Lễ hội vía Bà được tổ chức ở núi Bà (thường gọi là núi Bà Đen – ngọn núi cao nhất Nam Bộ), thuộc xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm thị xã 11 km. Gọi là núi Bà Đen vì ở lưng chừng núi có điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, trong đặt bức tượng thờ bằng đồng đen. Tương truyền, có một người con gái tên là Đênh (sau gọi chệch sang là Đen) sùng Phật đạo, con của một viên quan trấn thủ người Miên. Do bị ép duyên với con quan trấn vùng Trảng Bàng, nàng Đênh bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và mất ở đó. Sau này, triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong bà là Linh Sơn Thánh Mẫu.
Hằng năm, sau Tết Nguyên Đán, tiết xuân mát mẻ, người dân Tây Ninh tưng bừng mở hội đón xuân ở núi Bà. Đây được coi là lễ hội lớn nhất ở Tây Ninh. Bắt đầu từ mùng 4 tháng Giêng âm lịch, du khách đến núi Bà để du xuân, tham dự lễ hội cũng như chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên của núi Bà.
Bên cạnh đó, lễ hội vía Bà cũng được tổ chức hằng năm vào các ngày 4, 5, 6 tháng Năm âm lịch (chính hội vào mùng 5). Vào lúc 0 giờ đêm mùng 3 rạng mùng 4, lễ tắm Bà (lễ mộc dục) được tổ chức trang nghiêm tại điện thờ. Lúc này cửa điện được đóng kín, không có khách bên ngoài tham dự. Điều hành lễ tắm Bà là một phụ nữ cao tuổi. Lễ tắm Bà được thực hiện ba lần khăn lau, khăn phải được xông hương, tắm Bà bằng nước thơm nấu từ các loại hoa: sen, lài, sứ, quế… do các lễ sĩ dâng lên. Lễ sĩ là những thiếu nữ được chia thành cặp trong các bộ xiêm y đẹp lộng lẫy, chân bước nhẹ, nhịp nhàng “đăng đài” theo bộ “chữ Tâm” trong tiếng nhạc lễ. Tắm xong, người ta thay xiêm y cho Bà, rồi lần lượt lạy Bà. Lúc bấy giờ nhang đèn trong điện được thắp sáng, mở cửa điện cho khách vào lễ. Trong ngày chính hội, từ sáng tinh mơ cho đến tối, khói hương nghi ngút ở các ban thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, Bà Chúa Xứ, ban thờ Phật, Hộ Pháp,…
Ngoài điện thờ chính thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, khu di tích danh thắng núi Bà còn có nhiều hang động, đền đài, am miếu thờ Phật, tiên, thánh và nhiều vị thần linh.