Lễ hội Cầu mưa của người Chăm – Vân Canh (Bình Định)

Dân tộc Chăm H’roi sống ở Vân Canh, một huyện miền núi của tỉnh Bình Định, nằm ở chân dãy núi Trường Sơn. Nguồn nước khan hiếm, mưa ít, nắng nhiều dẫn đến tâm lý sợ nắng hạn kéo dài sẽ mất mùa, gây sự đói kém. Do vậy, cứ vào đầu tháng Hai âm lịch hằng năm (sau Tết Nguyên đán), dù trời hạn hay trời mưa, đồng bào đều tổ chức lễ hội. Tùy theo thời tiết mà có tên gọi cho từng dịp lễ hội – trời hạn thì gọi là lễ cầu mưa, còn có mưa mà hành lễ thì gọi là lễ mừng mưa.

Lễ hội Cầu mưa của người Chăm là một lễ hội của người đồng bào Chăm H’roi ở Vân Canh với quan niệm mọi biến chuyển của vũ trụ đều do Trời Phật, thần linh hoặc ma quỷ điều khiển; con người muốn đạt được sở nguyện thì phải cầu nguyện, cúng khấn để được thần linh trợ giúp.

Để cầu mưa, đồng bào có thể làm lễ riêng trên rẫy của mình. Hoặc nếu trời nắng quá lâu, cả làng (plây) sẽ làm chung một lễ, cùng chuẩn bị và cùng đóng góp lễ vật để cúng. Trước tiên, làng sẽ cử người dựng một đài dâng lễ vật, lễ vật trên đài gồm một con gà trống, một bình rượu, một vòng sáp ong để đốt và một bát gạo. Đài dâng lễ vật được đặt tại sân nhà của già làng hoặc bến nước của làng.

Đài và án được dựng từ bốn gốc cây Pay Ch*panh (cây gạo). Phần trên là án, phần dưới là đài, được các nghệ nhân trong làng trang trí tua, họa tiết cách điệu hoa văn theo mô típ Chăm có tên gọi là Pơrưng. Bên cạnh đó là cây nêu vươn cao, tạo thành đôi cánh chim (loài chim biểu trưng cho sự yên bình của đồng bào Chăm H’roi). Đó là một cách thể hiện thông điệp cầu trời cho sự yên bình của đồng bào.

Công việc chuẩn bị xong thì bắt đầu lễ cúng. Một chiếc chiếu cói mới (chưa dùng) được trải ra phía dưới đài và án. Ở giữa chiếu có đặt một chiếc đĩa dựng hai đồng xu để gieo quẻ âm dương, xung quanh chiếu là các ché rượu cần. Số người làm lễ cúng phải là số lẻ do làng chọn, từ 3 đến 5 người (hoặc từ 7 đến 9 người), kể cả lễ vật cũng phải là số lẻ để khi cầu Giàng cho thêm chẵn là đủ. Trong các lễ thức, đồng bào bao giờ cũng chỉ cầu đủ là vừa bụng – không tham nhiều vì sợ lấy nhiều, lần sau xin Trời sẽ không cho. Trong số người tham gia cúng, dân làng chọn ra một người có uy tín đưa lên ngồi trên đài, tượng trưng cho người của Giàng (Trời). Bên dưới, già làng khấn cúng.

Kết thúc lễ, trống Kơtoong cùng dàn chiêng trỗi lên giai điệu A Tonh Ch’yong e pla (chào Trời – chào khách). Trai gái trong làng đi ngược chiều kim đồng hồ, nhịp nhàng nhảy múa hú gọi. Tư thế của họ tượng trưng cho gió thổi, mây bay, sấm nổ đón những giọt mưa từ “người của Giàng” ngồi trên đài đổ xuống. Người làm lễ cúng cùng già làng chia lễ vật cho thần linh, mọi người vừa ăn uống, vừa nhảy múa. “Người của Giàng” vẩy nước vào mọi người xung quanh và ném rải những hạt lúa xuống. Dân làng tin rằng, như vậy là Trời đã chấp thuận cho mưa nên vui vẻ tham gia lễ hội, cùng nhau uống rượu và múa Xoang Ch’yong với niềm tin Trời sẽ mưa thuận, gió hòa cho dân làng có nước sản xuất.