Lễ hội Kỳ Yên ở Gò Công Tây (Tiền Giang)

Lễ hội Kỳ Yên (tức lễ hội Cầu An) được tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng Mười Hai âm lịch hằng năm tại đình Vĩnh Bình ở thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Đây được xem là nơi tổ chức lễ hội Kỳ Yên lớn nhất tỉnh Tiền Giang.

Tương truyền, năm Giáp Thìn 1904, vùng Gò Công tan tác bởi cơn bão lớn, sau đó là trận đại dịch. Dân làng lập “Đàn Tràng” để cầu An. Thầy pháp dựng bài vị Đức Thánh Trần Hưng Đạo để xua đuổi âm binh, cô hồn quấy phá. Nay tượng Đức Thánh Trần vẫn được dựng trong sân đình. Năm 1979, đình tạm dời về miếu Bà (miếu thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na). Ngôi đình hiện nay do bà Sáu Biếu, một người dân trong vùng, bỏ tiền ra xây dựng năm 1995.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, đường phố thị trấn Vĩnh Bình nhộn nhịp hẳn lên. Nhà nhà đều dọn dẹp tươm tất, chưng mâm ngũ quả trước cửa nhà để đón rước “sắc thần”. Từ chiều ngày 14 tháng Chạp, đội lân rồng của đình cung thỉnh “Bàn Các Ấp” của thị trấn về ngôi đình, để cung thỉnh những vị đang được thờ tại các miếu và thỉnh vong linh các bậc tiền bối có công với địa phương. Trên bàn là các phẩm vật nông nghiệp, được các nghệ nhân làm thành những hình tượng tứ linh trông rất sinh động để cúng tạ Thành Hoàng. Sau đó là lễ đưa linh vị thần đến miếu Bà, cúng tế rồi lại đưa linh vị thần trở về đình (do quan niệm Thánh Mẫu rất thiêng, nên mỗi lần cúng đình phải làm lễ viếng Bà tại miếu, đưa linh vị thần đến miếu Bà, cúng tế Bà rất long trọng, rồi mới đưa linh vị thần trở về đình an vị).

Ngày 15 diễn ra các lễ cúng Tiền Hiền, Hậu Hiền, vong linh anh hùng liệt sĩ; đến nửa đêm thì cúng tế thần. Suốt ngày 16, dân làng đến dâng lễ vật (thịt, xôi, bánh, trái…) cùng khách thập phương đến cúng tế và tham gia các hoạt động của lễ hội. Đội rồng không ngớt mua vui. Khi mặt trời sắp lặn, đội rồng đi quanh chợ, chúc mọi người phát đạt, thịnh vượng. Nửa đêm, lễ tống gió được tiến hành. Những con tàu bằng giấy bóng kính, trang trí cầu kỳ, thắp những cây đèn cầy được thả trôi sông cùng các nghi lễ tống gió độc, xui xẻo ra biển. Bên cạnh phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian kéo dài suốt ba ngày như: đẩy cây, bịt mắt đập nồi, bắt vịt trên sông, ngâm thơ, múa lân, ra câu hò, câu đối, v.v..

Lễ hội Kỳ Yên ở Gò Công Tây mang đậm nét văn hóa truyền thống của vùng đất nông nghiệp đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm nay, nhằm đánh dấu một năm yên ổn, mưa thuận gió hòa, cầu cho một năm mới bình an, mùa màng thắng lợi, bội thu…