gậy để lễ, đáp lễ khách khứa trước bàn thờ cha mẹ mình. Mũ gậy thường ngày vẫn để thờ người chết để chứng tỏ người chết có bao nhiêu con trai.
Trong dịp này, người sống thường sắm đủ mọi đồ dùng để đốt cho người chết. Trong lễ đốt mã còn có cả hình nhân. Người ta tin rằng, hình nhân bằng giấy đưa xuống cõi âm sẽ trở thành kẻ hầu người hạ người khuất. Sự tin tưởng của con cháu ở nơi linh hồn ông cha bất diệt khiến người ta nghĩ đến việc đốt mã để trang bị cho người chết mọi thứ cần dùng cho “cuộc sống” thường nhật ở cõi âm.
b. Đại tường
Ngày Đại tường (giỗ hết) tức là ngày giỗ năm thứ hai kể từ khi người thân qua đời. Trong ngày này, con cháu vẫn ăn mặc tang phục sô gai để cúng giỗ và để đáp lễ khách tới lễ giỗ. Và lần mặc sô gai này là lần cuối cùng.
Lễ Đại tường cũng được cử hành long trọng. Trong những gia đình khá giả thường có cuộc tế vong. Lúc tế lễ, con cháu vẫn khóc. Ngày giỗ khiến con cháu nhớ lại lúc lâm chung của người khuất và biết bao kỷ niệm giữa người mất, người còn.
Trong ngày giỗ hết, người ta cũng đốt mã cho người khuất. Mã đốt năm trước là mã biếu — người chết nhận được đồ dùng của con cháu đốt trong những ngày Tiểu tường phải đem biếu các ác thần để tránh bị quấy nhiễu.
Trước khi đốt mã, thường có cúng lỗ ở ngay tại mộ người khuất. Đồ mã cũng được đem đốt ở ngay trước mộ. Những gia đình khá giả có làm chay ngay tại mộ, mời tăng ni tới cúng và tụng kinh niệm Phật trước khi đốt mã.
Cỗ bàn trong ngày giỗ hết rất linh đình. Khách khứa được mời rất đông. Con cháu muốn mọi người chứng kiến lòng thành của mình qua cuộc cúng tế.
Những ngày giỗ năm sau chỉ là những ngày giỗ thường (kỵ nhật), và việc cúng lễ sẽ cử hành như những người đã qua đời trước. Bởi vậy, ngày giỗ hết là ngày giỗ quan trọng nhất trong tất cả các ngày giỗ.
c. Văn tế Tiểu tường hoặc Đại tường:
Năm …, tháng ngày … Cô tử (hoặc ai tử)… cùng cả họ vì nay đến ngày Tiểu (hoặc Đại) tường, kính dâng chay lễ mọi lễ cáo chung Hiền khảo (hoặc Tỷ) … (chức tước, họ) quỷ công tự thụy phủ quân (mẹ thì mỗ công chính hay trắc thất mỗ quỷ thị …, hiệu tự hoặc “diệu nhụ nhãn”) trước linh tọa khóc mà than rằng:
A than ôi! Chồi Thung (hay Huyên) tuyết phủ, núi Hỗ (Dĩ) mây che, làm chi sớm độc địa hỡi trời! Hơn một ngày không ở, đành tử sinh có mạng. Kém một ngày không đi.
Nhớ những lúc một nhà sum họp, cha (mẹ) trước con sau:
Bỗng vì đâu hai ngả chia phôi, kẻ còn người khuất.
Than ôi! Công đức chưa đền, đau đớn nhẽ chứa chan giọt lệ.
Âm dương xa cách, xót xa thay bồi rối ruột tằm.
Tính đốt tay, chưa khô hàng lệ. Tính ngày vừa ba trăm sáu mươi mốt ngày giỗ đầu diện lễ.
(hoặc Đại tường thì là: Tính đốt ngón tay, đã ba năm hai mươi lăm tháng, là tiết Đại tường. Chưa khô hàng lệ, đã bảy trăm hai mươi mốt ngày, là tuần giỗ đoạn).
Chay lễ dâng lên, dưới chín suối Cha (mẹ) già chứng giám.
Khóc than kể lể trước linh sàng, con trẻ khấn đầu cúi xin lâm hưởng.
Cẩn cáo.
d. Lễ trừ phục
Theo sách cũ, đại tang kéo dài trong thời gian ba năm, nhưng có nơi theo tục lệ thì rút lại còn có 27 tháng, được kết thúc bằng lễ Trừ phục, còn gọi là mãn tang hoặc hết khó, tức là không còn mặc tang phục nữa.
Trong tháng thứ 27, con cháu chọn ngày tốt, hợp với mọi sự bái trừ, thường là ngày trực Trừ để làm lễ Trừ phục, đem đốt hết quần áo tang, gậy chống, mũ rơm, khăn sô. Một số địa phương có lệ làm lễ Trừ phục vào khoảng một tháng sau giỗ hết. Từ đó về sau, hàng năm làm giỗ, còn gọi là cúng cơm hay cát kỵ, tùy địa phương.
đ. Tế đàm
Sau Đại tường ba tháng, chọn ngày tốt trừ phục gọi là Đàm tế. Từ ngày này, thân nhân bỏ hết tang phục và coi như đã mãn tang. Lễ Tế đàm tuy gọi là ba tháng, nhưng chỉ là hơn hai tháng mà thôi, vì đến tháng thứ ba, tìm được ngày tốt thì làm lễ, chứ không bắt buộc phải tính đủ cả ba tháng chẵn.
Văn tế:
Hôm nay, ngày … tháng … năm …
Nay con là … tại … xã … huyện …
Thành khẩn có: hương hoa, trầu, rượu, cỗ bàn … nhân ngày tế đàm xin kính mời hương hồn là …
Than ôi! Nhớ bóng phụ thân (mẫu thân) cách miền trần thế,
Tủi mắt nhà Thung (hoặc Huyên) mây khóa, thăm thẳm sầu phiền;
Đau lòng núi Hỗ (hoặc Dĩ) sao mờ, đầm đìa ai lệ.
Kể năm đã quá đại tường,
Tính tháng nay làm Đàm tế.
Tuy lễ hung biết cát, tang phục kết trừ,
Song thân tử sự thân, hiếu tâm lưu để.
Lễ bạc kính dâng gọi chút, há dám quên cây cội nước nguồn.
Suối vàng như có thấu chăng, họa may tỏ tường trời kinh đất nghĩa.
Cẩn cáo.
e. Lễ rước linh vị vào chính điện (bàn thờ chính)
Sau khi làm lễ Tế đàm thì chép sẵn linh vị mới, phủ giấy hay vải đỏ xong thì đốt linh vị cũ đi cùng với băng đen phủ quanh khung ảnh và văn tế. Sau đó rước linh vị, bát hương và chân dung đưa lên bàn thờ chính, đặt ở hàng dưới.
Văn tế:
Hôm nay, ngày … tháng … năm …
Tỉnh … huyện … xã … thôn …
Tín chủ là … (nếu lễ gia thần) hoặc Hậu duệ tôn là … (nếu lễ gia tiên, tự xưng hô với vị được liệt thờ cao nhất).
Quỳ trước linh vị của (đọc linh vị của hiền vị thờ cao nhất), hết vị chư tiên linh.
Kính nghĩ:
Gót tiêu dao, mịt mù mù mịt, đâu hạc nội, đâu mây ngàn?
Cõi trần thế thay đổi đổi thay, nay nương dâu, mai bãi bể.
Lại rụng về cội, phách tuy giáng, hồn lại được siêu thăng.
Nước chảy về nguồn, thác là quy sinh, chẳng qua tạm ký.
Nhân sinh do tổ, gốc phải vững, phúc quả mới mong bền.
Hiếu tử sự thân, tế như tại, nhân tâm nào dám phế.
Rày nhân: Hiền khảo (hoặc Tỷ) … (đọc linh vị bố hoặc mẹ),
Thọ chung ngày … tính đến nay đã:
Quý húy đại tường, đến tuần Đàm tế.
Quá hai năm trừ phục, cáo tiên linh;
Đủ ba tháng dư ai, theo cổ lệ.
Cầu giữ thần chứng giám, cho từ đường, phảng phất linh hồn.
Nguyệt tiên tổ phù trì, để trạch triệu, quy hồi phách thể.
Đến ngày giỗ chạp, con cháu nhớ tháng ngày, làm lễ dâng hương.
Nối gót tổ tiên, ông cha tiếp thế thứ, theo hàng phối tế.
Lễ bạc kính dâng gọi chút, há dám quên cây cội nước nguồn.
Suối vàng như thấu cho chăng, họa may tỏ tường trời kinh đất nghĩa.
Cẩn cáo.
g. Lễ Vu Lan Bồn
Lễ này do sự tích Phật giáo về tôn giả Mục Kiều Liên báo hiếu đời xưa, còn gọi là Tết xá tội vong nhân.
Các tang gia cứ đến dịp lễ này có tục làm lễ cầu siêu thoát cho người chết, để báo đáp ơn huệ sinh dưỡng thương yêu của cha mẹ lúc sinh thời, mời các nhà sư đọc kinh luôn bảy đêm ngày.
Một biến thể của tín ngưỡng Phật giáo là phát sinh thêm tục đốt mã vào dịp này.
h. Đốt mã
Tục đốt mã có nguồn gốc từ Trung Hoa. Vào thuở xa xưa, khi có người thân quá cố, người ta chia đồ dùng để họ “mang theo” về cõi âm; đến ngày kỵ còn dùng đồ bạch ngọc để cúng tế. Sau đó thay bạch ngọc bằng tiền cho đỡ tốn. Nhưng tiền sau khi cúng bỏ đi cũng phí phạm, vì vậy, người ta thay tiền kim loại bằng tiền giấy, và vàng giấy thay cho các thỏi vàng thật.
Ở nước ta từ lâu đã có tục đốt vàng mã, tùy theo các tuần cúng, lễ tiết và quan niệm của gia chủ mà mua sắm vàng mã tương ứng.
Ngày Rằm tháng Bảy đầu tiên sau Tiểu tường, làm lễ đốt mã cho vong. Nếu mất trước ngày Rằm tháng Bảy thì chưa đến Tiểu tường đã đốt mã vào ngày Trung nguyên năm ấy, thành ra hai lần mã. Mã đầu là mã biếu, dâng cho thần linh để chia cho các vong hồn khác; mã đốt kỳ sau mới thực để cho người chết.
Nhiều nơi có tục đốt mã vào ngày giỗ đầu và ngày giỗ hết, không đốt vào ngày Trung nguyên.
Đồ mã làm bằng giấy, giống hệt như những đồ dùng hằng ngày như áo, quần, khăn, yếm, giày, dép, ô, nón, chăn, gối, rương, cháp, điều, hộp trầu, ống nhổ, nồi, niêu, mâm, bát… thậm chí cả con mèo, con chó, con ngựa, con trâu. Có nhà mua sắm hình nhân làm người hầu hạ, nhà giàu còn làm những ngôi nhà bằng giấy dài rộng với đủ cả tủ trà, sập khảm, trường kỷ, bàn độc, nhà xay giã,…
Nhìn chung, các gia đình đều đốt mã tại nhà, nhưng cũng có gia đình đốt mã tại chùa, làm lễ cầu siêu một vài ngày.
i. Cải táng
Chôn lúc mới chết gọi là hung táng, còn ba bốn năm sau đem hài cốt táng ở nơi khác gọi là cải táng, hay bốc mộ, cát táng. Nhìn chung, người Việt vốn coi trọng đạo hiếu, luôn tin rằng từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ đến mình có mối tương quan, hài cốt tiên nhân yên lành, ấm cúng thì con cháu mới mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Do đó, người ta tin rằng người có đại tang là gặp vận xấu, thường gặp nhiều rủi ro, làm việc gì cũng không thuận lợi bởi lúc ấy, thi thể của cha mẹ đang bị rữa nát, hủy hoại, tất có cảm ứng liên hệ đến con cháu cùng huyết mạch.
Điều này giải thích tại sao người xưa muốn tìm nơi đất tốt để mồ mả ông bà, cha mẹ “nằm” ở nơi quý địa, có thể kết phát để con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt.
Muốn cải táng phải chọn ngày thích hợp, không xung khắc với tuổi người chết. Trước hôm cải táng phải làm lễ cáo vong và cáo gia tiên. Ngày cải táng làm lễ khấn Thổ thần nơi xin đào mả lên, và cúng Thổ thần nơi sắp đem chôn.
Sau khi đào đất, cạy nắp quan tài, người ta thu lượm từng cái xương không bỏ sót; đề phòng những mẩu xương đốt ngón chân, ngón tay khỏi lọt mất. Lúc liệm, chân tay người chết thường được bao bằng những túi vải sợi tơ bền, không chóng rách nát (ngày nay người ta thường dùng bít tất ni lông). Lúc bốc mộ chỉ việc nhấc những túi ấy lên, nhặt xương dễ dàng.
Xương được rửa sạch, xếp gọn vào một cái tiểu sành, rảy nước ngũ hương, phủ giấy trang kim, đậy nắp tiểu, đem táng nơi khác, xa gần tùy đất đã chọn, không bao giờ lại táng luôn nơi cũ. Trong khi nhặt, rửa, xếp xương phải kiêng cữ, không để ánh mặt trời soi vào.
Nhà giàu sang gói bọc xương bằng gấm vóc như liệm lúc chết, và ngoài tiểu lại có quách bằng gỗ quý, sơn thếp trang trọng. Việc thu nhặt, xếp xương vào tiểu gọi là “sang tiểu”.
Ngày cải táng, con cháu đội khăn tang, mặc áo trắng, nhiều nhà khóc thảm thiết. Cát táng xong, con cháu anh em thân thích về làm lễ cúng gia tiên.
Sau khi cải táng mới được rước bát hương và thần chủ sang thờ chung gian giữa với tổ tiên. Nếu không muốn thì vẫn để thờ riêng như trước ở gian bên.
Khi hung táng, mộ đắp hình chữ nhật theo chiều đặt quan tài lúc hạ huyệt. Khi cải táng, đắp mộ hình tròn nhỏ gọn hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều gia đình chỉ chôn (hung táng) một lần chứ không cải táng, tùy theo phong tục từng địa phương.
Nhiều nhà còn chọn áo quan tốt, xây huyệt kiên cố gọi là “vạn niên phần”. Nhưng cũng có trường hợp người ta phải cải táng vì trong nhà có người đau bệnh nguy nan, xảy ra tai ương hoạn nạn, xem bói thấy động mả, hoặc vì tin theo thầy địa lý muốn cải táng nơi đất tốt cầu mong con cháu được bình yên, thuận lợi.
Văn khấn:
Hôm nay:
Ngày …. Tháng …. Năm …., Tỉnh …., Huyện …., Xã …., Thôn ….
Hiền khảo (hay Tỷ) mộ tiền.
Than rằng:
Thương xót cha (hay mẹ) xưa, vắng xa trần thế.
Thác về sông gửi, đất ba thước phải vùi chôn.
Phách lạc hồn bay, hình trăm năm khó gìn giữ.
Lúc trước, việc nhà bối rối, đặt để còn chưa hợp hướng phương.
Tới nay, tìm đất tốt lành, sửa sang lại, cầu an hình thể.
Rày thân: Phần mộ dời xong, lễ Ngu kính tế.
Hồn thiêng xin hưởng, nguyện cầu vĩnh viễn âm phần.
Phúc để di lưu, phù hộ vững bền miêu duệ.
Cẩn cáo.
j. Ngày giỗ
Cúng giỗ là việc rất quan trọng trong việc thờ phụng tổ tiên. Ngày giỗ là ngày kỷ niệm người chết qua đời, còn được gọi là ngày kỵ nhật. Hằng năm, đến ngày này, con cháu dù bận đến đâu cũng phải làm giỗ.
Ngày giỗ được tiến hành như sau: Chiều hôm trước (tức trước ngày người chết qua đời), gia chủ cúng tiên thường; hôm sau (ngày người chết qua đời) mới là ngày chính kỵ. Các giỗ xa (như cụ, kỵ, ông bà) thì chuẩn bị con gà, chõ xôi hoặc một vài mâm cỗ, trước cúng gia tiên, sau con cháu sum họp ăn uống với nhau. Còn ngày giỗ cha mẹ đã khuất thì thường làm giỗ to hơn. Giỗ có thể làm to hoặc nhỏ tùy theo gia cảnh, nhưng trong giỗ phải có một bát cơm úp và một quả trứng luộc. Trong ngày giỗ này, cỗ bàn nên làm giản tiện, cái chính là gia chủ có lòng thành kính với tổ tiên.
Trong ngày giỗ cần phân biệt: giỗ đầu, giỗ hết với những ngày kỵ khác gọi là cát kỵ.
Giỗ đầu hay tiểu tường
Ngày giỗ đầu tức là kỷ niệm đúng một năm người chết qua đời. Người xưa gọi là ngày tiểu tường. Trong ngày giỗ đầu, khi cúng tế người chết, con cháu, người thân vận tang phục như ngày đưa ma để lễ và đáp lễ khách khứa tới dự giỗ trước bàn thờ cha mẹ mình, và quan trọng là để tỏ rõ nỗi nhớ và lòng thương vô hạn với vong hồn người đã khuất. Trong ngày tiểu tường, người sống thường sắm đủ mọi đồ dùng để hóa cho người chết như: quần áo, bát đĩa, giường chiếu, xe cộ, tiền vàng, v.v… bằng mã.
Các gia đình thường tổ chức ngày giỗ đầu lớn, mời nhiều họ hàng, bạn bè thân hữu cùng dự.
k. Giỗ hết hay đại tường
Ngày giỗ hết tức là ngày giỗ năm thứ hai tính từ ngày chết về cõi vĩnh hằng, còn gọi là giỗ đại tường. Ngày đại tường là ngày giỗ trọng đại nhất trong tất cả những ngày giỗ đối với người đã khuất.
Trong ngày giỗ đại tường, con cháu người chết vẫn còn vận tang phục: xô gai, mũ rơm, chống gậy để cúng giỗ và để đáp lễ khách tới lễ giỗ lần cuối cùng. Lễ đại tường cũng được cử hành long trọng. Lúc tế lễ, con cháu vẫn khóc, tuy nỗi đau theo thời gian đã có phần dịu bớt nhiều. Ngày giỗ đại tường làm cho con cháu nhớ lại lúc lâm chung của người khuất và nhắc lại những kỷ niệm sâu xa giữa người chết và người sống.
Cỗ bàn trong ngày đại tường rất linh đình. Trong ngày này, người ta cũng đốt vàng mã cho người đã khuất và mã đốt còn nhiều hơn giỗ đầu. Bởi người ta quan niệm rằng mã đốt năm trước (giỗ đầu) là mã biếu. Nghĩa là: người chết nhận được đồ dùng của con cháu đốt trong ngày tiểu tường phải đem biếu các ác thần để tránh những sự quấy nhiễu. Trước khi đốt mã phải cúng lễ ngay ở mộ và sau đó đốt mã trước mộ. Những gia đình khá giả còn làm chay tại mộ, mời tăng ni tới cúng, tụng kinh niệm Phật xong mới đốt mã.
l. Ngày giỗ thường hay cát kỵ
Từ năm thứ ba trở đi, ngày giỗ hàng năm của người đã khuất là những ngày giỗ thường, còn gọi là cát kỵ hay kỵ nhật. Cát kỵ là ngày giỗ lành. Qua năm giỗ đầu tiểu tường, năm thứ hai là giỗ đại tường, người chết vẫn còn nằm dưới huyệt hung táng, tức là táng lúc đầu tiên. Sau lễ đại tường, con cháu sẽ làm lễ cát táng, tức là lễ bốc mộ. Con cháu đem hài cốt của người chết sang vào tiểu nhỏ đưa táng một nơi khác vĩnh viễn. Lần táng này gọi là cát táng. Tiểu nhỏ làm bằng sành, giống hình quan tài thu nhỏ, vừa để đủ hài cốt người chết. Những ngày giỗ sau ngày cát táng gọi là cát kỵ, hay gọi là giỗ thường, kỵ nhật. Sở dĩ gọi là cát kỵ ngoài ý nghĩa như nói ở trên còn có lý do: đây là dịp con cháu tụ họp để cúng lễ người đã khuất, tỏ lòng thành kính tưởng nhớ.
m. Ngày tiên thường
Trước ngày giỗ gọi là ngày tiên thường, có nơi gọi là cáo giỗ, bởi trong ngày này, con cháu sẽ báo cáo với người khuất về việc cúng giỗ của ngày hôm sau.
Giỗ tiên thường hay cáo giỗ chỉ có ở những ngày giỗ quan trọng như giỗ ông bà, cha mẹ, vợ hoặc chồng. Còn những ngày giỗ mọn, giỗ thường, con cháu chỉ cúng ngày giỗ chính.
Trong ngày tiên thường, người trưởng tộc làm lễ cáo với Thổ Công, xin phép Thổ Công cho hương hồn người được cúng giỗ về phối hưởng. Đồng thời cũng khấn xin Thổ Công cho phép vong hồn nội ngoại gia tiên nhà mình cũng được về dự giỗ. Nghĩa là theo quan niệm của người xưa, vong hồn người khuất muốn về thăm con cháu, dự giỗ đều phải xin phép Thổ Công trước.
Theo tập tục, trong ngày giỗ tiên thường, gia trưởng phải mang lễ ra mộ mời vong hồn vị này về phối hưởng và cũng là dịp con cháu sửa sang, đắp lại (nếu sụt lở) phần mộ của người đã khuất.
Trong ngày tiên thường, con cháu họ mạc phải đến nhà trưởng tộc để soạn giỗ ngày hôm sau, dọn dẹp bàn thờ từ buổi sáng để buổi chiều cúng cáo giỗ. Những con cháu nào gửi giỗ, mang đồ lễ tới nhà trưởng tộc trong ngày tiên thường cũng có thể mang đến trước mấy ngày. Ngày tiên thường cũng có làm cỗ cúng. Cúng xong, con cháu cùng những người làm giúp cùng hưởng lộc.
Cúng cáo giỗ phải có lễ cúng Thổ Công và phải khấn Thổ Công trước khi khấn Tổ tiên. Khấn giỗ ngoài việc mời hương hồn người được cúng giỗ, còn phải mời hương hồn nội ngoại gia tiên về dự giỗ.
n. Gửi giỗ
Thông thường, người chết có nhiều con cháu, nhưng việc cúng giỗ thường chỉ làm ở nhà người con trưởng. Trường hợp người con trưởng qua đời, việc cúng giỗ sẽ tiến hành ở nhà người cháu đích tôn. Trong ngày giỗ ông bà, cha mẹ, tất cả những người con trong gia đình đều phải tề tựu đông đủ ở nhà người con trai trưởng hoặc cháu đích tôn. Những người ở xa không về được thường sẽ mua đồ lễ gửi về nhà người con trưởng để cúng giỗ. Ngoài ra, họ còn phải làm lễ cúng vọng trong ngày giỗ.
Nếu giỗ người đứng đầu dòng họ thì sẽ tề tựu ở nhà chi trưởng. Nếu là giỗ vị ở hàng cao tằng, thì con cháu chắt tề tựu ở nhà tộc trưởng để làm giỗ. Khi đi ăn giỗ, họ phải mang đồ lễ tới cúng. Việc này gọi là gửi giỗ hay góp giỗ. Lễ gửi giỗ nhiều hay ít tùy theo gia cảnh người đang sống và mối quan hệ giữa người sống với người chết, song quan trọng là phải có tấm lòng thành. Những đồ lễ do ngành thứ mang gửi giỗ, người tộc trưởng đều đem cúng hết trong ngày giỗ. Cúng xong, ăn không hết, người tộc trưởng sẽ chia phần cho các con cháu các ngành, chi.
Ngày giỗ chính tức là ngày người chết qua đời năm xưa, còn gọi là ngày kỵ nhật. Suốt thời gian từ lúc cúng cáo giỗ ngày tiên thường đến hết ngày giỗ chính hôm sau, bàn thờ lúc nào cũng phải thắp hương. Theo quan niệm của người Việt Nam, những người đã khuất ngự trên bàn thờ trong suốt thời gian đó, nên không thể để bàn thờ hương tàn khói lạnh dù chỉ một phút.
Từ sáng sớm ngày giỗ chính, con cháu phải sửa soạn cỗ bàn để cúng. Ngoài ra còn phải chuẩn bị cỗ bàn cho khách khứa, gia đình, họ hàng, thân hữu. Ở làng quê Việt Nam trước đây, nhiều gia đình giàu có thường mổ bò, mổ lợn. Trong trường hợp này, chiếc thủ bò hoặc thủ lợn phải dành để thờ Thổ Công.
Sau khi cỗ bàn đã bày và thắp hương xong, gia chủ khăn áo chỉnh tề, ngồi vào chiếu trải trước bàn thờ để chuẩn bị lễ. Gia chủ đứng thẳng, chắp tay giơ cao ngang trán, cong mình cúi xuống, đặt hai tay vẫn chắp xuống chiếu, cúi rạp đầu xuống gần hai bàn tay đang chắp, cất đầu và mình thẳng lên, đồng thời co hai tay vẫn chắp lên trước ngực, co đầu gối phải lên, đặt bàn chân phải lên chiếu, sửa soạn đứng dậy, hai bàn tay vẫn chắp xuống tì vào đầu gối bên phải để đứng dậy.
Khách đến ăn giỗ đều mang đồ lễ như vàng hương, trầu cau, rượu, trà, hoa quả… để cúng người đã khuất. Con cháu nhà có giỗ phải đón đồ lễ, đặt lên bàn thờ trước khi khách lễ. Khách sẽ lễ trước bàn thờ: bốn lạy, ba vái. Gia chủ hoặc đại diện con cháu trong nhà phải đứng đáp lễ. Lễ trước bàn thờ xong, khách phải quay sang vái người đáp lễ. Sau đó, gia đình mời khách vào xơi nước, ăn trầu.
Khi dự cỗ, mỗi mâm cỗ thường có 4 người, ngày nay thường là 6 người. Ngày xưa, thường là đàn ông ngồi riêng, đàn bà ngồi riêng và còn phân biệt theo tuổi tác. Đến nay, phong tục này không còn.
Giỗ cha mẹ thường làm to, còn giỗ cụ, kỵ ở những đời xa hơn hoặc những người không thuộc hàng quan trọng về thứ bậc trong gia đình thì thường làm giỗ đơn giản hơn, mời ít hoặc không mời khách khứa.
Buổi chiều, khi khách đã vãn, gia chủ cúng thêm tuần rượu nữa, hoặc có khi cả tuần cỗ nữa rồi lễ tạ, xin hóa vàng mã.
Hoá vàng
Hoá vàng, còn gọi là nấu vàng, tức là đem đốt vàng mã, vàng nghìn hoặc vàng giấy mà con cháu gửi giỗ hoặc khách khứa mang tới. Kể cả những tấm hàng, những cuộn giấy ngũ sắc – tượng trưng cho những tấm vải mà con cháu mua cúng trong ngày giỗ – cũng được hoá với vàng mã.
Lúc hoá vàng, tục thường dùng chén rượu cúng đổ vào đống lửa đang đốt vàng. Người xưa quan niệm rằng, làm như vậy người khuất mới nhận được số vàng bạc mà người sống cúng và đồ vàng mã mới biến thành tiền vàng, đồ đạc thật nơi cõi âm. Có nơi, người ta còn hơ một chiếc đòn gánh hoặc một chiếc gậy để gánh vàng mã về cõi âm.
Sau khi hoá vàng, không cần thắp sáng hương đèn trên bàn thờ nữa, bởi hương hồn người đã khuất đã trở về cõi âm để tiếp tục “cuộc sống” nơi Hoàng Tuyền cho đến ngày giỗ năm sau.
Văn tế giỗ
Trong ngày giỗ, con cháu phải khấn mời tổ tiên về cùng phối hưởng. Dưới đây là văn khấn giỗ:
Nước …, năm …, tháng …, ngày …
Tỉnh …, huyện …, xã (đường phố …, phường …), số nhà …
Con (cháu) của …, cùng vợ con … và cả gia đình thành khẩn kính dâng (liệt kê những phẩm vật) lên …
Tên huý …, tên thuỵ …, tên hiệu …, mất ngày …
Hôm nay là ngày giỗ, xin kính dâng lễ bạc, mời … soi xét lòng thành, phù hộ cho con cháu.
Kính mời ông bà tổ bá, ba đời … (tên) cùng … về hưởng lễ cúng.
Khi khấn, nhớ hạ thấp giọng khi nhắc đến tên người đã khuất (tỏ ý kính cẩn); mỗi lần đọc tên, lại cúi đầu vái một vái. Khấn giỗ phải xưng đủ tên tục, tên hiệu, tên huý của những người được cúng giỗ.
Con cháu khi khấn cần phân biệt đúng hàng thứ bậc: cụ, kỵ, ông bà, cha mẹ.
-
Đàn ông thì khấn chữ Khảo, đàn bà là Tỷ.
-
Cao tằng tổ khảo: kỵ ông, đối với người khấn là năm đời.
-
Cao tằng tổ tỷ: kỵ bà.
-
Tằng tổ khảo: ông của cụ ông, tức bốn đời, là hàng chắt.
-
Tằng tổ tỷ: bà của cụ bà.
-
Tổ khảo: ông nội, ba đời – hàng cháu.
-
Tổ tỷ: bà nội.
-
Hiền khảo: cha.
-
Hiền tỷ: mẹ.
Từ đời thứ sáu trở đi, con cháu không còn phải cúng giỗ nữa.
Ngày giỗ của người theo đạo Thiên Chúa giáo
Dù là theo Phật giáo hay theo Thiên Chúa giáo, tất cả người Việt Nam đều làm giỗ tổ tiên, ông bà cha mẹ để tỏ lòng hiếu kính. Các nghi lễ, phong tục làm giỗ của nhân dân ta nói chung là giống nhau. Tuy nhiên, thủ tục làm giỗ của người Việt theo đạo Thiên Chúa có phần hơi khác.
Tới ngày giỗ, người Thiên Chúa giáo xin lễ tại nhà thờ để cầu nguyện cho linh hồn người đã khuất và ở nhà cũng làm giỗ, mời khách khứa ăn uống từ ngày tiên thường. Ngày tiên thường, người Công giáo đi viếng mộ, sửa sang mộ chí và đặt vòng hoa. Đối với những gia đình giàu có, làm cỗ to cũng phải làm rạp ngoài sân.
Cách cúng giỗ của một số người theo đạo Phật
Có nhiều Phật tử không làm giỗ ở nhà mà làm giỗ trên chùa. Tại chùa, gia chủ cũng khấn vái và mời bạn bè tới dự cỗ chay. Cỗ chay có thể do nhà chùa đảm nhiệm hoặc gia chủ đặt cỗ rồi mang tới.
Làm giỗ trên chùa, ngoài việc lễ bái, còn có tăng, ni đọc kinh siêu độ cho người đã khuất. Phật giáo quan niệm rằng lúc sinh thời, người khuất có làm điều gì lầm lỗi thì những câu kinh tụng niệm trong ngày giỗ cũng có thể làm nhẹ bớt tội lỗi.
Ngày giỗ họ
Họ là do nhiều ngành hợp thành. Ngành là do các gia đình họp lại. Mỗi họ có một ông tổ chung. Ngày giỗ ông tổ chung là ngày giỗ họ, hay còn gọi là ngày giỗ tổ. Trong ngày này, các trưởng ngành, chi họ đều phải có mặt, vì lý do bất khả kháng mới được vắng mặt.
Thường thì mỗi họ đều có một nhà thờ tổ. Giỗ tổ được làm tại đây. Phần lớn nhà thờ tổ cũng là nhà ở của trưởng họ.
Theo tục lệ xưa, người trưởng họ được hưởng của hương hỏa của tổ tiên để lại. Của hương hỏa không được bán, mà để gây hoa lợi để chi tiêu trong việc tế tự, cúng giỗ. Mặc dù đã có của hương hỏa, nhưng đến ngày giỗ tổ, con cháu tùy thứ hạng đều phải góp giỗ. Tiền góp giỗ phân bổ theo đầu người, đối với đàn ông từ 18 tuổi trở lên, phụ nữ và trẻ con được miễn. Tất cả cho cho giỗ họ, nếu còn thừa sẽ mua sắm tự khí hay tu sửa nhà thờ.
Trong ngày giỗ họ không mời khách khứa, chỉ có con cháu trong họ cúng lễ và ăn uống với nhau. Có nhiều họ, con gái không được dự giỗ họ, vì người ta quan niệm rằng khi lấy chồng con gái đã thuộc họ khác, nhưng con dâu lại được dự giỗ.
Giỗ hậu
Nhiều người sinh thời không có con trai, biết rằng khi mình qua đời sẽ không có người cúng giỗ. Họ cũng không lập tự vì không phải ngành trưởng, và nghĩ rằng kẻ thừa tự sau này vẫn có thể bỏ giỗ mình, nên khi còn sẵn tiền của, họ mua ruộng nương cúng vào họ, hoặc vào chùa … để sau này khi đã mất, chùa, đền hoặc đình sẽ cúng giỗ cho. Những trường hợp như vậy gọi là giỗ hậu.
Tại nhiều làng, trong hương ước có ghi khoản mua hậu. Nghĩa là người nào sau này khi qua đời, làng cúng giỗ thì phải bỏ tiền ra mua sự cúng giỗ đó với làng.
Tiền mua giỗ hậu nộp vào quỹ làng để sắm thêm tự khí, mở đền, đình hoặc dùng vào các việc công ích khác.
Giỗ hậu thường được cúng nơi nhà hậu – một căn nhà riêng tại đình, chùa dùng để làm giỗ hậu. Nếu ngày giỗ hậu làm tại chùa, việc khấn vái do sư trụ trì chùa đảm nhiệm. Nhà sư sẽ tụng kinh để cầu an cho vong hồn người đã khuất. Nếu làm giỗ hậu tại nhà thờ họ, thì tộc trưởng họ cúng giỗ và có mời một số con cháu trong họ tới dự giỗ. Nếu làm giỗ hậu tại đình, các hương chức, quan viên cúng giỗ rồi cùng nhau chia phần hương lộc hậu, ăn uống ngay tại đình hoặc mang về. Người khấn giỗ tại đình thường là ông thủ từ, hoặc vị tiên chỉ trong làng. Trong ngày này, ngoài việc cúng hưởng giỗ, dân làng cũng phải ra lễ để cúng cáo Thành hoàng.
Lập tự
Trong ngày giỗ, người xưa tin rằng, việc cúng lễ phải do người đồng khí huyết với người đã khuất khấn vái thì hương hồn người khuất mới có thể về phò hưởng. Chính vì thế, mỗi gia đình, mỗi dòng họ đều mong muốn có con trai để giữ việc hương khói, thờ phụng tổ tiên.
Trong một gia đình lập tự, trước hết phải lập con trai của người vợ cả (trong trường hợp đa thê). Nếu vợ cả quá 50 tuổi mà không có con trai, mới lập con của người vợ kế. Nếu cả hai người vợ đều không có con trai thì phải chọn một người cháu gọi bằng chú hay bác. Trường hợp không có cháu gần thì lập cháu xa để giữ việc thờ tự cho mình.
Lập tự là phải theo thứ hạng “chiêu mục”, nghĩa là người dưới được thừa tự cho người trên. Người được lập tự, nếu là con nuôi (với điều kiện đồng khí huyết với cha mẹ nuôi), phải ăn ở với cha mẹ nuôi như cha mẹ đẻ, không được tự ý bỏ cha mẹ nuôi về nhà cha mẹ đẻ của mình. Trong trường hợp sau khi lập con nuôi làm thừa tự, cha mẹ nuôi sinh được con trai thì người con nuôi thừa tự có thể về với nhà cha mẹ đẻ của mình, hoặc có thể ở lại với cha mẹ nuôi và được hưởng một phần gia tài như con đẻ và được hưởng mọi quyền lợi như con đẻ.
Trong lập tự, không được dùng con độc đinh hoặc con trưởng, vì những người con này còn phải giữ việc khói hương của chính cha mẹ đẻ. Người thừa tự được lập rồi, nhưng ăn ở không tốt, có thể bị phế bỏ và lập người khác. Như vậy gọi là lập hiền hay lập ái.
Theo tục lệ của người Việt, con rể không được thừa tự cho cha mẹ vợ. Nếu người con rể ở rể, khi cha mẹ vợ chết, phải chọn người đồng tông lập tự. Người đàn ông không có con không lập tự lúc còn sống, lúc chết rồi, người vợ có bổn phận điều đình với tộc trưởng để lập tự, lấy người cúng giỗ cho chồng và gia tiên nhà chồng.
Những người đã hỏi vợ nhưng chưa cưới, hay mới cưới vợ nhưng chưa có con mà chẳng may qua đời, cha mẹ sẽ lập tự cho con. Những người chết yểu không được lập tự. Vong hồn những người này được thờ phụng tại bàn thờ chung của gia đình. Cũng có khi vong hồn họ rất linh thiêng có thể được lập bàn thờ riêng.
Hậu điền và kỵ điền
Hậu điền là ruộng hậu, vốn là ruộng đất của một người nhưng vì không có con nên đem hiến ruộng đó cho cả họ hoặc cả làng để xây nhà thờ, làm đình, chùa… Khi người hiến ruộng qua đời, họ hoặc làng nhận ruộng sẽ cúng giỗ người này.
Kỵ điền cũng là ruộng của tư nhân giao cho làng để cúng giỗ. Bởi có trường hợp người không có con đã mua ruộng để hiến cho họ hoặc làng, để họ hoặc làng sẽ làm giỗ cho cha mẹ mình. Những thửa ruộng này gọi là kỵ điền (ruộng để cúng giỗ).
Của hương hỏa
Của hương hỏa là của cải của gia tiên để lại, lấy hoa lợi để dùng vào việc thờ phụng, cúng giỗ hoặc sửa sang, tu bổ, mua sắm thêm tự khí cho nhà thờ. Con cháu không ai được phép bán của hương hỏa.
Thậm chí trong trường hợp vì lý do nào đó, gia chủ bị tịch biên thì hương hỏa cũng được trừ lại.
Ngày giỗ những người mất tích
Những người bị chết dọc đường hoặc bỏ mạng nơi trận mạc, không ai biết tung tích… đối với gia đình, được coi là mất tích. Không ai biết chính xác ngày chết của người mất tích, vì vậy, gia đình của những người này thường lấy ngày họ đi khỏi nhà để cúng giỗ.
Đối với hài nhi chết yểu
Những hài nhi chết yểu dưới một tuổi không được cúng giỗ. Người ta cho rằng những đứa trẻ sơ sinh, hay còn gọi là hữu sinh vô dưỡng, chỉ là những đứa trẻ lộn kiếp, sau khi chết, chúng sẽ đi đầu thai ngay.
Người xưa quan niệm rằng, những đứa trẻ này có tiền oan nghiệp chướng của cha mẹ, nên chúng đầu thai để báo hại. Những đứa trẻ sinh ra được ít lâu mới chết, người xưa cho rằng cha mẹ chúng kiếp trước có nợ chúng, nên kiếp này chúng đầu thai vào để đòi đủ số nợ, rồi lại ra đi.
Đối với những đứa trẻ này, cũng không cúng giỗ. Tuy nhiên, có gia đình dù con chết yểu vẫn rất thương nhớ con, nên tới ngày mất vẫn cúng giỗ để chúng không trở thành những cô hồn, ma đói.