Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn (Bình Định)

Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn được tổ chức vào mùng 4 và 5 tháng Giêng âm lịch hằng năm tại Bảo tàng Quang Trung, nằm trên địa bàn thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ và kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, đánh thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn (Bình Định) là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước trong những ngày đầu xuân. Ngoài nghi lễ truyền thống, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng,… diễn lại trận đánh lịch sử với những y phục, voi trận như ngày xưa vua Quang Trung ra trận, thu hút đông đảo khách nước ngoài, nhân dân cả nước và đặc biệt là người dân đất võ tham dự.

Lễ hội gồm có hai phần: Lễ và Hội. Phần Lễ diễn ra từ chiều mùng 4 Tết với nhiều nghi lễ cổ truyền đặc sắc được tổ chức tại điện Tây Sơn. Lễ tế được tổ chức tôn nghiêm, cả khu vực rộng lớn, cờ lọng, nghi trượng rợp trời, chiêng trống rền vang… Người dự lễ như cảm thấy lòng mình hòa nhập với hồn thiêng sông núi, địa linh nhân kiệt.

Phần Hội trong ngày mùng 5 Tết tuy có thay đổi hằng năm nhưng các mục chính thì năm nào cũng có, đó là diễn văn ôn lại lịch sử Tây Sơn với cuộc đại phá quân Thanh, biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn và thao diễn trận pháp. Tiết mục võ thuật Tây Sơn với các bài quyền truyền thống nổi tiếng được các võ sư, võ sĩ, nghệ nhân tên tuổi hàng đầu Bình Định biểu diễn như: Lão mai độc thọ, Ngọc trản quyền, Hùng kê quyền; các bài võ sử dụng binh khí như: Lôi long đao, Song phượng kiếm, Tuyết hoa song kiếm và Lôi phong tuỳ hình kiếm, hay các bài roi như Roi Thái sơn, Roi Hắc đảnh ô sơn,… thu hút sự chú ý và tán thưởng của đông đảo người dự lễ hội.

Tiết mục nhạc võ Tây Sơn là môn nghệ thuật độc đáo của tỉnh Bình Định. Người biểu diễn vừa phải có tâm hồn nghệ sĩ, vừa là bậc võ sĩ siêu đẳng và luyện đôi tay thần diệu để tác dụng lên lòng trống, vành trống và thân trống bằng cả hai bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, cánh tay, tiếp xúc vào một bộ trống gồm 12 chiếc lớn nhỏ khác nhau gọi là “Song thủ đả thập nhị cổ”, tạo nên những âm thanh hùng tráng khác lạ, khiến người xem như bị lôi cuốn, thúc giục. Tiết mục biểu diễn chiến trận Đống Đa lại càng hào hứng và hấp dẫn hơn, được tổ chức trên địa thế rộng, dàn dựng, tập dượt công phu, có cả nghìn người thao diễn với cờ xí, chiêng trống, sắc phục, đồn lũy,… y như thật, có năm còn có 4-5 con voi trận tham gia.

Màn biểu diễn nhạc võ Tây Sơn làm cho người xem dễ dàng cảm nhận tiếng gươm khua, tiếng binh khí, tiếng hò reo của quân sĩ, tiếng súng nổ, tiếng voi gầm, ngựa hí hòa lẫn vào tiếng trống. Người xem có cảm giác như đang đứng giữa trận tuyến, không gian như vang vọng hồn thiêng sông núi và được trở về với lịch sử, chứng kiến một thế trận thần tốc, táo bạo. Tiếng trống như giục giã, như thôi thúc, người xem có thể bị kích động và sẵn sàng xông lên sống mái.

Ngày nay, đi dự lễ hội Tết Đống Đa đối với người dân đất võ đã trở thành niềm tự hào và cũng là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được trong những ngày đầu xuân.

Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn đã tái hiện lại một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc dưới sự chỉ huy tài tình, sáng suốt của người anh hùng áo vải Quang Trung, cùng tinh thần thượng võ của người dân Bình Định. Hơn hết, lễ hội đã góp phần tô thắm thêm tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc không bao giờ thay đổi trong mỗi con người Việt Nam.