Lễ hội lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn tại xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long được tổ chức vào mùng 3 và mùng 4 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội mang tính cộng đồng của các dân tộc Kinh – Hoa – Khmer trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và những tỉnh lân cận.
Theo cuốn Di tích lịch sử văn hóa Vĩnh Long (do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long phát hành năm 2009), ông Nguyễn Văn Tồn là người Khmer, tên thật là Thạch Duồng. Lúc nhỏ, ông theo làm nô bộc trong phủ Chúa Nguyễn, vì hết lòng tận tụy trung thành nên được giao nhiệm vụ thống quản đội quân Khmer. Sau, ông được vua Gia Long trọng dụng, được thăng chức Thống chế, tước Dung Ngọc Hầu. Ông có công lớn giúp dân vùng Trà Ôn, Trà Vinh, Măng Thít khai khẩn đất hoang, thành lập xóm làng… Sau khi mất, ông được triều đình truy tặng Tiền quân Thống chế, được vua nhà Nguyễn phong Trung Đẳng Thần vào năm 1844. Ông được người dân địa phương xem như một vị thần linh bảo hộ, một vị tiền hiền. Người Hoa xem ông như ông Bổn (theo tín ngưỡng của người Hoa, “ông Bổn” có ý nghĩa là “ông Tổ”) ở địa phương. Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn trở thành vị phúc thần của bà con ba dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa.
Lăng mộ ông Nguyễn Văn Tồn có ba ngôi: chánh điện, võ ca và nhà khách. Tất cả các công trình kiến trúc đều làm bằng gỗ, lợp ngói, nền gạch, vách gạch. Xung quanh lăng mộ của ông cùng phu nhân có nhiều cây cao bóng mát. Ngoài việc thờ ông và phu nhân, lăng Ông còn thờ các danh nhân: Tả quân Lê Văn Duyệt, Bình Tây tướng quân Trương Định, Bình Tây phó tướng Nguyễn An. Riêng phần mộ của Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn và phu nhân làm theo kiểu song táng, nằm phía sau lăng thờ, xung quanh có tường hoa, bình phong, trụ liễu,… trang trí hình lá, giao long và có cặp kỳ lân đứng hầu.
Hiện nay, hằng năm tại lăng Ông diễn ra các ngày lễ: giỗ Tiền quân phu nhân vào ngày 16, 17 tháng Hai âm lịch; giỗ Phó soái Nguyễn An, Tiền hiền và Hậu hiền vào ngày 20 tháng Mười âm lịch. Nhưng quan trọng nhất là lễ giỗ Ông vào mùng 3, 4 tháng Giêng âm lịch. Trong những ngày này, hàng chục nghìn lượt người Kinh, Hoa, Khmer trong và ngoài tỉnh về tham dự lễ giỗ rất đông. Lễ giỗ Ông gồm các nghi thức: túc yết, chánh tế, tế Tiền hiền, Hậu hiền, xây chầu đại bội và hát bội.
Trong lễ giỗ Ông, có tái hiện nhiều trò chơi dân gian: đẩy gậy, nhảy bao, đá gà ép, đập heo đất, đá bóng mù.