Lễ hội làng rèn Tây Phương Danh (Bình Định)

Lễ hội làng rèn Tây Phương Danh được tổ chức vào các ngày 12, 13 và 14 tháng Hai âm lịch hằng năm tại làng Tây Phương Danh, thuộc thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Đây là một lễ hội mang tính truyền thống, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của những người thợ làng rèn đối với cụ tổ sáng lập và những bậc tiền hiền trong nghề.

Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, nghề rèn có mặt ở đây khoảng 300 năm. Thời đó, nông nghiệp phát triển mạnh nên khắp đều cần các loại nông cụ được làm từ kim khí. Cụ tổ của nghề rèn ở đây là ông Đào Giã Tượng – người đã đem nghề rèn từ miền Bắc vào, truyền thụ cho người dân địa phương để vừa tạo kế sinh nhai, vừa phục vụ sản xuất. Từ đó, nghề rèn được duy trì và ngày càng phát triển.

Để tưởng nhớ ông tổ nghề rèn nơi đây, hằng năm, người dân Tây Phương Danh đã long trọng tổ chức Lễ hội làng rèn. Lễ hội này không những quy tụ những hộ đang làm nghề rèn tại địa phương mà còn lôi cuốn cả những người cùng nghề trong toàn tỉnh. Ngoài ra, lễ hội còn thu hút sự tham gia của những nghề có liên quan đến nghề rèn như nghề sắt. Nhiều hộ đã mang nghề truyền thống của làng mình đi lập nghiệp ở phương xa cũng sắp xếp về quê để trẩy hội cùng bà con.

Đúng 4 giờ sáng ngày 12 tháng Hai âm lịch, các vị bô lão nghiêm chỉnh trong lễ phục truyền thống cùng hàng nghìn người dân trong nghề trang trọng đứng trước bàn thờ Tổ và các bậc tiền hiền khai sinh ra nghề, đồng thanh khấn nguyện cho quốc thái dân an, bày tỏ lòng biết ơn của những thế hệ được thừa hưởng nghề đối với tiền nhân và cầu xin cho sự phồn vinh luôn ưu ái với nghề rèn. Sau phần nghi lễ, lễ hội được tiếp tục với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi nổi như: hát bộ truyền thống, thi kéo co, đập ấm,… và các chương trình văn nghệ quần chúng của lực lượng thanh niên.