Mỗi năm, đạo Cao Đài Tây Ninh có hai lễ lớn tiêu biểu là: đại lễ vía Đức Chí Tôn, tức Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, và đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung, tức vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu. Theo quan niệm của người theo đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn chính là đấng tạo hóa, sinh ra vạn vật trong càn khôn vũ trụ. Do vậy, người đạo tôn kính gọi Ngài là đấng cha hiền (Đại Từ Phụ) của nhân loại. Cùng với đấng cha hiền, nhân loại còn có đấng mẹ hiền (Đại Từ Mẫu) là Đức Diêu Trì Kim Mẫu.
Đại lễ vía Đức Chí Tôn được tổ chức vào mùng 8 (có một số tài liệu là mùng 9) tháng Giêng âm lịch hằng năm, nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, chúng sinh an lạc sớm nhập Đạo trời, cải ác tùng lương… Giờ mở đầu đại lễ là giờ Tý – thời điểm bắt đầu một ngày mới, không gian yên tĩnh, mọi tiếng động lắng xuống, vũ trụ như ngưng hoạt động. Vào ngày đại lễ, một rừng cờ Tam Thanh được treo trên các con đường dẫn tới Tòa Thánh, các biểu ngữ giăng khắp nơi. Đúng 12 giờ, trống lôi âm bắt đầu nổi lên, rền vang bầu trời thánh địa. Trống lôi âm phải đánh đủ 435 dùi, đánh từ chậm đến nhanh, tạo không khí vừa uy nghiêm vừa rộn rã. Trong lúc đó, tráp tam bửu được dâng lên lầu Hiệp Thiên Đài. Khi hồi trống lôi âm sắp kết thúc, vị Hộ Đàn pháp sư và vị Hữu Phan quân vào đền Thánh, xá trước ngai Hộ Pháp rồi cầm cờ lệnh đạo đi ra. Trống lôi âm vừa dứt thì chuông bạch ngọc nổi lên. Một giáo hữu phái Ngọc, thuộc về Viện Hành chính, đọc bài sớ dâng cúng Đức Chí Tôn. Sau khi đọc xong, lá sớ được đốt rồi bỏ vào lư. Lư tro sẽ được đặt lên Thiên bàn. Sau cùng, một hồi trống thét dồn dập vang lên, kế ngang là tiếng chuông bạch ngọc chậm rãi vang ngân báo hiệu buổi đại lễ kết thúc.
Đại lễ Hội Yến Diêu Trì cũng được tổ chức vào rằm tháng Tám âm lịch. Trước ngày Trung thu, không khí chuẩn bị đại lễ rất náo nhiệt. Hội Thánh cho sửa sang, trang hoàng quang cảnh xung quanh Điện thờ Phật Mẫu. Những tín đồ Cao Đài tự nguyện về Tòa Thánh để giúp sức, làm công quả. Vào ngày lễ, hàng trăm gian hàng triển lãm trưng bày quà phẩm hiến lễ được bày biện quanh khuôn viên Tòa Thánh. Từ những bông hoa và trái cây bình thường, nhờ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đã tạo thành những tác phẩm rực rỡ, sống động theo nhiều chủ đề như long, ly, quy, phụng…
Phần lễ theo truyền thống được tổ chức vào đêm 15 tháng Tám âm lịch, kéo dài từ chiều đến 12 giờ đêm với nhiều hoạt động như rước cộ bông Phật Mẫu và cửu vị Tiên Nương, múa rồng nhang, ngọc kỳ lân, quy, phụng. Trong đó, đoàn rước cộ bông Phật Mẫu diễn ra rất lớn, theo sau là đội nhạc, đội trống, vũ công và đội múa lân.
Đặc biệt, múa Rồng nhang là một nét đặc trưng chỉ có ở Tây Ninh. Con rồng dài gần 20m được điều khiển bởi 30 vũ công. Khói nhang nghi ngút cùng những chuyển động liên tục khiến người xem cảm nhận được sự tôn nghiêm và uy lực của con vật linh thiêng này trong tín ngưỡng. Con Rồng nhang sẽ chuyển mình chầm chậm về hướng Tòa Thánh.
Bên cạnh những nghi thức dâng hương, cúng lễ, đọc kinh theo tập tục của đạo Cao Đài trong những ngày lễ, các nghệ nhân còn tổ chức các cuộc biểu diễn nghệ thuật, múa hát, đưa rước.